Hoạt động phật giáo ở tỉnh tuyên quang


1. Khái quát sự phát triển Phật giáo ở nước ta

Ở Việt Nam hiện nay, việc xác nhận thời điểm Phật giáo du nhập vào nước ta hiện còn một số kiến giải khác nhau. Có ý kiến cho rằng, từ những thế kỷ trước CN, nhiều thuyền buôn Ấn Độ đã cập bến nước ta. Một số nhà nghiên cứu lại cho rằng, Phật giáo được du nhập vào nước ta vào khoảng TK II sau CN. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của đa số các nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo được truyền vào nước ta từ những thế kỷ đầu CN.

Từ TK II đến TK V đã có nhiều nhà sư Ấn Độ và Trung Quốc cùng vào Việt Nam để truyền đạo như Mahakyvưc, Khưudala, Mâu Bác Cư sĩ. Ở TK III có Khương Tăng Hội, Chi Lương Cương người Ấn Độ, TK IV có Du Pháp Lan, Du Đạo Toái người Trung Quốc, TK V có Đàm Hoang. Ở thời kỳ này cũng có một số nhà sư Việt Nam có danh tiếng như Huệ Thắng, Thích Đạo Thiền. Quá trình truyền đạo này đã hình thành nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu.

Từ TK VI đến đầu TK X vẫn được xem là giai đoạn truyền giáo. Tuy nhiên, giai đoạn này, ảnh hưởng cùa các nhà truyền giáo Ấn Độ giảm dần, trong khi các nhà truyền giáo Trung Quốc tăng lên. Đáng chú ý hơn cả là việc truyền nhập các phái thiền Trung Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là các phái Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.

Từ TK X, Phật giáo trở thành lực lượng trụ cột cùng nhân dân cả nước chống lại xâm lược của phương Bắc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Hai triều đại Đinh – Lê đã coi Phật giáo là tôn giáo chính thức của cả nước. Đặc biệt, vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành đã trọng dụng và phong thưởng cho những nhà sư có công giúp vua lo việc triều chính, đối nội, đối ngoại, như Khuông Việt thái sư Ngô Chân Lưu, pháp sư Ma Ni, thiền sư Đỗ Pháp Thuận, thiền sư Huyền Quang…

Triều Lý được xem là triều đại Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Phật giáo đã đóng góp quan trọng cho cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Thời kỳ này có những nhà sư nổi tiếng về việc tu hành và những đóng góp đối với đất nước, như Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Viên Chiếu, Mãn Giác, Không Lộ, Viên Thông…

Dưới triều Trần, Phật giáo Việt Nam phát triển đạt tới mức cực thịnh và trở thành tôn giáo chính thống của đất nước. Dưới triều nhà Trần có những nhà sư nổi tiếng trong việc giúp triều đình như: Ứng Thuận, Tức Lục, Đại Đăng, Thiên Phong, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm đặc sắc của Phật giáo triều Trần là nhiều nhà vua, nhiều vị quan, tướng xuất sắc đồng thời là nhà Phật học uyên thâm như vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông…

Từ TK XV trở đi, Phật giáo suy yếu dần do việc chế độ phong kiến Việt Nam đã lấy Nho giáo làm chỗ dựa tư tưởng chính trị và đạo đức. Trải đến thời Lê Mạc, Nguyễn, Phật giáo lúc mở rộng, lúc hạn chế. Tuy nhiên, với truyền thống yêu nước gắn bó với dân tộc, Phật giáo trở lại với thôn dã, trở thành hạt nhân của sự đoàn kết dân tộc, tôn giáo, do đó vẫn giữ được gốc rễ sâu bền trong nhân dân. Đồng thời, với thái độ khoan dung, Phật giáo đã làm cho tư tưởng Tam giáo (Phật, Lão, Nho) vốn có từ trước mang một sắc thái mới. Chính vì vậy Phật giáo đã thể hiện được vai trò hộ quốc, an dân trong lịch sử Việt Nam (1).

Từ TK XX có những sự kiện thống nhất Phật giáo quan trọng, như: Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1951 tại Huế, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ra đời năm 1958 ở miền Bắc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964 ở miền Nam. Tháng 2-1980, các tổ chức Phật giáo đã cử đại diện tham gia Ban Vận động thống nhất Phật giáo. Tháng 11-1981, Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo tổ chức tại Hà Nội gồm 9 tổ chức hệ phái trong cả nước. Hội nghị đã lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua Hiến chương và chương trình hoạt động (2).

Hiện nay, Phật giáo cả nước có trên 17.000 cơ sở thờ tự, gần 47.000 vị tăng, ni sinh hoạt trong giáo hội và khoảng hơn 11 triệu tín đồ đã quy y Tam Bảo. Ngoài ra, các tăng, ni, phật tử Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã vận động xây dựng nhiều chùa ở các nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã công nhận 7 Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu: Nga, Đức, Séc, Hungary, Ba Lan, Ucraina, Pháp (3). Hiện cả nước có 4 Học viện Phật giáo đóng tại Hà Nội, Huế, TP.HCM và Cần Thơ; 1 trường Cao đẳng Phật học và 7 lớp cao đẳng Phật học; 31 trường trung cấp và hàng trăm lớp sơ cấp Phật học, hàng năm đào tạo trên 5.000 tăng, ni các cấp. Cùng với hệ thống đào tạo trong nước, tăng, ni Việt Nam du học sau đại học ở nước ngoài tới nay có gần 700 vị, hiện có gần 100 vị đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ về nước phục vụ Giáo hội và xã hội trong các lĩnh vực nghiên cứu Phật học, hoằng pháp, giảng dạy, quản lý (4).

Có thể nói rằng, Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành thủy chung với dân tộc, được lòng dân tộc và ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, góp phần hình thành lối sống, nhân cách, đạo đức cho một bộ phận không nhỏ người Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay.

Phật giáo truyền vào Việt Nam gồm cả hai dòng Nam tông và Bắc tông (thường được gọi là Tiểu thừa và Đại thừa). Tuy nhiên, hiện nay ở Tuyên Quang chỉ theo hệ phái Đại thừa, mà ba tông phái chính là Thiền tông, Tịnh độ và Mật tông.

2. Thực trạng hoạt động Phật giáo ở Tuyên Quang

Phật giáo Tuyên Quang mang đầy đủ các đặc điểm của đạo Phật Việt với những nét đặc trưng cơ bản như sau:

Một là, dung hợp các tín ngưỡng truyền thống: thờ cúng tổ tiên, thờ thần, thờ mẫu nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo để làm nên đạo Phật Việt Nam.

Hai là, hòa đồng tam giáo đồng nguyên (Phật, Nho, Đạo) nhằm hộ trì quốc gia, dân tộc.

Ba là, gắn bó giữa đạo và đời, thể hiện tinh thần nhập thế, có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, đồng hành trong những giai đoạn thăng trầm của đất nước, góp phần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc, chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ những người gặp hoàn cảnh khốn khó, góp phần ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.

Bốn là, có tinh thần đoàn kết với các tầng lớp xã hội và các tôn giáo để chung tay xây dựng và phát triển đất nước.

Năm là, văn hóa, đạo đức Phật giáo đã thấm sâu trong quần chúng nhân dân với những quan điểm ở hiền gặp lành, báo đáp tứ trọng ân, hành thiện tránh ác, từ bi cứu khổ, tôn trọng con người, bình đẳng tâm, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn, yêu chuộng hòa bình…

Kể từ khi thành lập, Giáo hội Phật giáo tỉnh luôn kế thừa tư tưởng giáo lý của đạo Phật, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, khẳng định tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân. Năm 2009, toàn tỉnh có khoảng 8.000 phật tử đến nay đã có trên 14.000 phật tử, gần 40 ngôi chùa, trong đó có 10 ngôi chùa có sư trụ trì, 1 thiền viện và còn một số vị sư đang hoạt động công tác phật sự tại các chùa, còn lại do tín đồ phật tử và chính quyền địa phương quản lý.

Trong nhiệm kỳ 2009 – 2012, Ban đại diện Phật giáo tỉnh đã chú trọng hoằng pháp, hướng dẫn phật tử sinh hoạt tín ngưỡng có nền nếp, đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và theo phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; vận động tăng, ni, phật tử tích cực thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nhiệm kỳ 2012 – 2017, Phật giáo tỉnh Tuyên Quang đưa ra phương châm hoạt động đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội làm kim chỉ nam, trọng tâm là làm tốt công tác tăng sự, hướng dẫn phật tử, hoằng pháp, từ thiện nhân đạo, văn hóa xã hội. Phật giáo tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh tu bổ, tôn tạo các ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, tham quan; hướng dẫn phật tử đi vào chính pháp, bài trừ mê tín dị đoan, làm cho văn hóa của phật giáo ngày càng trong sáng, đời sống tín ngưỡng, tâm linh của phật tử lành mạnh hơn.

Hàng năm, đại lễ Phật đản được Ban đại diện Phật giáo tỉnh tổ chức đã thu hút hàng nghìn phật tử, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia các nghi lễ trọng đại cầu mong cho cuộc sống được an lạc, người người sống yêu thương, ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, khẳng định sự trong sáng của giáo lý đạo Phật, sự đóng góp của Phật giáo trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước và của tỉnh.

Với truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc, tăng, ni, phật tử trong tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tiêu biểu như tăng, ni, phật tử chùa Hang, chùa Xuân Vân. Phật giáo trong tỉnh đã kêu gọi nhân dân, tăng ni, phật tử ủng hộ cho những trẻ mồ côi, khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi động viên và tặng quà các bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, những người neo đơn trong các dịp lễ, tết, tặng quà cho các cháu thiếu nhi, tiêu biểu như: chùa An Vinh, Hang, Phật Lâm, Đồng Yên, Xuân Vân, Nghiêm Sơn, Phổ Linh… với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Với hơn gần 40 ngôi chùa trong toàn tỉnh, trong đó nhiều chùa được xếp hạng di tích lịch sử, trong những năm gần đây hoạt động công tác văn hóa Phật giáo có nhiều tiến bộ, Ban Trị sự cùng các sư trụ trì các chùa cũng đã tổ chức được các chương trình văn nghệ Phật giáo trong các đại lễ như: văn nghệ mừng Phật Đản, đêm văn nghệ mừng Vu Lan, chương trình văn nghệ mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra còn có các chùa tổ chức vui tết Trung thu ca nhạc phát quà cho các cháu thiếu nhi, đào tạo đội văn nghệ phật tử tại địa phương như chùa Hang, chùa Nghiêm Sơn… nhằm đem giáo lý đạo Phật thông qua lời ca tiếng hát đến với quần chúng nhân dân. Ngoài ra, Ban Trị sự còn chỉ đạo các chùa quảng bá hình ảnh hoạt động Phật sự, các băng rôn, biểu ngữ tại nơi tổ chức các ngày đại lễ của Phật giáo và Đại hội Phật giáo toàn quốc. Đây là những hoạt động tốt đã góp phần nói lên thành quả hoạt động trong thời gian qua.

Hoạt động từ thiện xã hội là một trong những hoạt động vì đạo, vì đời phù hợp với tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc. Hàng năm Ban Trị sự thường xuyên trao quà cho các học sinh nghèo vượt khó, phát quà trung thu cho các cháu tại các chùa, tổ chức chương trình áo ấm cho em như tại xã Xuân Lộc, huyện Lâm Bình, tiếp sức mùa thi cho các em thi vào đại học. Thăm hỏi tặng quà cho đồng bào bị tai nạn thiên tai như ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Tham gia chương trình Lục Lạc Vàng tặng bò ở huyện Lâm Bình, giúp đỡ đồng bào nghèo ở các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn… qua các chương trình tặng quà tết cho các gia đình nghèo. Xây cầu, xây nhà tình nghĩa, trao nhà bán trú cho học sinh trường tiểu học cơ sở xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình… số tiền làm công tác từ thiện hàng năm được hàng tỉ đồng. Ngoài ra còn tổ chức nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện của tỉnh… Tính trong toàn tỉnh đến nay hơn chục tỉ đồng, trong đó tính riêng chư tăng và phật tử huyện Hàm Yên xây dựng 1 ngôi nhà tình nghĩa, ủng hộ 1 gia đình nghèo 7 triệu đồng. Đây cũng là những hoạt động thường xuyên được các cấp, các ngành đánh giá cao trong các hoạt động phật sự.

Với gần 40 ngôi chùa trong toàn tỉnh, trong đó có chùa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, di tích lịch sử cấp tỉnh, trong những năm qua, nhiều chùa đã được khởi công xây dựng, tôn tạo kinh phí lên tới hàng tỉ đồng như chùa An Vinh, chùa Hang, Phật Lâm, Xuân Vân, Hoằng Khai, Phổ Linh, Bảo Ninh Sùng Phúc… Các chùa đang cố gắng tu bổ tôn tạo trang nghiêm nhằm phục vụ tín đồ phật tử và khách thăm quan du lịch trong và ngoài tỉnh.

Ban Trị sự phối hợp với UBMTTQ tỉnh phát động phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân phật tử, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, truyền thống cách mạng thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, nơi thủ đô kháng chiến. Động viên tăng, ni tham gia vào các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, phát huy vai trò của người đại diện cho Phật giáo của địa phương trong các cơ quan chức năng và nhiệm kỳ được giao phó như: Đại đức Thích Thanh Phúc tái ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2016 – 2021; Đại đức Thích Thanh Tân ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Tuyên Quang, Ủy viên UBMTTQ tỉnh, tham mưu cho các ban, ngành trong công tác quản lý tôn giáo; tham gia tổ chức Hội Chữ thập đỏ, hội Khuyến học, Hội đồng Tư vấn Dân tộc – Tôn giáo. Đó chính là sự nhập thế của đạo với đời là truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam.

Công tác hướng dẫn Phật tử không chỉ là nhiệm vụ của Ban Hướng dẫn Phật tử mà của mọi đệ tử Phật xuất gia và tại gia phải có trách nhiệm, bổn phận để làm một công việc truyền bá chính pháp, phổ độ quần sinh, làm cho ánh sáng của đạo Phật lan tỏa khắp nơi. Nhân dịp Đại lễ Phật Đản, các ngày vía, tăng, ni các trụ xứ còn tổ chức quy y tam bảo cho tín đồ phật tử tại các địa phương, hướng dẫn tín đồ Phật tử sinh hoạt tu học theo chính pháp, tổ chức khóa tu mùa hè, chương trình đố vui phật pháp, rung chuông chùa tạo sân chơi cho các thanh thiếu niên có cơ duyên gần gũi tìm hiểu học hỏi. Chính vì vậy số lượng phật tử ngày càng đông và thâm hiểu giáo lý, giúp mọi người có cuộc sống thánh thiện an vui, tránh xa tệ nạn xã hội… đây cũng là điều kiện để dần dần ổn định tình hình Phật giáo ở cấp cơ sở.

3. Quản lý hoạt động Phật giáo ở Tuyên Quang

Tuyên Quang là đơn vị có nhiều tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, trong đó Phật giáo có số lượng tín đồ, chức sắc nhiều hơn cả so với toàn địa bàn trong tỉnh. Do đó, để hiểu về hoạt động Phật giáo của tỉnh thì cần phải đặt ra nhiều vấn đề cả lý luận và thực tiễn trong công tác quản lý. Với tư cách là chủ thể quản lý và dù dưới chính thể nào, nhà nước cũng có chức năng quản lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quản lý nhà nước về hoạt động Phật giáo. Công tác quản lý nhà nước về Phật giáo cần phải được đầu tư, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhằm phục vụ cho việc xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về hoạt động Phật giáo tốt hơn, giúp hoạt động Phật giáo ổn định, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức của Phật giáo để vun bồi thêm truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Phật giáo du nhập và lưu truyền ở Việt Nam, trong đó có Tuyên Quang trải dài hàng ngàn năm lịch sử. Cho đến nay, Phật giáo Tuyên Quang chiếm ưu thế nổi bật cùng hàng loạt ngôi chùa rải rác khắp tỉnh. Dẫu rằng, nhiều ngôi chùa ấy không còn nguyên vẹn như xưa hoặc trở thành phế tích do thời gian, chiến tranh, địch họa…nhưng vẫn giữ trong lòng nó một phần hồn dân tộc, tôn góp cho lịch sử Tuyên Quang vị trí cao đẹp.

Những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cố gắng lớn và đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, trong tương lai, hàng loạt vấn đề liên quan đến phát triển quản lý đang đặt ra khá gay gắt. Nhu cầu phát triển nhanh, mạnh, bền vững về kinh tế, sự tăng trưởng dân số nhanh, nhu cầu cải thiện đời sống, nâng cao mức sống nhân dân, nhu cầu tôn giáo và tín ngưỡng của đông đảo nhân dân trong tỉnh… đang phải đối mặt với công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một tỉnh văn minh và hiện đại.

Quản lý phải dựa trên một hệ thống pháp luật, chính sách cũng như hệ thống tổ chức thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước, như đất đai, dân cư, môi trường và hoạt động tôn giáo, trong đó có Phật giáo trên địa bàn tỉnh. Để quản lý có hiệu quả còn phải đòi hỏi có một đội ngũ ngang tầm với nhiệm vụ mới. Từ thực tiễn của tỉnh Tuyên Quang cho thấy việc củng cố tổ chức bộ máy làm công tác quản lý về tôn giáo còn chậm, không đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác Phật giáo nhìn chung vẫn còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ so với yêu cầu công tác, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở cấp xã. Có thể nói, công tác quy hoạch cán bộ làm công tác tôn giáo còn thiếu tính chủ động và lâu dài.

Như vậy, việc nâng cao hiệu quả quản lý về hoạt động Phật giáo ở Tuyên Quang hiện nay là một vấn đề mang tính cấp thiết. Trên cơ sở tổng kết những thành tựu và hạn chế của quá trình quản lý về hoạt động Phật giáo và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế quản lý trong thời gian qua, tư tưởng cơ bản xuyên suốt trong quan điểm, chủ trương và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Do đó, trong công tác quản lý về hoạt động Phật giáo phải lấy yếu tố đồng thuận, lấy điểm tương đồng về mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước làm nền tảng kết nối đoàn kết đồng bào, chức sắc, tín đồ Phật giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường vận động chức sắc, tín đồ Phật giáo và đồng bào có đạo phát huy tinh thần yêu nước, thực hiện nghĩa vụ công dân; sống tốt đời đẹp đạo. Phát huy hơn nữa vai trò, khả năng của tổ chức Phật giáo trong các sinh hoạt xã hội, công tác từ thiện nhân đạo.

Bên cạnh đó, phải tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp thực sự là đại biểu của dân, thực hiện tốt chức năng giám sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những việc làm trái chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kiện toàn và sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, chuẩn hóa các chức danh cán bộ quản lý hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở. Kiên quyết thay thế những cán bộ, công chức không đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức. Thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, giám sát để phát hiện những sai phạm, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức và các cơ quan công quyền, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung rà soát các thủ tục, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; xin cấp phép xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, xin xuất, nhập văn hóa phẩm Phật giáo.

_____________

1, 2. Nguyễn Thanh Xuân, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr.120, 210.

3. Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo cáo tóm tắt đề tài nghiên cứu chính sách tổng thể về quan hệ giữa nhà nước và các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, 2014, tr.40.

4. Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo cáo tổng kết công tác năm 2014 và kế hoạch công tác năm 2015 của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, tr.50.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018

Tác giả : NGUYỄN VĂN BỘ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *