Jataka trong đời sống văn hóa một số nước Đông Nam Á lục địa


Ở Ấn Độ, đạo Phật ra đời từ TK VI trước CN, người sáng lập là thái tử Siddharta Gautama (hiệu Tất Đạt Đa). Sau khi Đại hội Phật giáo diễn ra tại Pataliputra năm 241 trước CN, hoàng đế Asoka đã mở rộng và truyền bá đạo Phật sâu rộng ở châu Á. Sự phát triển của Phật giáo đã ảnh hưởng đến muôn mặt đời sống lúc đó. Một hệ quả tất yếu là nền văn học Phật giáo Ấn Độ cũng ra đời, bao gồm cả thơ ca và văn xuôi – nhằm xây dựng những huyền thoại về Đức Phật, ca ngợi ân đức lớn lao, kỳ vĩ của Người cũng như bao lời khuyên giải và thuyết pháp của Người đối với chúng sinh. Một trong những tác phẩm Phật giáo kinh điển thời kỳ này là Jataka (những câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật). Jataka sau đó đã lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á. Cùng với Phật giáo và theo con đường của Phật giáo, Jataka đã theo chân các nhà truyền giáo Ấn Độ đến Đông Nam Á và để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa các nước theo Phật giáo Tiểu thừa như Campuchia, Myanmar, Lào và Thái Lan.

1. Jataka trong văn học

Ở Myanmar, theo nhà nghiên cứu Vũ Oanh, văn học viết Myanmar bắt đầu vào TK XI dưới triều đại Pangan. Lúc bấy giờ, văn học chủ yếu lấy cảm hứng từ Phật giáo và các câu chuyện trong Jataka. Tác giả cho rằng, thời điểm ấy, “ngoài văn bia thì phổ biến hơn cả là những truyện Jataka. Biết được nhiều nhất là truyện về Wethandaya (Vessantra), Jataka cuối cùng trong chuỗi 547 truyện, kể về kiếp cuối cùng của Đức Phật…” (1). Tác phẩm này, đến TK XIV – XV dưới triều đại Ava (1364 – 1555) một lần nữa được tái sinh ở dạng thơ nhờ tài năng nghệ thuật của thi sĩ Shin Aggasamadhi, sinh năm 1479 tại Kanbya, phía Đông Tabayin. Ông cũng đã viết những câu chuyện Jataka bằng thơ về Đức Phật. Đương thời với Shin Aggasamadhi, không thể không nhắc đến một thể loại văn chương độc đáo của Myanmar có tên gọi Pyo. Pyo là “văn vần thể hiện những câu chuyện Phật giáo và các bài thuyết giảng Kinh Phật được chuyển từ văn bản gốc Pali sang ngôn ngữ Miến. Việc thêm thắt nhiều chi tiết tưởng tượng nhỏ kèm theo những lời răn dạy luân lý khiến cho các tác phẩm Pyo trở nên sinh động. Pyo được soạn dựa trên các Câu chuyện tiền kiếp của Phật, văn phong trong sáng giản dị nhưng không thiếu vẻ lôi cuốn và sáng tạo” (2).

Jataka cùng với Phật giáo đến TK XVIII – XIX, dưới triều đại Konbaung (1752 – 1819) đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho văn học viết. Rất nhiều cây bút coi Jataka là “cội nguồn cảm hứng” cho các sáng tác như nhà sư U Obhasa đã viết các Jataka ở dạng thức văn xuôi. Cũng chính U Obhasa là người đầu tiên dịch 10 truyện Jataka từ tiếng Pali sang dạng văn xuôi đơn giản của Myanmar. Ông muốn mọi người dân đều hiểu và đánh giá cao các Jataka. Tuy nhiên, ông mới chỉ dịch được 8 truyện trong đó: Temi (MUga-pakkha)-jātaka (538), Mahā-janaka-jātaka (539), Nemi-jātaka (541), Mahosada-jātaka (542), Candakumāra-jātaka (544), Nārada-jātaka (545), Vidhūra-jātaka (546), Vessantara-jātaka (547). Hai truyện Jataka còn lại là Suvannasāma-jātaka (540) và Bhūridatta-jātaka (543) cũng được viết ở thể văn xuôi do 2 nhà sư khác là Shin Nandamedha và Shin Paggātikkha chấp bút.

Ở Campuchia, trong nền văn học viết Campuchia, có một dòng văn chương Phật giáo in đậm dấu ấn Jataka. Những tác phẩm trực tiếp luận giải về lý thuyết Phật giáo, xuất hiện và đạt đến sự phồn thịnh từ TK XV trở đi, bao gồm rất nhiều cuốn sách kinh điển của Phật giáo, trong đó phải kể đến Tripitaka, Traiphum, Lokaneyyajataka. Đặc biệt, cuốn Lokaneyyajataka (nhập môn vào nguồn gốc những cuộc đời của Phật) là tác phẩm nhằm đề cao lý tưởng Phật giáo của Prê Khleng Nrong – nhà thơ nổi tiếng dưới triều vua Ang En. Ông là nhà sư, trông coi một ngôi chùa ở kinh đô Uđông, giữ vai trò quan trọng về chính trị và hành chính. Phần lớn tác phẩm của Nrong bắt nguồn từ Kinh Phật (Dhamma Sutra), từ các bài văn giáo quy Phật giáo, từ những Jataka (lịch sử cuộc đời của Phật). Ngoài ra, sự xuất hiện của 10 Jataka, gồm: Temiyajataka, Jannakajataka, Suvannasamajataka, Nemirajataka, Mahosathajataka, Bhuradattajataka, Naradajataka, Vidhurajataka, Vesssantarajataka cũng là những biến thể của Jataka gốc, đã được ghi nhận trong giai đoạn này (3).

Ở Lào, sau khi vua Phạ Ngừm thống nhất các mương Lào, thành lập quốc gia thống nhất Lạn Xạng (TK XIV – XVII), nền văn học viết Lào cũng hình thành và phát triển. Trong quá trình xây dựng nền văn học viết truyền thống, bên cạnh việc tiếp nhận các kinh kệ, giáo lý đạo Phật, người Lào tiếp nhận cả đề tài, cốt truyện, hình tượng nhân vật trong Jataka. Có thể kể đến một số văn phẩm tiêu biểu như: Phạ vệt xẳn đon, Cham pa xi thon; Nang Tan Tay, Xiêu xa vạt, Lan xỏn pù, Pù xỏa lan, Thạo Hùng Thạo Chương, Xỉn xay, Xu li vông, Ka la kết, Nang Tèn on

 Trong văn học Thái Lan, mảng văn học Phật giáo cũng rất phát triển vì những tác phẩm văn học Phật giáo tại Ấn Độ được du nhập và những câu chuyện tiền thân của Đức Phật Jataka ở Ấn Độ được đông đảo người Thái yêu mến. Văn học Thái Lan được chia làm bốn thời kỳ tiêu biểu, thời kỳ nào cũng xuất hiện rất nhiều tác phẩm văn học Phật giáo, trong đó, thời Ayutthaya, Tray Lô – ka – nat (1448 – 1488) là vị vua khởi đầu cho chủ trương nhuận sắc các tác phẩm văn học Phật giáo Ấn Độ, cụ thể là Jataka. Vốn là người sùng đạo Phật, vị vua này đã có nhiều kiệt tác văn học Phật giáo, trong đó Ma – hả Xạt (còn gọi Maha Jataka) được coi là tác phẩm để đời, cũng là tác phẩm chiếm vai trò cực kỳ quan trọng trong nền văn học viết Thái Lan TK XIV-XV. Bộ sách của ông được viết bằng tiếng Thái, thuật lại các kiếp của Đức Phật, trong đó, nổi bật là kiếp cuối cùng. Kiếp này được đặt là Đại kiếp (tương ứng với Jataka 547 trong Kinh bổn sinh có tên Vessantara Jataka). Toàn bộ tác phẩm gồm 13 chương. Chương 1 nêu lại bối cảnh hiện tại khiến đức Phật kể lại cuộc đời mình khi còn là hoàng tử Vệt – xanh – đon, con trai vua Xon – xay. Chương 2 và 3 ca ngợi phẩm chất thương người, giàu đức hy sinh của hoàng tử. Chương 4 kể về quá trình tu hành được viết bằng các hình thức thơ Thái Lan nên được nhân dân nồng nhiệt đón nhận. Đúng như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Tương Lai: “Tác phẩm đã được dùng làm bộ sách giáo lý cho Phật tử Thái Lan và cũng là một trong những bảo vật của các vị sư trong sự nghiệp hoằng pháp của mình” (4). Ngoài ra, tác phẩm còn có giá trị nghệ thuật cao, đặc biệt là các chương 7, 8, 9, có nghệ thuật tả cảnh vật và miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc. “Nghệ thuật tả cảnh đạt trình độ cao tới mức có thể làm cho người nghe như lạc vào chốn mê cung và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật hoàn chỉnh tới mức có thể làm cho người đọc lẫn người nghe phải rơi nước mắt. Vì vậy mà rất hiển nhiên khi ta thấy ở Thái Lan ai cũng thích nghe và đọc các chương 7, 8 và 9 vốn là các chương tiêu biểu cho nghệ thuật tả cảnh và tả nội tâm nhân vật” (5).

Trong truyện cổ Lào, Sự tích hình thỏ trên mặt trăngSự tích của rượu vốn bắt nguồn từ các truyện Tiền thân Sasa (Jataka 316) và Tiền thân Kumbha (Jataka 512). Trong truyện cổ Thái Lan, chùm truyện Gà gô trở thành thầy giáo như thế nào, Gà gô thông thái, hiền hậu, Ông sư độc ác và con hổ có kết cấu và nội dung giống với truyện Tiền thân Tittira (Jataka 438). Trong Truyện cổ Campuchia, chùm truyện Thỏ Phéa làm vua, Thỏ kết bạn với voi, Thỏ lừa cá sấu dựa trên truyện Tiền thân Daddabha (Jataka 322)…

2. Jataka trong điêu khắc, hội họa

Một số bằng chứng sử học và khảo cổ học cho thấy, nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa của các nước Đông Nam Á lục địa lấy nguồn cảm hứng từ Jataka. Ở Myanmar, trong các ngôi đền, chùa nổi tiếng ở Pagan (TK XI-XIII) như đền Ananda do Vua Kyanzitha xây dựng chứa một bộ hoàn chỉnh các mảng Jataka… Khu sảnh lớn của một ngôi đền khác là đền Abe-yadana (xây dựng vào năm 1102 hoặc 1103 SCN) được minh họa bằng một tập hợp 550 cảnh trong các câu chuyện Jataka. Naga – yon, một ngôi đền nổi tiếng (xây dựng năm 1102 hoặc 1103 SCN) được xây sau ngôi đền Abe – yadana, cũng có những bức tranh Jataka trên bức tường bên ngoài đền. Các cảnh Jataka còn được bắt gặp trên các bức tường bên ngoài của Myinkaba Kubyauk-kyi… Đây là những ví dụ cho thấy, các ngôi đền và chùa có hàng loạt cảnh mô tả những câu chuyện trong Jataka ở dạng thức hội họa, điêu khắc cùng với văn bản mô tả (6).

3. Jataka trong lễ hội, kịch, hoạt động ngâm – kể và múa dân gian, nghi lễ tôn giáo

Ở Campuchia, có thể kể đến một số lễ hội quan trọng như tết Chôl Chhnăm Thmây, lễ Phật Đản, lễ Nhập hạ, lễ Phchum Bân, lễ Xuất hạ, lễ Dâng y… Trong lễ hội, người dân thường vào chùa nghe các sư thuyết giảng về Phật pháp, về phẩm chất cao quý của Đức Phật và con đường Ngài đạt tới chân lý. Điều chắc chắn là những câu chuyện trong Jataka cũng được kể lại trong quá trình phổ biến giáo lý kinh Phật cho người dân.

Ở Myanmar, tìm hiểu văn hóa dân gian Myanmar, chúng tôi thấy đất nước này có loại hình nghệ thuật Pyazat. Đó chính là kịch dân gian có nguồn gốc từ Jataka, kể về những tiền kiếp của Đức Phật mà Ngài đã trải qua trước khi trở thành Bồ Tát. Ngài đã gặp ai, làm gì và dưới các dạng thức như thế nào. Mỗi vở kịch Zat được trình bày suốt đêm, xen kẽ vào đó là các màn múa hát của vũ công trên sân khấu hoặc nhạc công ngồi sau sân khấu thể hiện.

Ở Lào, một trong những lễ hội lớn nhất là lễ hội Bun Phạ Vệt (Phật hóa thân) được tổ chức mỗi năm một lần. Đây là lễ hội nghe các nhà sư đọc truyện Phạ Vệt hay còn gọi kiếp Đức Phạ Vệt bằng 1.000 khổ thơ.

Ở Thái Lan, một trong những điệu múa đặc sắc nổi tiếng nhất của Thái Lan là múa Ma – nô – ra. Điệu múa này lấy từ tích truyện thứ 491 trong Jataka (tiền thân Maha Mora). Trong Jataka, câu chuyện kể về một trong những tiền kiếp của Đức Phật là một chú chim công xinh đẹp lại có tài thuyết pháp. Hoàng hậu nọ nằm mơ thấy mình gặp chim công. Sau khi nghe chim thuyết pháp thì chim bay đi. Hoàng hậu đem chuyện kể với vua. Vua cho gọi tất cả các thợ săn, yêu cầu ai bắt được chim công sẽ có thưởng… Câu chuyện này sau đó đi vào kho tàng truyện kể dân gian Thái Lan, trở thành câu chuyện tình đẹp đẽ và cảm động giữa nàng tiên nửa người nửa chim Manora với hoàng tử Suthon.

Jataka là một trong những tập truyện cổ nổi tiếng của Ấn Độ, là tác phẩm Phật giáo kinh điển nhằm truyền tải các giáo lý của Đức Phật. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố tôn giáo và truyện kể đã làm cho tác phẩm có giá trị lớn lao, đặc biệt đối với việc hình thành những lối sống cao cả, đẹp đẽ cho con người nên có sức lan tỏa, vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, đến với các xứ sở khác nhau trong đó có khu vực Đông Nam Á.

________________

1. Nguyễn Tấn Đắc (chủ biên), Văn học các nước Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr.276.

2. Vũ Quang Thiện, Lịch sử Myanma, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.224.

3. Nhiều tác giả, Tìm hiểu lịch sử – văn hóa Campuchia, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tập 3, tr.84.

4, 5. Nguyễn Tương Lai, Văn hóa Thái Lan, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.230-231.

6. Ven Sengpan Pannyawansa, A critical study of the Vessantara – Jataka and its influence on Kengtung Buddism, Eastern Shan State, Burma, 2007, khamkoo.com.

 

Tác giả: Hà Đan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *