Ramayana là một trong hai bộ sử thi nổi tiếng lâu đời, là tuyệt tác văn chương của nền văn hóa Ấn Độ. Bộ sử thi này có sự ảnh hưởng sâu đậm và rộng khắp các quốc gia Đông Nam Á. Ramayana là tác phẩm thuộc văn hóa tinh hoa đã dần trở thành văn hóa đại chúng không chỉ tại Ấn Độ mà còn ở các nước tiếp nhận nó. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến hai nhân vật quan trọng trong Ramayana là Ravana và Hanuman, vốn xuất thân từ tác phẩm kinh điển, nay đã trở thành hình tượng văn hóa đại chúng ở Thái Lan.
Thái Lan – đất nước của nụ cười, những con người mến khách và thân thiện, của một vùng văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa Đông Nam Á. Có thể nhận ra điểm nổi bật trong đời sống văn hóa tôn giáo của người Thái là tính dung hợp. Người Thái đã hòa trộn những yếu tố của tín ngưỡng vật linh với đạo Bà La Môn vào trong đạo Phật.
Ở Thái Lan, văn hóa Ấn Độ được tiếp nhận muộn và không phải bằng con đường trực tiếp mà thông qua quốc gia trung gian là Campuchia và Indonesia. Sử thi Ramayana qua Thái Lan trở trành Ramakian (TK XIII). Tuy vậy, theo tác giả Đỗ Thu Hà, ở Thái Lan đã có sự xuất hiện của Ramayana bằng hình thức những bức phù điêu vào khoảng TK IX – X (1).
Thuật ngữ văn hóa đại chúng
Về cơ bản, chúng ta có bốn định nghĩa ứng với bốn đặc trưng của văn hoá đại chúng, từ nghĩa từ nguyên của popular theo Raymond Williams (2) như sau: Văn hóa đại chúng bao gồm những hiện tượng, sản phẩm/ dịch vụ văn hóa được nhiều người ưa thích; Văn hóa đại chúng bao gồm những sản phẩm/ dịch vụ văn hóa mà những nhóm xã hội (nhất là những nhóm thiểu số/ bên lề) tự tạo nên để đáp ứng cho những nhu cầu đặc thù của riêng họ (vốn không được văn hóa thống lĩnh thừa nhận và quan tâm); Văn hóa đại chúng là hình thức văn hóa thấp hơn của đa số quần chúng phân biệt với văn hóa cao hơn của một thiểu số tinh hoa; Văn hóa đại chúng bao gồm những sản phẩm/ dịch vụ văn hóa người ta chủ ý tạo ra (thường gắn với công nghiệp văn hóa, sản xuất hàng loạt) nhằm thỏa mãn thị hiếu của số đông (đại trà).
Nếu phân loại văn hóa nghệ thuật, chúng tôi tạm chia thành 3 dạng: văn hóa dân gian, văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa. Tuy vậy, trên thực tế, ba dạng văn hóa trên không có ranh giới, chúng giao thoa và chuyển hóa lẫn nhau; luôn nằm ngang đồng đẳng, không có cao thấp, là ba hình thức văn hóa khác nhau của một nền văn hóa.
Văn hóa dân gian (Folk culture): đề cập nền văn hóa hình thành, phát triển, được chuyển giao trực tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác giữa những người bình dân quen thuộc với nhau. Văn hóa dân gian hình thành, phát triển dù không có sự dẫn dắt bởi lợi nhuận tài chính mà xuất hiện từ những nhu cầu không được thỏa mãn bởi nền văn hóa thống lĩnh. Văn hóa dân gian không chỉ thuộc về truyền thống (nông thôn, nông dân, nông nghiệp), ngay trong xã hội hiện đại vẫn có văn hóa dân gian.
Văn hóa tinh hoa (Elite culture): muốn thưởng thức phải được đào tạo, có những nghệ thuật gia đam mê theo đuổi; không nên chỉ hiểu văn hóa tinh hoa là văn hóa đỉnh cao, cao cấp hơn những dạng văn hóa khác.
Văn hóa đại chúng (popular culture): nỗ lực xóa nhòa ranh giới giữa văn hóa dân gian và văn hóa tinh hoa. Văn hóa đại chúng gắn với công nghiệp mang tính thương mại.
Hình tượng Ravana và Hanuman trong sử thi Ramakian
Ramakian là phiên bản Thái Lan của bộ sử thi Ramayana Ấn Độ hay còn được gọi là Ramakirti. Theo truyền thuyết ở Ấn Độ, người soạn lại Ramayana thành thơ sớm nhất là Valmiki, gồm 24.000 câu thơ đôi (sloka). Từ đó, nghệ nhân hát rong đem truyện thơ của Valmiki đi kể khắp xóm làng, phố phường Ấn Độ. Theo con đường dân gian ấy, Ramayana đã trở nên nổi tiếng không chỉ tại Ấn Độ mà còn ở các nước Đông Nam Á. Tuy vậy, phiên bản Ramakian (Ramakirti) Thái có nguồn gốc từ các phiên bản Ramayana vùng Nam Ấn chứ không phải dựa theo bản tiếng Sankrit của Valmiki. Ramakian (Ramakirti) còn chứa đựng các giá trị tín ngưỡng bản địa Thái. Vua Rama I của triều đại Chakri (1782-1809) là người đầu tiên đưa Ramakirti tích hợp trong nền nghệ thuật Thái (3).
Trong Ramakian, nhân vật Ravana đổi tên thành Thotsakan hoặc Tosakan; còn nhân vật Hanuman thì không đổi tên (4). Ramakian Thái Lan cho chúng ta biết Thotsakan là một vua quỷ xứ Lanka, người đã yêu Sida (Sita), vợ của Phra Rama. Thotsakan bắt cóc Sita, dẫn đến một cuộc chiến lớn giữa quỷ và người. Thotsakan có mười cái đầu, hai mươi cánh tay và sở hữu vô số vũ khí. Thotsakan có niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự bất khả chiến bại của mình. Còn Phra Rama được tôn kính như một hóa thân của Phra Narai (thần Vishnu – thần Bảo tồn) trong tín ngưỡng Bà La Môn) và Phra Rama là con trai của vua Tosarot cai trị xứ Ayodhya.
Nhân vật Hanuman là thần khỉ thần thoại vào thời Rama, bất khả chiến bại và có sức mạnh lớn hơn nhiều so với con người, có nhiều năng lực phi phàm bao gồm cả khả năng bay. Trong văn hóa Thái Lan, Hanuman dẫn đầu một đội quân khỉ để tiêu diệt những điều xấu xa, tội lỗi…
Tượng Thotsakan ở sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan
Ảnh: Nguyễn Thị Tâm Anh
Ở đây, chúng tôi chia làm 3 tuyến nhân vật chính trong truyện Ramakian: tuyến bên hoàng tử (Người) – tuyến nhân vật yêu quỷ còn gọi là Chằn – tuyến bên Khỉ. Tuyến bên hoàng tử (Phra Rama đại diện) tiêu biểu cho cái thiện, tinh thần anh hùng, tài ba và lòng đức độ. Những nhân vật trong tuyến gồm hoàng tử, công chúa… hiện diện cho cái đẹp, cái thiện tồn tại trong xã hội như lý tưởng mà con người mong muốn. Tuyến bên Chằn (Thotsakan đại diện) tiêu biểu cho cái ác, cái xấu xa tồn tại trong thiên nhiên và xã hội. Đó là những nhân vật yêu quỷ có nhiều pháp thuật, hung tợn, thường gây ra những nghịch cảnh cho người khác. Chiến tranh giữa tuyến hoàng tử và tuyến Chằn thường tượng trưng cho những cuộc xung đột, đối đầu giữa cái thiện và cái ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Mấu chốt vấn đề truyện Ramakian vẫn thể hiện ý chí và niềm tin tưởng của người dân vào sự tất thắng của lẽ phải dù rằng trong cuộc sống cái thiện và cái ác luôn đan xen tồn tại. Tuyến bên khỉ (Hanuman đại diện) tiêu biểu cho lòng quả cảm và trung thành, sự thông minh và mưu lược. Nhân vật Khỉ vừa mang trong mình sự chính nghĩa nhưng cũng lắm mưu mô, sẵn sàng dùng thủ đoạn nếu cần thiết. Tuyến Khỉ là lực lượng trọng yếu, là cánh tay phải đắc lực trong cuộc chiến giữa hoàng tử và Chằn. Với tinh thần tôn giáo Ấn Độ mang bản chất “thống nhất giữa các mặt đối lập”, phải chăng tuyến nhân vật Khỉ chính là cầu nối thể hiện điều này. Muốn chiến thắng kẻ ác đôi khi cũng cần phải ác. Ác để mà lành, để mà thiện.
Truyện Ramakian đã thể hiện rõ cuộc đấu tranh giữa thiện và ác. Cái thiện và ác thể hiện qua hình ảnh Phra Rama và Thotsakan. Truyện còn cho thấy tinh thần triết lý dharma (bổn phận) trong hành động của Phra Rama – một hoàng tử rời bỏ cung điện, vào rừng sống kham khổ mà vẫn trọn khí tiết, phẩm chất của một dũng sĩ. Vấn đề về danh dự và tình yêu còn xuất hiện trong phần cuối tác phẩm, khi Phra Rama nghi ngờ lòng chung thủy của vợ là nàng Sita. Điều này khiến nàng Sita cảm thấy bị xúc phạm. Để giữ gìn danh dự, nàng đã nhờ ngọn lửa (thần lửa Agni) chứng minh. Sau đó, nàng một lần nữa từ chối quay về hoàng cung và nhờ đến đất mẹ chở che. Cho đến khi Phra Rama đã vượt qua tất cả mọi thử thách, nàng mới trở lại cùng Phra Rama trị vì thành Ayodhya.
Nhân vật Thotsakan và Hanuman có ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong nghệ thuật Thái Lan. Sân khấu kịch múa truyền thống – Khon chỉ trình diễn tác phẩm sử thi Ramakian và trích đoạn cuộc chiến tranh giữa Rama và vua quỷ mười đầu Thotsakan – kẻ đã bắt cóc vợ mình luôn là phần trình diễn bất hủ. Trong cuộc chiến này, Hanuman là cánh tay phải đắc lực của Phra Rama, do vậy, các phân đoạn về nhân vật Hanuman cũng vô cùng ấn tượng và lôi cuốn khán giả. Sân khấu Khon được xem là di sản văn hóa của người dân Thái, trong đó, nghệ thuật múa và mặt nạ là hai yếu tố trọng yếu nhất (5).
Hình tượng Ravana và Hanuman trong văn hóa đại chúng Thái Lan
Trong chiến lược phát triển du lịch và quảng bá văn hóa nghệ thuật của đất nước, Thái Lan đã rất thành công khi chọn sân khấu kịch múa truyền thống Khon. Trong sân khấu Khon, mặt nạ Khon là một phần vô cùng quan trọng. Các nhân vật trong sử thi Ramakian với các tuyến Chằn và Khỉ đều đa dạng với kiểu dáng, màu sắc, họa tiết khác nhau. Các nghệ nhận trong quá trình chế tác mặt nạ Khon đều có những kiêng kỵ và cúng tổ rất trang trọng. Điểm đáng lưu ý là sự chuyển đổi không gian xuất hiện của mặt nạ Khon. Các mặt nạ nhân vật đều bước ra từ sân khấu tinh hoa truyền thống để trở thành các sản phẩm du lịch, được chế tác rất tỉ mỉ, tinh tế với nhiều chất liệu khác nhau, từ giấy bồi đến gỗ, kích thước cũng đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Có thể nói, các nhân vật sử thi bằng cách này không chỉ trở nên gần gũi với người dân Thái mà còn tạo ấn tượng với du khách nước ngoài. Đó cũng là cách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật Thái Lan,
Ở Thái Lan, đặc biệt là Wat Phra Kaew (chùa Phật Ngọc) nằm trong Cung điện Hoàng gia ở Bangkok cũng có các hình ảnh rút ra từ sử thi Ramakien. Tại hai bên cổng, ở các lối vào tham quan, đều có hai hình tượng hộ pháp khổng lồ. Đó chính là các nhân vật yêu quỷ – Chằn. Các nhân vật này tại chùa Phật Ngọc Thái được tạo hình tinh xảo với màu sắc tươi sáng, nhưng vẫn biểu lộ được sự dữ tợn, uy nghi của một vị dharmapala (dạng hộ pháp, người giữ cửa). Theo thống kê của chúng tôi qua đợt khảo sát thực địa, có tất cả 12 vị, trong đó có nhân vật Thotsakan. Văn hóa Thái đã dung hòa tất cả những yếu tố văn hóa bản địa vào Phật giáo, đồng thời dung hợp các yếu tố của đạo Bà la môn, biến các vị thần Bà la môn thành các vị Hộ pháp (Dvarapala) và các thần hộ trì phương hướng (Dipalaka) trong thần điện Phật giáo. Chính sự dung hòa và kết hợp đó đã đóng một vai trò quan trọng, giúp Phật giáo vẫn tồn tại đến ngày nay với cương vị quốc giáo ở Thái Lan.
Hơn nữa, các nhân vật trong Khon trở nên phổ biến và thân thuộc khi được bày bán rất phong phú tại các cửa hiệu và siêu thị, cửa hàng bán đồ lưu niệm… dưới dạng các sản phẩm in hình vô cùng đa chủng loại như áo phông, đồng hồ, tem, tranh, mặt nạ dưỡng da, dầu gió, móc khóa,… đều có hình ảnh nhân vật Thotsakan và Hanuman… Điều này đã làm cho nghệ thuật Thái Lan nổi tiếng khắp nơi. Bằng cách này, các nghệ nhân Thái Lan sẽ tìm thấy đầu ra cho các sản phẩm, từ đó duy trì và bảo tồn nghề truyền thống của họ. Tại sân bay Suvarnabhumi cũng có bức tượng vàng đồ sộ được viền hoa văn màu đỏ và xanh lá cây (chú thích bên dưới bức tượng là Tosakanth – tên gọi khác của Thotsakan). Việc đặt các tượng hộ pháp lớn ở đây mang ý nghĩa là bạn sẽ có một hành trình bay an toàn.
Đặc biệt, Hanuman trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong nghệ thuật xăm hình Thái (Sak Yants). Có nhiều biến thể khác nhau của Sak Yants với Hanuman. Hình tượng Hanuman đã và đang được sử dụng để mang lại cảm giác được bảo vệ khỏi nguy hiểm. Một hình xăm Hanuman trên cơ thể sẽ tăng sự tự tin và tăng lòng quyết tâm khi làm một việc gì đó.
Nhìn chung, ngành Du lịch Thái Lan có thể quảng bá, giới thiệu những hình ảnh như Thotsakan và Hanuman thông qua các sản phẩm thủ công. Qua những chuyến đi thực địa ở Thái Lan, chúng tôi thấy rằng có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhỏ và thuận tiện để làm quà lưu niệm cho khách du lịch như mặt nạ của Thotsakan, Hanuman bằng bạc, giấy… Chúng tôi cho rằng đây là một cách rất hiệu quả để giới thiệu văn hóa dân tộc. Khách du lịch có thể không biết đó là một nhân vật tốt hay xấu, thần hay người, nhưng sẽ bị mê hoặc bởi sự phổ biến đại chúng, từ đó sẽ dần ưa thích và bắt đầu quan tâm đến văn hóa sở tại.
Kết luận
Ravana và Hanuman đều là những nhân vật trong bộ sử thi Ramayana. Người Thái tuy chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nhưng đã địa phương hóa với tín ngưỡng bản địa các nhân vật này.
Trong sân khấu Khon, Ravana và Hanuman được xem là những nhân vật mang lại sự lôi cuốn huyền bí đến lạ lùng trong những buổi trình diễn. Hình tượng yêu quỷ – Chằn có một vị trí nổi bật, vì ngoài tác dụng giải trí còn mang ý nghĩa tâm linh, chẳng hạn, để cầu mưa, xua đuổi dịch bệnh, tà ma và những điều không tốt trong đời sống để được sự yên bình. Sân khấu Khon vì thế cũng vượt lên trên tầng nghĩa không chỉ là sân khấu trình diễn mà còn là sân khấu nghi lễ.
Trong tạo hình, Ravana và Hanuman là những môtíp khơi nguồn sáng tạo bất tận đối với nghệ nhân Thái nói riêng và khắp Đông Nam Á nói chung. Hình tượng Chằn trở thành vị hộ pháp ngăn chặn tà ma xâm nhập vào chùa chủ yếu với các tư thế đứng hoặc ngồi oai nghi trong khuôn viên. Qua đó, đề cao tinh thần khoan dung của Phật giáo… Có thể nói, Ravana và Hanuman là những nhân vật tôn giáo nhằm thể hiện niềm tin về quy luật nhân quả: thiện và ác.
Những nhân vật này cho thấy sức sống đáng kinh ngạc khi đi từ truyền thuyết sử thi đến văn hóa đại chúng. Hai hình tượng này trở nên phổ biến trong văn hóa du lịch, đặc biệt xuất hiện trên các sản phẩm du lịch như áo thun, tem thư, postcard, móc khóa, hàng thủ công mỹ nghệ… Ngoài ra, hình tượng Hanuman còn trở thành môtíp chính trong nghệ thuật xăm hình của người Thái. Điều đó cho thấy sự chuyển đổi của niềm tin ở vùng đất tôn giáo và huyền bí Đông Nam Á.
____________
1. Đỗ Thu Hà, Vấn đề bản địa hóa sử thi Ramayana Ấn Độ tại một số nước Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.177.
2. John Storey, Cultural Theory and Popular Culture: An Introduction (Fifth Edition), Lý thuyết văn hóa và văn hóa đại chúng: Giới thiệu, Nxb Pearson Education, 2009, tr.5.
3. Swami Satyananda Puri (kể lại), The Ramakirti (Ramakien) The Thai version of the Ramayana, Phiên bản Thái của sử thi Ramayana, Nxb Thammasat University, Bangkok, Thailand, 1998, tr.5- 8.
4. The story of Ramakian – From Mural Paintings along the galleries of the Temple of the Emerald Buddha, Truyêṇ Ramakian – Từ những tranh tường dọc theo các khu trưng bày trong Chùa Phật Ngọc, Nxb Pueandek, Bangkok, Thái Lan, 1982, tr.22.
5. Jack M. Clontz, Khon Mask – Thailand’s Heritage, Mặt nạ Khon – Di sản của Thái Lan, Museum of Contemporary Art, Bangkok, Thái Lan, 2014, tr.5.
Tác giả: Nguyễn Thị Tâm Anh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn