Chỉ với đôi chút nét hiện đại, nghệ nhân gốm Kwon Dae-sup đã làm cho chiếc bình trăng (moon jar) từ thời Joseon (1392 – 1910) trở nên mới mẻ, cập thời. Ông được tôn vinh bởi khả năng thể hiện vẻ thanh lịch, tao nhã vô đối của chiếc bình sứ tròn, màu trắng, có một không hai này. Ông bắt đầu sản xuất dạng bình này từ năm 1978 và nay, ông vẫn dành toàn bộ năng lượng sáng tạo của mình cho công việc duy nhất này. Phải mất gần 20 năm tìm hiểu, theo đuổi, áp dụng các công nghệ lò nung hiện đại, các phương pháp pha trộn đất mới, Kwon Dae-sup mới đủ tự tin giới thiệu triển lãm những chiếc bình trăng thời Joseon do ông tự tìm kiếm, học hỏi và nghiên cứu cách thực hiện.
Kwon Dae-sup lần đầu tiên nhìn thấy chiếc bình trăng thời Joseon tại một cửa hàng đồ cổ ở khu Insa-dong, trung tâm Seoul, khi đang theo học chuyên ngành hội họa phương Tây tại trường đại học Hongik. Ngay lập tức, vẻ đẹp kiêu kỳ của nó đã cuốn hút ông. Cơ hội tương ngộ này đã làm thay đổi cuộc đời ông. Ông quyết định trở thành một nghệ nhân gốm, thay vì là một họa sĩ. Ông nhớ lại: “Tôi như bị tình yêu sét đánh. Chiếc bình đó, thoạt nhìn thật đơn giản nhưng đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng khác nhau”.
Tuy nhiên, vào những năm 70, TK XX, thông tin về loại bình này rất hiếm hoi, gây khó khăn cho ông trong việc tìm hiểu sâu xa hơn. Ông tìm cách thu thập mảnh vỡ của nó ở khắp mọi nơi và dày công nghiên cứu. Ông đến Gwangju, thuộc tỉnh Gyeonggi, nơi tập trung các lò nung hoàng gia dưới thời Joseon, rồi cả Nhật Bản để tìm lại bất cứ dấu tích nào của những chuyên gia gốm sứ Hàn Quốc xa xưa từng được gửi sang quốc gia láng giềng.
Nghệ nhân gốm Kwon Dae-sup
Sau đó, ông tự xây dựng lò nung và mở một studio làm đồ gốm sứ ngay tại Gwangju, nơi ông đã tập trung theo đuổi việc tái tạo chiếc bình trăng vô đối này qua không biết bao nhiêu mà kể những thử nghiệm với đất sét, men, gỗ, và các nguyên vật liệu khác. Nghiên cứu của ông tiếp tục kéo dài thêm hơn 10 năm nữa. Cuối cùng, năm 1995, ông có cuộc triển lãm đầu tiên, giới thiệu công trình của đời mình với công chúng. Ông đã đợi cho đến khi hoàn toàn tự tin với tác phẩm của mình, trong cả hai tư cách là một nghệ nhân truyền thống và một người làm gốm hiện đại.
Hiện tại, các sản phẩm nghệ thuật gốm sứ của ông được trưng bày tại hàng chục viện bảo tàng lớn, trong đó có thể kể đến các Viện bảo tàng quốc gia của Hàn Quốc, Nga và Mexico. Thêm vào đó, ông nhận được rất nhiều lời đề nghị triển lãm tại các phòng trưng bày nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Một hành trình đơn độc
Kwon và vợ sống trong ngôi nhà nhỏ ngay cạnh studio và lò nung xinh xắn của mình dưới chân một ngọn núi. Nếu xung quanh lò nung là hàng đống củi thì trong studio bày đầy những bàn xoay, mẫu bình chưa hoàn thiện, nhiều thứ lặt vặt khác bao gồm cả đồ nội thất. Vậy đối với ông, chiếc bình tròn có ý nghĩa gì? “Để đánh giá chiếc bình tròn một cách trọn vẹn, chúng ta không nên chỉ nhìn vào hình dáng đơn giản của nó – ông nói – dù đó chỉ là một chiếc bình gốm trơn, không gợn hoa văn, nhưng nó đem lại cảm giác khác nhau mỗi khi chúng ta thưởng lãm, cảm giác thay đổi theo từng hoàn cảnh. Nó sẽ nhìn rất khác lúc chúng ta vui, và khác hơn hẳn khi chúng ta buồn, nó cũng thay đổi mỗi khi thời tiết ấm nắng, mưa hay âm u”.
Chiếc bình trăng (dal hangari) là cách gọi dành cho chiếc bình sứ tròn trắng của Hàn Quốc từ cổ xưa này bởi trông nó không khác gì khuôn trăng tròn. Chiếc bình gần như hình cầu, đường kính chỗ phình to nhất tương đương chiều cao, thường hơn 40 cm. Bề mặt của chiếc bình không gợn một hoa văn hay hình trang trí nào mà chỉ một màu sáng trắng thanh thoát như trăng rằm giữa bầu trời đêm.
Những chiếc bình sứ theo phong cách này được sản xuất vào giai đoạn sau của thời Joseon, giai đoạn mà mẫu gốm sứ màu trắng chiếm ưu thế vượt trội. Điều đáng chú ý là mẫu bình này chỉ được sản xuất trong vòng 100 năm, từ cuối TK XVII cho đến hết TK XVIII. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử gốm sứ đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân vì sao mẫu bình này đột ngột biến mất ngay sau giai đoạn dài hưng thịnh nhưng vẫn chưa có một lời giải thích chính đáng. Công năng của chiếc bình trăng này cũng là một câu hỏi lớn. Một số người cho rằng chiếc bình có thể được dùng để đựng rượu gạo, nước tương đậu nành, làm cá muối, hoặc đựng ngũ cốc trong khi một số khác lại tin chiếc bình được sử dụng trong các nghi lễ của hoàng gia.
Nơi thể hiện thẩm mỹ Hàn Quốc
Chiếc bình trăng là một sản phẩm độc đáo của văn hóa gốm sứ Hàn Quốc có lịch sử lâu đời. Gần đây, chiếc bình đã lọt vào mắt xanh của những người yêu nghệ thuật trên khắp thế giới bởi vẻ thanh nhã của nó, tựa như một tác phẩm nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc chứa đựng cảm thức hiện đại.
Vẻ đẹp của chiếc bình tròn được mô tả là trong veo, giản dị và tự nhiên. Thường thường, đồ gốm sứ trắng của Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu được trang trí với đa dạng các mẫu hoa văn, từ cây cối, động vật đến cả bóng dáng con người. Điều này cũng đúng với đồ gốm sứ Hàn Quốc nói chung, chỉ có chiếc bình trăng là ngoại lệ.
Theo ông Chung Yang-mo, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật gốm sứ, từng là giám đốc Viện bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, tác phẩm nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc nói chung gắn liền với tự nhiên, không bóng bẩy bề mặt, giản dị và thành thật, đơn sơ và rõ nét, đầy phóng khoáng và cả sự hóm hỉnh. “Thật dễ chịu và thú vị khi có chúng bên mình trong cuộc sống thường nhật và ngày nào ta cũng có thể ngắm nhìn, chuyện trò cùng chúng – ông Chung tiếp lời – đặc biệt là chiếc bình trăng lớn, xinh đẹp, phóng khoáng và chan chứa nhiều điều. Tôi không nghĩ rằng một biểu tượng giản đơn, chân thật, phong phú như vậy có thể tìm thấy được trong các bình gốm khác”.
Màu sắc của chiếc bình trăng cũng rất đặc biệt. Thoạt nhìn, chiếc bình chỉ là một màu trắng trơn. Nhưng người Hàn Quốc, vốn thích màu trắng, sẽ chiêm ngưỡng sự khác biệt tinh tế ẩn trong các sắc thái duyên dáng của nó. Nếu ngắm nhìn kỹ, chiếc bình trăng này để lộ một bảng màu trắng với nhiều sắc độ: từ màu trắng tuyết đến màu trắng sữa, từ trắng pha xám đến trắng pha xanh da trời… Sự đa dạng về màu sắc này có thể làm rung động trái tim người thưởng lãm.
Dáng hình cầu hoàn hảo không phải là một điểm lý tưởng để tìm kiếm với chiếc bình trăng. Ngay kể cả tính cân xứng hoàn hảo cũng vậy. Do đó, đứng ở từng góc nhìn khác nhau, chiếc bình lại trông hoàn toàn khác. Hơn thế nữa, chiếc bình có một đường nối rõ rệt giữa hai phần bán cầu. Điều này là không thể tránh được bởi trọng lượng đáng kể của chiếc bình không cho phép tạo ra chiếc bình nguyên vẹn trên bàn xoay. Nhưng điều đáng chú ý là người thợ gốm để lộ đường nối chứ không làm mất nó đi. Đây có thể được xem là một sản phẩm nghệ thuật thiếu hoàn hảo song cũng cần phải nhắc lại là việc theo đuổi tính tự nhiên là một trong nhưng đặc điểm cốt lõi của nghệ thuật Hàn Quốc truyền thống. Thay vì một sự trang trí hay một lớp láng bóng bẩy, chiếc bình bình thản bộc lộ bản chất thực của mình. Theo hướng này, chiếc bình tròn lại có vẻ ngoài tự nhiên hơn.
Trong diễn giải về chiếc bình trăng, Michael R. Cunningham, một học giả về nghệ thuật châu Á, thoạt tiên nhắc đến gốm men ngọc (celadon) của thời Goryeo (918 – 1392) mà theo ông, gắn liền với tính thủ công, sự khát khao theo đuổi vẻ tao nhã và thực tiễn, tương tự với đồ gốm sứ Trung Quốc nói chung. Ngược lại, chiếc bình trăng là một điều bí ẩn, vì kỹ thuật cấu tạo của chiếc bình không thể tìm thấy ngay trong nghệ thuật Trung Quốc cũng như Nhật Bản. Ông cho biết thêm rằng, đối với những ai lần đầu tiên nhìn ngắm chiếc bình sẽ thấy sự có vẻ thiếu hoàn hảo không bình thường của nó. Ở góc nhìn này, theo ông, bất kỳ người phương Tây nào nếu mong muốn thông hiểu tính thẩm mỹ của đồ sứ trắng Joseon thì nên tìm hiểu sâu hơn về Hàn Quốc cũng như lịch sử văn hóa của quốc gia này.
Bernard Leach, nghệ nhân gốm có tên tuổi người Anh, được biết đến với câu chuyện nổi tiếng về việc mua lại chiếc bình trăng Joseon: ông mua chiếc bình năm 1935 trong một cửa hàng đồ cổ ở Hàn Quốc, và bước ra đó trong tâm trạng của một người đang mang theo mình một niềm hạnh phúc. Chiếc bình nay được triển lãm tại Viện bảo tàng Anh quốc (the British Museum).
Tất cả công đoạn làm bình gốm đều bằng tay
Bàn về khuynh hướng quan tâm gần đây dành cho chiếc bình trăng, một số ý kiến tập trung vào vẻ đẹp tĩnh lặng của nó, giúp mang lại cho người ngắm nhìn nó một cảm giác yên bình trong tâm trí, cùng một sự thoải mái, như một cách phản ứng lại trước nền văn minh hiện nay vốn đang tạo ra một xã hội thông tin tiên tiến, trình độ cao nhưng lại xé toạc cuộc sống con người thành trăm mảnh và lấy mất đi sự nhân bản. Chắc chắn, vẻ giản dị thanh lịch của chiếc bình tròn này sẽ trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ hiện đại. Không chỉ có các nghệ sĩ gốm, rất nhiều nghệ sĩ trong các lĩnh vực khác như hội họa và nhiếp ảnh đã đem vào tác phẩm của mình hơi hướm thẩm mỹ của chiếc bình trăng.
Một tác phẩm của con người và thiên nhiên
Kwon Dae-sup cho biết, quá trình tạo ra chiếc bình này đòi hỏi ông phải toàn tâm toàn ý. Ngoài ra, còn phải có cả một sự tập trung cao độ, ý chí mạnh mẽ cùng một chiều dày kinh nghiệm trong tất cả các phần việc lớn nhỏ mà ông từng làm đi làm lại không biết bao lần. Điều quan trọng nữa không thể không tính đến là sự tác động của các yếu tố thiên nhiên, cụ thể ở đây là lửa và gió.
Chiếc bình được Kwon Dae-sup làm năm 2012
Ông bắt đầu công việc bằng sự chuẩn bị lớp bột đất sét được làm từ loại đất chất lượng cao ở các khu vực nổi danh như Yanggu và Jinju, rồi lọc bằng cách ngâm trong nước. Loại đất sét này trở nên nhão và mục ra, làm tăng chất săn sệt và tính đàn hồi, sau đó tạo hình bằng tay trên một bàn xoay. Quá trình này phải được làm rất chăm chú vì chỉ một chút sơ suất nhỏ cũng có thể làm hư hại toàn bộ hình dạng của phần đất sét, đồng nghĩa với việc người thợ gốm phải làm lại từ đầu.
Hai phần bán cầu, gồm nửa trên và nửa dưới của chiếc bình được tạo hình riêng rồi ráp lại với nhau. Chiếc bình thường được làm lớn hơn kích thước mong muốn khoảng 10 đến 20 phần trăm vì đất sét sẽ co lại trong quá trình nung. Từng chiếc bình trăng, hoàn toàn làm bằng tay, cần được để cách biệt nhau khi phơi khô. Bước tiếp theo là việc xếp bình vào lò cho lần nung đầu tiên ở mức nhiệt độ từ 850°C đến 900°C, trong khoảng thời gian 10 – 20 giờ đồng hồ. Sau lần lửa đầu tiên này, chiếc bình được tráng một lớp men, giúp tạo nên đa dạng những sắc độ trắng tùy theo công thức pha chế. Chiếc bình được nung trong lò thêm một lần nữa và lần này, việc kiểm soát lửa theo thời gian chuẩn xác là cực kỳ quan trọng. Lò nung phải duy trì được một môi trường ôxy hóa (với một lượng ôxy nhất định đủ để ôxy hóa các nguyên tố kim loại có trong men) cho đến khi nhiệt độ đạt đến khoảng 900°C. Ngay sau đó, không khí trong lò nung phải được giảm bằng cách giảm lượng ôxy nhờ việc thêm củi đốt để khí carbon từ củi đang cháy làm tiêu đi ôxy từ lớp men; lúc này nhiệt độ trong lò thường từ 1200°C đến 1300°C. Lần lửa thứ hai được kéo dài trong vòng 24 tiếng.
Sau khi lửa tàn, lò nung nguội đi, người thợ bắt đầu dỡ bình đem ra ngoài. Đây chính là thời điểm hội tụ của các yếu tố thiên nhiên như đất, nước, lửa, gió, gỗ và các nhân tố như sức lao động, kỹ năng của người thợ gốm. “Quá trình làm chiếc bình này không thể hoàn chỉnh nếu không có sự hỗ trợ của thiên nhiên – Kwon bộc bạch – vai trò của tôi chỉ là hỗ trợ quá trình này bằng cách cống hiến kiến thức và nỗ lực của mình”.
Phải mất khoảng 15 ngày để làm ra một chiếc bình tròn. Số lượng chiếc bình còn lại sau quá trình nung lửa là rất ít. Thêm vào đó, do Kwon tiếp tục lọc bỏ đi những chiếc không đạt tiêu chuẩn của ông nên số lượng cuối cùng chẳng đáng bao nhiêu. Kwon bày tỏ: “Xét về mặt kỹ thuật, hầu hết tất cả các chiếc bình đều đạt yêu cầu. Nhưng nếu xét về mặt nghệ thuật, thì tôi không hài lòng lắm với gần như tất cả. Bất kỳ một cái bình nào không khiến tôi rung động, tôi sẵn sàng đập bỏ đi”. Theo ông, một chiếc bình đẹp, hoàn chỉnh “là một chiếc bình làm hồn ma ngấn lệ. Một chiếc bình đẹp là một chiếc bình làm tôi hài lòng ngay từ lúc vận chuyển từ trong lò nung ra và khiến tôi phải thốt lên với nó rằng nó thật tốt, thật đẹp. Từ kinh nghiệm của mình, tôi biết rằng nếu một chiếc bình làm tôi hài lòng thì cũng sẽ làm cho người khác ngỡ ngàng”. Mặc dù vậy, ông vẫn phải thừa nhận “thật khó có thể dùng từ ngữ để miêu tả thế nào là một chiếc bình đẹp”.
Nghệ sĩ gốm này trung thành với truyền thống ở khía cạnh nguyên vật liệu và phương pháp chế tác nhưng dường như với ông, không có một giới hạn nào cho các tiêu chuẩn thẩm mỹ mà ông tự đề ra. Ông luôn tin tưởng rằng chiếc bình trăng sẽ chạm tới trái tim và có ý nghĩa với con người trong TK XXI. “Tôi cố gắng tạo ra một sản phẩm vẹn toàn, không cần thêm và không thể bớt – Kwon tiếp tục câu chuyện – ước mơ của tôi là tạo ra một tác phẩm có vẻ ngoài gây ấn tượng mạnh song vẫn có thể hòa hợp được với bất kỳ không gian và thời gian nào mà nó được trưng bày, đồng thời đem lại cảm giác bình yên và dễ chịu cho tất cả những ai nhìn ngắm nó”.
Là Tâm dịch
(Nguồn: Potter pursues subtle hues of the white moon jar, Koreana, vol. 28, No.3, Autumn 2014).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : DOH JAE-KEE
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày