Viết về nhạc sĩ Văn Cao thật khó bởi trước đó, đã có nhiều người viết về ông. Được xem một số tranh sơn dầu và minh họa trên sách báo do ông sáng tác những thập kỷ trước, tôi chợt thấy rằng từ trước đến nay, mọi người nhắc đến Văn Cao như “một viên gạch kỳ cựu, nung ở độ lửa già, của nền âm nhạc Việt Nam”(1) mà ít ai để ý ngoài âm nhạc, thi ca, ông cũng rất thành công với nghệ thuật tạo hình. Thái Bá Vân đã nói “Nếu âm nhạc và thơ là một bản thể tươi tốt của anh, thì hội họa là một tri thức sâu sắc”(2). Họa sĩ Tạ Tỵ: “Ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là một sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ”(3).
Văn Cao được học bài bản không phải về âm nhạc mà là về hội họa. Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, một ca sĩ và cũng là người bạn thân, ông lên Hà Nội để theo học dự thính tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Tuy chỉ học trong khoảng thời gian 2 năm với tư cách tự do, nhưng theo nhận xét của các họa sĩ cùng thời như Tạ Tỵ, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung,… Văn Cao tỏ ra là một tài năng trong hội họa lập thể. Thời kỳ này, trên thế giới, chủ nghĩa lập thể đã rất phát triển với những đại diện tiêu biểu như Georges Braque, Pablo Picasso, Marcel Duchamp, Fernand Leger… Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài họa sĩ vẽ lập thể Tạ Tỵ các họa sĩ của trường Mỹ thuật Đông Dương hầu như vẫn theo lối vẽ hiện thực lãng mạn được bắt đầu từ khi thành lập trường.
Tại triển lãm Salon Unique năm 1943 và 1944 ở nhà Khai trí tiến đức, tranh sơn dầu của Văn Cao đã từng được treo ở chỗ tốt nhất của phòng tranh và nhận được rất nhiều lời khen ngợi như Cuộc khiêu vũ của những người tự tử, Cô gái dậy thì, Sám hối nửa đêm… Ngoài ra ông còn sáng tác các bức Thái Hà ấp đêm mưa (bột màu, 1943), Phố Nguyễn Du (sơn dầu, 1945), Lớn lên trong kháng chiến (1952)… Trong một triển lãm hội họa ở Liên khu 3, Văn Cao đã gửi một bức sơn dầu mang tựa đề Cây đàn đỏ, vẽ người bộ đội ôm cây đàn chủ nghĩa. Sau này, ông vẫn theo đuổi phong cách lập thể khi vẽ một cậu bé thổi sáo bằng hai cái mồm, một cái được vẽ từ cách nhìn thẳng, một cái được vẽ nhìn nghiêng. Làm nền phía sau cậu bé là nhiều người trong một tiết tấu chuyển động. Tính đa hướng của tiết tấu và nhịp điệu, cách biểu hiện đối lập giữa các mảng lớn đơn giản và nền phức tạp mang đậm phong cách của hội họa biểu hiện được Văn Cao triển khai trong thời kỳ này dù sau đó, bức tranh đã nhận được những đánh giá chưa xác đáng về ý tưởng mà ông muốn truyền tải.
Sau phong trào Nhân văn Giai phẩm (1955-1958) ông tạm dừng lại sự nghiệp âm nhạc đã rất thành công và tiếp tục đi sâu hơn vào nghệ thuật tạo hình: vẽ minh họa cho thơ, truyện ngắn lẫn truyện dài, vẽ vignette cho báo chí, trình bày sách. Ông cũng sáng tác nhiều tranh sơn dầu như Chợ vùng cao (1970), Thanh niên vùng cao (1978), Chân dung bà Băng, Chân dung nhà văn Đặng Thai Mai (1977)…
Trong các bức sơn dầu của Văn Cao, yếu tố biểu hiện thường được bộc lộ rõ bên cạnh yếu tố lập thể. Ở tác phẩm Chợ vùng cao (1970), họa sĩ đã sử dụng những mảng màu phẳng cam, trắng, đỏ giao với nhau không theo các quy tắc phối cảnh để phân tầng không gian trong tranh. Họa sĩ không quan sát đối tượng ở một góc nhìn cố định mà phân chia thành nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau. Đám đông trong chợ được sắp xếp dàn trải và vẽ bằng những nét đen. Ngay cả hình ảnh con ngựa cũng là một mảng màu trắng. Yếu tố mảng nét cùng gam màu nóng đã cho thấy một phiên chợ miền núi đông vui náo nhiệt, đồng thời gợi lên cảm giác về dòng tranh khắc gỗ dân gian đầy màu sắc rực rỡ.
Cùng vẽ về đề tài miền núi, tác phẩm Thanh niên vùng cao (1978) lại thể hiện thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của Văn Cao, cũng như ngôn ngữ hội họa mà ông theo đuổi. Hình thể chính là người thanh niên và con ngựa bạch được khái quát bằng các đường nét và mảng màu lớn, cô đọng, đầy biểu hiện. Phần nền phía sau là những mảng và hình đan cài lô nhô thể hiện bằng bút pháp lập thể, có lẽ tác giả muốn tạo cảm giác về vùng núi Tây Bắc trập trùng. Bức tranh có sự đối lập giữa hình thể trung tâm và mảng nền, tương phản giữa đơn giản và phức tạp, giữa đơn sắc và đa sắc, tạo nên một họa phẩm rành mạch trong ngôn ngữ hình thể và có chiều sâu nội tâm nhất định. Có thể coi đây là một trong những bức tranh rất đẹp về đề tài miền núi của Văn Cao.
Trong tác phẩm sơn dầu vẽ người thày của mình – nhà văn Đặng Thai Mai – yếu tố lập thể biểu hiện càng rõ ràng hơn. Không có quá nhiều chi tiết ngoài những mảng màu đơn sắc nâu, đen, vàng, xanh, trắng. Lối phân chia mảng ở không gian phía sau làm ta liên tưởng đến những sáng tác lập thể của họa sĩ Kandinski. Chỉ có vài đường nét được diễn tả trên khuôn mặt nhân vật và bàn tay chống cằm cho thấy sự suy tư của một nhà trí thức lớn. Nó cũng thể hiện tính đa hướng trong con người nghệ thuật Văn Cao: âm nhạc và ca từ vô cùng diễm lệ, kỳ ảo, bay bổng; hội họa lại đơn giản, khúc triết, thâm trầm mà sâu sắc.
Dùng chữ Văn làm bút danh, trong rất nhiều sáng tác đồ họa mà điển hình là thiết kế bìa sách, ông tập trung đi sâu khai thác những biến thể của dạng chữ, chú trọng đến font chữ, màu chữ, cỡ chữ và bố cục… như trong Bóng nước hồ Gươm (Nxb Văn học 1976), Tội ác và trừng phạt (1982), Hà Nội thời đại đồng và sắt sớm (1982)… Nhiều mẫu chữ, kiểu chữ trên bìa sách do ông sáng tạo, cho đến nay, ta thấy vẫn có nét hiện đại, được các họa sĩ thiết kế tiếp nối và phát triển. Người xem có thể cảm nhận được chút lảng bảng, phiêu phù mà vẫn rõ nét huy hoàng như bìa Bóng nước hồ Gươm (1976), hay cảm giác hùng vĩ, trùng điệp trong bìa Nhớ nguồn (1975)… Đôi khi, riêng minh họa nhỏ trên bìa cuốn sách Tội ác và trừng phạt cũng có thể được coi là một tác phẩm độc lập khi ông tiếp tục khai thác phong cách vẽ lập thể, biểu hiện dùng ba màu đen, trắng, đỏ, Văn Cao đã lột tả sự ân hận về tội lỗi của một con người khi phạm sai lầm. Nhân vật trung tâm hai tay ôm lấy đầu, cúi mặt như đang đứng trước một tòa án vô hình. Tính khái quát cao về hình ảnh, sự cô đọng trong màu sắc đã làm cho tác phẩm mang tiếng nói riêng của ngôn ngữ hội họa. Rất nhiều minh họa khác cũng có lối thể hiện đơn giản nhưng phóng khoáng, chỉ với các nét hay mảng phẳng đen, dẹt như trong các minh họa tuyển tập thơ kháng chiến chống Pháp Đẹp hơn nước mắt (Nxb Văn học, 1983), Victor Hugo (Nxb Văn học, 1986)…
Cuộc đời của Văn Cao là một chuỗi thăng trầm và sâu thẳm trong ông là sự uyên bác, một tâm hồn phong phú, lãng mạn nhưng không kém phần kiêu bạc. Văn Cao là một tài năng hiếm có cả về thơ ca, nhạc, họa. 16 tuổi ông đã sáng tác bản nhạc đầu tay Buồn tàn thu (1939), 18 tuổi ông soạn bản Thiên thai (1941), 19 tuổi soạn Bến xuân (1942), 20 tuổi viết Trương Chi (1943)… Nếu trong những bản hùng ca như Tiến quân ca, Bao chiến sĩ anh hùng, Hải quân hành khúc, Không quân hành khúc, Bắc Sơn, Sông Lô… hình ảnh Văn Cao sử dụng mang đầy tính tượng thanh, tượng hình, nhằm miêu tả không khí hào hùng đánh giặc đối lập hẳn với hình ảnh thơ mộng, lãng mạn, có phần cô đơn, não nùng của những bản tình ca.
Nếu hội họa giá vẽ của Văn Cao là sự khỏe khoắn trong hình khối, sự gọn gàng trong các nét vẽ mà ông chịu ảnh hưởng từ họa phái lập thể- biểu hiện thì ngược lại, yếu tố hội họa trong những bản tình ca cuả ông thường làm người ta liên tưởng đến những bức tranh thủy mặc phương Đông, với gam màu trầm buồn, sâu lắng. Trong các loại hình nghệ thuật, âm nhạc cũng là nghệ thuật đỉnh cao khi nó rung cảm được người thưởng thức, có thể làm cho con người thành ủy mị bằng những bản tình ca, cũng có khi thúc đẩy ta bằng những hành khúc hùng hồn. Trong thời kỳ hình thành và phát triển của tân nhạc, Văn Cao cũng không phải là chàng nhạc sĩ trẻ tuổi độc nhất bị ảnh hưởng bởi thơ Đường. Chỉ dùng nhạc và tứ thơ, Văn Cao đã tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình qua Bến Xuân: Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân. Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ù u ú. Cành đào hoen nắng chan hòa. Chim ca thương mến, chim ngân xa u ù u ú. Hồn mùa ngây ngất trầm hương… Nhạc phẩm được bắt đầu bằng hình ảnh thơ mộng về cây cầu soi bóng bên dòng nước, với sắc trắng của từng đôi cánh chim, sắc hồng của cành đào hoen nắng… Rồi đến …Sương mênh mông che lấp kín non xanh. Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân. Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca. Cánh nhạn vào mây thướt tha, lưu luyến tình vừa qua.
Văn Cao đã phác họa một bức tranh sơn thủy lãng mạn, một phong cảnh nên thơ với làn sương mênh mông che kín non xanh, cánh buồm nâu, những lớp sóng xuân, từng đàn én liệng đầy trời… Toàn bộ bài hát được diễn tả bằng ngôn ngữ của văn học nhưng lại sử dụng thủ pháp phối cảnh trong hội họa. Màu nâu của cánh buồm chính là điểm nhấn trên một nền xanh của núi non, sông nước, trên cái bảng lảng của làn sương mênh mông. Những chi tiết tưởng như rất đơn giản nhưng làm rung động người nghe, gợi lên cảm giác êm dịu về một mối tình câm thanh cao, thi vị mà chính bản thân tác giả không dám bày tỏ cùng người đẹp trong mộng tưởng. Có thể nói đây chính là một trong nhiều tình khúc tả cảnh lãng mạn hay nhất của Văn Cao đối với dòng âm nhạc trữ tình Việt Nam.
Với nhạc phẩm Thiên thai, Văn Cao kể một câu chuyện về thế giới thần thoại chỉ có trong cổ tích. Hoạt cảnh Lưu Nguyễn lạc vào chốn bồng lai với tiếng hát trên bờ đào nguyên, tiếng đàn tiếng nhạc hòa theo bầy tiên nữ ca múa vũ khúc nghê thường khiến người nghe như đang ngất ngây thưởng thức tiếng đàn chơi vơi giữa chốn tiên cảnh: Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng. Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên. Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên, theo gió tiếng đàn xao xuyến. Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền, mấy cung trìu mến, như nước reo mạn thuyền. Âm ba thoáng rung cánh đào rơi nao nao bầu sương khói phủ quanh trời. Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền nan quê hương dần xa lấp núi ngàn. Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền. Ai hát trên bờ Đào Nguyên… Cảnh sắc được nhạc sĩ vẽ lên bằng những nốt nhạc, lời ca gợi mở một thế giới trong mộng tưởng, một thế giới lung linh không có thực với ánh trăng xanh mơ, nước reo mạn thuyền, với cánh đào biếc cùng tiếng đàn chơi vơi… Dưới đôi mắt hội họa của Văn Cao, màu sắc biến đổi theo từng giây từng phút, theo từng trường đoạn bài hát và tùy thuộc chủ quan người thưởng ngoạn. Điều này làm ta có thể thưởng thức tác phẩm bằng nhiều cách khác nhau.
Nhà thơ Thanh Thảo đã nhận thấy yếu tố hội họa thật rõ nét trong âm nhạc và thi ca của Văn Cao: “…Cái nhìn của Văn Cao trong thơ, nhiều lúc là cái nhìn của một họa sĩ, nó bắt được cái thần của đối tượng chỉ qua vài nét phác. Sự giản lược tối đa, những khoảng trống, những khoảng lặng, tự làm khô lại như một củ huệ, lan chờ lúc bật mầm…” (4).
Có thể thấy sự uyên bác, mẫn cảm của nhạc sĩ Văn Cao với vẻ đẹp và thấu hiểu nó trên nhiều khía cạnh cảm xúc, bộc lộ qua các hình thức nghệ thuật khác nhau như hội họa, âm nhạc, thi ca… Trong âm nhạc, thi ca là ca từ lãng mạn, giàu hình ảnh, âm thanh, gợi liên tưởng mạnh mẽ. Còn trong hội họa là tìm tòi các biểu hiện ngôn ngữ của hình thể, sự khái quát về thị giác, của mảng và nét, với màu sắc tinh giản được học hỏi và kế thừa giữa phong cách tạo hình của nghệ thuật phương Tây và phương Đông. Những điểm tương đồng cũng như khác biệt giữa hội họa và âm nhạc của Văn Cao chính là hiện thân về nhân cách văn hóa phong phú trong con người nghệ sĩ.
_______________
1. Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Sài Gòn, 1970, tr.187.
2, 3. Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Nxb Mỹ thuật, 2009.
4. Thanh Thảo, Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm, Nxb Văn học, 1996.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011
Tác giả : Nguyễn Nguyệt
Wiki : https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_Cao
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ