Thời Lê là một giai đoạn lịch sử có diễn biến phức tạp cả về chính trị xã hội và hệ tư tưởng. Qua các nguồn sử liệu, chúng ta nhận thấy rằng, trong thời kỳ nhà Lê cực thịnh (1428-1527), Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng chính thống của vương triều và phổ cập trong đại bộ phận dân cư làng xã.
Về sau, vào thời Lê – Mạc, Lê trung hưng, cùng với sự suy vi của tình hình chính trị xã hội, hệ tư tưởng này đã ngày càng mất vai trò độc tôn, trở nên lỏng lẻo, không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Điều đó đã tạo cơ hội cho các tôn giáo khác cùng tồn tại, trong đó có Phật giáo, Đạo giáo. Đây là giai đoạn mà các sử gia gọi là thời kỳ tam giáo đồng tôn hay tam giáo đồng nguyên.
Tài liệu lịch sử đã ghi nhận Nho giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Ngay từ thời Bắc thuộc, những hoạt động xã hội mang màu sắc Nho giáo như việc mở các trường học dạy kinh điển Nho gia, tiến hành các nghi thức cúng tế thần linh… đã xuất hiện. Nhưng có lẽ mãi đến thời Lê, Nho giáo mới thực sự xác lập một cách vững chắc và có ảnh hưởng một cách toàn diện đến xã hội Đại Việt. Lịch sử phát triển của nó, có thể nói, bắt nguồn từ thời Minh thuộc. Với dã tâm biến Đại Việt thành quận huyện của “thiên triều”, nhà Minh thực hiện một cách mạnh mẽ công cuộc đồng hóa. Một trong những biện pháp quan trọng là dùng lễ giáo Nho gia để giáo hóa dân. Điều đó thể hiện trước hết ở việc vua tôi nhà Minh tiến hành thiêu hủy, đập phá những công trình liên quan đến học vấn và những di sản văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó chúng đưa hàng loạt thư tịch làm tài liệu giảng dạy, lập nhà học để phổ biến kinh điển Nho gia ở khắp các quận huyện nước ta, đào tạo nên tầng lớp quan lại mang đậm tư tưởng Tống Nho.
Vào nửa đầu TK XV, từ khi bắt đầu thiết lập nhà nước trung ương tập quyền, các vua Lê đã từng bước xây dựng một quốc gia độc lập trên nền của hệ tư tưởng Nho giáo, trong đó rất chú trọng đến việc xây dựng luật và vận hành xã hội theo luật. Qua một số bộ luật, các điều giáo huấn và một số hương ước hiện còn lưu giữ được, chúng ta nhận thấy rất rõ nhiều điều luật, điển chế mang đậm nét tư tưởng của Nho giáo như Quốc triều hình luật, còn được gọi là Luật Hồng Đức, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức thiện chính thư, 24 điều Huấn dân đại cáo của Lê Thánh Tông. Đến TK XVII, đời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc tiếp tục ban bố 47 điều giáo hóa theo kinh điển Nho gia… Từ TK XVI trở đi, hầu hết các làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ tinh thần của Nho giáo đã được thể hiện khá rõ qua các điều lệ được lập trong hương ước – “bộ luật thành văn của làng xã” thời quân chủ phong kiến.
Có thể nói, Nho giáo thời Lê chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết Tống Nho. Học thuyết này do các nhà nho đời Tống xây dựng trên cơ sở học thuyết của Khổng Tử nhằm phục vụ yêu cầu phát triển mới của chế độ phong kiến Trung Quốc lúc bấy giờ. Về mặt triết học, Tống Nho là một thứ lý luận duy tâm bảo thủ, còn về phương diện chính trị, xã hội thì nó ra sức biện hộ cho chế độ quân chủ chuyên chế, củng cố sự phân biệt đẳng cấp và các trật tự phong kiến trong xã hội. Đây là học thuyết chính trị xã hội, là hệ thống giáo lý về đạo đức nhằm tổ chức xã hội với phương châm “lễ trị”, được các triều đại phong kiến sử dụng như một công cụ để trị nước thời quân chủ. Thời kỳ này, Nho giáo đã trở thành yếu tố chủ đạo trong đời sống tư tưởng của người Việt, với các quan niệm về nhân, lễ, nghĩa, tín, trung, hiếu… nó giữ vị trí độc tôn về mặt tư tưởng, và từ một hệ tư tưởng đã trở thành một tôn giáo.
Tuy nhiên, Nho giáo khi truyền bá sang nước ta cũng đã ít nhiều biến đổi cho phù hợp với yêu cầu và đặc điểm phát triển của xã hội thời bấy giờ. Thiết lập và vận hành bộ máy chính quyền ở một nước mà tinh thần yêu nước, ý thức độc lập từ lâu đã thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân và là nguồn sức mạnh của dân tộc, nhà Lê trong thời kỳ hưng thịnh, vừa chịu chi phối của hệ ý thức ấy vừa tôn trọng phong tục, tập quán truyền thống. Như vậy, trong lúc sử dụng Nho giáo làm chuẩn mực để xây dựng chế độ xã hội, làm công cụ để trị nước, nhà Lê đã gắn bó quyền lợi giai cấp của mình với lợi ích của dân tộc.
Các vua Lê rất chú ý đến việc xây dựng hệ thống điển chế pháp luật, kết hợp chặt chẽ giữa lễ và pháp. Nhà nước đưa lễ vào luật, luật và lễ hỗ trợ nhau tạo ra một xã hội hướng Nho. Trong những bộ luật đó có nhiều điều đề cao vấn đề lễ của Nho gia, bao gồm các lễ giáo và nghi lễ. Nhìn chung, vấn đề lễ rất được coi trọng, bởi hình thái ý thức này giúp khuôn mẫu hóa và ổn định các hành vi đạo đức, lối sống của con người, khiến xã hội đi vào trật tự, dễ quản lý. Thuyết “chính danh” được tôn trọng thực hiện đã giúp cho mỗi con người trong xã hội đều có những chuẩn mực hành vi riêng (được gọi là khuôn mẫu văn hóa) do địa vị xã hội của mình quy định. Như vậy, triều Lê đã cụ thể hóa giáo lý Nho gia bằng các luật lệ và những giáo điều khá chi tiết, bao gồm cả việc giảng giải các đạo lý về cương thường, điều chỉnh các hành vi trong ứng xử của mỗi cá nhân trong đời sống cho hợp “lễ” như: trung hiếu, tiết nghĩa; các quy định về tôn ti trật tự…; quy định về các nghi lễ cúng tế giỗ chạp, ma chay, cưới xin; quy định các nghi tiết về trang phục, ăn uống, quy chế nhà cửa, xe kiệu… cho đúng với phận vị của từng lớp người trong xã hội. Qua các điều quy định trong Quốc triều hình luật – bộ luật được coi là quan trọng bậc nhất của triều Lê, chúng ta thấy rất rõ việc nhà nước đề ra những điều lệ cụ thể nhằm thể chế hóa lễ để cai trị, giáo hóa dân chúng và trừng phạt những hành vi làm ảnh hưởng đến lễ nghi ấy trong đời sống xã hội theo tư tưởng của Nho gia.
Từ TK XVI trở đi, do nhiều biến động của lịch sử, những quy định chặt chẽ của pháp luật theo tinh thần của đạo Nho đã dần không còn hiệu lực hoặc không được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Các triều đại sau này, mà cụ thể là năm 1663, triều vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc tiếp tục đưa ra 47 điều giáo hóa bên cạnh bộ Quốc triều hình luật. Nghĩa của từ giáo huấn hay giáo hóa ghi trên các văn bản trên cho chúng ta thấy đây chỉ là những điều răn dạy, khuyên con người ta nên theo, không có ý nghĩa bắt buộc. Nhiệm vụ của nó là củng cố lại trật tự xã hội theo tinh thần của Nho gia một cách mềm mại hơn trong lúc những điều luật cứng nhắc của các bộ luật đương thời đã không còn phù hợp nữa với tình hình xã hội bấy giờ. Đó cũng là lý do vì sao đạo Phật, đạo Nho lại được dân chúng quan tâm phụng thờ trong các TK XVI-XVIII.
Ra đời vào thế kỷ VI trước công nguyên tại một tiểu quốc thuộc Ấn Độ, trải qua thời gian, đạo Phật lan tỏa nhiều nơi để trở thành một trong ba tôn giáo lớn của thế giới. Gốc của đạo Phật là một hệ triết học vô thần, cố tìm tới cốt lõi tận cùng của sự vật, rất đề cao trí tuệ để giác ngộ mà giải thoát, coi nhẹ lễ nghi, bác bỏ phân biệt đẳng cấp. Đạo Phật chủ trương bình đẳng giữa người với người, đề cao từ bi, nêu rõ số phận con người do chính con người tạo nên và phải tự chịu trách nhiệm. Sau khi Phật Thích Ca vào niết bàn, đạo Phật thành tôn giáo vào TK II trước công nguyên, phân chia thành phái Đại thừa và Tiểu thừa và ngày càng phát triển ở nhiều nước trên thế giới đặc biệt là khu vực châu Á.
Một trong những tư tưởng cơ bản của đạo Phật là trước hết phủ nhận sự tồn tại bất diệt và vĩnh viễn của những linh hồn cá thể. Hơn thế theo đạo Phật, tất cả mọi sự vật trong vũ trụ và thế gian này từ thể xác đến linh hồn, vật chất và tinh thần mọi cái đều có biến hóa, có sinh có diệt, không có cái gì là thường hằng vĩnh cửu. Đó chính là tư tưởng cơ bản hàm chứa trong khái niệm vô ngã, vô thường của Phật học.
Đạo Phật công nhận thuyết luân hồi và nghiệp báo, nhấn mạnh đến tính nhân quả của hành động con người trong một kiếp sống hoặc trong những kiếp sống khác.
Giáo lý nhà Phật đi sâu vào triết lý nhân sinh. Nền tảng căn bản để xây dựng nên tư tưởng của đạo Phật về phương diện này là Tứ diệu đế (bốn chân lý quý bao gồm khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế).
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, theo sử sách năm 159 lần đầu tiên người Thiên Trúc tức Ấn Độ cổ đại đến miền Trung nước ta. Sau đó bằng con đường thương mại và truyền đạo, đạo Phật, cùng các nhà sư Ấn Độ, được truyền bá mạnh mẽ vào Việt Nam, hình thành nên một trung tâm Phật giáo lớn tại Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) với các nhà sư danh tiếng như Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác, Khâu Đà La… Những nhà sư này đến đất Việt tu hành và truyền đạo tại chùa Dâu lập nên sơn môn Dâu vào thời điểm khoảng năm 187-189 sau CN.
Đạo Phật được người Việt sùng tín mạnh mẽ và trở thành một hệ tư tưởng bao trùm, góp phần tập hợp lực lượng chống lại sự xâm lược của người Hán từ những năm đầu công nguyên.
Dưới vương triều nhà Lý và nhà Trần, đạo Phật đã được suy tôn thành quốc giáo, nhưng, không đàn áp các tôn giáo khác, trái lại, Phật giáo mở cửa đón tiếp cả đạo Nho, đạo Lão với tinh thần dung hợp “tam giáo đồng nguyên”. Phật giáo Việt Nam thời kỳ này phát triển mạnh mẽ, xuất hiện ở khắp các làng xã Việt Nam, làng xã nào cũng xây chùa, dựng tháp.
Bước sang thời Lê sơ, TK XV, trong lúc đạo Nho được nhà nước suy tôn và sử dụng làm hệ tư tưởng chính thống để duy trì trật tự xã hội thì đạo Phật, đạo Lão bị lấn át. Thế lực của nhà sư về mọi mặt – kinh tế, chính trị, văn hóa – bị sa sút và địa vị của nho sĩ hết sức được đề cao. Sở dĩ nhà Lê hạn chế Phật giáo và Đạo giáo vì hai tôn giáo này làm người ta thoát ly trần tục tức là thoát ly sự quản chế của chế độ quân chủ độc đoán.
Vào thời Lê mạt, trong bối cảnh xã hội loạn lạc, chiến tranh nội chiến liên miên của các TK XVI-XVIII, những giáo điều mang màu sắc Nho giáo đã không còn giữ được địa vị độc tôn trong đời sống đương đại: cương thường bị đảo lộn, trung chinh bị lung lay; do vậy, tư tưởng từ bi, bác ái của Phật giáo, trạng thái thăng hoa của Lão giáo đã hấp dẫn đời sống tinh thần của đông đảo tầng lớp nhân dân thời bấy giờ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi nhận xét: Nhiều người tìm đến với đạo Phật, đạo Lão trong đó có cả trí thức đương thời và những ông hoàng bà chúa của giai cấp thống trị. Sự tự do tín ngưỡng này đã tạo nên cho xã hội từ trong thành đến ngoài nội một không khí đỡ nghẹt thở hơn thời Lê sơ độc tôn Nho giáo.
Sau một thời gian suy giảm, tới khoảng giữa TK XVI, đạo Phật được phục hưng, dần phát triển mạnh ở TK XVII, nổi lên với 2 tông phái đều được du nhập từ phương Bắc là Lâm Tế và Tào Động. Phái Tào Động chủ yếu phát triển ở Bắc Bộ với các thiền sư nổi tiếng là Thủy Nguyệt và Chân Nguyên. Còn phái Lâm Tế với nhà sư Liễu Quán ở đàng Trong. Tuy nhiên, khi vào Đại Việt thì hai phái này không còn khác nhau nhiều lắm.
Có thể nói, ngay từ đầu thời Lê, mặc dù Nho giáo được coi là quốc giáo, song Phật giáo vẫn được dân chúng ngưỡng mộ, chỉ riêng việc xây dựng các ngôi chùa mới thì bị hạn chế, còn những ngôi chùa cổ kính xây dựng từ trước vẫn được cư dân làng xã duy trì, bảo tồn và tôn tạo. Vì vậy, lễ hội chùa vẫn còn được tổ chức song song với các lễ hội đền và lễ hội đình. Vào những năm hạn hán kéo dài, triều đình nhà Lê vẫn cho dân chúng tổ chức lễ hội rước Phật từ chùa Pháp Vân (Bắc Ninh) về chùa Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long để cầu đảo (cầu mưa) cho nông nghiệp. Cũng ở thời kỳ này nhiều ngôi chùa cổ được nhà nước và nhân dân trùng tu lớn như: chùa Báo Thiên trùng tu năm 1434; chùa Thiên Phúc (tức chùa Thầy) được trùng tu năm 1499; chùa Minh Độ và chùa Côn Sơn ở xứ Đông (nay là Hải Dương); chùa Nghi Tàm ở ngoại thành Thăng Long… đều được trùng tu năm 1490; chùa Thiên Trù ở Hương Sơn và chùa Vô Vi ở xứ Đoài (nay thuộc Hà Nội)… đều được sửa chữa lớn vào những năm cuối TK XV.
Vào các TK XV-XVIII, lễ hội chùa vẫn được duy trì, tổ chức ở khắp các làng xã vùng châu thổ Bắc Bộ như: lễ hội chùa Hà, chùa Hương Canh và chùa Cói (nay thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc), chùa Trà Phương (nay ở Hải Phòng); chùa Giám (nay ở Hải Dương); chùa Thầy và chùa Hương, chùa Kim Liên, chùa Trăm Gian (ở Hà Nội) và chùa Bút Tháp (nay ở Bắc Ninh); chùa Keo (nay ở Thái Bình), cùng với các lễ hội chùa lớn có tiếng từ lâu đời, như lễ hội chùa Dâu, chùa Láng, chùa Nành… đã làm cho loại hình lễ hội này thêm phần sôi động. Khác hẳn với các loại hình lễ hội dân gian khác, lễ hội chùa vẫn giữ được nguyên vẹn nét đẹp truyền thống “từ bi, xỉ xả”, ít bị ảnh hưởng của các yếu tố tiêu cực do xã hội gây nên.
Lão giáo cũng là một tôn giáo ra đời cùng thời với Nho giáo ở Trung Quốc, du nhập vào nước ta khoảng TK II sau CN. Sách Đại Tạng kinh chép: Sau khi vua Hán Linh đế băng hà, xã hội (Trung Hoa) rối loạn, chỉ có đất Giao Châu là yên ổn. Người phương Bắc chạy sang lánh nạn rất đông, phần nhiều là các đạo sĩ luyện phép trường sinh theo cách nhịn ăn.
Đạo của Lão tử là một khái niệm triết học trừu tượng chỉ lẽ tự nhiên. Đạo Lão gồm 2 phái: Đạo phù thủy (dùng các phép thuật để trừ tà, trị bệnh giúp cho mạnh khỏe); Đạo thần tiên dành cho tầng lớp quý tộc (dạy tu luyện, luyện đan, cầu trường sinh bất tử). Trong đó phái phù thủy phổ biến ở nước ta, ngoài việc thờ Ngọc hoàng Thượng đế, Thái thượng Lão quân, thần Trấn Vũ (tức Huyền Vũ), Quan Thánh đế (Quan công), thần điện đạo Lão còn thờ nhiều vị thánh khác. Đó là những vị thánh mà nhân dân ta tôn thờ như Đức Thánh Trần và Bà Chúa Liễu. Việc thờ công chúa Liễu Hạnh bao giờ cũng gắn liền với việc thờ các Mẫu tam phủ, tứ phủ – một tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu truyền thống ở Việt Nam nhiều thế kỷ nay. Việc thờ cúng Đạo giáo thường gắn liền với đồng cốt. Lên đồng, tức hầu bóng, là một hệ thống nghi thức độc đáo, đưa con người vào một trạng thái tâm lý đặc biệt, có thể giao tiếp với thần linh, thông qua đó cầu xin lời phán bảo về những việc cần làm, những điều nên tránh, hoặc để chữa trị bệnh tật. Vào thời Lê Thần Tông (TK XVII) xuất hiện một trường phái gọi là nội đạo. Người sáng lập ra nội đạo là Trần Toàn (Quảng Xương, Thanh Hóa). Ông vốn là quan thời Lê, không theo nhà Mạc, từ quan về quê tu tiên và phát triển giáo phái này ra phía Bắc. Khuynh hướng Đạo giáo thần tiên phát triển ở nước ta là phái nội tu, thờ Chử Đồng Tử, gọi là Chử Đạo Tổ. Giáo phái này ưa thanh tĩnh, nhàn lạc, tìm thú vui nơi thiên nhiên, làm thơ, xướng họa, gợi cảm xúc sáng tạo.
Có thể nói, nhìn một cách tổng quan, hệ tư tưởng thời Lê có những diễn biến khá phức tạp. Thời kỳ đầu Nho giáo độc tôn và trở thành công cụ trị nước quan trọng của chính quyền phong kiến thời Lê sơ. Ở giai đoạn Lê – Mạc, Lê trung hưng, hệ tư tưởng chuyên chế này trở nên lỏng lẻo, tạo điều kiện phục hồi cho các hệ tư tưởng khác. Chẳng hạn, sau một trăm năm thực hiện chủ trương “dương Nho, ức Phật” của nhà nước Lê sơ, vào những TK XVI-XVIII Phật giáo đã chấn hưng trở lại, đạo Lão được tầng lớp dân chúng quan tâm phụng thờ. “Tam giáo đồng nguyên” là đặc điểm nổi bật của hệ tư tưởng nước ta ở thời Lê mạt.
Mặc dù có những diễn biến nêu trên về ý thức hệ, song chúng ta nhận thấy rất rõ rằng từ tầng sâu, tức trong tiềm thức, hệ tư tưởng của cư dân thời Lê vẫn được xây dựng trên nền tảng của đạo Nho. Đó là ý thức về trật tự đẳng thứ, là tư tưởng trọng xỉ, trọng tước, là hiếu, đễ… Rõ ràng, mặt tích cực của Nho giáo vẫn tồn tại và được sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong việc “tề gia, trị quốc”.
Như vậy, hệ tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, nó quyết định sự ổn định hay bất ổn của một triều đại. Quá trình phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam cho thấy, sự lựa chọn hệ tư tưởng phù hợp với sự phát triển của thời đại đã có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Có thể nói, đó là kim chỉ nam, là đường lối để trị nước của mỗi thời đại hướng tới mục đích quốc thái, dân an.
Ở trên chúng tôi đã trình bày sự xuất hiện của các hệ tư tưởng trong đời sống xã hội thời Lê (1427-1788). Diễn biến của tình hình chính trị thời kỳ này đã chứng minh hệ tư tưởng có vai trò quan trọng trong sự thịnh suy của đất nước. Trong đó, một mặt, những hằng số tích cực xuyên suốt mọi thời đại của ý thức hệ – tức tôn giáo – có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước. Mặt khác, hệ tư tưởng cũng có những biểu hiện tiêu cực nếu nó đã trở nên lỗi thời, không phù hợp với trình độ xã hội mà nó đang tồn tại. Vì vậy, việc điều chỉnh ý thức hệ có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước theo tinh thần của chủ nghĩa nhân văn.
Tài liệu sử cho biết, một ý thức hệ độc tôn Nho giáo thời Lê sơ TK XV, một mặt đã tạo nên một xã hội trật tự, kỷ cương và phát triển; mặt khác, đã tạo ra một tầng lớp quan lại có một sự nhất trí hình thức, giả tạo về hệ tư tưởng. Bởi muốn thi đỗ ra làm quan, họ phải nhận thức một cách rập khuôn nội dung sắp đặt sẵn trong các giáo trình của Nho giáo. Nếu không, họ sẽ không đạt được vị thế mong muốn. Sự độc tôn về Nho giáo thời kỳ này còn làm cho tầng lớp quan lại thoái hóa, hình thức, mất sự sáng tạo, vì vậy, phần lớn quan lại chỉ quan tâm đến danh và lợi. Như vậy, sự ổn định của Nho giáo là sức mạnh, nhưng cường điệu sự ổn định sẽ là trì trệ. Và, sự thống nhất trong hệ tư tưởng Nho giáo là lợi thế, nhưng cường điệu sự thống nhất sẽ là hình thức, khuôn sáo và làm mất khả năng nhạy bén với cuộc sống. Có thể nói, đây là hạn chế lớn nhất của Nho giáo khiến vào thời Lê – Mạc, Lê trung hưng, TK XVI-XVIII hệ tư tưởng này không còn vai trò độc tôn trong xã hội. Sự phục hưng trở lại của đạo Phật, đạo Lão là một bằng chứng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 306, tháng 12-2009
Tác giả : Lê Thị Tuyết
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam