Hà Nội, nơi ca khúc Việt Nam phát triển


Từ nửa cuối TK XX đến nay, lĩnh vực âm nhạc luôn nổi bật so với các loại hình nghệ thuật khác, những tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc được công chúng đón nhận một cách cởi mở. Hà Nội trở thành giao điểm sáng tác, biểu diễn, lý luận, củng cố, bổ sung hệ thức giá trị xã hội âm nhạc, từ giao hưởng, thính phòng đến ca khúc phổ thông.

      Nhìn vào lịch sử cho thấy, Hà Nội là nơi sinh phát phong trào nhạc mới từ những năm đầu TK XX, tiền đề cho âm nhạc chuyên nghiệp phát triển sau 1954. Một số ca khúc sáng tác trước năm 1945 như: Đêm đông (Nguyễn Văn Thương), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong) được phổ thông, đại chúng hóa. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhiều ca khúc xuất hiện, tạo ảnh hưởng lớn trong thủ pháp sáng tác như: Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Trường ca sông Lô (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Lá xanh (Hoàng Việt)… Suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội trở thành niềm tự hào của nhân dân Việt Nam qua các ca khúc nổi tiếng: Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân)… Sau năm 1975, làn sóng ca khúc mới xuất hiện, được người Hà Nội đón nhận, phổ biến khắp nơi. Từ những năm 90 TK XX đến nay, Hà Nội và TP.HCM trở thành 2 đầu cầu truyền thông tạo hiện tượng hội tụ, lan tỏa mọi miền đất nước những bài hát do nhạc sĩ Việt Nam sáng tác.

     Hà Nội – hội tụ sáng tác, biểu diễn ca khúc

    Hà Nội là nơi thu hút nhân tài có trình độ học vấn cao trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn, là tầng lớp tri thức hiểu biết nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Ngoài tác phẩm khí nhạc, trí thức Hà Nội tiếp nhận, nghe ca khúc tinh tế, chọn lọc, tạo quan điểm thẩm mỹ ảnh hưởng đến lớp thị dân Hà thành. Người Hà Nội yêu thích ca khúc mang âm hưởng thính phòng, có quãng âm rộng, khoe được chất giọng, âm vực và những ca khúc pha trộn giữa dân gian và thính phòng. Điều này lý giải vì sao nhiều ca khúc nhạc nhẹ thịnh hành phía Nam (nhạc thị trường) nổi lên như một hiện tượng ở Hà Nội, khoảng thời gian sau chìm dần, rồi mất hẳn. Như vậy, thị hiếu thưởng thức ca khúc ở Hà Nội không bị cuốn vào trào lưu nhất thời mà từ tốn chấp nhận những ca khúc biểu hiện chiều sâu tư tưởng, đa ý nghĩa. Trong đó, giai điệu và lời ca tạo một thể thống nhất, bổ sung, tương tác chặt chẽ. Ví dụ, ca khúc Hà Nội năm 2000 (Trần Tiến), phần giai điệu chuyển tải hòa hợp, mang tính biểu trưng hình ảnh Hà Nội như: tiếng tàu điện, phố cổ… Như một định hướng chung, người Hà Nội yêu thích tác phẩm âm nhạc mang hơi thở thời đại, có phong cách, ngôn ngữ riêng. Sự thẩm định thẩm mỹ xuất phát từ nền tảng xã hội tri thức tư tưởng tiên tiến, hiện đại nhưng biết bảo lưu giá trị truyền thống, định hình bản sắc văn hóa. Điều đó đòi hỏi nội dung chặt chẽ giữa âm nhạc và ngôn ngữ, thể hiện chiều sâu tư duy, phản ánh cụ thể cuộc sống thực tế của Hà Nội ngày nay.

     Sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội đầu TK XXI về không gian địa lý tạo điều kiện hội tụ, lan tỏa nhiều thể loại ca khúc. Trong đó, cơ quan truyền thông là kênh thông tin, tuyên truyền quan trọng chuyển tải sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội. Điển hình, Đài truyền hình Việt Nam luôn phát sóng trực tiếp nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi về giọng hát như: Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Hòa âm ánh sáng, Giọng hát Việt… Những chương trình như vậy vừa mang tính giải trí, vừa đạt chất lượng chuyên môn. Có thể nói, các phương tiện truyền thông đại chúng là kênh thông tin quan trọng, phổ cập ca khúc ra ngoài xã hội, qua đó mọi người biết nhạc sĩ, ca sĩ và nhiều câu chuyện khác liên quan đến xuất xứ, cảm hứng sáng tạo, bối cảnh ra đời ca khúc.

     Hà Nội tập trung dày đặc nhà xuất bản, tạp chí, báo tuần, báo ngày, ấn phẩm văn hóa nghệ thuật. Chỉ tính riêng Nxb Âm nhạc đã in, phát hành hàng trăm tác phẩm sáng tác, lý luận âm nhạc; đồng thời các nhà nghiên cứu cũng đã tập hợp được nhiều làn điệu dân ca của 54 tộc người. Hàng ngàn cuốn sách, ấn phẩm âm nhạc được Vinabook.com, Vinabooks.vn… giới thiệu, góp phần phổ cập, nâng cao tri thức. Từ Hà Nội, phong trào xã hội hóa âm nhạc, đặc biệt thể loại ca khúc thông qua sách, tài liệu, quảng bá rộng rãi, lan tỏa khắp tỉnh, thành cả nước, tạo đời sống âm nhạc phong phú, nở rộ các hoạt động đại chúng…

     Những nhạc sĩ được đào tạo chính quy, bài bản và nhạc sĩ phổ thông tập trung trong 2 tổ chức xã hội: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội. Ngoài ra, ở Hà Nội có nhiều đoàn ca múa, nhà hát như: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Quân đội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Văn công Phòng không – Không quân, Đoàn nghệ thuật Quân khu 2, Đoàn nghệ thuật Công an nhân dân… Toàn bộ đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ âm nhạc chuyên nghiệp, không chuyên trong các tổ chức xã hội trên là nhân tố đặc biệt quan trọng trong bức tranh toàn cảnh của nền âm nhạc Việt Nam. Sự thâm nhập của nghệ thuật trình diễn sân khấu hiện đại từ các nước Âu, Mỹ, Bắc Á… góp phần hình thành yếu tố mới trong thể hiện ca khúc. Hà Nội là nơi nhanh chóng tiếp nhận, phát triển nhóm hát, ban nhạc với màu sắc hỗ trợ kỹ thuật âm thanh, ánh sáng sân khấu, trang phục, động tác nhảy múa… Qua đó, ca khúc trở nên linh hoạt, sống động, thu hút thế hệ trẻ và nhiều tầng lớp xã hội. Những thay đổi nhằm bắt kịp xu hướng, trào lưu đang diễn ra bên trong đội ngũ âm nhạc chuyên nghiệp, đồng thời lan tỏa ra bên ngoài phong trào ca hát quần chúng.

     Để sáng tác ca khúc dành cho người hát, biểu diễn trên sân khấu không thể không nhắc đến các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Hà Nội. Giữ vai trò trọng tâm là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, còn có Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội… Ở góc độ phổ cập xã hội, Hà Nội là nơi tập trung nhiều trung tâm, lớp dạy cấp tốc, khóa đào tạo âm nhạc phổ thông như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt – Xô, nhà văn hóa các cấp… tạo chân đế rộng, phát hiện tài năng âm nhạc khi còn nhỏ, bồi dưỡng, bổ sung tầng lớp kế cận trong biểu diễn, sáng tác âm nhạc. Có thể nói, các cơ sở đào tạo âm nhạc liên tục tìm kiếm, sàng lọc, cung cấp đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ đủ trình độ, bản lĩnh, nhanh nhạy tiếp thu trào lưu, phong cách âm nhạc từ các nước phát triển.

     Những yếu tố mới trong sáng tác, biểu diễn ca khúc

     Hiện nay, Hà Nội và TP.HCM xuất hiện quá trình biến đổi ca khúc, đây là hiện tượng đang diễn ra phổ biến như một quy luật. Những ca khúc nổi tiếng thời chống Pháp, chống Mỹ được phối khí, hát lại qua lối trình diễn ban nhạc, dàn nhạc trên nền nhịp điệu, tiết tấu nhạc nhẹ. Cùng với ca khúc truyền thống, những làn điệu dân ca Bắc, Trung, Nam thể hiện theo phong cách EDM (nhạc điện tử).

     Trước đây, ca sĩ đứng trên sân khấu tập trung vào hát, ít biểu cảm bằng động tác thì đến nay, họ phối hợp với những kỹ thuật biểu diễn sinh động, lôi cuốn người xem. Ngoài ra, kỹ xảo âm thanh, ánh sáng, trang phục hiện đại tạo nhiều hiệu ứng đặc biệt giúp ca sĩ trình diễn ca khúc hấp dẫn hơn. Gần đây nhất, xuất hiện màn hình led tạo hình ảnh 3D tương tác chặt chẽ với người biểu diễn, đây là hiệu ứng sân khấu được người Hà Nội đón nhận tích cực, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

     Để giá trị ca khúc lan tỏa rộng rãi, ngoài phần trình diễn chuyên nghiệp với chất lượng âm thanh hoàn thiện, cần nhắc đến đội ngũ nhạc sĩ ngày càng trẻ hóa, đây là lớp nhạc sĩ được đào tạo chính quy, bài bản, có nhiệt tâm. Hằng năm, nhiều đoàn ca múa cấp tỉnh chủ động liên kết chặt chẽ với nhạc sĩ Hà Nội, mời tham gia phối khí, đạo diễn chương trình, nâng cao chất lượng, đổi mới phong cách nghệ thuật địa phương, trong đó viết ca khúc là ưu tiên hàng đầu. Như vậy, từ đội ngũ nhạc sĩ Hà Nội, những ca khúc mới xuất hiện trong chương trình biểu diễn tại nhiều tỉnh, thành, phản ánh quá trình phát triển xã hội, kinh tế, văn hóa.

     Bên cạnh những yếu tố tạo dấu ấn tích cực sáng tác, biểu diễn ca khúc vẫn còn một số biểu hiện cần lưu ý:

     Nhiều ca khúc mới hiện nay chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường dẫn đến tình trạng nghèo nàn chất liệu âm nhạc, tình trạng nhịp điệu, tiết tấu hóa ca khúc đang là xu hướng phổ biến, dẫn đến giai điệu ca khúc nghe đều đều, giống nhau. Nguyên nhân một phần là do các nhạc sĩ học tập, bắt chước lối viết ca khúc Âu, Mỹ, Bắc Á, ít tìm hiểu, nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, khi viết nhạc trên máy tính, dẫn đến tình trạng lệ thuộc hệ thống âm nhạc trong hộp tiếng ảo với màu sắc nhạc khí phương Tây. Đây là lý do hình thành giai điệu, lời ca nghèo nàn, đơn điệu, ca khúc thiếu diện mạo đặc trưng.

     Chất lượng nghệ thuật trong nhiều ca khúc không cao, ngôn ngữ lời ca sáo rỗng, thường sa đà kể lể tình yêu chia ly, hối hận, buồn đau, giai điệu theo lối mòn. Ở mức độ lớn hơn, một số ca khúc sao chép ý tưởng, vay mượn nhạc nước ngoài vào sáng tác (bằng giai điệu, chuyển dịch lời ca, phối khí…).

     Nhiều ca khúc chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu sáng tạo, ý tưởng âm nhạc, chỉ quan tâm cảm xúc văn học trong lời ca. Một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc, ca sĩ trẻ thành công bước đầu ngộ nhận thái quá về bản thân, thậm chí nhận thức chưa đầy đủ thế hệ nhạc sĩ lão thành có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam.

     Các bài báo phê bình âm nhạc ít nhận sự quan tâm xã hội. Hằng năm, số lượng công trình nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc không nhiều, cũng ít được các nhạc sĩ trẻ quan tâm. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mục âm nhạc còn thiếu bài viết chuyên khảo, nghiên cứu ca khúc Việt Nam.

     Để Hà Nội xứng đáng là nơi phát triển ca khúc cần sự quan tâm, tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Hiện nay, hiện tượng xô bồ, thị trường hóa âm nhạc diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mỹ của cả người sáng tác và người thưởng thức tác phẩm. Để ca khúc Việt Nam phát triển, các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng trong việc định hướng mọi người thẩm định, đánh giá ca khúc, từ đó phổ cập, truyền bá ca khúc giàu tính sáng tạo, có chất lượng. Bên cạnh đó, hạn chế ca khúc tầm thường, nhạt nhẽo, sáo rỗng lời ca, nghèo nàn giai điệu.

    Khuyến khích nhạc sĩ trẻ Hà Nội sử dụng âm nhạc dân gian, truyền thống, đây là nguồn chất liệu âm nhạc vô tận, giàu sức sống, mang hơi thở, tâm hồn con người Việt Nam. Đồng thời, hằng năm, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội kết hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức cho người dân tham gia, hưởng ứng bình chọn ca khúc viết về Hà Nội, quê hương, đất nước, tìm ra ca khúc tiêu biểu có giá trị nghệ thuật cao.

     Từ lịch sử cho thấy, Hà Nội là nơi hình thành, phát triển nền âm nhạc mới, trong đó ca khúc là thể loại được nhắc đến đầu tiên khi phong trào hát lời ta điệu Tây ra đời. Trải qua từng thời kỳ khác nhau, Hà Nội góp phần phát triển nhiều thể loại ca khúc do nhạc sĩ Việt Nam sáng tác. Trong 2 thập kỷ đầu TK XXI, Hà Nội đang là trung tâm sáng tạo nhiều sản phẩm âm nhạc, trong đó ca khúc được đón nhận bằng tình cảm yêu thích bởi sự phản ánh trung thực tâm tư, tình cảm con người Việt Nam hiện đại.

Tác giả: Trần Đức Nhâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *