Đây là những cư dân sinh sống lâu đời ở huyện vùng cao Tương Dương chuyển đến tái định cư trong khoảng 10 năm trở lại đây để phục vụ cho việc xây dựng thủy điện bản Vẽ. Bài viết góp phần miêu tả bức tranh sinh kế của người Khơ Mú, qua
đó hiểu rõ hơn về văn hóa của người Khơ Mú trong quá trình phát triển.
1. Vài nét về địa bàn tái định cư của người Khơ Mú ở Thanh Chương, Nghệ An
Thanh Chương là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có diện tích tự nhiên là 1.112km2, bao gồm 40 xã và thị trấn. Toàn huyện có 55.342 hộ gia đình, trong đó có 43.980 hộ nông nghiệp, chiếm 79,4%.
Vùng tái định cư dự án thủy điện bản Vẽ tại huyện Thanh Chương gồm 2 xã: Thanh Sơn và Ngọc Lâm được hình thành trên cơ sở tiếp nhận dân tái định cư của 5 xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương và Luân Mai của huyện Tương Dương. Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 16.309,73ha. Hai xã tái định cư nằm ở khu vực biên giới phía Tây huyện Thanh Chương, cách trung tâm huyện khoảng 25km, cách thành phố Vinh khoảng 60km về phía Tây.
Về mặt dân số và thành phần tộc người nơi tái định cư chủ yếu là người Thái (85%), người Khơ Mú (13,5%), còn lại là các dân tộc khác.
Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 16.309,73ha. Diện tích đất nông nghiệp là 13.939,01ha chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên (chiếm 85,46%). Trong số đó, diện tích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là 400,89ha (chiếm 2,88%), đất để phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp và cây đặc sản, với diện tích là 13.525,71ha (chiếm 97,03%). Thực tế cho thấy nông nghiệp trên địa bàn mới chỉ dừng ở sản phẩm nông nghiệp có kỹ thuật canh tác bậc thấp mang tính quảng canh, có nghĩa là thu lợi chủ yếu dựa trên yếu tố diện tích quy mô đất canh tác. Qua các cuộc phỏng vấn sâu cho thấy, quy mô đất canh tác sụt giảm với các hộ người Khơ Mú sau khi di dời về bản mới. Ở bản cũ, đất đai rộng, họ tự phát nương rẫy theo sức lao động không cần quan tâm đến diện tích. Địa hình khá phức tạp, khu vực trung tâm 2 xã có địa hình thung lũng, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và các khe suối gây trở ngại trong việc lưu thông và đi lại trong vùng. Đồi núi có độ dốc dưới 250 chiếm 60%, còn lại là độ dốc trên 250.
Toàn vùng tái định cư của người Khơ Mú ở Thanh Chương chịu ảnh hưởng của khí hậu á nhiệt đới, thời tiết có 4 mùa rõ rệt, song có 2 mùa làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mùa hè nhiệt độ lên cao, có lúc lên đến 39-420C, gây khô hạn, cây trồng vật nuôi khó phát triển.
Về mặt thủy lợi, vùng tái định cư có 6 sông, suối chính chảy qua và nhiều con khe nhỏ tạo thành một hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp và điều hòa môi trường không khí. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Thanh Sơn đã xây dựng được 2 đập thủy lợi. Đồng thời, đào đắp, tu bổ, xây dựng được 20,31km kênh mương, trong đó, có một số tuyến kênh mương đã được cứng hóa. Do đó, cơ bản đã đáp ứng phần nào nhu cầu tưới tiêu để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, xã Ngọc Lâm chưa có một hệ thống hồ đập, trạm bơm nào được xây dựng, nên vấn đề thủy lợi phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên là chính.
Một số hoạt động trồng trọt chính
Dựa trên các yếu tố tự nhiên về địa hình, đất đai, khí hậu, nguồn nước trên địa bàn khu tái định cư của dự án bản Vẽ, có tiềm năng lợi thế về phát triển trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản và một số loài cây ưa bóng dưới tán rừng. Ngoài ra, có thể phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Còn việc tập trung sản xuất các loài cây ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, rau các loại… còn ở mức độ giới hạn, chủ yếu ở dạng tự cung, tự cấp, để tạo ra sản phẩm hàng hóa nâng cao thu nhập là rất khó.
Qua khảo sát bằng hình thức thảo luận nhóm về hiện trạng và những thách thức trong hoạt động trồng trọt của người Khơ Mú tại nơi tái định cư, cho thấy thực tế và khó khăn trong các hoạt động trồng trọt của tộc người này tại nơi tái định cư. Năng suất trồng lúa nước, trồng ngô và sắn trên đất dốc đều thấp.
Khảo sát 200 hộ gia đình Khơ Mú về các hoạt động sinh kế mà người dân coi là hoạt động kinh tế chính, cho thấy lao động tự do tại địa phương được người dân coi trọng, có 153/200 cho rằng đó là hoạt động kinh tế chính (mang lại nguồn thu nhập nhiều nhất cho hộ gia đình), tiếp theo là đến trồng rừng (trên đất vườn đồi, chủ yếu là cây keo, xoan). Trong khi đó các hoạt động như: trồng lúa, trồng chè, buôn bán và khai thác tự nhiên lại không được đề cao.
Đối với các hoạt động trồng trọt, ngoài cây chè, tại nơi tái định cư của người Khơ Mú có một số cây trồng chính được chính quyền khuyến khích và người dân thực hiện.
Canh tác lúa nước
Về canh tác lúa nước của người Khơ Mú ở Nghệ An, các nghiên cứu của Nguyễn Văn Toàn (2014), Lê Mạnh Hùng (2011; 2015)… cho thấy, người Khơ Mú trước khi có phong trào hợp tác hóa (1958-1961), đã có truyền thống canh tác nương rẫy du canh với cuộc sống du cư và coi rừng như một nguồn kiếm kế sinh nhai. Nền kinh tế hoàn toàn mang tính tự cung tự cấp, trao đổi hàng hóa chưa phát triển. Cho đến nay, canh tác nương rẫy vẫn là hoạt động kinh tế chủ yếu của người Khơ Mú.
Thời kỳ phong trào hợp tác hóa, theo chủ trương của Nhà nước, người Khơ Mú đã trở thành các xã viên hợp tác xã đi theo con đường làm ăn tập thể. Họ được chính quyền cấp huyện và xã phát động khai hoang phục hóa, đào đất, làm thủy lợi tạo nên những ruộng lúa nước. Nếu như trong canh tác nương rẫy, người Khơ Mú thường đi làm thuê cho người Thái hay trước đây đi làm “cuông, nhốc”, đến giai đoạn hợp tác hóa, họ lại được người Thái hướng dẫn một hình thức canh tác mới là làm lúa nước. Việc sản xuất lúa nước cũng chỉ làm theo kế hoạch do Hợp tác xã giao, người Khơ Mú không thiết tha với việc trồng lúa nước. Khảo sát các hộ người Khơ Mú tái định cư ở Thanh Chương cho thấy, không có gia đình nào trong số họ đã từng canh tác ruộng nước trước khi tái định cư.
Qua khảo sát 200 hộ người Khơ Mú cho thấy có 92 hộ có đất trồng lúa nước, nhưng chỉ có 3 hộ (chiếm 1,5%) coi trồng lúa nước là hoạt động kinh tế chính, trong khi đó 100% số hộ gia đình có đất ruộng ở Thanh Sơn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này cho thấy việc trồng trọt lúa nước chưa mang lại vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế của tộc người này tại nơi tái định cư. Mặc dù đã được chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động, được khuyến nông huyện, xã tập huấn các quy trình kỹ thuật, những kiến thức cơ bản về trồng trọt… nhưng do nhận thức chưa cao và thói quen lao động thường xuyên chưa có nên trong quá trình sản xuất lúa nước của người Khơ Mú còn nhiều khó khăn. Một người dân tại nơi tái định cư ở Thanh Chương cho biết: “Trước ở bản cũ, làm nương rẫy, không cần bón phân. Chủ yếu là chọn phát rẫy vào miếng đất tốt, mình biết kỹ thuật xem màu đất đen sậm, đất bồi, đất xốp, xem cây cối loại ni rụng cành xuống, biến đất thành xốp, giàu hoa màu hơn, còn có những loại cây rụng lá rụng cành ít hoa màu, có kỹ thuật biết độ nông sâu tỉa hạt giống… Xuống bản mới được cán bộ khuyến nông hướng dẫn bày cho cách trồng, bón phân, ra đồng thì nhìn người này người nọ mà làm theo. Tuy nhiên, năng suất vẫn còn thấp lắm, vụ đầu tiên không hiểu sao hạt nó lép. Qua 3 vụ thì mình làm quen, không bị hạt lép nữa. Một sào hiện giờ bỏ ra 3-4kg giống thì thu được 7-8 bao thóc (mỗi bao khoảng 50kg). Mỗi tháng nhà mình ăn hết 1 bao nên làm ruộng chỉ đủ ăn trong khoảng nửa năm thôi…
Trồng chè
Thanh Chương là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh Nghệ An và có quá trình trồng chè công nghiệp lâu năm, với nhiều mô hình trồng chè công nghiệp đang phát triển mạnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Thanh Chương có nhiều cơ sở chế biến chè có công nghệ, quy mô và năng lực quản lý như xí nghiệp chè Hạnh Lâm, xí nghiệp chè Thanh Mai, Ngọc Lâm… có khả năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống, thu mua, bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân lâu dài, ổn định thông qua hợp đồng kinh tế giữa xí nghiệp với hộ dân. Cây chè được xác định là cây công nghiệp mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, bền vững lâu dài bởi thị trường tiêu thụ sản phẩm chè rộng lớn, trong nước và trên thế giới, giá cả ổn định. Đầu tư phát triển chè công nghiệp được chính quyền coi là chủ trương phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân vùng tái định cư nói chung và người Khơ Mú nói riêng.
Tại Thanh Chương, diện tích đất đai có khả năng trồng chè còn lớn, tương đối tập trung và không bị tranh chấp bởi cây trồng khác, điều kiện khí hậu thời tiết phù hợp cho cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Nguồn lao động khá dồi dào, nhân dân cần cù, chịu khó. Qua 4 năm triển khai thực hiện việc trồng chè cho người dân tái định cư, kết quả trồng được 231,085ha đạt 43,27% so với kế hoạch. Trong đó, xã Thanh Sơn trồng được 98,52ha, xã Ngọc Lâm 132,57ha. Tuy nhiên, trong 231,085ha đến thời điểm này có 28,65ha sinh trưởng phát triển kém, khó có khả năng cho thu hoạch.
Quá trình triển khai thực hiện đến nay có thể thấy cây chè trên địa bàn 2 xã tái định cư đã bắt đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, hiện nay, có khoảng 55,2ha đã bắt đầu cho thu hoạch bói. Đồng thời, hằng năm giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm. Ngoài ra, việc thực hiện dự án còn góp phần tăng độ che phủ, chống xói mòn, cải tạo môi trường sinh thái trên địa bàn.
Cây chè ở Thanh Chương đã được khẳng định là cây mũi nhọn, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đứng vững trong tập đoàn cây trồng của huyện nói chung và của 2 xã tái định cư nói riêng. Đối với người Khơ Mú, người Thái… tái định cư ở Thanh Chương, việc trồng chè là hoạt động trồng trọt rất mới, nên việc bỡ ngỡ, khó khăn trong những ngày đầu trồng trọt là không thể tránh khỏi. Mặc dù vậy, một số ít người Khơ Mú đã bắt đầu trồng chè như một chiến lược hoạt động sinh kế mới mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho người dân địa phương, là tấm gương cho những người Khơ Mú khác trong vùng noi theo.
Cây chè được coi là một loại cây trồng mới mang lại niềm hy vọng với người dân tái định cư: “Trong những năm gần đây cây chè được người dân rất quan tâm, vào lúc được giá, người trồng chè chúng tôi rất phấn khởi. Ở tại nơi tái định cư này thì có lẽ cây chè là cây phù hợp nhất, tuy có hơi vất vả một chút nhưng thu nhập cũng rất tốt. Giá bán tại vườn hiện nay là 4.000 đồng/kg, mỗi năm thu hoạch 3-4 vụ cũng cho thu nhập từ vài chục đến trăm triệu đồng. Tôi nghĩ khi chè đủ lớn, giá chè các lứa sau sẽ tiếp tục tăng sẽ cho thu nhập cao hơn”.
Tuy nhiên, cùng quy mô diện tích đất, nhưng năng suất thu được ở các hộ lại khác nhau, tùy thuộc vào kỹ thuật và sự đầu tư về chăm bón của các hộ gia đình.
Làm vườn
Đối với người Khơ Mú, hoạt động trồng trọt trong vườn xuất hiện khá muộn, mặc dù thời gian định canh định cư của họ khá dài… Sau tái định cư ở Thanh Chương, thói quen này vẫn còn tồn tại. Hầu hết các hộ gia đình tái định cư đều được cấp đất ở và đất vườn liền kề.
Bên cạnh đất vườn liền kề nhà ở, người Khơ Mú còn coi các mảnh đất đồi như vườn nhà của mình. Ngoài việc trồng các loại cây lâm nghiệp như keo, xoan, người Khơ Mú còn trồng sắn, ngô. Mặc dù có vườn, nhưng người Khơ Mú không chú trọng đến việc trồng trọt trong vườn nhà. Phần lớn vườn nhà ở của các gia đình còn khá sơ sài, rào chắn chỉ mang hình thức phân định về mốc ranh giới. Có thể nói, người Khơ Mú đang trong quá trình chuyển biến từ việc thu lượm các loại sản vật tự nhiên sang việc canh tác vườn nhà.
Bên cạnh vườn nhà, người Khơ Mú cũng có vườn đồi, nhiều hộ đã bắt đầu khai thác vườn đồi vào việc trồng các loại cây mang tính hàng hóa. Các loại cây trồng trong vườn đồi của người Khơ Mú chủ yếu là đất còn bỏ trống, ngoài ra còn một số rừng tái sinh tự nhiên nhưng tồn tại một số cây bụi. Trong mấy năm gần đây, được sự quan tâm của nhiều tổ chức nên đã trồng thêm một số cây trồng như chè, sắn, keo… Nhưng hầu như chưa cho thu hoạch. Ngoài ra, một số ít hộ còn trồng thêm rau trên các mảnh vườn đồi này. Bên cạnh dân số gia tăng, rừng bị thu hẹp, các nguồn lợi từ rừng đang ngày càng cạn kiệt vườn nhà xuất hiện không chỉ như một hình thức thay thế cho các hoạt động thu lượm trước đây, đang dần trở thành một hoạt động kinh tế bổ trợ quan trọng không chỉ cho cơ cấu bữa ăn mà còn có thể sản xuất mang tính chất hàng hóa, góp phần phá vỡ nền kinh tế mang nặng tính tự cung tự cấp khép kín trước đây.
Kết luận
Trải qua một quá trình tái định cư khoảng 10 năm nơi ở mới tại huyện Thanh Chương để phục vụ cho việc xây dựng công trình thủy điện bản Vẽ, người Khơ Mú đã có nhiều thay đổi trong hoạt động sinh kế của mình. Bên cạnh một số hoạt động sinh kế đã có trước khi tái định cư, một số hoạt động sinh kế mới cũng dần xuất hiện.
Mặc dù là cư dân có truyền thống canh tác nông nghiệp, nhưng tại nơi ở mới, với môi trường và cảnh quan mới, tri thức mới, kỹ thuật mới và quan hệ xã hội tương đối xa lạ đã khiến người Khơ Mú gặp không ít khó khăn trong các hoạt động trồng trọt của mình. Một số ít hộ gia đình người Khơ Mú đang dần thích ứng với các điều kiện sống và sản xuất tại nơi tái định cư, tuy nhiên phần nhiều người dân vẫn còn bỡ ngỡ và chưa thích ứng với nơi ở mới. Thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, chất đất xấu, điều kiện thiên nhiên không ưu đãi… và các yếu tố khác từ thị trường là những nguyên nhân khách quan khiến cho hoạt động trồng trọt của người Khơ Mú kém phát triển. Trình độ, kỹ năng lao động và tính cần cù, chịu khó là những nguyên
nhân được nhiều cán bộ địa phương nhắc đến về tình trạng kém phát triển của tộc người này tại nơi ở mới. Trong khi chưa thích ứng với các hoạt động sản xuất tại nơi tái định cư, thì các tri thức tộc người của người Khơ Mú lại ngày càng bị mai một.
_______________
1. Lê Mạnh Hùng, Từ “Trong” đến “Ngoài”: Câu chuyện về định canh định cư và người Khơ Mú ở Việt Nam (trường hợp người Khơ Mú ở Nghệ An), Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 5, 2011.
2. Nguyễn Văn Toàn, Định canh định cư và biến đổi kinh tế – xã hội của người Khơ Mú và người HMông, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2014.
3. UBND xã Thanh Sơn, Tổng hợp kinh tế – xã hội và dân số xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, 2018.
4. UBND huyện Thanh Chương, Báo cáo tổng kết tình hình kinh tế, xã hội và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
5. UBND huyện Thanh Chương, Tình hình phát triển sản xuất, ổn định đời sống và tiến độ thực hiện dự án trồng chè vùng tái định cư thủy điện bản Vẽ, 2017.
6. UBND huyện Thanh Chương, Báo cáo kết quả thực hiện Dự án đầu tư phát triển chè tại vùng tái định cư nhà máy thủy điện bản Vẽ, 2017.
Tác giả: Lê Mạnh Hùng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%