Giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết của vi hồng

Vi Hồng, nhà văn tiêu biểu của văn học dân tộc Tày. Vi Hồng đã viết nhiều về đề tài miền núi, đặc biệt về dân tộc Tày, viết cho người Tày mình đọc, đồng thời các dân tộc khác hiểu về người Tày hơn. Tiểu thuyết Vi Hồng là một bức tranh khái quát về cuộc sống, con người miền núi. Ông gửi gắm tình yêu sâu sắc vào những trang văn về phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, suy nghĩ, tình cảm của người dân Việt Bắc qua giọng điệu trần thuật độc đáo.


1. Những yếu tố ảnh hưởng đến giọng điệu tiểu thuyết Vi Hồng

Giọng điệu, một bộ phận của phong cách, là thái độ, tình cảm của nhà văn bộc lộ trong lời văn nghệ thuật. Giọng điệu của nhà văn Vi Hồng được hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó, nền văn hóa dân tộc Tày, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm hồn nhà văn là những yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc nhất.

Vi Hồng sáng tác chủ yếu từ sau năm 1975. Hiện thực đời sống tác động đến việc hình thành giọng điệu của ông chính là quê hương, nền văn hóa dân tộc. Có thể nói, tất cả phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa… của người Tày đã ngấm sâu vào Vi Hồng. Bởi vậy, những trang văn của ông chan chứa một giọng điệu chân thật, mộc mạc, giản dị. Độc giả nhận thấy giọng điệu yêu thương, tha thiết khi ông viết về quê hương, dân tộc mình.

Với Vi Hồng, gia đình có ý nghĩa quan trọng. Ông ý thức được rằng: “Tình yêu và hạnh phúc gia đình bao giờ cũng là đôi cánh rất khỏe cho tâm hồn thi sĩ…, đóng vai trò quan trọng trong việc bắc nối hai bến bờ của tâm hồn, sáng tạo”(1). Quan niệm như vậy, cho thấy niềm khao khát có một gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, sự thực lại khắc nghiệt, trái ngược với ước mơ, khát vọng của nhà văn. Vi Hồng đã gặp nhiều éo le trong tình yêu, hạnh phúc: “Sự thật về việc lấy vợ của tôi, nó khắc nghiệt như đá” (2). Việc lấy nhầm vợ chính là động lực trực tiếp dẫn dắt Vi Hồng vào ngả văn chương. Tất cả những đau khổ ấy ảnh hưởng sâu sắc đến giọng văn của Vi Hồng. Ông đã nói “những khi buồn nhất thì tôi lại thấy thương thật nhiều, yêu thật nhiều về những nỗi đau của bè bạn, người quen và của con người nói chung” (3). Bởi thế, đọc tiểu thuyết Vi Hồng, độc giả nhận ra giọng điệu cảm thông, yêu thương và chia sẻ với những đau khổ của nhân vật, giọng điệu khát khao, ca ngợi, tin tưởng vào tình yêu, hạnh phúc chân chính.

Dường như ở Vi Hồng có ba con người khác nhau cùng tồn tại: một con người có nỗi khổ đau vô tận, một nhà giáo tâm huyết và một nhà văn mộc mạc. Nhưng dù là ở con người nào đi nữa, Vi Hồng luôn có một tình yêu văn chương sâu sắc, một trái tim nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, niềm say mê lao động miệt mài, nghiêm túc. Ông yêu văn chương từ nhỏ: nghe truyện cổ từ lúc lên 5, học các điệu lượn từ thuở lên 10, làm phong thư lúc 13 và sáng tác kịch thơ khi chưa tròn 20 tuổi. Lúc nào ông cũng treo một câu của Banzac trước bàn làm việc của mình: “Hãy làm việc như một cái cuốc”. Tự học trong điều kiện nghèo khổ, cực nhọc, Vi Hồng dường như không chỉ học cho mình mà còn học cho cả làng bản, quê hương.

2. Giọng điệu trong tiểu thuyết của Vi Hồng

Khảo sát một số tiểu thuyết tiêu biểu của Vi Hồng: Đất bằng (1980), Vãi Đàng (1980), Núi cỏ yêu thương (1984), Người trong ống (1990), Lòng dạ đàn bà (1992), Dòng sông nước mắt (1993), Tháng năm biết nói (1993), Đọa đầy (1997)…, giọng điệu trần thuật có những biểu hiện như sau:

Giọng điệu mỉa mai, căm giận

Giọng mỉa mai, căm giận bày tỏ cái nhìn nghiêm ngặt của nhà văn về con người. Vi Hồng thẳng thắn bộc lộ thái độ bất hợp tác với cái xấu, cái ác đồng thời kiên quyết đấu tranh để tìm đến chân, thiện, mỹ. Trong tiểu thuyết của ông, nhân vật được phân chia thành hai tuyến rõ ràng: chính diện và phản diện. Giọng điệu mỉa mai, căm giận thể hiện rõ khi ông miêu tả nhân vật phản diện. Nhà văn căm ghét, lên án những kẻ độc ác, tráo trở, ngu dốt, tham lam, bất nghĩa…

Nhân vật phản diện trong tiểu thuyết của Vi Hồng thường xấu từ ngoại hình đến tính cách. Pá Ngạn, La Đăm Đông (Đọa đầy), Ngô Khang Sa (Lòng dạ đàn bà), Bùng, thằng Thìm (Tháng năm biết nói), Kinxa (Dòng sông nước mắt)… đều là những kẻ xấu xí, độc ác, sống chỉ làm “bẩn cả mường” (Tháng năm biết nói). Khi miêu tả ngoại hình nhân vật, Vi Hồng không châm biếm sâu cay như Nguyễn Công Hoan, không đả kích quyết liệt như Vũ Trọng Phụng. Chỉ với đôi nét tả ngoại hình không hề phóng đại, ông đã vẽ nên rõ nét chân dung nhân vật. Người đọc nhận thấy thái độ mỉa mai, sự ghê tởm của nhà văn khi ông miêu tả đôi mắt lác độc, lác địa của La Đăm Đông (Đọa đầy), cặp môi “dày và trề ra như một cái máng con” của Pá Ngạn (Đọa đầy) hay nụ cười ngờ nghệch của thằng Thìm “cười như trâu cười nước đái của nó” (Tháng năm biết nói)… Cái xấu luôn được Vi Hồng ví với những con vật xấu xí, độc ác, những vật vô tri vô giác… Hàng loạt so sánh: “đầu nhỏ tí như củ khoai sọ”, “mặt dài như mặt ngựa”, “mồm bẹt rộng như mồm ếch”, “trán ngắn như trán khỉ, mặt gãy như mặt vượn già”, “cằm nhọn như cái cọc trước khi đóng xuống đất”… cho thấy sự phong phú trong ngôn ngữ của nhà văn, đồng thời biểu lộ rõ giọng điệu khinh bỉ, căm ghét của Vi Hồng. Trong sáng tác của ông, nhân vật phản diện không chỉ xấu mà còn ác đến cùng cực. Tảo Pá Ngạn là hiện thân của thủ đoạn, mưu độc kế sâu, hắn tìm mọi cách để giành lấy giàu sang, danh vọng và quyền lực. Ngô Khang Sa (Lòng dạ đàn bà) là một kẻ có tâm địa hẹp hòi, nhẫn tâm, ích kỷ. Ở hắn chỉ có sự tráo trở, độc ác, vô ơn bội nghĩa. Điển hình của sự luồn cúi, nịnh nọt là Ba (Người trong ống), một kẻ suốt đời sống khom lưng lấy lòng cấp trên. Nhưng cuối cùng, cái con “người trong ống” ấy hiện nguyên hình là một “con sinh vật” không hơn không kém! Tóm lại, Vi Hồng căm giận, lên án những kẻ làm mưa, làm gió ở những bản làng nhỏ bé, vốn dĩ rất đỗi yên bình, những kẻ luôn hãm hại người tốt, làm đảo lộn cuộc sống của những người dân lương thiện.

Giọng điệu tha thiết yêu thương

Giọng tha thiết yêu thương thể hiện một cái nhìn trìu mến, thái độ gắn bó sâu sắc của Vi Hồng đối với con người, với cuộc đời. Nhà văn nhận thức được đâu là cái đẹp, cái cao cả đáng ngợi ca, đâu là chân, thiện, mỹ ở đời. Nhận thức ấy khởi nguồn cho tình yêu, niềm tin mãnh liệt và vững bền vào cuộc sống. Nặng lòng với người miền núi, với người Tày, luôn trăn trở “như thế nào là thiện, là ác?”, Vi Hồng tâm niệm: “Phận sự của nhà văn miền núi là làm sao giúp dân tộc mình canh chừng kẻ ác, cái ác” (4). Càng căm giận cái xấu, cái ác, Vi Hồng càng yêu mến, trân trọng những con người giản dị, chân chất, thật thà, đôn hậu của dân tộc mình. Ông say sưa ca ngợi vẻ đẹp của con người, quê hương. Giọng điệu tha thiết yêu thương toát lên từ đó.

Nhân vật chính diện trong sáng tác của Vi Hồng được nhà văn miêu tả rất đẹp, một vẻ đẹp toàn diện cả hình thức, tâm hồn, vẻ đẹp tuyệt đối và lý tưởng. Họ là những trai trẻ, gái tơ xinh đẹp, thông minh, thủy chung, nhân hậu. Xuyên suốt Tháng năm biết nói là hình ảnh một người con trai tốt bụng, đẹp trai, tài giỏi, đó là Hoàng. Ở Hoàng hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người con dân tộc Tày. Tàm, Slao, Đán, Cốc (Núi cỏ yêu thương) là những thanh niên giàu nhiệt huyết, mạnh mẽ, quyết đoán. Họ sống với nhau cởi mở và giàu tình yêu thương. Ki Nọi, Bội Hoan trong Đọa đầy đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách của thời gian, không gian để xây dựng hạnh phúc. Còn Lăng Thị Thu Lả trong Lòng dạ đàn bà, giống như một bà tiên nhân hậu, chăm sóc mọi người không một chút băn khoăn. Miêu tả vẻ đẹp hoàn thiện của nhân vật, Vi Hồng gửi gắm ở đó tình yêu con người tha thiết, ước mơ về cái đẹp tuyệt đối. Bởi vậy, giọng văn của ông đầy yêu thương, tin tưởng.

Giọng điệu tha thiết yêu thương còn thể hiện khi nhà văn viết về quê hương, bản mường rừng núi. Trả lời phỏng vấn của những người viết văn trẻ, Vi Hồng nói: “Tôi đã đi thực tế từ khi tôi chập chững biết đi. Tôi đi thực tế bằng những giấc mơ. Tôi có nhiều giấc mơ thật đẹp về quê hương, làng bản của tôi” (5). Đó là giấc mơ về bản Nặm Khao gợi nhớ với “trời trong xanh, nước trong xanh, núi rừng trong xanh” (6), là hình ảnh con thác Chín Thoong vừa êm ái, vừa dữ dội mà Hoàng luôn giữ ở trong tim, là cái nắng “mềm mại như một tấm lụa vàng khổng lồ trải bập bềnh xuống tận đáy các thung lũng và ngược các sườn non”(7). Sự liên tưởng độc đáo khiến người đọc cảm giác như có thể nhìn thấy nắng, như được chạm vào tấm lụa mềm mại ấy. Hình ảnh so sánh đẹp, có tác dụng gợi hình, gợi cảm, thể hiện tâm hồn tinh tế, tài năng sáng tạo của nhà văn.

Giọng điệu triết lý

Giọng triết lý thể hiện nhận thức sâu sắc của tác giả trước đối tượng được phản ánh. Nhà văn quan sát tìm tòi, rút ra những triết lý về cuộc sống, con người, để từ đó khẳng định lý tưởng đạo đức, theo quan niệm riêng. Vi Hồng không chỉ dựa trên bản thân hành động, sự kiện bên ngoài để phân tích nhân vật mà còn đi sâu phân tích tâm lý nhân vật, qua đó, toát lên vẻ đẹp tinh thần của họ. Nhân vật không chỉ biết đón nhận, vượt qua số phận mà còn biết suy ngẫm, đúc kết kinh nghiệm, rút ra những triết lý cuộc đời. Người trần thuật như hóa thân vào nhân vật để cùng suy nghĩ, tranh luận về vấn đề nhân sinh: cuộc sống, con người, đạo đức, phương châm sống…

Đọc Vi Hồng, ta cảm nhận thấy tâm lý dưỡng thiện, luôn đi tìm cái đẹp trong cuộc sống của những con người đã nếm trải bao mặn chát, đắng cay của một kiếp người. Trong tiểu thuyết Đọa đầy, nhân vật hay suy ngẫm về cuộc đời, về lẽ sống nhiều nhất là Đào Tha Đát. Chính ông đã dạy cho con cháu mình muốn trị người “phải lấy tấm lòng làm gốc, lấy đức độ của con người làm nguồn mạch” (8). Ông lý giải cách cai trị của mình bằng một suy nghĩ đơn giản nhưng lại là một chân lý: “Mọi cái đều có thể đổ vỡ, tiền bạc, vàng ngọc có thể chất đống trong nhà, cũng có thể mất hết nhưng có cái đạo làm người một cách tốt đẹp thì không bao giờ mất” (9). Với những đau khổ, hạnh phúc của riêng mình, những kinh nghiệm, triết lý cá nhân và khả năng chịu trách nhiệm về số phận mình, những nhân vật trong tiểu thuyết Vi Hồng là con người tự ý thức, có tính độc lập tương đối. Vi Hồng đã khám phá thế giới tâm hồn nhân vật, để nhân vật tự nhận ra lẽ sống “con người sinh ra là cố làm lợi cho người khác, làm cho người khác vui, hạnh phúc mới đáng sống, đáng tự hào. Nếu làm người mà không làm được như thế thì cũng đừng làm hại ai, đừng làm ai phiền lòng mới đúng” (10).

Chưa thể có một giọng điệu độc đáo, dễ phân biệt như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… nhưng giọng điệu của nhà văn Vi Hồng cũng đã có những nét riêng. Giọng văn của ông có cái mộc mạc, chân chất của người miền núi, cái hóm hỉnh của văn học dân gian, cái xót thương của cổ tích… Bản chất dân tộc Tày trong Vi Hồng khiến ông thể hiện rõ ràng hai cảm hứng: ngợi ca, phê phán: “mạch lạc và dứt khoát, đôi khi đến cực đoan trong đời riêng, trái tim nhà văn không ngừng đập giữa hai dòng yêu thương và hờn giận” (Vũ Anh Tuấn). Không ai có thể phủ nhận được tình yêu mãnh liệt mà nhà văn dành cho đất, người quê hương mình. Tác phẩm của ông khiến người đọc vững tin vào cuộc sống. Ở đó, bộc lộ ước mơ của tác giả về sự chiến thắng cái thiện. Đó cũng là mơ ước tốt đẹp của mọi con người ở mỗi thời đại. Có lẽ vì thế, Vi Hồng giống như ông bụt trong những câu chuyện cổ, luôn mang đến những điều tốt lành cho mọi người, đặc biệt những con người nhỏ bé, bất hạnh.

_______________

1, 2, 3, 4, 5. Vi Hồng, Ngả văn chương, Tạp chí Văn học, số 9, Hà Nội, 1994, tr.6-8.

6, 8, 9. Vi Hồng, Đọa đầy, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997, tr.39, 27, 27.

            7. Vi Hồng, Lòng dạ đàn bà, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1992, tr.188. 

10. Vi Hồng, Tháng năm biết nói, Nxb Dân tộc, Hà Nội, 1993, tr.151.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : NGÔ THU THỦY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *