Trên vùng châu thổ Bắc Bộ, từ xưa đến nay, có hai địa phương có hội chọi trâu là làng Bạch Lưu Hạ (nay thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) và các làng thuộc tổng Đồ Sơn (nay thuộc quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng). Các hội này đều được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí. Mỗi hội được giải thích có nguồn gốc, cơ sở ra đời cùng đặc điểm khác nhau, đến nay chưa được nghiên cứu so sánh để làm sáng tỏ.
1. Về nguồn gốc của hội chọi trâu Bạch Lưu và Đồ Sơn
Theo cách giải thích dân gian ở làng Bạch Lưu Hạ, tục chọi trâu có từ TK II trước CN, gắn với sự kiện thành hoàng làng là Nguyễn Gia (hay Nguyễn Lệ), người quận Cửu Chân (nay là tỉnh Nghệ An), thông võ, thạo văn từng đi chu du nhiều nơi, sang cả nước Lâm Ấp. Vua Văn Vương nước Triệu xuống tờ chiếu cất kẻ hiền lương, Nguyễn Lệ vào bệ kiến, được vua phong cho làm quan Thị trung Tham quân, tái phong làm Tể tướng. Đến đời Ai Vương, Hán Vũ đế khởi loạn, đem 20 vạn quân chia đường lại đánh, Ai Vương khiến ngài đem quân đánh tan quân Hán, sau đến đời nhà Triệu có tên Ngô Lý Quyền mưu phản, ngài lại dẹp yên, đóng ở Phong Châu (tức Bạch Hạc). Để động viên tinh thần binh sĩ và nhân dân khi thắng trận, Nguyễn Gia tổ chức trò đấu ngưu để mua vui cho dân làng cùng quân sĩ. Đấu xong, cho mổ trâu ăn mừng chiến thắng. Từ đó dần trở thành một cổ tục truyền thống của địa phương.
Trong khi đó, ở Đồ Sơn, đến nay vẫn còn lưu truyền truyền thuyết tục chọi trâu liên quan đến Nguyễn Hữu Cầu – thủ lĩnh phong trào nông dân giữa TK XVIII chống lại triều Lê – Trịnh thối nát ở vùng ven biển Hải Phòng. Nguyễn Hữu Cầu tổ chức chọi trâu để khích lệ và úy lạo quân sĩ chiến đấu.
Làng Bạch Lưu Hạ còn một truyền thuyết khác kể lại rằng: “Vào một buổi sáng sớm mờ sương, ở đầu làng, người ta thấy hai con trâu trắng chọi nhau, không phân thắng bại, sau đó cả hai đều nhảy xuống dòng sông Lô và biến mất. Nơi diễn ra hai con trâu trắng chọi nhau, sau gọi là bến Ảnh, tên làng gọi là Bạch Ngưu” (trâu trắng). Bến Ảnh hiện vẫn còn dấu vết. Vì kiêng húy tên của thần, nên gọi chệch đi là Bạch Lưu. Theo nghĩa Hán, chữ lưu biểu sự tốt đẹp, lâu bền, còn có nghĩa là ngọc, Bạch Lưu còn có nghĩa là ngọc trắng. Căn cứ vào truyền thuyết này thì làng Bạch Lưu Hạ là nơi khởi nguồn của chọi trâu.
Vùng Đồ Sơn cũng có truyền thuyết tương tự. Về bản chất, theo cách giải thích của truyền thuyết này thì tục chọi trâu gắn với tục thờ thủy thần, chọi trâu để có vật tế thủy thần.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa giải thích bản chất của tục chọi trâu là lễ hiến sinh để cầu mưa – nghi lễ phổ biến của cư dân trồng lúa nước. Lời Kinh trong quẻ Ký Tế chép: Đông lân sát ngưu, Tây lân thược tế (bên đông phải giết bò nước (trâu) để tế lễ, bên tây tế lễ đơn giản). Theo quan niệm dân gian vùng Phú Thọ – Vĩnh Phúc, vùng không gian thiêng của nước Văn Lang thời các Vua Hùng lấy núi Hùng làm trục, Bạch Lưu và các làng bên phía núi Tam Đảo thuộc khu vực bên đông, còn bên tây là vùng núi Ba Vì. Trong khu vực bên đông, làng Bạch Lưu Hạ có tục chọi trâu để thực hiện nghi lễ hiến tế (1).
Để thấy được nguồn gốc sâu xa của chọi trâu, cần nhìn rộng hơn từ các khía cạnh khác.
Trước hết, trong đời sống cư dân nông nghiệp Đông Nam Á, trâu là loài vật sinh sống thành bầy, có thủ lĩnh đầu đàn, thích nghi với hệ sinh thái đầm lầy ấm, ẩm, quanh đầm lầy là rừng tốt tươi cỏ dại, lúa dại – nguồn thức ăn của trâu. Trâu nhà có nguồn gốc từ trâu rừng (bubalus bubalis), vốn sinh sống ở vùng đầm lầy Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa thấp ẩm; cách đây không lâu, còn tồn tại khá phổ biến ở miền Trung nước ta.
Trong thực tiễn cuộc sống, trâu gắn bó với người đàn ông, vì đàn ông có sức mạnh săn bắt, thuần hóa trâu và bắt trâu kéo những đường cày đầu tiên. Kể từ khi con người chuyển sang nông nghiệp dùng cày, con trâu trở thành sức kéo chính, cùng với sức khỏe của người đàn ông tạo ra một năng suất lao động hơn hẳn so với nông nghiệp dùng cuốc, nhờ đó thúc đẩy xã hội phát triển, chuyển mạnh sang chế độ phụ quyền. Vì thế, trâu được coi là biểu tượng của sức khỏe, sức mạnh; sừng trâu – biểu tượng cho sức mạnh của trâu trở thành chiếc tù và, dùng để báo động của các cộng đồng dân cư khi có biến hoặc để kích thích quân sĩ trong chiến trận.
Ở người Việt, sự xuất hiện của nông nghiệp dùng cày với sức kéo con trâu được tìm thấy qua tượng trâu bằng đất nung được phát hiện trong các di chỉ khảo cổ học Tiên Hội, Đồng Đậu…; vật trang sức hình đầu trâu bằng đá quý, mài nhẵn bóng tìm thấy ở Di chỉ Đình Chàng (Cổ Loa, Hà Nội), đều cách ngày nay hơn 3000 năm. Trong 15 bộ lạc hợp thành nước Văn Lang của các vua Hùng có hẳn một bộ lạc mang tên trâu.
Con trâu trở thành biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam.
Trâu là biểu tượng cho sự sống. Huyền thoại của người Lào kể rằng, sau nạn hồng thủy, trời cho người một con trâu để trồng lúa; khi trâu chết, từ lỗ mũi trâu mọc ra một cây bầu rồi sinh ra loài người. Lễ xuân ngưu (trâu xuân) trong hội của nhiều làng vùng trung du Bắc Bộ là biểu tượng của mùa xuân, mùa sự sống đâm chồi.
Với cư dân Tôrraja ở Inđônêxia, trâu được quan niệm là anh em của người và lúa, là vua của các loài vật, là hiện thân của thần âm phủ khổng lồ với đôi sừng đỡ lấy trái đất. Trâu là con vật quan trọng nhất, biểu tượng của tài sản, địa vị xã hội, tinh thần chiến đấu, lòng dũng cảm, nguồn sức mạnh, vẻ đẹp hạnh phúc của con người. Trong cuộc sống thường nhật, trâu là bạn của tuổi thơ, là giấc mơ của tuổi trẻ, niềm an ủi của tuổi già (2). Các tộc người Tây Nguyên coi trâu như người, vì thế trâu có tên như người.
Với người Việt, con trâu là sức kéo quan trọng nhất, với ưu điểm là dẻo dai, có thể cày bừa ở ruộng sâu, nhiều bùn, sụt mà bò không thể cày được, hợp cùng với sức lao động của con người trong mỗi gia đình tiểu nông tạo thành một đơn vị sản xuất một đơn vị kinh tế tự chủ. Vì vậy, trâu được coi là thành viên trong gia đình, là người đồng nghiệp thân thiết có thể chia sẻ công việc cấy cày nặng nhọc và chia sẻ tâm sự.
Trâu là con vật hiền lành, tượng trưng cho đức tính cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại, là người bạn thân thương của nông dân Việt từ bao đời nay. Trâu không chỉ là đầu cơ nghiệp mà được xem là hình ảnh biểu hiện giá trị của một nền nông nghiệp.
Ngày nay, ở các vùng nông thôn đồng bằng, máy cày đã thay trâu làm đất, con trâu mất dần đi những vai trò truyền thống. Tuy nhiên, tại nhiều vùng trung du, miền núi, những nơi địa hình không bằng phẳng, đồng ruộng bậc thang, giao thông đi lại khó khăn, con trâu vẫn còn đóng vai trò là sức kéo quan trọng trong cày ruộng, vận chuyển. Trâu còn có giá trị kinh tế cao (một con trâu hiện có giá từ 20 triệu trở lên).
Trâu là con vật trong những biểu tượng cho những định luật thiên nhiên, là một trong 12 con giáp theo lịch của người Trung Hoa và người Việt.
Do có tầm quan trọng và thân thiết như vậy, nên sau này, trâu đi vào trang trí kiến trúc nhà, nhà mồ, điêu khắc đình làng, trong tranh dân gian… Sách Giao châu ký (soạn vào TK III) ghi lại hình ảnh trẻ mục đồng Việt Nam véo von thổi sáo trên lưng trâu trên đường thôn, ngõ xóm.
Trâu còn liên quan đến các nghi lễ của con người, thay người làm vật hiến sinh cho thần linh, là sứ giả của người trước thượng đế. Vì thế, ở nhiều tộc người Tây Nguyên, trước khi chết, trâu được đối xử trân trọng và được chiều chuộng nhất: được uống rượu cần, nghe tiếng cồng chiêng, xem người nhảy múa. Người Thái không chỉ đặt tên cho trâu mà sau một mùa trâu cùng người lao động vất vả, còn làm lễ gọi hồn cho trâu. Người Mường và người Mông có một vài bài ca dành cho trâu trong tang lễ như dành cho người chết (riêng người Mông còn coi trâu là vật dẫn đường cho người chết). Người Tôraja coi người chết chỉ chết hẳn khi có một con trâu đã bị giết, lúc đó, hồn người chết sẽ cưỡi hồn trâu về với tiên tổ.
Vẫn ở cư dân Tôraja, người chết nếu là đàn ông, khi liệm được đội cái mũ nặng có sừng trâu thật hoặc sừng trâu nhỏ bằng đồng. Áo quan cho nam giới ở hai đầu có hình đầu trâu. Sau lễ hiến tế gà, một con trâu được giết, trở thành vật cưỡi dẫn đường cho người chết trở về với tổ tiên. Tại nhà mồ, tượng mồ mô phỏng người chết và tượng người gác mồ đôi khi được cho cưỡi trâu (hoặc rồng rắn). Tiếp đó, một con trâu khác cũng được hiến sinh để thêm hồn cho người chết. Lúc này, người chết mới được coi là chết hẳn, vợ con người chết không được ăn thịt trâu. Các con trâu khác được trang trí đẹp, dẫn đi vòng quanh nhà ba lần rồi mang ra sân cho chọi nhau để mua vui cho người chết. Trước khi ra lệnh hiến tế trâu, chủ lễ làm lễ tưởng niệm phả hệ của trâu, vì trâu cũng như người, có họ hàng với tiên tổ. Lễ mở đầu cho hội đám ma được gọi là lễ mở chợ trâu, tiếp đón trâu. Trâu còn gắn với kiến trúc và điêu khắc nhà. Trên chiếc cột đỡ đòn nóc, cửa nhà, cổng hầm mộ đều có những đầu trâu khắc bằng gỗ, lớn bằng đầu trâu thật, có khi có người cưỡi, cùng hàng chục cặp sừng trâu (3). Vì thế, ở nhiều tộc người trên thế giới và nhiều tộc thiểu số Việt Nam (M’nông, Giẻ – Triêng…) có quan tài hình sừng trâu; người Mạ có nhà mồ hình trâu. Đặc biệt, người La Chí sau lễ cúng trâu cho người chết, đầu trâu được cắm trước mộ và được bảo vệ bằng một hàng cọc làm theo hình răng trâu (4).
Trâu là vật được dùng để chỉ các yếu tố liên quan đến quan niệm về vũ trụ hoặc các yếu tố của vũ trụ. Nhà nghiên cứu Tạ Đức đã dẫn ra một loạt các tư liệu về trâu liên quan đến quan niệm về vũ trụ, như ở nhiều cư dân Inđônêxia, trâu thay thế biểu tượng rắn để trở thành vị thần có đôi sườn nâng đỡ trái đất; hoặc hình tượng trâu có vảy rắn là con vật kết hợp giữa sư tử với rắn (hoặc voi); truyền thuyết về kim ngưu (trâu vàng) ở người Việt và nhiều cư dân Nam Trung Quốc, Nhật Bản, liên quan đến tục người xưa khi đắp đê, dựng thành gần sông phải đúc tượng trâu bò bằng kim loại rồi thả xuống sông hồ để trấn sơn, trị thủy (5). Dân gian tin rằng, việc chôn, yểm thờ tượng các con vật có tính lưỡng thê, vừa sống trên cạn, vừa ở dưới nước (rồng, cóc nhái, trâu, rùa) giúp cho các công trình đó nhanh chóng được dựng xong và đứng vững trước thiên tai. Người Tứ Xuyên coi trâu là thần sông và các cuộc chọi trâu là một dạng thức của ma thuật để chống lại quỷ thần. Từ đó, trâu cũng là biểu tượng của mùa mưa. Tại Ấn Độ, vào cuối mùa mưa, người ta giết trâu để báo hiệu chấm dứt mùa mưa, chuyển sang mùa khô. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu vận dụng để giải thích tục chọi trâu của cư dân vùng biển Đồ Sơn vào mồng 9 tháng 8. Đó là tạo ra cuộc xung đột mang tính vũ trụ giữa âm và dương, giữa mùa khô và mùa mưa; trong đó chọi trâu và trâu chết thể hiện điểm đỉnh và điểm kết của mùa mưa. Đó chính là hội cầu ngừng mùa mưa, mừng đón mùa khô của người Việt cổ (6).
Tóm lại, trâu là biểu tượng của âm dương về nhiều mặt, là con vật sống ở trên cạn nhưng ưa nước, hiền lành nhẫn nhục lúc thường ngày, nhưng dữ tợn khi bị kích động. Sừng trâu với dáng phân hai hợp một vừa có mũi nhọn mang sức mạnh thâm nhập – dương tính, vừa có dáng cong tròn biểu thị cho sự tiếp nhận – âm tính. Trâu gắn với sự sống và cái chết của con người và là con vật trung gian nối thế giới bên trên của người sống và thế giới bên dưới của người chết.
Cách giải thích trên của Tạ Đức về cơ bản là đúng nhưng chưa đủ. Theo chúng tôi, cần xét tục chọi trâu của người Bạch Lưu, Đồ Sơn và nhiều cư dân khác từ các góc nhìn khác.
Trước hết là tư duy lưỡng hợp của người Việt cổ cũng như của các cư dân tiền công nghiệp. Tư duy này được biểu hiện bằng các cặp từ đối lập: dương – âm, sống – chết, sáng tối, nước – lửa, đực – cái, đàn ông – đàn bà… Trong đời sống tín ngưỡng, tư duy lưỡng hợp được thể hiện bằng những cuộc đấu giữa các con vật (chọi trâu, chọi gà…), cả những cuộc đấu tượng trưng, có khi đấu thật sự giữa hai cộng đồng dân cư ở liền nhau, như đánh nhau bằng gươm giáo giả, đua trải, đánh cầu đánh phết, đấu vật, thậm chí ném đá, đánh nhau giữa hai bên vào một dịp nhất định – thường là đầu năm; với mục đích để cầu sự yên ổn, cầu mùa và nếu không làm như thế thì xóm làng sẽ không yên, mùa màng sẽ không tươi tốt (7).
Tác giả Bùi Xuân Đính cho biết, nhà dân tộc học Từ Chi có lần nói với ông rằng, bản chất của chọi trâu là thờ mặt trăng của cư dân nông nghiệp (cũng như ném còn là thờ mặt trời), vốn là các biểu hiện của lễ nghi nông nghiệp. Đối với cư dân sinh sống ở ven biển hoặc ven các sông lớn, thủy triều là yếu tố quan trọng, được biểu hiện cụ thể ở lịch con nước. Thông thường thủy triều ở cửa biển, cửa sông đổ ra biển và ở nhiều sông lớn đổ ra biển ở ngoài Bắc, trong năm có hai chu kỳ con nước giống nhau là từ tháng giêng đến tháng 6 và từ tháng 7 đến tháng chạp. Mỗi tháng bình quân có hai con nước với khoảng cách nhau là 14 ngày (riêng tháng 2 và tháng 8 có ba con nước). Cặp sừng trâu chính là biểu tượng của vành trăng. Hai cặp sừng trâu đối nhau chính là biểu hiện cho sự vận động của thủy triều. Cách giải thích này hoàn toàn có lý và chúng tôi đồng ý với các luận điểm này.
Tóm lại, tục chọi trâu của các cộng đồng cư dân có nguồn gốc từ yếu tố nông nghiệp ruộng nước, đặc biệt là ở các làng ven biển, ven sông lớn, gắn với các yếu tố thủy triều, với sự lên xuống của nước lũ dòng sông (trong trường hợp đang bàn, vùng Đồ Sơn ở sát biển, ảnh hưởng trực diện của thủy triều; làng Bạch Lưu Hạ ở ven sông Lô, chịu tác động của nước lũ dòng sông). Chọi trâu là một lễ thức nông nghiệp để cầu mưa thuận gió hòa, được mùa, gắn với tư duy lưỡng hợp của các cư dân nông nghiệp. Từ khuôn mẫu chung này, mỗi cộng đồng cư dân có một cách giải thích cụ thể về nguồn gốc chọi trâu của mình.
2. Tương đồng và khác biệt của hội chọi trâu Bạch Lưu và Đồ Sơn
Đây là vấn đề lớn, cần có thời gian nghiên cứu mới có lời giải thỏa đáng. Bước đầu, chúng tôi đưa ra một số nhận xét dưới đây.
Tương đồng và khác biệt giữa hội chọi trâu truyền thống của Bạch Lưu và Đồ Sơn
Đặc điểm so sánh |
Hội chọi trâu Bạch Lưu Hạ |
Hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng |
Nguồn gốc theo giải thích của cư dân địa phương |
Gắn với truyền thuyết tướng Nguyễn Gia tổ chức chọi trâu, sau đó giết thịt khao quân. Gắn với truyền thuyết hai trâu trắng chọi nhau vào buổi sáng, rồi cùng nhảy xuống sông Lô. |
Gắn với truyền thuyết lãnh tụ nông dân Nguyễn Hữu Cầu khao quân. Gắn với truyền thuyết thần Điểm Tước (thủy quái đầu rồng, mình trâu, trên cổ có một dấu chân chim), giúp dân diệt họa |
Thời gian ra đời | Từ TK II trước CN | TK XVIII |
Lịch sử phát triển |
Trải qua 3 giai đoạn: Trước 1964 duy trì bình thường. 1947 – 2002: gián đoạn. Từ năm 2002 trở đi: phục hồi và phát triển. |
Trải qua 3 giai đoạn: Trước 1945 duy trì bình thường 1945 – 1988: gián đoạn. Năm 1989 khôi phục, phát triển; 2000 được công nhận là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước. |
Thời gian tổ chức |
Diễn ra hai vòng: Vòng 1 (28 – chạp), đấu 10 con. Vòng 2 đấu 6 con (16, 17 – giêng) |
Diễn ra hai vòng: Vòng loại: 9-6 Vòng chung kết: 9-8 |
Hình thức tổ chức |
Đều tổ chức theo hai phần: lễ và hội, trâu được lựa chọn, chăm nuôi cẩn thận, cầu kỳ. | |
Xử lý trâu | Trâu thắng, trâu thua đều bị giết thịt tế thần và chia cho các thành viên trong giáp | |
Đối tượng suy tôn, ý nghĩa |
Tưởng nhớ công ơn đánh giặc cứu dân của thành hoàng Nguyễn Gia; song về bản chất vẫn là cầu nước, mưa thuận gió hòa để làm ruộng. | Ghi nhớ công ơn của thần Điểm Tước diệt thủy quái bảo vệ xóm làng (hoặc của Nguyễn Hữu Cầu?); song về bản chất vẫn là cầu nước, mưa thuận gió hòa, thủy triều đều đặn để đánh cá và làm ruộng. |
Quy mô hội | Hội làng | Hội vùng |
Tương đồng và khác biệt giữa hội chọi trâu hiện nay của Bạch Lưu và Đồ Sơn
TT | Điểm so sánh | Hội chọi trâu Hải Lựu | Hội chọi trâu Đồ Sơn |
1 |
Thời gian gián đoạn và khôi phục |
Gián đoạn 1947 Khôi phục từ 2002 |
Gián đoạn 1965, Khôi phục từ 1989 |
2 | Quy mô | Hội của một xã gồm nhiều làng cũ và các cụm dân cư mới, do xã chỉ đạo tổ chức | Hội vùng (gồm nhiều làng xã cũ, nay trở thành phường, do quận Đồ Sơn chỉ đạo tổ chức) |
3 | Phạm vi thu hút | Cả vùng trung du và miền núi phía Bắc | Chủ yếu ở Hải Phòng và một số tỉnh lân cận |
4 |
Lực lượng tham gia nuôi trâu chọi |
Các thôn (xóm cũ) của làng Bạch Lưu Hạ và các đoàn thể chính trị, tổ chức kinh tế | Các cá nhân thuộc 7 phường thuộc quận Đồ Sơn, chỉ có một tổ chức kinh tế tham gia |
5 | Trách nhiệm chính nuôi trâu |
Bốc thăm hoặc phân bổ theo cụm dân cư, các tổ liên gia ở từng thôn, nên tính cộng đồng cao Có hiện tượng đóng cổ phần nuôi trâu |
Các cá nhân của từng phường, tính cộng đồng ít nhiều suy giảm, chưa có đoàn thể chính trị tham gia Có hiện tượng đóng cổ phần nuôi trâu |
7 | Số vòng thi đấu |
Chỉ có một vòng chung kết vào 16, 17 tháng Giêng với nhiều lượt trận, diễn ra cả sáng, chiều Thời gian thi đấu vào mùa xuân, ấm và còn lạnh, nên khả năng thu hút khách lớn |
Qua 3 vòng: sơ loại ở các phường (trước tháng 6), vòng loại ((mồng 8-6) và chung kết (mồng 9-8). Vòng chung kết chỉ diễn ra trong buổi sáng Thời gian thi đấu vào tháng 8, dễ bị tác động bởi mưa và nắng gắt, ảnh hưởng đến việc tổ chức thi đấu, thu hút khách |
8 | Cách xử lý trâu thua cuộc | Giết mổ ngay sau khi kết thúc trận đấu | Trâu ở vòng loại vẫn nuôi đến ngày chung kết mới giết mổ |
9 | Khu vực phân biệt thịt trâu chọi | Có khu vực bán riêng trong khuôn viên trụ sở UBND xã, mỗi bàn bán thịt trâu được ghi đầy đủ các thông tin về số thứ tự của trâu, chủ trâu, thắng trận mấy | Khu vực bán thịt trâu không riêng biệt, không được quản lý chặt, dễ bị đưa thịt trâu giả vào. Đặc biệt, có hiện tượng đánh tráo trâu chọi (sau khi thua trận ra khỏi sới trâu chọi bị thay bằng con khác để mổ bán cho du khách) |
10 | Giá trị của thịt trâu chọi | Không chỉ có giá trị tâm linh, mà còn là hàng hóa có giá trị kinh tế cao, song giá vừa phải, phù hợp nên sức tiêu thụ lớn | Giá trị tâm linh, giá trị kinh tế cao, giá bán của trâu chọi cao hơn nhiều so với trâu chọi Hải Lựu |
11 |
Tác động |
Có giá trị tâm linh, giá trị kinh tế lớn, tạo ra nhiều dịch vụ đi cùng chọi trâu và hội, tăng thu nhập cho người dân và ngân sách địch phương | Là một phong tục đẹp, người nuôi trâu có lãi, tạo điều kiện để phát triển kinh tế |
12 | Hiện tượng tiêu cực nổi bật ăn theo chọi trâu | Không có cược nhau giữa các chủ trâu và cá độ trong sân đấu | Có cược nhau giữa các chủ trâu và cá độ trong sân đấu, ngoài sân đấu, trong quán bia khi xem truyền hình |
_______________
1. UBND xã Hải Lựu, Hội chọi trâu Hải Lựu, 2008, bản đánh máy.
2, 3, 5, 6. Tạ Đức, Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn, Hội Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội, 1999, tr.35, 36, 238.
4. Lê Trung Vũ, Con trâu với đời sống người La Chí, Tạp chí Dân tộc học, số 2-1979, tr.70-74.
7. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2003, tr.413.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014
Tác giả : Trần Thị Xuyến
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%