Hình tượng cá trong trang trí kiến trúc thời nguyễn

Trong hệ thống hoa văn trang trí của kiến trúc truyền thống Việt Nam, hình tượng con cá, cụ thể là cá chép, rất phổ biến. Cá thường gắn với biểu tượng của nguồn nước, luôn mang sự may mắn và báo hiệu điềm lành, sự trường thọ. Với mỹ thuật Huế nói riêng, hình tượng con cá trở thành đề tài nở rộ, phong phú, được trang trí trên nhiều vị trí kiến trúc cung đình với nhiều chất liệu và hình thức biểu đạt khác nhau. Hình tượng cá đã góp phần tạo hiệu quả thẩm mỹ trong tạo hình, phản ánh được ý nghĩa tâm linh để từ đó thống nhất trong tư tưởng chủ đề.

Hình tượng cá trên các bờ nóc kiến trúc

Đầu tiên phải kể đến hai cặp tượng cá hóa rồng đang chầu vào hoa sen đặt trên bờ nóc cổng Thế Tổ miếu (nơi thờ các vua nhà Nguyễn), Hưng Tổ miếu (nơi thờ ông bà Nguyễn Phúc Luân, song thân của vua Gia Long). Nghệ nhân xưa đặt hai con cá trong bố cục đối xứng nhau qua góc mái chầu vào khối hoa sen ở giữa. Bằng chất liệu nề vữa đắp nổi, hình tượng cá nổi bật bằng màu vàng nhạt ấm áp với những đặc điểm của đầu rồng cách điệu như hai mắt xoắn ốc lồi lên, miệng há to, quặp lấy gờ mái kiến trúc. Mũi rồng xuất hiện với khối tròn nhẵn. Các lớp đao, vân xoắn trên lưng và dưới hàm tạo ra những khối sắc nhọn của một con rồng uy nghi, như phá cách đi những đường cong của phần đuôi cá. Trong khi phần thân và đuôi hoàn toàn theo lối tả thực của con cá rất tự nhiên. Lớp vẩy cá đều đặn, nhịp nhàng từ to đến nhỏ dần. Phần đuôi cá xòe ra như 2 tàu lá cách điệu, tạo đường cong mềm mại chếch lên, đầu chúc xuống trong tư thế con cá đang cong mình vượt qua thử thách để hóa thành rồng. Cá hóa rồng là một hình ảnh tượng trưng về việc khổ luyện thành tài, thăng tiến, trong tư tưởng Nho giáo. Tuy nhiên, cá lại chầu vào khối hoa sen ở giữa (hoa sen biểu tượng cho sự thanh cao, tinh khiết) trong Phật giáo. Khu vực phía trong điện thờ còn xuất hiện nhiều môtip của Lão giáo. Mặc dù nhà Nguyễn lấy Nho học làm nền tảng và dường như đây được thể hiện giai đoạn đầu tiên của các ông vua nho sĩ, muốn thăng tiến bằng ý thức Nho giáo, nhưng tư tưởng Phật giáo và Lão giáo vẫn được đan xen, bồi đắp và dung hòa.

Ở Di Luân Đường (Quốc Tử Giám Huế), có một cặp tượng cá chép vượt vũ môn, trang trí bên góc mái. Đây là di tích về trường đại học duy nhất thời phong kiến, là cơ quan giáo dục cấp Nhà nước được tổ chức tương đối có kỷ cương của triều Nguyễn. Quốc Tử Giám Huế đã đóng góp hết sức to lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước, là nơi lưu lại dấu chân của hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn. Do vậy, Di Luân Đường còn mang chức năng là giảng đường chính, nơi giảng dạy và đào tạo ra nhiều sĩ phu yêu nước của triều Nguyễn. Trên mái kiến trúc của tòa nhà, bên cạnh rất nhiều đề tài trang trí về linh thú, cặp tượng cá nổi bật, đặt đối xứng nhau ở bờ nóc mái hạ, ngay gian chính của tòa nhà, nơi dễ nhìn thấy nhất. Với bút phát tả thực, cặp tượng cá chép vượt vũ môn có bố cục khá tự do, khối căng nổi bật, sống động trên mái ngói hoàng lưu ly vàng óng. Hiệu ứng ánh sáng ngoài trời và ở vị trí trên cao, kết hợp với chất liệu khảm sành sứ long lanh, đã làm cho cặp tượng cá trở nên nổi bật trước rất nhiều các đề tài, hoa văn của công trình. Hình tượng này dường như là một lời nhắc nhở, giáo dục các nho sinh muốn vượt qua các kỳ thi cũng như trước khi đỗ đạt được công danh sự nghiệp thì phải trải qua sự rèn luyện ý chí, tinh thần, sự gian khổ. Điều đó cho thấy dưới triều nhà Nguyễn, vai trò của Nho học rất lớn trong việc điều hành đất nước.

Hình tượng cá là sản phẩm sáng tạo rất lớn của nghệ nhân xưa trong việc tiếp thu và vận dụng linh hoạt từ một đồ án mỹ thuật dân gian, để tạo nên sự bay bổng, sinh động trên mái kiến trúc nơi trang nghiêm và tôn quý. Lợi thế tạo khối, dễ gây ấn tượng mạnh của điêu khắc đã được các nghệ nhân sử dụng nhằm diễn đạt cho nhiều tầng ý nghĩa của biểu tượng, gắn liền với lý tưởng sống và ảnh hưởng tôn giáo chính thống trong xã hội đương thời.

Cá trên máng xối

Máng xối (1) trong kiến trúc Huế thường nối giữa bộ mái sau nhà trước và mái trước nhà sau, nếu nhìn từ phía đầu hồi thì còn gọi là kiểu thức kiến trúc trùng thiềm điệp ốc (2). Trong kiến trúc triều Nguyễn, thường xuất hiện hình con cá đang há miệng làm máng xối. Ngoài chức năng làm cho nước mưa chảy thông thoáng trên mái kiến trúc thì con cá còn được tạo hình mang tính thẩm mỹ cao và hết sức sống động. Điển hình đó là cá trên ở máng xối ở Xung Khiêm Tạ (lăng Tự Đức), được nghệ nhân đắp thành tượng tròn bằng nề vữa, khảm sành sứ bên ngoài, đang trong tư thế há miệng trườn xuống phía dưới hồ nước (hồ Lưu Khiêm). Khối hình con cá căng tròn, lưng cong xuống, vừa phù hợp với tiết diện kiến trúc lại vừa diễn tả được sự sống động tự nhiên, toát lên tinh thần tự do của bố cục, vừa tạo được chức năng làm máng xối mà vẫn phù hợp với hình ảnh không gian tiếp nối là hồ nước phía dưới. Cách thể hiện không quá cầu kỳ nhưng hình tượng cá hiện lên với mong ước giản dị của con người về cuộc sống ấm no, đầy đủ và dư thừa.

Con cá bằng chất liệu đất nung (đắp nổi) tại máng xối điện Ngưng Hy lăng (lăng Đồng Khánh) được tạo khối no căng, mềm mại. Bố cục uốn cong trên mái điện đã làm cho hình tượng cá thêm chân thực, gần gũi hơn đồng thời cũng chứa đựng được những ý nghĩa tâm linh, mong muốn sâu xa.

Tại máng xối điện Minh Thành lăng (lăng Gia Long), nghệ nhân sử dụng khối đầu cá, gợi tính tượng trưng nhưng vẫn đầy đủ chi tiết, miệng cá há rộng, phần râu cá giống như những đường cong xếp đều đặn vươn ra từ miệng cá khiến cho tổng thể của đầu cá mềm mại và sống động hơn. Điều dễ nhận thấy là nếu nhìn từ phía đầu hồi, đầu con cá được sắp xếp trật tự, cân đối giữa hai mái kiến trúc kiểu trùng thiềm điệp ốc. Hình đầu cá được đặt ngay ngắn ở giữa, là điểm phân cắt giữa hai mái nhà và hút mắt người xem, tạo sự mềm mại, giảm bớt đi phần khô cứng, nặng nề của mái kiến trúc. Khối đầu cá này cũng được đắp bằng nề vữa, có gắn mảnh sành sứ màu bao ngoài, màu sắc nổi bật, sống động, rất đời thực, trở thành một điểm nhấn trên mái kiến trúc. Tác giả người Pháp L.Cadiere từng nhận xét: “Cách dùng con cá như miệng ống xối là cách tự nhiên: nước là một yếu tố sống của cá… (3).

 Do vậy, con cá chép ngoài biểu trưng cho sự dư thừa, đầy đủ còn mang ý nghĩa trường thọ sống lâu. Khi trang trí trên máng xối kiến trúc triều Nguyễn, hình tượng cá chép có lẽ được chứa đựng khát vọng về sự bền vững, trường tồn mãi với thời gian của các công trình.

Cá trên ô hộc

Trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn hình tượng cá đã xuất hiện phổ biến trên ô hộc tại các cổng, cửa ở Thế Miếu, Chương Đức, nội thất lăng Khải Định. Cá được đắp nổi bằng nề vữa, có sơn màu trên mỗi ô hộc, bên cạnh những con vật khác như rồng, phụng, chim trĩ, hổ, ngựa, voi, gà, dơi, hươu, nai… đã làm cho mỗi ô hộc thêm sống động. Điều đặc biệt là người nghệ nhân tài hoa đều gắn liền với làng quê Huế. Do vậy, mà cách thể hiện hình tượng con cá ở mỗi ô hộc được miêu tả gần gũi, thân quen. Từng con cá gáy (cá chép biển) thân dài, cá chép nước ngọt thân tròn không chỉ nép mình trong các ô hộc, mà cách thể hiện khối nổi, căng tròn trong tư thế động, đem lại cảm giác cá như bật ra khỏi bức phù điêu, đang bơi lội tung tăng, trườn khỏi không gian của ô hộc kiến trúc. Mỗi ô hộc tĩnh lặng và có giới hạn không gian nhưng khi có các con vật trang trí trong đó, người thưởng ngoạn thấy sự sống sinh động, hài hòa với tổng thể và chức năng thẩm mỹ công trình. Những bức cá trang trí trên ô hộc luôn có tính lặp lại trong tuyến ngang. Do vậy, khối của từng con cá góp phần tạo tính liên hoàn trong bố cục cũng như nhịp điệu zích zắc trong tổng thể chung ở mỗi vị trí không gian kiến trúc, giúp không gian kiến trúc trở nên bay bổng và nhẹ nhàng hơn.

Hình tượng cá trang trí ở một số vị trí khác

Tại bình phong hậu lăng Đồng Khánh xuất hiện cặp tượng cá gáy thân dài đang trong tư thế bơi, bằng chất liệu nề vữa. Đôi cá có đầu chúc xuống, đuôi cong lên, hai mang dang rộng như đang chuẩn bị lấy lực để quẫy và bơi. Tất cả chấm mắt và vẩy được chạm rất kỹ trong một tinh thần của xu hướng tả thực. Thân cá uốn lượn theo hình đường cong chữ S. Dường như người nghệ nhân, khi tạc cặp tượng cá này, có ảnh hưởng và lấy nguồn cảm xúc bố cục của tranh Lý ngư vọng nguyệt (tranh dân gian Hàng Trống). Tuy nhiên, họ lại tạo được tính thẩm mỹ và dấu ấn riêng qua ngôn ngữ điêu khắc. Với màu nguyên gốc là ghi xám và sự xù xì của nề vữa, cặp tượng cá như hòa nhập với toàn gam màu chung của đá xám ở không gian tưởng niệm khu mộ vua. Với bố cục tự do, tư thế động của khối cặp tượng cá làm giảm bớt đi không gian tĩnh mịch, trầm buồn của nơi mộ phần.

Nhìn chung các cặp tượng cá bằng chất liệu nề vữa chiếm tỉ lệ ít nhưng lại tạo được dấu ấn riêng trên từng vị trí không gian khác nhau. Bởi màu sắc giản dị, mộc mạc, gợi lên cái đẹp nhuốm màu thời gian. Hình tượng cá chép, cá gáy mang ý nghĩa sống lâu nên khi cặp tượng cá đặt trong lăng mộ còn mang ước vọng, cầu mong cho lăng tẩm triều Nguyễn mãi trường tồn với thời gian.

Nếu ở những vị trí khác như máng xối, lườn mái, bờ nóc… con cá thường đặt trên cao khiến người xem phải ngước mắt ngắm nhìn thì ở thành ngoài của lăng Kiên Thái Vương, có cặp tượng cá duy nhất đặt sát dưới nền, bên cạnh chân cột. Khi người xem nhìn xuống, thấy chúng như đang hòa cùng với thiên nhiên, cây cỏ, tạo nên sự gần gũi, thân thương như chính môi trường nước của cá vậy. Điều này cũng phần nào phản ánh sự khiêm nhường đến ẩn mình trong vũ trụ bao la của chủ nhân lăng. Tác giả Phan Thanh Bình đã từng nhận xét: “Lăng Kiên Thái Vương có một vị trí khá kín đáo, khiêm nhường nhưng vẫn toát lên tính hoành tráng, thâm trầm trong không gian thiên nhiên trữ tình, sâu lắng, gợi lên những liên tưởng tâm linh lắng đọng, tĩnh lặng mà xao động lòng người” (4). Kiên Thái Vương tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Cai, người con thứ 26 của vua Thiệu Trị. Tuy không làm vua nhưng ông lại là cha đẻ của ba vị vua: Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi. Qua đó, chúng ta thấy cặp tượng cá không chầu vào nhau mà lại quay ra hai hướng Bắc, Nam.

Mặc dù cặp tượng cá có kích thước khoảng 1m, to hơn những con cá ở các di tích khác nhưng lại được tạc theo xu hướng tả thực, trên chất liệu nề vữa có khảm sành sứ bên ngoài. Cách ghép sành sứ bằng những mảng to như ốp, bọc, khoáng đạt trong thể hiện. Dường như cặp tượng cá ở lăng Kiên Thái Vương đã mang dấu ấn dân gian rất mạnh. Ngoài ước vọng dư thừa, may mắn và còn mang lại mỹ cảm riêng. Đó cũng là điều làm nên yếu tố độc đáo trong cặp tượng cá của lăng Kiên Thái Vương.

Việc tạo sự chuyển động liên tục của khối hình cá trên nhiều chất liệu khác nhau cũng như đặt ở không gian, vị trí ngoài trời với ánh sáng chan hòa làm cặp tượng cá luôn căng nở và rất nổi bật nhờ những chất liệu đồng, khảm sành sứ bao ngoài. So với những cặp tượng rồng, lân hay phụng có cấu trúc cầu kỳ, tiết diện lớn, cặp tượng cá luôn khiêm tốn về vị trí và kích thước, có thể bởi cá không thuộc phạm trù tứ linh hay linh vật. Tuy nhiên, cấu trúc hình khối cô đọng, ngắn gọn, mang tính chuyển động cao từ đuôi đến phần đầu lại làm cho cặp tượng cá luôn nổi bật. Mặt khác, chính sự cô đọng và đơn giản về khối lại mang đến điểm nhấn trong tổng thể bố cục kiến trúc giữa hàng rừng các đề tài, hoa văn, bố cục trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn tại Huế. Ngôn ngữ điêu khắc và trang trí trở thành lợi thế vì diễn đạt hết ý nghĩa tâm linh của hình tượng con cá đồng thời chứa đựng mỹ cảm riêng tùy theo trình độ tạo hình và cảm xúc của nghệ nhân. Hình tượng cá trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn có kết hợp cả yếu tố dân gian và yếu tố cung đình. Các nghệ nhân đã kết hợp và chọn lọc những khối hình cá đơn giản nhất, tạo nên những chuyển động linh hoạt, phù hợp với tiết diện kiến trúc điển hình. Hình tượng cá đã không chỉ góp phần quan trọng cho công năng của những công trình kiến trúc mà còn làm sinh động và nổi bật lên hệ thống hoa văn biểu tượng trang trí cũng như mang ý nghĩa tâm linh riêng ở mỗi vị trí kiến trúc dưới triều nhà Nguyễn.

Có thể nói, hình tượng cá trong kiến trúc triều Nguyễn là một trong những đỉnh cao của mỹ thuật truyền thống Việt, xứng đáng là một trong những đối tượng nghiên cứu của nền mỹ thuật triều Nguyễn nói riêng và di sản mỹ thuật dân tộc nói chung. Từ một chủ đề trang trí dân gian nhưng hình tượng cá đã được nghệ nhân vận dụng, tiếp thu rồi ứng dụng linh hoạt trong trang trí kiến trúc cung đình, góp phần làm nên phong cách riêng trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn.

Hiện nay, ở một số di tích thời Nguyễn, hình cá trang trí nói riêng bị hư hỏng nặng, nhiều mảnh sành sứ bao ốp bên ngoài khối hình bị rơi rụng, nhiều khối không còn nguyên vẹn mà bị sứt, vỡ. Thực tế này cần được các cơ quan chức năng khắc phục giải quyết, có những biện pháp bảo vệ thích hợp, để nhiều thế hệ sau có cơ hội chiêm ngưỡng các giá trị nghệ thuật điêu khắc của cha ông, cũng như thấm hiểu được nhiều hơn ý nghĩa văn hóa của biểu tượng cá nói riêng cũng như của các đồ án trang trí khác trên những công trình kiến trúc lộng lẫy một thuở nơi cố đô.

_____________

1. Máng xối: Máng hứng và dẫn nước mưa, thường làm ở chỗ đầu mép dưới của mái nhà, nước ào ào theo máng xối chảy vào bể.

2.Trùng thiềm điệp ốc: Là một kiểu cung điện truyền thống của Việt Nam, nhà kép hai mái trên một nền. Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng nước nối của hai mái nhà.

3. L.Cadiere (Hà Xuân Liêm, Phan Xuân Sanh dịch), Mỹ thuật ở Huế, trong Những người bạn Cố đô Huế, tập 6, 1919, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.307.

4. Phan Thanh Bình, Luận án Nghiên cứu nghệ thuật khảm sành sứ trong mỹ thuật thời Nguyễn, tr.62.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : LÊ THỊ TIỀM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *