Giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa truyền thống của cư dân đồng bằng sông Hồng trước tác động của nền kinh tế thị trường

Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là một vùng đất màu mỡ được hình thành do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Từ xa xưa, nền văn minh sông Hồng được coi là chiếc nôi văn hóa quan trọng của người Việt. Nền văn minh ấy đã hình thành lối sống văn hóa của cư dân, đó chính là lối sống trọng nghĩa tình, tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa mua láng giềng gần; cần cù, chịu thương, chịu khó, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống… Những đức tính, phẩm chất đó đã được cư dân ĐBSH gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác như sợi chỉ đỏ xuyên suốt để gắn kết con người lại với nhau, hướng đến mục tiêu chung thống nhất là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Lối sống văn hóa của cư dân ĐBSH được hình thành, phát triển trên nền tảng chung thống nhất của nền văn hóa dân tộc, không tách rời nhau, là bộ phận cấu thành của lối sống xã hội chủ nghĩa, hướng đến thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, trong cái chung thống nhất đó, lối sống văn hóa của cư dân ĐBSH lại mang tính đặc thù, ví dụ như: người miền Bắc rất chú trọng đến hình thức bên ngoài, khi mời khách đến chơi nhà thì phải chuẩn bị tươm tất đầy đủ mọi thứ.

Trước tác động của nền kinh tế thị trường hiện nay, đa phần cư dân ĐBSH vẫn giữ được lối sống văn hóa truyền thống trong giao tiếp, ứng xử, giải quyết các mối quan hệ; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là các chương trình, mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới đã có nhiều khởi sắc, trở thành vùng về đích đầu tiên của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm giữa năm 2019, “vùng ĐBSH có 35 huyện thuộc 11 tỉnh, thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 83,59% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, cao nhất của cả nước, vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao cho toàn vùng là 80%” (1). Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng, hiện nay việc giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa truyền thống của cư dân ĐBSH ở một số nơi còn hạn chế: đó là lối sống thiếu lành mạnh, thiếu văn hóa ở các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên ở cả đô thị và nông thôn; nhiều gia đình không còn giữ được nề nếp gia phong, thay vào đó là sự pha trộn, hỗn tạp của lối sống ngoại lai; thậm chí có người còn đem lối sống ở thành phố áp đặt lối sống cho người dân ở nông thôn; đó còn là lối sống ích kỷ, đèn nhà ai người ấy rạng, ở thành phố, thị xã. Vấn đề cơm, áo, gạo, tiền, quyền lực, địa vị, lợi ích vật chất và cuộc sống mưu sinh đã đẩy con người ra xa, làm cho lối sống, cung cách sinh hoạt ở một số vùng, một số người trở nên lạnh nhạt, gia trưởng, độc đoán, thiếu sự bao dung, độ lượng. Đảng ta đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”(2).

Lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng
Ảnh: Nguyên Trường

 

Theo đó, giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa truyền thống của cư dân ĐBSH trước tác động của nền kinh tế thị trường bao gồm tổng thể các tổ chức, lực lượng, cơ quan, chức năng, ban ngành và cư dân ĐBSH, với nội dung, hình thức, biện pháp khác nhau, tác động vào từng đối tượng cụ thể để họ nhận thức rõ tầm quan trọng của lối sống văn hóa. Đó chính là quá trình phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ của cả hệ thống chính trị – xã hội các cấp với cư dân ĐBSH, bảo đảm cho hoạt động giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa truyền thống diễn ra thường xuyên, đạt được mục đích yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Trong hoạt động giữ gìn, phát huy đó, cư dân ĐBSH là chủ thể trực tiếp, chủ yếu tổ chức các hoạt động giữ gìn, phát huy theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, quy định, truyền thống, phong tục ở từng địa phương.

Trong thời gian tới, để bảo đảm cho hoạt động giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa truyền thống của cư dân ĐBSH trước tác động của nền kinh tế thị trường diễn ra theo đúng mục tiêu, yêu cầu đã xác định; góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp cơ bản:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ thể về tầm quan trọng việc giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa truyền thống của cư dân ĐBSH

Theo đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp cơ sở ở các địa phương thuộc ĐBSH về sự cần thiết phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cư dân thấy được việc giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa là để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt đời thường, nâng tầm giá trị cuộc sống của cư dân lên một tầm cao mới; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong suy nghĩ, hành động, xây dựng một xã hội văn minh trên mọi phương diện, loại bỏ lối sống thủ cựu, thiếu văn minh. Việc giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa truyền thống của cư dân ĐBSH không chỉ khơi gợi phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của nền văn minh sông Hồng đã được bao thế hệ tạo dựng, vun đắp, mà còn là thông điệp của lịch sử để trao truyền, giáo dục, nhắc nhở các cư dân dù đi đâu hay làm gì phải luôn nhớ về cội nguồn, giữ gìn phong tục, tập quán, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, thanh lịch và không ngừng tỏa sáng lối sống văn hóa đó ra bên ngoài. Để làm được việc đó, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, nhất là cán bộ chuyên trách ở các địa phương thuộc ĐBSH phải nắm rõ những đặc điểm văn hóa, lối sống của từng vùng, phương thức sinh hoạt của cư dân ĐBSH; phải thường xuyên theo dõi, phát hiện những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa của cư dân ĐBSH, nhất là ở vùng nông thôn để có những chỉ đạo sát hợp, khuyến khích, động viên được cư dân tham gia vào các chương trình, phong trào do Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, địa phương tổ chức phát động; đồng thời chấn chỉnh, nhắc nhở đối với những cư dân ĐBSH có lối sống thiếu lành mạnh, không hòa mình vào tập thể, cộng đồng xã hội, không biết trân trọng, lưu giữ giá trị văn hóa; đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên phối hợp hoạt động với các bộ phận, lực lượng có liên quan như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân… để bảo đảm sự thống nhất về nội dung, biện pháp tiến hành.

Tổ chức những phong trào thi đua yêu nước trong cư dân ĐBSH để khơi dậy, phát huy văn hóa, bản sắc tốt đẹp, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa

Đây là những nội dung quan trọng để giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa truyền thống của cư dân ĐBSH trước tác động của nền kinh tế thị trường hiện nay. Việc tổ chức những phong trào thi đua yêu nước trong cư dân ĐBSH sẽ huy động được tất cả các thành phần, lực lượng tham gia ở từng lĩnh vực, ngành nghề hoạt động khác nhau, như các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, Vì an ninh Tổ quốc, Trái tim cho em, Cả nước chung tay về người nghèo; tổ chức những lễ hội truyền thống mỗi độ tết đến xuân về; xây dựng gia đình văn hóa gắn với các tiêu chí, yêu cầu do địa phương đặt ra… sẽ giúp cho cư dân ĐBSH có cơ hội, điều kiện được thể hiện mình và cũng để quảng bá hình ảnh văn hóa, lối sống của quê hương, địa phương đối với địa phương khác và nhân dân cả nước. Theo đó, nội dung tổ chức những phong trào thi đua yêu nước trong cư dân ĐBSH phải hướng đến ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, thành tựu của đất nước đạt được sau gần 35 đổi mới cũng như phẩm chất, truyền thống của địa phương. Về hoạt động giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa: cần phải tập trung tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho phù hợp với truyền thống văn hóa, lối sống của dân tộc; chú trọng đến việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gia đình văn hóa mẫu mực tiêu biểu đa dạng hóa các hình thức, biện pháp giữ gìn, phát huy gắn với từng phong trào cụ thể ở từng vùng, địa phương, như phong trào xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tích cực, chủ động vươn lên trong cuộc sống; thực hiện Luật Bình đẳng giới, xây dựng các câu lạc bộ vui chơi giải trí cho trẻ em, người cao tuổi… Đây là những hoạt động thiết thực, cụ thể gắn liền với sinh hoạt đời thường của cư dân ĐBSH, không chỉ phản ánh bức tranh quần tụ trong không gian văn hóa nhất định, mà còn phản ánh lối sống văn hóa rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn của cư dân ĐBHS, từ đó, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn xã hội, cổ vũ, kích thích, tạo động lực cho các cư dân ĐBSH nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nói chung và lối sống văn hóa nói riêng để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, hạnh phúc.

Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về hoạt động giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa truyền thống của cư dân ĐBSH

Thông qua tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm sẽ giúp cho các chủ thể quản lý và cư dân ĐBSH nhận thấy những việc làm được cũng như những việc chưa làm được, từ đó phát huy những mặt tích cực, đề ra cách thức, biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt từ các điều kiện vật chất bảo đảm cho đến phân công giao nhiệm vụ cho các bộ phận, lực lượng tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hội nghị; đề cao tính tích cực, chủ động, tự giác của từng người trong hội nghị; đặc biệt phải làm rõ việc phát triển kinh tế thị trường tác động như thế nào đến hoạt động giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa của cư dân ĐBSH, trên cơ sở đó tập trung thảo luận, tìm ra những điểm nút, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm cho các hoạt động giữ gìn, phát triển, xây dựng môi trường văn hóa, lành mạnh, trong cộng đồng dân cư. Việc sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về hoạt động giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa của cư dân ĐBHS cần được xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể của cả vấn đề. Việc khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân về hoạt động giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa của cư dân ĐBSH phải đúng người, đúng việc, không được tô đen, bôi hồng, có như vậy, mới làm cho hoạt động giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa của cư dân ĐBSH đi vào chiều sâu, khơi dậy được tính tự giác của mọi tầng lớp dân cư ĐBSH.

Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”(3). Theo đó, giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa của cư dân ĐBSH trước tác động của nền kinh tế thị trường là sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, điều hành, tổ chức quản lý của chính quyền địa phương. Việc giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa của cư dân ĐBSH sẽ tiếp tục vẽ nên bức tranh văn hóa đa màu sắc, nhưng thống nhất ở tính ổn định, bền vững, góp phần làm thay đổi diện mạo về phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân ở ĐBSH nói chung và ở từng địa phương nói riêng.

__________________

1. Số xã đạt nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước, dangcongsan.vn, ngày 17-8-2019.

2, 3. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Tác giả: Khuất Thị Vang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *