Phẩm chất bộ đội Cụ Hồ là những giá trị cao đẹp được hình thành, phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta, cũng như trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nỗ lực, bền bỉ, với bao mồ hôi, công sức và cả xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội; trở thành biểu tượng cao quý được nhân dân suy tôn, yêu mến, quý trọng. Những giá trị cao đẹp của phẩm chất bộ đội Cụ Hồ là những giá trị bền vững. Tuy nhiên, nội dung biểu hiện của những giá trị ấy luôn có sự vận động, phát triển, thể hiện sống động trong nhận thức tư tưởng, tỏa sáng trong hoạt động thực tiễn quân sự, chí tình, chí nghĩa trong các mối quan hệ với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, với đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế của cán bộ, chiến sĩ. Do đó, đòi hỏi phải luôn được gìn giữ, kế thừa và không ngừng phát triển, bồi đắp, phù hợp với điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội trong tình hình mới.
Nhà trường quân đội là nơi trực tiếp nuôi dưỡng, hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Ở đó, các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với những tinh hoa văn hóa nhân loại được truyền thụ và tiếp nhận một cách cơ bản, hệ thống và sâu sắc thông qua hoạt động giảng dạy, học tập, tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ những người thày, người trò, cán bộ, chiến sĩ theo mục tiêu yêu cầu đào tạo. Chính vì vậy, nhà trường quân đội phải trở thành môi trường tiêu biểu, mẫu mực để gìn giữ, phát triển, làm lan tỏa, thẩm thấu giá trị phẩm chất bộ đội Cụ Hồ vào đến nhân cách của bộ đội; trong đó, cần thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, của Quân ủy Trung ương về giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong quá trình giáo dục, đào tạo ở các nhà trường quân đội.
Hiện nay, các nhà trường quân đội cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Chỉ thị 855 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, các nội dung, chỉ tiêu thực hiện Cuộc vận động vào trong quá trình đổi mới các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là cụ thể hóa 5 chuẩn mực phẩm chất bộ đội Cụ Hồ được xác định trong Chỉ thị 855 của Thường vụ Quân ủy Trung ương vào trong việc xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội. “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”; đào luyện nên đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, lý tưởng cách mạng cao đẹp; có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; có kiến thức, năng lực toàn diện, có tư duy lãnh đạo, chỉ huy, quản lý và phương pháp, tác phong công tác dân chủ, khoa học; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình.
Gắn kết chặt chẽ quá trình giáo dục, đào tạo với truyền thụ, tiếp nhận các giá trị phẩm chất bộ đội Cụ Hồ cho các thế hệ học viên
Cùng với quá trình truyền thụ những tri thức khoa học, huấn luyện, rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ quân sự theo mục tiêu yêu cầu đào tạo của các đối tượng học viên, các nhà trường quân đội cần phải coi trọng giáo dục, bồi đắp hệ giá trị phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, bảo đảm sự hài hòa giữa các phẩm chất đức, trí, thể, mỹ; giữa dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Theo đó, cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; coi trọng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, pháp luật, kỷ luật; giáo dục về bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội, về nội dung, yêu cầu của phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới; gắn giáo dục chính trị tư tưởng với hoạt động giảng dạy, huấn luyện, rèn luyện bộ đội. Quán triệt và thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên về tu dưỡng, rèn luyện và thực hành các chuẩn mực phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.
Tạo lập môi trường văn hóa sư phạm quân sự trong sạch, lành mạnh, không ngừng lan tỏa giá trị phẩm chất bộ đội Cụ Hồ vào đến nhân cách của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ
Nhà trường quân đội cần tiếp tục triển khai thực hiện có chiều sâu và hiệu quả “Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị quân đội”. Trong đó, cần tập trung xây dựng nhà trường có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, hướng mọi hoạt động của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ tới những chuẩn mực giá trị phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Xây dựng các quan hệ văn hóa văn minh, lành mạnh, mà cốt lõi nhất là quan hệ thày – trò, cấp trên – cấp dưới, đồng chí, đồng đội trong môi trường hoạt động sư phạm quân sự, các mối quan hệ này phải được hòa quyện hữu cơ giữa các yếu tố văn hóa của truyền thống “tôn sư trọng đạo”, của tình thày trò “hết lòng vì học viên thân yêu”, tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó. Xây dựng thiết chế, cảnh quan văn hóa hài hòa, thân thiện, hiện đại, tạo nên cả diện mạo cũng như chiều sâu của nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của bộ đội. Tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình, điểm sáng văn hóa, như: “Dạy tốt, học tốt”, “học giỏi, rèn nghiêm”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, đào tạo”; các mô hình “Giờ học kiểu mẫu”, “Bài giảng hay, giờ giảng tốt” và mô hình nhà trường “chính quy, tiên tiến, mẫu mực”…
Xây dựng phong trào tự tu dưỡng, tự rèn luyện, phấn đấu xứng danh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới ở các nhà trường quân đội
Để những chuẩn mực giá trị phẩm chất bộ đội Cụ Hồ chuyển hóa vào bên trong, trở thành những phẩm chất nhân cách nội sinh của mỗi cá nhân, đòi hỏi rất cao sự nỗ lực phấn đấu, tự tu dưỡng, tự rèn luyện một cách bền bỉ, thường xuyên liên tục của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Chỉ khi nào việc tự học, tự rèn trở thành nhu cầu tự thân, thói quen hằng ngày thì những giá trị phẩm chất bộ đội Cụ Hồ mới được thường xuyên bồi đắp, hoàn thiện, trở thành những phẩm chất cao đẹp, bền vững trong nhân cách của mỗi người quân nhân cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Tự giáo dục, tự rèn luyện còn tạo ra khả năng “tự miễn dịch”, tự bảo vệ mình trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của xã hội, từ sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa. Do đó, các nhà trường quân đội cần phải có nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả để tạo dựng phong trào “tự giác, tự quản, tự rèn”. Đây là nhân tố trực tiếp quyết định đến chất lượng và hiệu quả của quá trình rèn luyện, phấn đấu xứng danh bộ đội Cụ Hồ của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ ở các nhà trường quân đội trong thời kỳ mới.
Tác giả: Đỗ Đức Giang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng