Trong quản lý văn hóa ở nước ta hiện nay, chúng ta chưa thống nhất khái niệm về văn hóa. Văn hóa là gì? Một câu hỏi mới nghe tưởng là người hỏi ngây ngô vì hiện nay đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn định nghĩa, khái niệm về văn hóa… Trên sách báo, trên mạng, trong các bài giảng đúng là đã có nhiều định nghĩa, khái niệm. Nhưng trong đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, từ trung ương đến cơ sở, mấy ai đã nói đúng, nói giống nhau về khái niệm văn hóa.
Hiện nay, chúng ta có đến cả trăm trường dạy về văn hóa nghệ thuật. Mỗi trường dạy về văn hóa theo định nghĩa hoặc khái niệm khác nhau, hoặc dạy một số cách hiểu khác nhau về văn hóa mà không đưa ra một khái niệm để chốt lại. Việc học như thế, tuy chưa ổn nhưng vì để học sinh rộng đường sáng tạo nên còn tạm được. Việc quản lý văn hóa mà như thế thì xem ra không ổn. Bởi vì một nguyên tắc của công tác quản lý là phải thống nhất khái niệm, đối tượng quản lý, từ đó mới có mục tiêu, quy phạm, chế tài thống nhất. Cũng vì vậy, trong các bộ luật hiện nay của nước ta, bao giờ phần đầu cũng có các điều luật giải thích khái niệm, phạm vi điều chỉnh và đối tượng thực hiện.
Thế nhưng, đã hàng chục năm nay, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thiếu hẳn sự thống nhất khái niệm đối tượng quản lý là văn hóa; chưa đưa ra khái niệm chuẩn về văn hóa cho việc đào tạo, vận hành, quản lý và thanh tra, kiểm tra, chưa có hướng dẫn thống nhất mà vẫn phải thực hành và quản lý. Vì thế trong quá trình thực hành đó, có biết bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu văn bản, cả bao nhiêu lỗi phải điều chỉnh hoặc làm lại, hoặc bỏ qua các cơ hội thành công, hoặc lẽ ra thành công phải lớn hơn, tương xứng với sự đầu tư tiền của, công sức của cả hệ thống và xã hội. Ai làm theo khái niệm nào, giải thích thế nào cũng không sai. Quản lý như thế thì quả là không ổn, sức mạnh quản lý không tập trung. Đã đành văn hóa là muôn hình vạn trạng, nhưng cái khái niệm cơ bản thì nhất thiết phải có sự thống nhất và là điều kiện tiên quyết trong thực thi các quyết định quản lý.
Chính vì chưa thống nhất một khái niệm chuẩn về văn hóa, nên trước rất nhiều hiện trang chưa đạt chuẩn văn hóa, người chỉ đạo, người thực hành cứ vênh nhau, cứ phải bàn cãi, quản không được thì cấm… Ví dụ, hiện trạng trang phục khi biểu diễn nghệ thuật phức tạp như hiện nay, có người nói là thiếu văn hóa, người cho là hiện đại, người lại bảo đó là sự bình thường, là biểu hiện của tự do, dân chủ… Cũng vậy, cuộc cãi nhau về trò chơi điện tử là tốt hay độc hại khó đến hồi kết thúc bởi vì mỗi người bám vào một tiêu chí, một khái niệm làm luận cứ.
Quản lý văn hóa cũng như muôn nghìn sự quản lý khác, phải có sự thống nhất khái niệm, mục tiêu, định hướng…, nghĩa là các tiêu chí để dựa vào đó mà thực hành, để sau khi thực hành dựa vào đó để nhận xét, đánh giá, mà thưởng, phạt phân minh.
Hiện nay, quản lý nhà nước có rất nhiều văn bản quy phạm cho các hoạt động về lĩnh vực văn hóa. Trên phần đầu các văn bản ấy cũng có đủ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh… Chỉ tiếc rằng Luật Văn hóa lại chưa ra đời nên chưa có khái niệm thống nhất để làm công cụ quản lý thống nhất. Đây là một lỗ hổng trong quản lý và bồi dưỡng kiến thức quản lý văn hóa.
Ở Việt Nam, đã có một số người đưa ra khái niệm văn hóa, trong đó có một khái niệm theo tôi phù hợp với hoạt động quản lý hiện nay. Trong lúc chờ đợi cơ quan quản lý đưa ra khái niệm thống nhất làm cơ sở cho toàn ngành thực hiện và làm cơ sở để kiểm tra, xin tạm nêu khái niệm đó để các nhà quản lý tham khảo: “Văn hóa là toàn bộ sự hiểu biết của con người, tích lũy được trong quá trình hoạt động thực tiễn xã hội. Vốn hiểu biết ấy được đúc kết thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội và biểu hiện thông qua vốn di sản văn hóa và hệ ứng xử văn hóa (lối sống) của cộng đồng người. Hệ giá trị và chuẩn mực xã hội là yếu tố cốt lõi làm nên bản sắc riêng của một cộng đồng xã hội. Nó có chức năng định hướng và điều tiết hoạt động của mọi thành viên trong cộng đồng xã hội ấy”.
Theo định nghĩa trên, có 5 khía cạnh khi xem xét một hiện tượng văn hóa:
Văn hóa phải là sự thể hiện nhận thức, tri thức của con người. Đây vừa là bản chất của văn hóa vừa là dấu hiệu để phân biệt giữa con người và động vật. Sự khác nhau giữa người và động vật chính là ở sự hiểu biết, sự tự ý thức. Có nhiều hành vi giống nhau giữa người và động vật, đó là những nhu cầu cho sự tồn tại, đó là bản năng và thường thuộc về tầng cuối cùng trong tháp Maslaw. Như thế, hành vi nào không thể hiện tri thức, ý thức, hành vi đó chưa được xem là văn hóa.
Hệ giá trị và chuẩn mực xã hội là kết quả của quá trình sàng lọc các tri thức, hiểu biết và sáng tạo của con người. Sự sàng lọc và kết tinh đó diễn ra ở cộng đồng trong suốt quá trình tồn tại xã hội. Mọi sự sáng tạo đều thuộc về các chủ thể nhất định, biểu hiện một trình độ hiểu biết nhất định, nhưng không phải bất kỳ sự sáng tạo nào cũng là văn hóa, cũng đưa ra phổ biến cho cộng đồng ngay được mà phải qua sự sàng lọc, thẩm định, được cộng đồng chấp nhận, đưa vào hệ thống các giá trị, chuẩn mực.
Mỗi giá trị văn hóa đều được thể hiện thông qua một hình thái vật chất hoặc phi vật chất. Hình thái chứa đựng giá trị văn hóa được gọi là di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể). Toàn bộ các di sản văn hóa làm thành kho tàng văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia. Di sản nhiều thì văn hóa giàu, di sản mất thì văn hóa mất.
Hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, cốt lõi làm nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc, được cộng đồng lựa chọn, kết tinh từ các sáng tạo của con người. Các sáng tạo đó, bắt nguồn từ cơ tầng xã hội, có ba yếu tố cơ bản: địa vực, nhân chủng và truyền thống lịch sử. Cơ tầng thay đổi thì sự sáng tạo, tức là văn hóa, cũng thay đổi. Giữ gìn bản sắc dân tộc tức là giữ gìn hệ giá trị và các chuẩn mực xã hội.
Hệ giá trị và chuẩn mực xã hội có chức năng định hướng và điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Khía cạnh này nói đến vai trò, công dụng của văn hóa. Muốn xây dựng một mô hình ý thức xã hội thì cần quan tâm xây dựng một hệ thống giá trị và chuẩn mực xã hội.
Một trong những luận điểm rất quan trọng trong học thuyết Mác – Lênin là luận thuyết triết học về cơ sở và kiến trúc thượng tầng. “Toàn bộ những quan hệ sản xuất tạo thành cơ cấu kinh tế của xã hội, thành cơ sở thật sự, trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng về pháp luật và chính trị và phù hợp với cơ sở ấy là những hình thái ý thức xã hội nhất định”(1). Cơ sở không phải là bất biến, nó thay đổi trong quá trình lịch sử và tiêu biểu cho cơ cấu kinh tế của xã hội ở một giai đoạn nhất định. “Khi cơ sở kinh tế thay đổi thì kiến trúc thượng tầng, phụ thuộc chặt chẽ vào cơ sở, cũng sẽ thay đổi theo”(2).
Hàng nghìn năm, cơ sở hạ tầng Việt Nam là nông nghiệp, môi trường xã hội phổ biến là nông thôn, chủ thể chủ yếu là nông dân nên văn hóa, một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, vẫn là văn hóa nông nghiệp và đó là bản sắc văn hóa Việt Nam.
Chúng ta nói nhiều đến xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiểu theo cách giải thích hiện nay về mệnh đề này thì bản sắc là cái gien, là cái bất biến, còn tiên tiến là cái khả biến. Xã hội phát triển, văn hóa phát triển, bản sắc dân tộc chỉ đậm đà, chỉ dày thêm, phong phú chứ không biến đổi. Tiên tiến là cái biến động, nó biến đổi theo thời đại, theo điều kiện kinh tế xã hội của mỗi cộng đồng và mỗi thời kỳ.
Thực ra, chúng ta nói nhiều nhưng lại ít bàn đến cái cơ sở hạ tầng để bản sắc văn hóa dân tộc của chúng ta tồn tại. Có thể nói là hàng ngàn năm nay, đất nước, xã hội, kinh tế, chính trị thay đổi, nhưng có ba yếu tố ít hoặc không thay đổi. Đó là:
Nền tảng kinh tế của xã hội Việt Nam. Cho đến nay nền tảng đó vẫn cơ bản là nông nghiệp. Từ điều kiện địa lý đã dẫn đến cơ cấu kinh tế, truyền thống lao động, tâm lý cộng đồng… dù có qua thăng trầm của sóng gió chính trị hay thiên tai thì cơ bản cũng vẫn là canh tác lúa nước, phụ thuộc vào thiên nhiên, nóng ẩm, sông nước, bão lũ… Hạt gạo vẫn là bản vị trong kinh tế Việt.
Chủ thể của nền văn hóa Việt Nam là người Việt Nam. Cho dù đó là người Việt Nam cổ xưa hay người Việt Nam hiện đại thì tâm thức vẫn gắn bó với làng xã, với gia đình, dòng họ, đất nước. Trong cộng đồng dân tộc, trên 70% dân số vẫn là nông dân, vẫn gắn bó với nông nghiệp và nông thôn. Vì thế sản phẩm sáng tạo của các chủ thể ấy chưa đủ sức mạnh để rời xa nông nghiệp. Cái bản sắc dân tộc hàng nghìn đời là văn hóa nông nghiệp được bảo lưu, được ngày một đậm đà thêm.
Cũng chính vì cơ sở hạ tầng nông nghiệp ấy tồn tại quá lâu nên chính nó đã hun đúc nên truyền thống nông nghiệp vững bền. Người Việt Nam chừng nào còn dùng bát đũa ăn cơm với cá, với rau, ở nhà ngói trong khuôn viên vườn cây ao cá, có làng xóm, có họ hàng, tổ tông, gắn bó với ruộng đất…, chừng đó họ còn làm nên các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nông thôn đã hình thành nên các làng xã mà văn hóa làng chính yếu tố làm sức mạnh dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và canh tân đất nước. Thay đổi hạ tầng kinh tế dẫn đến thay đổi nông thôn, làm cho văn hóa làng xã thay đổi, sức mạnh của văn hóa làng cũng sẽ biến đổi.
Đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phôi thai từ mấy chục năm nay và đến Đại hội XI vừa qua đã hoàn chỉnh bằng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và gần đây được cụ thể hơn trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư về đầu tư hạ tầng cơ sở. Mục tiêu của Cương lĩnh đề ra là: “Xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Mục tiêu Cương lĩnh đặt ra là vấn đề sống còn của đất nước. Không hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì không thoát khỏi đói nghèo, đất nước không phát triển. Vì vậy ở đây không bàn về sự cần thiết của công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chỉ gợi ý nghiên cứu về sự thay đổi bản sắc dân tộc của văn hóa khi nền tảng kinh tế, xã hội đã chuyển từ nông nghiệp sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Công nghiệp và nông nghiệp là hai nền kinh tế khác nhau, dựa trên những yếu tố khác nhau về tư liệu sản xuất, lực lượng lao động và tri thức sản xuất. Khi cơ sở kinh tế thay đổi thì kiến trúc thượng tầng cũng phải có sự thay đổi, trong đó văn hóa thay đổi nhiều nhất. Từ lối sống đến ứng xử cộng đồng, phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật… cũng thay đổi. Vì bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam được hình thành, củng cố và bảo lưu dựa chủ yếu vào cơ sở kinh tế nông nghiệp và môi trường làng xã ở nông thôn cho nên bản sắc ấy sẽ thay đổi theo khi những điều kiện này thay đổi. Khi chúng ta hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước thành công thì cũng chính là lúc bản sắc văn hóa dân tộc của chúng ta thay đổi.
Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được xây dựng trên cơ sở nghị quyết của các Đại hội từ trước đến đại hội VIII, nghĩa là khi đó, cơ tầng xã hội, cơ cấu kinh tế của chúng ta vẫn dựa trên nền tảng nông nghiệp, môi trường xã hội vẫn là nông thôn và chủ thể văn hóa phần lớn là nông dân. Hay nói gọn lại, khi chúng ta làm Nghị quyết 5 khóa VIII, xã hội ta là xã hội nông nghiệp, mai đây xã hội của chúng ta là xã hội công nghiệp, nền văn hóa phù hợp với xã hội đó sẽ là nền văn hóa công nghiệp, không còn là văn hóa nông nghiệp nữa. Và tất phải có một nghị quyết mới ra đời, nghị quyết đó sẽ phải xác định lại khái niệm bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trên cái nền xã hội công nghiệp. Lúc đó các giá trị truyền thống ra đời từ nền kinh tế nông nghiệp lúa nước như lòng yêu quê hương đất nước, tôn kính tổ tiên, lòng nhân ái, sự hài hòa, bao dung, linh hoạt, hòa hợp với thiên nhiên, thương người như thể thương thân, bầu ơi thương lấy bí cùng, tối lửa tắt đèn có nhau… sẽ thay đổi và một hệ thống giá trị mới của văn hóa dựa trên cơ sở hạ tầng kinh tế công nghiệp sẽ ra đời để thay thế. Nhưng các giá trị mới đó là gì, nó có phải là bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam không, nó có phải là cái gien của dân tộc chúng ta không, nó sẽ tiếp nối với bản sắc dân tộc dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp như thế nào, và quan trọng nữa là quản lý sự thay đổi đó như thế nào, điều đó cần có sự nghiên cứu và chuẩn bị ngay từ hôm nay.
_______________
1, 2. Từ điển triết học, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.137, 138.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 341, tháng 11-2012
Tác giả : Phạm Hồng Toàn
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam