Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là những biểu đạt văn hóa không chạm vào được, mà chỉ có thể cảm nhận thông qua thực hành. Vấn đề quản lý nhằm bảo vệ DSVHPVT có hiệu quả với sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng được chú trọng từ khi Công ước 2003 về bảo vệ DSVHPVT ra đời. Nói đến quản lý di sản, chúng ta thường đề cập tới quản lý nhà nước, trong khi đó vai trò của cộng đồng ít được bàn đến. Quản lý văn hóa (QLVH) được xác định rộng hơn, bao trùm quản lý nhà nước về văn hóa với sự tham gia của toàn thể xã hội, các bên liên quan, cộng đồng cá nhân. Bài viết tập trung nhận diện một số hoạt động QLVH với di sản văn hóa phi vật thể thực hành thờ Mẫu Tam phủ của người Việt dựa trên những điều khoản về quản lý của Luật Di sản Văn hóa (DSVH) và sự tham gia của cộng đồng, chủ thể của di sản và cơ sở thực trạng quản lý của di sản này trong thực tiễn ngày nay.
1. Nhận diện QLVH với thực hành thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
QLVH trước hết phải hiểu quản lý nói chung về văn hóa và quản lý nhà nước về văn hóa. Quản lý nhà nước được thực hiện bởi tất cả các cơ quan công quyền của nhà nước, là hoạt động chấp hành và điều hành có tính tổ chức chặt chẽ, được thực hiện trên cơ sở pháp luật, được bảo đảm thực hiện bởi hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. QLVH được xác định là rộng hơn, bao trùm quản lý nhà nước về văn hóa và sự tham gia của toàn thể xã hội, các bên liên quan, cộng đồng cá nhân. Ở tầm vĩ mô, QLVH là việc ban hành các văn bản luật, văn bản dưới luật, thể chế hóa việc quản lý bằng các chiến lược, dự án, kế hoạch, quy định, quyết định, quy chế liên quan đến hoạt động văn hóa. Muốn vậy, nhà nước thiết lập nên một bộ máy làm nhiệm vụ quản lý, sắp xếp nhân lực, tổ chức thực hiện từ trung ương đến địa phương, cụ thể từ Bộ VHTTDL, một số Bộ, ngành liên quan đến các Sở VHTTDL, Phòng VHTT, Trung tâm VHTT và cán bộ phụ trách văn hóa tại địa bàn. Để làm rõ hơn, hai tác giả Phan Hồng Giang và Bùi Hoài Sơn cho rằng QLVH là sự tác động chủ quan bằng nhiều hình thức, phương pháp của chủ thể quản lý (các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các cơ cấu dân sự, các cá nhân được trao quyền và trách nhiệm quản lý) đối với khách thể (là mọi thành tố tham gia và làm nên đời sống văn hóa) nhằm đạt được mục tiêu mong muốn (bảo đảm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nâng cao vị thế quốc gia, cải thiện chất lượng sống của người dân…).
Chùa Tiên Hương thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy (Nam Định) – Ảnh: internet
Để đánh giá quản lý nhà nước về di sản văn hóa, bài viết dựa vào các nội dung quản lý nhà nước trong Luật DSVH (năm 2001, điều chỉnh bổ sung năm 2009) để phân tích, đánh giá về việc thực hiện trách nhiệm của nhà nước và vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT). Luật DSVH dành trọn chương V “Quản lý Nhà nước về DSVH” đề cập đến nội dung quản lý nhà nước về di sản: Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về DSVH; Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về DSVH; Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về DSVH; Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; Tổ chức, chỉ đạo khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; Tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về DSVH.
Bên cạnh quản lý nhà nước, QLVH với DSVHPVT bao gồm hoạt động của các cộng đồng, các bên tham gia. Trong một hệ thống có sự phối hợp giữa nhà nước và cộng đồng, các cơ quan nhà nước đóng vai trò là thành phần lãnh đạo, định hướng với các chính sách, luật, văn bản pháp luật và những chương trình, dự án về di sản được đầu tư, triển khai tại địa bàn. Đây là bộ phận quan trọng nhất vì là thể chế có quyền lực, có công cụ pháp lý, có nguồn nhân lực, có đầu tư về tài chính… Đối với DSVHPVT, người trực tiếp thực hành, gìn giữ, trao truyền lại chính là cộng đồng chủ nhân, những nghệ nhân, người thực hành. Họ chính là những người sáng tạo, thực hành, hưởng thụ di sản, coi di sản như là tài sản của chính mình, thể hiện bản sắc và sự kế tục.
Thực hành thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (viết tắt là Thực hành thờ Mẫu) là một loại hình DSVHPVT, mang tính tôn giáo, tín ngưỡng được UNESCO ghi danh vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại vào năm 2016. Đây là những thực hành phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng bản địa của người Việt. Những tín đồ thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Thực hành thờ Mẫu bao gồm nhiều thành tố khác nhau, bao gồm thờ cúng, diễn xướng lên đồng, lễ hội truyền thống tôn thờ các vị thánh chủ trong điện thần…
Cũng như QLVH về DSVHPVT, đối với thực hành thờ Mẫu, QLVH là nói đến quản lý nhà nước và sự tham gia của cộng đồng tín đồ, các bên liên quan. Quản lý nhà nước về thực hành thờ Mẫu được vận hành theo quy định của pháp luật có tác động điều chỉnh, hướng dẫn các hoạt động của thực hành thờ Mẫu diễn ra theo đúng với quy định pháp luật, đạt được các mục tiêu của chủ thể quản lý. Theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước về thực hành thờ Mẫu là quá trình chấp hành và tổ chức thực hiện pháp luật của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Như vậy, quản lý nhà nước là công tác hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo đảm quyền tự do thực hành thờ Mẫu tại các điện thờ bao gồm hoạt động lễ hội, nghi lễ lên đồng, hát văn, tế lễ, cũng như việc bố trí nguồn lực trông coi cơ sở thờ tự, hay các hoạt động bảo vệ di sản như phục hồi, trao truyền, nghiên cứu, quảng bá… Bên cạnh đó, quản lý thực hành thờ Mẫu còn bao gồm sự tham gia của các thủ nhang đồng đền, tín đồ, các bản hội, cá nhân, doanh nghiệp và công chúng nói chung. Chính chủ thể văn hóa, những tín đồ là người tổ chức trực tiếp thực hiện các hoạt động của mình trong các cơ sở thờ tự.
2. Một số hoạt động QLVH với thực hành thờ Mẫu
Về quản lý nhà nước
Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, ban hành văn bản quy phạm
Luật DSVH được ban hành vào năm 2001, bổ sung, chỉnh sửa năm 2009 với nhiều điều khoản về nhận diện di sản, quản lý và bảo vệ di sản. Luật và nghị định hướng dẫn thi hành luật và những văn bản dưới luật về DSVHPVT như thông tư đã đi vào cuộc sống với hệ thống văn bản quy phạm pháp quy về DSVH nói chung, trong đó có một số văn bản liên quan đến thực hành thờ Mẫu liên tục được bổ sung, hoàn thiện, qua đó góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam có một hệ thống các chủ thể quản lý, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương có nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng và thực thi pháp luật liên quan đến DSVHPVT.
Đối với thực hành thờ Mẫu, gần đây, Chính phủ Bộ VHTTDL và UBND một số địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản nhằm hướng dẫn việc quản lý các hoạt động nghi lễ, đảm bảo nếp sống văn minh ở cơ sở thờ tự, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc của tín ngưỡng. Tiêu biểu là Thông tư liên lịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30-5-2014 hướng dẫn về việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Gần đây, ngày 12-2-2018, Bộ VHTTDL có văn bản số 618/BVHTTDL-DSVH về việc chấn chỉnh thực hành thờ Mẫu. Theo đó, văn bản nêu rõ, để triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản thực hành thờ Mẫu, Bộ VHTTDL yêu cầu Sở VHTT/Sở VHTTDL kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di DSVHPVT thực hành thờ Mẫu.
Nhà nước và các cấp chính quyền chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy DSVHPVT bằng việc triển khai kịp thời các văn bản, nghị định, thông tư về đảm bảo nếp sống văn minh ở các cơ sở thờ tự, quản lý lễ hội, chấn chỉnh các hoạt động biến tướng trong lên đồng, phân cấp quản lý các cơ sở thờ tự, vinh danh nghệ nhân.
Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị thực hành thờ Mẫu
Nhà nước đã ban hành kịp thời chương trình hành động quốc gia được Bộ trưởng Bộ VHTTDL công bố nhân dịp nhận bằng UNESCO về thờ Mẫu năm 2017. Ở các địa phương như tỉnh Nam Định, đã giao cho Sở VHTTDL phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) xây dựng và đang trình Chính phủ đề án Bảo vệ Thực hành thờ Mẫu của người Việt và định hướng đến năm 2030.
Nhiều Hội thảo khoa học về thực hành thờ Mẫu cũng như các trưng bày về thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ Nữ, Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, Thanh Hóa đã được tổ chức với nhiều báo cáo khoa học có giá trị về mặt quản lý cũng như bảo vệ, phát huy giá trị của di sản.
Các đề tài, dự án tại các tỉnh thành và Viện VHNTQGVN trong khuôn khổ chương trình quốc gia về văn hóa được triển khai có hiệu quả trong việc quảng bá, tư liệu hóa về di sản thờ Mẫu.
Năm 2010, Bộ VHTTDL ban hành Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL quy định về kiểm kê và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Từ khi triển khai Thông tư này, cho đến nay, theo báo cáo của Cục DSVH (1) có 63/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo và cập nhật kiểm kê DSVHPVT trên địa bàn tỉnh/ thành phố và gửi về Bộ VHTTDL, trong đó có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Chính phủ Việt Nam đã thiết lập được danh mục DSVHPVT quốc gia nhằm từng bước kiện toàn công tác quản lý trên toàn quốc. Tính đến tháng 10-2020, có 364 di sản được ghi danh vào danh sách DSVHPVT quốc gia, trong đó có các thực hành di sản thờ Mẫu, nghi lễ chầu Văn và lễ hội Phủ Dầy (2).
DSVHPVT được quảng bá, phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như ngoại giao văn hóa, phương tiện truyền thông, báo chí, liên hoan trình diễn nghệ thuật, trong đó có lồng ghép các loại hình di sản trình diễn, giới thiệu cho khách quốc tế và công chúng nói chung. Các cấp chính quyền địa phương triển khai các chương trình quảng bá trên sóng truyền hình và truyền thanh tại địa phương. Nhiều đơn vị, Sở VHTTDL các địa phương, các cơ quan chủ động trong việc mở rộng giao lưu, trình diễn di sản trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam qua con đường DSVHPVT. Gần đây, Viện VHNTQGVN thực hiện 10 phim về DSVHPVT do ICHCAP tài trợ (Trung tâm mạng lưới về DSVHPVT dưới sự bảo trợ của UNESCO tại Hàn Quốc), trong đó có một phim về thực hành thờ Mẫu. Các phim tài liệu này đã được quảng bá rộng rãi trên YouTube và sẽ được trình chiếu với mục đích quảng bá và giới thiệu về DSVHPVT ở Việt Nam trên các kênh truyền hình của các nước châu Á Thái Bình Dương.
Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị thực hành thờ Mẫu
Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí cho lĩnh vực DSVHPVT từ Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình quốc gia về văn hóa, các chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, chương trình bảo vệ di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ít người. Nhiều di tích gắn với DSVHPVT như đình, đền chùa được Nhà nước đầu tư nâng cấp, xây mới, cùng với việc phục hồi nhiều loại hình DSVHPVT bị mai một như lễ hội truyền thống, tích trò, các loại hình diễn xướng dân gian… ở các địa phương và trong nhiều dân tộc từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương. Trong chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa gần đây từ năm 2016 đến nay, đã có 3 đề tài triển khai về hát văn ở Hà Nội, Hưng Yên và Hải Phòng.
Một số đơn vị, cá nhân đã nhận tài trợ của các tổ chức quốc tế như UNESCO, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ICHCAP, IRCI để triển khai các dự án về DSVHPVT, như Viện VHNTQGVN, Viện Âm nhạc, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, trong đó có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Văn.
Công tác đào tạo cán bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa ngày càng được chú trọng bằng cách nâng cao chất lượng các môn học, các chương trình tập huấn với sự tham gia của chuyên gia UNESCO và các lớp tập huấn của Cục DSVH, của các trường, viện liên quan cho cán bộ làm công tác văn hóa tại địa phương có di sản, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực của ngành. Cục DSVH hằng năm tổ chức tập huấn cho cán bộ của các Sở VHTTDL về quản lý và bảo vệ di sản. Đồng thời, Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư cho nguồn nhân lực là sinh viên về DSVH truyền thống trong các trường cao đẳng nghệ thuật.
Tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy thực hành thờ Mẫu
Việt Nam là một trong số những nước phê chuẩn Công ước 2003 sớm (năm 2005) và vận dụng một số điều khoản của Công ước để chỉnh sửa, bổ sung Luật DSVH. Tiểu ban Văn hóa của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trực thuộc Bộ VHTTDL đã được thành lập và hằng năm phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác hợp tác và triển khai công việc liên quan đến UNESCO, trong đó có DSVHPVT. Đồng thời Tiểu ban Văn hóa cũng hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam tổ chức một số đoàn các thày đồng tham gia giao lưu với các thày shaman và lễ hội shaman giáo ở Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Một số cơ quan, đơn vị như Viện VHNTQGVN, Viện Âm Nhạc hợp tác với các tổ chức cấp 2 dưới sự bảo trợ của UNESCO về lĩnh vực DSVHPT ở châu Á-Thái Bình Dương như Trung tâm nghiên cứu quốc tế về DSVPVT ở Nhật Bản (IRCI), Trung tâm thông tin và mạng lưới quốc tế về DSVHPVT ở Hàn Quốc (ICHCAP) trong việc xây dựng các hồ sơ đa quốc gia, trao đổi các loại hình di sản diễn xướng, mời chuyên gia nước ngoài đến tập huấn về Công ước, kiểm kê di sản, làm phim tài liệu về DSVHPVT, trong đó có thực hành thờ Mẫu.
Tổ chức, chỉ đạo khen thưởng trong bảo vệ và phát huy thực hành thờ Mẫu
Chính phủ đã thực hiện công tác vinh danh nghệ nhân trong lĩnh vực DSVHPVT và thực hiện triển khai Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25-6-2014 xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”, “nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực DSVHPVT; Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28-10-2015 quy định về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, đã có hàng trăm nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực thực hành thờ Mẫu như nghệ nhân hát văn, thày đồng được Chính phủ vinh danh là nghệ nhân ưu tú, và trong thời gian tới sẽ có một số nghệ nhân trong lĩnh vực này được vinh danh là nghệ nhân nhân dân.
Thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến thực hành thờ Mẫu
Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, theo nhiệm kỳ và khi có việc đột xuất. Các đoàn kiểm tra Bộ, liên bộ, liên ngành thường xuyên trực tiếp kiểm tra công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn các tỉnh/ thành phố. UBND các tỉnh thường xuyên chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên, nhất là vào dịp tổ chức lễ hội ở các đền, các phủ thờ Mẫu có số hành khách đi lễ vào dịp cuối năm, đầu năm, dịp lễ hội, tháng cô hồn (tháng bảy âm lịch) như Phủ Dầy, Phủ Tây Hồ, đền Bắc Lệ, đền Sòng Sơn.
Về vai trò của cộng đồng
Cộng đồng là người sáng tạo lưu truyền di sản thực hành thờ Mẫu hằng trăm năm nay. Vai trò chủ động, tích cực của họ là chìa khóa trong việc bảo vệ và phát huy DSVHPVT. Cộng đồng chủ nhân là người thực hành di sản và tham gia rộng rãi trong tất cả các khâu từ điều hành, quản lý, thực hiện, phân công công việc. Nhiều cá nhân, thành viên cộng đồng là những người tâm huyết, bỏ sức người, tiền của, thời gian để xây dựng, trùng tu không gian thờ tự. Các thày đồng là những người có tri thức, kinh nghiệm, lưu giữ những giá trị của thờ Mẫu, trao truyền cho tân đồng. Thày đồng là những thủ nhang đồng đền tại các phủ, các đền đã dành cả cuộc đời cho việc quản lý, tổ chức các hoạt động tế lễ, lên đồng, lễ hội truyền thống.
Cộng đồng các tín đồ là những người tự chủ trong việc tổ chức thực hành DSVHPVT tại địa bàn. Tại một số đền phủ, cộng đồng là những người tham gia trực tiếp vào các Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội, trực tiếp điều hành, quản lý các thực hành di sản như lễ hội thờ Mẫu và các tiệc quan, cũng như tổ chức nghi lễ lên đồng, hát văn, cúng tế. Thực hành thờ Mẫu là một loại hình di sản nghi lễ mang tính tâm linh, vì vậy cộng đồng được trực tiếp tham gia và phối hợp điều hành, quản lý, chúng được bảo tồn ý nghĩa tốt hơn và phát huy được giá trị đối với cộng đồng cao hơn.
Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ DSVHPVT mang tính quyết định, bởi họ là người tạo ra và duy trì sự tồn tại của nó. Các cộng đồng thực hành thờ Mẫu ở vị thế tốt hơn bất cứ đối tượng nào khác trong việc nhận diện và bảo vệ nó, do vậy họ cần được tham gia vào việc thực hành, tự quyết định, tự quản các hoạt động của di sản. Chẳng hạn ở đền thờ Bắc Lệ tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2018, được sự đồng ý của UBND huyện Hữu Lũng, UBND xã Tân Thành, cùng với cộng đồng thôn Bắc Lệ, các thày đồng hỗ trợ Ban Quản lý di tích nghiên cứu và xây dựng chương trình phụ hội lễ rước Mẫu từ đền Bắc Lệ đến đền Đèo Kẻng và ngược lại.
Điều này thể hiện rõ trong các trường hợp nghiên cứu về thực hành tín ngưỡng tại các đền Bắc Lệ, Phủ Dầy, Phủ Tây Hồ, đền Sòng Sơn. Đại diện của chính quyền thực hiện các nhiệm vụ theo trách nhiệm và quyền hạn đã được phân cấp, nhưng có sự đồng ý, thống nhất của cộng đồng. Mặt khác, nội dung của các hoạt động tế lễ, rước trong lễ hội truyền thống hay nghi lễ cúng tế, lên đồng lại do cộng đồng thực hiện, điều hành. Chính họ là người sáng tạo, duy trì các thực hành và giờ đây cũng chính cộng đồng, cá nhân, thủ nhang, thày đồng là người quản lý, sắp xếp, bố trí các hoạt động tại đền thờ Mẫu.
Đối với DSVHPVT nói chung và thờ Mẫu nói riêng, vai trò của người thực hành trong trao truyền rất quan trọng. Trong mạng lưới các bản hội tín đồ, đồng thày là người có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động tế lễ, đi lễ xa, công việc tại bản đền. Họ còn là những người trao truyền các tri thức đến thực hành thờ Mẫu.
Một vai trò quan trọng khác là các tín đồ thờ Mẫu đóng góp nguồn lực tài chính cho cơ sở thờ tự và tổ chức các hoạt động nghi lễ, lễ hội. Nhiều lễ hội, thậm chí xây dựng cơ sở vật chất là do cộng đồng huy động nguồn lực. Các điện thờ lớn mang tính cộng đồng làng xã, có một số điện thờ vẫn do thủ nhang chấp tác, trông coi như Phủ Nấp, Phủ Dầy, còn nhiều điện thờ khác theo phân cấp là do Ban Quản lý di tích đảm nhiệm nhưng với sự tham gia của thủ nhang. Các điện thờ do thủ nhang chấp tác thì họ bỏ công sức lớn trong việc xây dựng đền thờ, tiêu biểu một số cá nhân, thủ nhang ở các Phủ trong quần thể di tích Phủ Dầy ở huyện Vụ Bản, Phủ Nấp ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Những đền thờ dưới sự quản lý của Ban Quản lý di tích như đền Bắc Lệ, Phủ Tây Hồ, đền Sòng Sơn…, tiền công đức được UBND xã đưa vào kho bạc và chi tiêu không chỉ cho việc xây dựng đền thờ, bãi đỗ xe, mà còn những công trình dân sinh như đường, hệ thống thoát nước, đường dây điện cho người dân trong thôn, xã như đền Bắc Lệ, hàng năm tiền công đức của người dân ở địa phương và thập phương hang chục tỷ đồng. Những cơ sở thờ tự của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung do cộng đồng xây dựng và ngày nay, chúng được sửa chữa, xây thêm, ngày càng khang trang để phục vụ chính cộng đồng, những tín đồ.
Như vậy, các hoạt động QLVH đối với một loại hình DSVHPVT nói chung, loại hình mang tính tôn giáo, tín ngưỡng có hiệu quả cần có sự phối hợp hài hòa giữa các hoạt động quản lý của nhà nước với cộng đồng. Bên cạnh các hoạt động của các cơ quan nhà nước về ban hành chính sách, về thực hiện các chương trình bảo vệ và phát huy, kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực cho di sản, vai trò của những người thực hành, chủ nhân của di sản thực hành thờ Mẫu có tính quyết định trong việc tổ chức các hoạt động đảm bảo sự tồn tại, phát huy giá trị của di sản. Tuy nhiên, trong Luật DSVH và một số văn bản pháp quy, chúng ta chưa thấy các chủ trương, chính sách chưa chỉ rõ vai trò của cộng đồng trong các hoạt động quản lý di sản. Trong khi đó, Điều 15 của Công ước 2003 chỉ rõ về sự tham gia của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân thì “cần phải tích cực thu hút họ tham gia vào công tác quản lý”. Trong quản lý di sản, đặc biệt là DSVHPVT cần nhận diện cụ thể và được đưa vào như là một chủ thể trong những văn bản quy phạm để thể chế hóa nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ nhân di sản trong tất cả các hoạt động liên quan.
Hoạt động QLVH bao gồm công tác quản lý của hệ thống chủ thể quản lý nhà nước và những đơn vị, cá nhân, cộng đồng tham gia vào quá trình tổ chức thực hiện. QLVH với DSVHPVT bao gồm quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng. Cộng đồng là những chủ thể văn hóa có vai trò quan trọng trong các hoạt động liên quan đến quản lý, tổ chức, thực hành di sản. Đối với loại hình DSVHPVT có tính đặc thù như thực hành thờ Mẫu, vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị của di sản là cần thiết. Hiệu quả của công tác QLVH nói chung, đối với thực hành thờ Mẫu trong vòng hơn ba thập kỷ qua, từ thời kỳ đổi mới đến nay là đáng khích lệ. Chính phủ đã ban hành một số chính sách tập trung vào các hoạt động bảo vệ di sản như thông qua Luật DSVH, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, các Nghị định hướng dẫn thi hành luật liên quan, và các văn bản quy phạm khác. Chính phủ đã thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án về văn hóa, trong đó có đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy DSVHPVT. Chính phủ còn có những chính sách vinh danh, hỗ trợ các nghệ nhân, người thực hành trong việc trao truyền di sản. Cộng đồng, các nghệ nhân, người thực hành, tín đồ có vai trò tích cực trong quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động lễ hội truyền thống, nghi lễ lên đồng, thờ tự, tu bổ không gian thờ cúng cho thực hành thờ Mẫu. Vai trò đó cần được nhận diện một cách chính thống trong các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa trách nhiệm và nghĩa vụ của những người thực hành như theo tinh thần của Công ước 2003 về bảo vệ DSVHPVT mà Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn từ năm 2005 (3).
________________
1. Báo cáo tổng kết năm 2019 của Cục Di sản Văn hóa.
2. Báo cáo tổng kết của Cục Di sản văn hóa năm 2019 về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
3. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 699.01-2017.01.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Văn Bài, Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4, 2001, tr.11-13.
2. Trương Quốc Bình, Ý nghĩa và nội dung chủ yếu của Luật Di sản văn hóa, Tạp chí Tư tưởng – Văn hóa, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, số 7, 2001, tr.23-28.
3. Cao Đại Đoàn, Quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Luận văn thạc sĩ luật học, Chuyên ngành: Luật hiến pháp và luật hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2018.
4. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (đồng chủ biên), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012.
5. Mai Thị Hạnh, Bản hội trong Đạo Mẫu: Tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2018.
6. Luật Di sản Văn hóa năm 2001, điều chỉnh bổ sung năm 2009.
7. Uông Chu Lưu, Một số vấn đề lý luận về phân cấp quản lý nhà nước, Tạp chí Dân chủ pháp luật, số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp, 2005.
8. Vũ Hồng Phong, Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy, Kỷ yếu Hội thảo “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại (Trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu) do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Sở VHTTDL đồng tổ chức, 2016.
9. Phạm Thị Thanh Quy, Quản lý lễ hội cổ truyền hiện nay, Nxb Lao động, Hà Nội, 2009, tr.17-18.
10. UNESCO, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, 2003.
PGS, TS NGUYỄN THỊ HIỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%