Ngày nay, để xây dựng được những vở diễn hiện đại, vừa lý giải về thế giới và nhân sinh hiện đại mà vẫn giữ được phong cách nghệ thuật tuồng, vừa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khán giả, là một việc làm không dễ. Những người yêu thích và tâm huyết với nghệ thuật tuồng đang rất lao tâm khổ tứ để tìm ra hướng đi cho loại hình nghệ thuật này, từ thi pháp, đề tài, các biện pháp thể hiện, đổi mới văn chương đến đổi mới kết cấu, gắn kết các thành phần nghệ thuật và biện pháp kỹ thuật: âm nhạc, nói, hát, múa, diễn xuất, trang trí, hóa trang, phục trang, ánh sáng, đạo cụ… Trong khối lượng đồ sộ những công việc cần thiết cho tuồng hiện đại, có vấn đề hóa trang, vẽ mặt.
1. Những quan niệm mới liên quan đến hóa trang tuồng
Cuộc sống luôn luôn thay đổi cùng với sự vận động và phát triển của xã hội loài người. Vì vậy, tuồng hiện đại cũng cần phải phản ánh hiện thực đang từng ngày, từng giờ thay đổi… Hàng loạt vở tuồng đã không còn tìm cảm hứng sáng tạo từ những truyện truyền kỳ xa xôi hoặc mượn những sự tích của Trung Quốc, mà bám vào hiện thực cách mạng đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước của nhân dân ta như: Chị Ngộ, Gan bất khuất, Má Tám, Dấu chân người trước, Hoàng Hoa Thám, Suối đất hoa, Hoàng hôn đen…
Tuồng hiện đại khát khao thể hiện con người thời đại, những mẫu người mới, những anh hùng trên mặt trận đấu tranh bảo vệ tổ quốc, xây dựng kinh tế: doanh nhân, nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ… Những hình tượng nhân vật mới không giống những mô hình nhân vật trong tuồng cổ, buộc các nghệ sĩ tuồng phải tìm tòi, khám phá những mô hình mới.
Ở nước ta đã tồn tại nhiều khuynh hướng nghệ thuật, một mặt, do chúng ta tự sáng tạo, mặt khác, là do sự tiếp thu, du nhập từ nước ngoài… tạo ra các xu hướng, tiêu chí và chuẩn mực đánh giá rất khác nhau, tạo thuận lợi cho việc tìm ra các biểu tượng, và là gợi ý không nhỏ cho các nghệ sĩ tuồng tìm ra các mô hình mới trong hóa trang vẽ mặt, để phù hợp với quan niệm và thị hiếu của con người thời đại mới.
2. Mối liên hệ giữa ba bộ mặt trong nghệ thuật hóa trang vẽ mặt
Hóa trang vẽ mặt trong tuồng có tính khoa học rất chặt chẽ. Nó không chỉ phải đảm bảo thực hiện một cách sáng tạo và nghiêm ngặt các nguyên tắc thể loại, các đặc trưng nghệ thuật tuồng; mà đồng thời phải dựa trên các quan niệm và thị hiếu của con người thời đại, khắc họa được những mô hình vẽ mặt mới, thể hiện một cách khái quát, điển hình nội tâm, ngoại hình của những tầng lớp người trong xã hội. Vấn đề này có liên quan sâu sắc đến việc tìm tòi, khám phá, phát hiện và nắm vững: nhân vật đang ở trong hoàn cảnh xã hội nào (bộ mặt xã hội), nhân vật có đời sống nội tâm như thế nào (bộ mặt tâm lý), nhân vật ấy là nam hay nữ, già hay trẻ, khỏe hay yếu… (bộ mặt hình thể).
Cả ba bộ mặt này phải được thể hiện thống nhất trong một bộ mặt đó là diện mạo hóa trang của diễn viên, tổng hòa bởi ba khả năng: tiếp thu ngoại giới, cảm xúc, hoạt động.
Nếu thiếu một trong ba khả năng này thì nhân vật không có cuộc sống của nhân vật. Thiếu khả năng thứ nhất, nhân vật không có nội dung gì để suy nghĩ, để quan hệ; thiếu khả năng thứ hai, nhân vật không thể diễn xuất, còn thiếu khả năng thứ ba, nhân vật không thể hành động. Ba khả năng này tạo ra ba bộ mặt của một nhân vật, một diễn viên:
Bộ mặt xã hội: là toàn bộ tiểu sử từ khi lọt lòng mẹ đến lúc giã từ cõi đời. Sinh ra, lớn lên, thành phần giai cấp, hoàn cảnh gia đình, bản thân, sự giáo dục của nhà trường, đoàn thể, cộng đồng; trình độ học vấn, địa vị xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo…
Bộ mặt tâm lý: là toàn bộ sự hoạt động tâm lý, trong đó yếu tố dân tộc và khí chất là biểu hiện tập trung và rõ nét các trạng thái tâm lý và những nét cá tính khác nhau.
Bộ mặt hình thể: là hình dáng vẻ bên ngoài (cao, thấp, gầy, béo, dị tật, cố tật bẩm sinh, màu da, râu, tóc, nốt ruồi, già, trẻ, gái, trai, kiểu mốt, chất liệu, màu sắc phục trang; đồ trang sức; đạo cụ – đồ dùng…). Bộ mặt hình thể là hiện thân của bộ mặt xã hội và bộ mặt tâm lý ở một con người, cũng đồng thời là diện mạo hóa trang của nhân vật trên sân khấu.
Hóa trang vẽ mặt là đặc trưng, phương pháp và phong cách để xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tuồng. Đương nhiên, khi thực hiện, một mặt phải căn cứ vào ba bộ mặt, ba khả năng của nhân vật cụ thể trong vở tuồng hiện đại; mặt khác phải vận dụng linh hoạt và sáng tạo những tri thức và kinh nghiệm của nhân tướng học hiện đại, cùng với thực tiễn và tư duy biểu tượng hóa trong mỗi con người đương đại, để sáng tạo nên mô hình nhân vật tổng hợp, khái quát và điển hình.
3. Thực trạng vẽ mặt trong các vở tuồng hiện đại
Những vở tuồng hiện đại viết về đề tài chiến tranh:
Cho đến nay, đã có hàng trăm vở tuồng hiện đại được dàn dựng và đã có những vở diễn thành công, ghi được dấu ấn nhất định.
Một trong những vở đầu tiên của tuồng hiện đại đạt được thành tựu là Chị Ngộ của Nguyễn Lai viết về hình tượng con người trong kháng chiến chống Pháp. Với nội dung có chất bi hùng cùng việc xử lý các hành động kịch, sử dụng làn điệu khá thành công, vở diễn đã gây tiếng vang trong giới cũng như trong quần chúng. Hình tượng nông dân chống Pháp như chị Ngộ và anh Tài cũng đã được ghi nhận, nhưng, thực tế là vở diễn không có hóa trang vẽ mặt theo cách hiểu truyền thống.
Giai đoạn chống Mỹ cứu nước là thời kỳ rực rỡ nhất với nhiều vở tuồng nổi bật.
Vở Sư già em bé của Kính Dân đã vẽ lên một bức tranh về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng của nhân dân trong vùng Mỹ ngụy tạm chiếm. Nhà hát tuồng Bắc đi vào đề tài hiện đại ngọt ngào hơn, ít câu lệ bởi hình thức cổ điển cũng đã xây dựng thành công hai vở Tình mẹ và Suối đất hoa, được đông đảo khán giả tán thưởng. Trong liên hoan sân khấu chống Mỹ cứu nước năm 1965, hai vở Má Tám, của Mịch Quang, Cô gái bến phà của Mai Bình đã gây được tiếng vang lớn khi xây dựng thành công hình tượng con người mới trên tuyến đầu chống Mỹ. Xung đột địch ta đẩy lên gay gắt, rất phù hợp với nghệ thuật tuồng với những bi kịch hào hùng, xung đột mãnh liệt, lột tả được những khát vọng lớn lao của thời đại.
Như vậy, trong kho tàng sân khấu tuồng đã có không ít vở về đề tài chiến tranh được lịch sử ghi nhận, nhưng không có một mô hình vẽ mặt nhân vật nào đáng để lưu vào kho tàng hóa trang vẽ mặt. Có chăng chỉ là hóa trang diện mạo (nhân tướng học), gần với lối hóa trang của kịch nói. Nói cách khác, hóa trang nhân vật trong tuồng hiện đại về đề tài chiến tranh đang ở tình trạng kịch nói hóa.
Hóa trang trong các vở tuồng về đề tài lịch sử
Trong một số vở tuồng về đề tài lịch sử, các tác giả đã thực hiện tốt việc hóa trang vẽ mặt cho một số nhân vật, kế thừa có hiệu quả các mô hình vẽ mặt trong tuồng cổ, đồng thời sáng tạo, cải biên cho phù hợp với tuồng hiện đại. Trong số những vở tuồng gần đây, các nhân vật được vẽ mặt thường là các nhân vật tướng phản, nền mặt trắng, họa tiết trang trí là các đường vằn đen xước lên, kế thừa hiệu quả kiểu vẽ mặt của loại nhân vật phản diện trong tuồng cổ.
Nổi bật nhất là một số nhân vật: Lập Bạo trong Nguyễn Hoàng; Ô Mã Nhi, Tướng Nguyên, Lý Hằng trong Trần Bình Trọng…
Một số nhân vật tuy không vẽ những mảng màu mặt nền mạnh nhưng đã áp dụng rất tốt nhân tướng học, kế thừa lối hóa trang trong tuồng cổ như: tướng trung màu mặt nền có hóa trang hồng hào hơn, tướng phản có sắc mặt trắng hơn so với nhân vật bình thường, các nét lông mày, râu, mắt, mũi, miệng được cách điệu, mang đặc điểm tính cách nhân vật như: Lê Chiêu Thống, Quang Trung, Lê Quyết, Càn Long trong Trời Nam; Trần Thủ Độ trong Lịch sử hãy phán xét; Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Chừng, Hồ Hán Thương, Trần Khát Chân trong Hồ Quý Ly…
Một số hóa trang nhân vật trong tuồng về đề tài lịch sử không dựa trên lối hóa trang truyền thống, nhân tướng học hiện đại hoặc biểu tượng hóa, dẫn đến việc nhân vật nhạt nhòa, mờ ảo về tính cách, chung chung về hình thể, nặng về trang điểm theo lối làm đẹp, thiếu tính chất mạnh mẽ của màu sắc cũng như họa tiết trang trí… Kết quả là không truyền tải nổi nội dung xung đột bạo liệt, không phù hợp với thủ pháp ước lệ của nghệ thuật biểu diễn và các mô hình nói, hát, động tác, múa, hát, phục trang, khiến cho vẻ mặt không tuồng của diễn viên dường như bật ra khỏi các yếu tố khác của vở diễn dưới ánh đèn chói trang của sân khấu hiện đại.
Nhìn chung, lối hóa trang trong các vở tuồng hiện đại còn kịch nói hóa hoặc điện ảnh hóa, làm mất đi ưu thế độc đáo, đi ngược lại với nguyên tắc của tuồng qua hàng trăm trình thức, bản mẫu hóa trang vẽ mặt. Nếu cứ dần dần lược bỏ các ưu thế độc đáo thì chỉ trong một vài thập kỷ tới, chúng ta sẽ có một loại hình sân khấu tuồng không còn chất tuồng. Việc kế thừa, phát huy lối hóa trang vẽ mặt trong tuồng cổ và việc thiết kế các mô hình hóa trang cho tuồng hiện đại đòi hỏi phải kiên trì, nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan cũng như kinh nghiệm thực tiễn của lối hóa trang độc đáo này. Có thể tổng kết các nguyên tắc của việc thiết kế mô hình hóa trang cho tuồng hiện đại: thiết kế mô hình vẽ mặt phải dựa trên cơ sở các mặt nạ truyền thống; áp dụng các tinh hoa của nền mỹ thuật, nhân tướng học hiện đại; đảm bảo thể hiện nội tâm, ngoại hình nhân vật và nguyên tắc khoa trương, cách điệu trong tuồng; đảm bảo yếu tố sát thực với cuộc sống của các kịch bản tuồng hiện đại.
Một vài mô hình thể nghiệm
Trong Trần Bình Trọng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xây dựng khá thành công hình tượng nhân vật trung tâm. Hình ảnh Trần Bình Trọng được khắc họa như một người anh hùng trung quân trong tuồng cổ, vì vậy, nhân vật được vẽ mặt dựa trên các mô hình vẽ mặt trong tuồng cổ. Màu da được thiết kế dựa trên tính chất các nhân vật mặt đỏ, nhưng không phải đỏ cờ. Màu đỏ còn được sử dụng làm những mảng màu trang trí, vừa có tác dụng nhấn mạnh diễn xuất của nhân vật đồng thời phù hợp với quan niệm của mỹ thuật hiện đại. Các chi tiết như nét lông mày, râu dựa trên lối vẽ mặt truyền thống nhưng được nhấn mạnh bằng các mảng màu trang trí theo giải phẫu học hiện đại, phục vụ diễn xuất bằng cơ mặt, một thế mạnh độc đáo của tuồng.
Mô hình nhân vật phản diện Trịnh Kiểm trong Nguyễn Hoàng của Nhà hát Tuồng Đào Tấn được thiết kế dựa trên cơ sở các nhân vật phản diện trong tuồng Sơn hậu. Màu sắc có sự thay đổi để phù hợp hơn với màu da mặt nhưng vẫn đảm bảo độ tương phản nhằm gây ấn tượng bạo liệt. Trên trán là họa tiết trang trí cách điệu gợi sự liên tưởng tới hình ảnh bọ cạp, một loài vật được coi là hung dữ.
Chị Ngộ của Nguyễn Lai là một vở thành công trong việc xây dựng hình tượng con người trong kháng chiến chống Pháp. Việc thiết kế mô hình hóa trang nhân vật chị Ngộ dựa trên cơ sở mô hình hóa trang vẽ mặt của Đào Tam Xuân, kết hợp với yếu tố hiện đại, đó là một nửa mặt màu xanh chuyển tiếp một cách nhẹ nhàng nhằm xóa đi sự khó chịu về đường ranh giới giữa hai nửa khuôn mặt. Đường nét trang trí dựa trên cấu trúc của giải phẫu học và nguyên lý âm dương nhằm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ tần tảo nhưng có phần bất hạnh. Đó là hình tượng đẹp nhất về người phụ nữ trong tuồng về đề tài chiến tranh.
Các ví dụ trên đã chứng tỏ, tuy cuộc sống hiện đại có những quan niệm mới, xuất hiện nhiều loại hình mới, nhưng nếu khai thác hợp lý các giá trị truyền thống thì hóa trang vẽ mặt tuồng vẫn có vẻ đẹp, tiếng nói riêng, thích hợp với ngôn ngữ của tuồng và nhịp sống thời đại.
4. Giải pháp cho hóa trang vẽ mặt tuồng hiện đại
Đặc trưng cơ bản của nghệ thuật sân khấu tuồng là ước lệ, cách điệu, nên hóa trang vẽ mặt cũng dùng thủ pháp ấy. Đường nét và màu sắc trong hóa trang vẽ mặt được tinh giảm, gợi hình, tượng trưng, chắt lọc những nét bản chất nhất để thể hiện ngoại hình, nội tâm nhân vật.
Khi nhân vật tuồng xuất hiện trên sân khấu, trong bộ trang phục được khoa trương cách điệu với bảng màu sắc mạnh mẽ thì việc vẽ lên mặt các mô hình diện mạo nhân vật lại tỏ ra có hiệu quả và ăn nhập với hình thức tổng thể của toàn bộ người diễn viên và thể hiện các thể loại nhân vật trong tuồng.
Mỗi màu sắc trong hóa trang vẽ mặt tuồng thường thể hiện một loại nhân vật cụ thể. Mặt đỏ tượng trưng cho người cương trực, thẳng thắn, tính tình nóng nảy, dứt khoát, đôi khi là những nhân vật huyền thoại. Mặt đen dành cho những nhân vật phản diện, thuộc thế lực hắc ám nhưng đôi khi là nhân vật chính diện bộc trực, nóng nảy. Mặt trắng dùng cho nhân vật phản diện với nhiều đường nét vằn vện, còn nếu đường nét thanh thoát nhẹ nhàng thì là lão trắng hay kép trắng, những người theo đường văn nghiệp. Mặt xanh thể hiện các nhân vật có xuất thân từ trên núi, và có khi cũng là các nhân vật thần thánh, huyền thoại,… Mặt rằn thể hiện các loại tướng võ, cả chính diện lẫn phản diện, cá tính mạnh mẽ nhưng yếu mềm trong quan hệ với những người cùng huyết thống. Các nhân vật có kiểu mặt đặc biệt như mặt đào, mặt yêu thì tính chất nhân vật phụ thuộc nhiều vào các họa tiết trang trí.
Các mô hình được xây dựng dựa trên cơ sở tính cách nhân vật. Để vẽ các chi tiết trang trí, các nghệ nhân tuồng đã sử dụng nhiều thủ pháp: tả thật, ước lệ, cách điệu, tượng trưng… mang đậm nét đặc trưng nghệ thuật tuồng.
Để tạo được những mô hình hóa trang, vẽ mặt mới nhưng kế thừa được truyền thống, cần đào tạo đội ngũ họa sĩ thiết kế hóa trang tuồng một cách kỹ lưỡng, đồng bộ và toàn diện, giỏi lý luận về các môn học có liên quan, đồng thời, thạo tay nghề hóa trang vẽ mặt của nghệ nhân tuồng xưa và nay, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các nguyên tắc nghệ thuật hóa trang mặt nạ và nghệ thuật biểu diễn cơ mặt của nghệ thuật tuồng cổ điển.
Hiện nay, tại một số trường đã có chuyên ngành thiết kế thời trang, trang phục biểu diễn. Nhưng chỉ duy nhất Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM có chuyên ngành hóa trang sân khấu. Cần phải coi nhiệm vụ đào tạo hóa trang sân khấu, trong đó có hóa trang tuồng là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết.
Một số đoàn, nhà hát dàn dựng các vở tuồng mới cũng chưa có cách nhìn khách quan, đúng đắn đối với việc hóa trang nhân vật, coi nhẹ, chủ quan không đầu tư đúng mực về chất xám cũng như kinh phí, làm cho hóa trang trở thành tùy tiện, phó mặc cho người diễn viên. Người diễn viên thường có tâm lý muốn đẹp hơn trên sân khấu nên đã lược bớt hoặc bỏ hẳn việc vẽ mặt, làm giảm sút hiệu quả biểu cảm, ảnh hưởng đến hình tượng nhân vật tuồng và chất lượng của toàn vở. Vì vậy, các nhà quản lý nghệ thuật, giám đốc nhà hát, đạo diễn tuồng cần phải đánh giá đúng vai trò của hóa trang vẽ mặt trong tuồng, coi nó ngang tầm với việc thiết kế trang phục, đạo cụ trong vở diễn tuồng, đầu tư kinh phí thích đáng cho việc thiết kế các mô hình vẽ mặt các nhân vật mới.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc thiếu vắng khán giả đến với tuồng là vì đại bộ phận khán giả ngày nay, nhất là giới trẻ, không hiểu biết về ngôn ngữ nghệ thuật của tuồng. Khi họ không hiểu tuồng thì chắc chắn là không thấy cái hay, cái đẹp của nó, nên họ không thể yêu thích. Vì vậy cần hướng dẫn, giải thích, giáo dục những cái hay, cái độc đáo của tuồng, và hóa trang tuồng, cho các đối tượng khán giả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc ngay trong nhà trường. Đối với những mô hình hóa trang vẽ mặt của các nhân vật nổi tiếng, trong các vở tuồng cổ điển, có thể làm thành những sản phẩm mỹ thuật, đồ lưu niệm, đồ chơi bán cho khách du lịch, cho trẻ; thậm chí, trang trí trên bao bì, vật dụng… để giới thiệu với công chúng
Chỉ với những giải pháp có tính đồng bộ, chúng ta mới có thể tìm thấy những giá trị thẩm mỹ toàn vẹn của tuồng, để tuồng hiện đại không còn là những vở kịch nói pha hát tuồng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012
Tác giả : Vũ Đình Toán
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Kế thừa và biến đổi âm nhạc chèo
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại