Kết nối giữa Trung tâm học liệu với Trung tâm Thông tin thư viện các trường, khoa trực thuộc Đại học Huế


Kết nối thư viện đang là xu hướng tất yếu cho hệ thống thư viện Việt Nam, đem lại những lợi ích to lớn cho các thư viện trong thời đại bùng nổ thông tin. Bài viết đưa ra những suy nghĩ về thực trạng cũng như đề xuất hướng giải quyết cho việc kết nối giữa trung tâm học liệu với trung tâm thông tin thư viện các trường, khoa trực thuộc Đại học Huế, với mục đích hướng đến một mô hình phát triển bền vững cho các thư viện đại học trong kỷ nguyên số hiện nay.

Hợp tác chia sẻ và sử dụng chung nguồn học liệu là xu thế phát triển của các thư viện, là một trong những mục tiêu quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học hiện nay. Quá trình thực hiện Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02-11-2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam đã tác động sâu sắc đến quá trình học tập và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ yêu cầu người học phải tích cực, chủ động hơn nữa trong quá trình tự học, tự đào tạo đòi hỏi hệ thống thư viện đại học cũng phải song hành với quá trình đổi mới, nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu thông tin cho bạn đọc ở bất kỳ thời điểm, không gian nào. Hợp tác chia sẻ nguồn tài nguyên giữa thư viện các trường đại học với nhau trong thời đại thư viện số là nhu cầu, động lực cho sự phát triển chung của hệ thống thư viện đại học Việt Nam nói chung và hệ thống thư viện Trường Đại học Huế nói riêng.

1. Thực trạng hoạt động của hệ thống thư viện Trường Đại học Huế

Hiện nay, Trường Đại học Huế gồm: Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm, Đại học Y Dược, Đại học Nông lâm, Đại học Nghệ thuật, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Luật và 02 khoa trực thuộc là Giáo dục Thể chất, Du lịch. Ngoài Đại học Nghệ thuật và Khoa Giáo dục Thể chất chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, TTHL và Trung tâm TTTV các trường, khoa đã được trang bị hệ thống cơ sở vật chất khá hoàn thiện và hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của bạn đọc. TTHL, các Trung tâm TTTV, các khoa trực thuộc hoạt động độc lập, chịu sự quản lý trực tiếp của trường, khoa.

TTHL và Trung tâm TTTV các trường: Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm, Đại học Y dược, Đại học Kinh tế đang sử dụng chung phần mềm quản lý thư viện tích hợp Lạc Việt Verbrary, Trường Đại học Ngoại ngữ sử dụng phần mềm Kipots, Trường Đại học Nông lâm và khoa Du lịch sử dụng phần mềm Koha, trường Đại học Nghệ thuật sử dụng phần mềm VMib, Trường Đại học Luật và Khoa Giáo dục Thể chất hiện chưa sử dụng phần mềm quản lý thư viện. Dịch vụ liên thư viện chưa được triển khai trong Đại học Huế.

Trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, việc chia sẻ thông tin sẽ góp phần tạo động lực cho sự đổi mới, thúc đẩy sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và tri thức, đồng thời tăng cường sự sáng tạo. Sự hợp lực giữa các thư viện là một trong những giải pháp để tăng cường nguồn thông tin, cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng mức kiểm định chất lượng giáo dục và hạng mức xếp hạng đại học. Thực tế cho thấy, nhu cầu thông tin của cán bộ, giảng viên và nhất là sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong Đại học Huế ngày càng cao. Trong khi đó, nguồn lực thông tin của mỗi thư viện hầu như không đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng. Về công tác quản lý, không thư viện nào trong Đại học Huế có thể quản lý được khối lượng thông tin để đáp ứng hữu hiệu nhu cầu đa dạng hiện nay. Do vậy, sự hợp tác, liên kết và chia sẻ giữa các đơn vị trong Đại học Huế là rất cần thiết.

Vấn đề kết nối thư viện đã được đề cập rất nhiều lần trong các cuộc họp giữa TTHL và các Trung tâm TTTV tại Đại học Huế nhằm xây dựng chiến lược phát triển chung. Thực tế, để tạo nền tảng cho sự kết nối, Đại học Huế đã triển khai mua phần mềm Quản lý thư viện tích hợp Lạc Việt Vebrary cho các trường đại học thành viên, nhưng mới chỉ có 5/11 đơn vị sử dụng (TTHL, Trung tâm TTTV các trường: Đại học Khoa học, Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm, Đại học Y dược). Sự kết nối đang ở mức độ dùng chung phần mềm, việc thực hiện các chính sách dữ liệu dùng chung và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế quản lý. Một số Trung tâm TTTV sử dụng phầm mềm khác như Kipos (Đại học Sư phạm), Koha (Đại học Nông Lâm, Khoa Du lịch), Vmib (Đại học Nghệ thuật) hoặc chưa sử dụng phần mềm như Đại học Luật, Khoa Giáo dục Thể chất.

TTHL thành lập được 15 năm, đóng vai trò là thư viện phục vụ bạn đọc của Đại học Huế, nhưng hoạt động gần như độc lập với các trường, khoa, chưa thực sự được công nhận là một yếu tố cần thiết trong quá trình phát triển của các trường, khoa nói riêng và Đại học Huế nói chung. Mục tiêu xây dựng TTHL thành thư viện trung tâm của Đại học Huế và các Trung tâm TTTV là các thư viện vệ tinh có liên kết chặt chẽ với nhau đã được xác định từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, cho đến nay hệ thống thư viện Đại học Huế vẫn chưa phát huy sức mạnh tổng lực.

Các thư viện đại học tiên tiến đều chú trọng đến mô hình quản lý tập trung, theo đó dù đa ngành hay chuyên ngành, đều có sự quản lý trực tiếp của cấp điều hành cao nhất. Đại học Huế được định hướng là đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, sinh viên đầu ra có chuyên môn sâu. Tuy vậy, chưa có định hướng, tích lũy tri thức, tài liệu học tập cho sinh viên, chưa có đơn vị tham mưu, quản trị và phát huy tối đa quyền tiếp cận thông tin, tri thức của sinh viên. Các Trung tâm TTTV hiện có cùng chức năng, nhiệm vụ, bạn đọc, hệ thống quản lý nhưng hầu hết đều có sự cạnh tranh với TTHL, trong khi đó, giữa các Trung tâm TTTV mức độ cạnh tranh không có do khác biệt chuyên ngành.

TTHL gặp phải khó khăn lớn khi số lượng bạn đọc giảm đáng kể từ thời điểm kinh phí tài trợ kết thúc và thay đổi cách thu phí bạn đọc. Nguồn kinh phí hạn hẹp chỉ đủ cho TTHL hoạt động cầm chừng. Thay vì phải đổi mới, chuyển đổi mô hình thư viện phù hợp với xu thế hiện nay, TTHL buộc phải ưu tiên giải quyết trước vấn đề tài chính. Vì thế, cơ cấu tổ chức phải co cụm, không gian thư viện không được tận dụng tối đa. Hệ thống thư viện Đại học Huế đang rất cần một tầm nhìn chiến lược, một quyết tâm, thời cơ lớn để thay đổi và phát triển.

2. Những điều kiện thuận lợi thúc đẩy kết nối giữa TTHL và các Trung tâm TTTV Đại học Huế

Về cơ sở hạ tầng: Đại học Huế đã có sẵn Data Center (tại TTHL và tại Đại học Huế) được đầu tư đầy đủ, là nền tảng tốt giúp triển khai và kết nối thông tin dùng chung cho toàn bộ mạng lưới thư viện trong Đại học Huế.

Về phần mềm thư viện: Có 9/11 đơn vị trong Đại học Huế đã có ứng dụng phần mềm quản lý. Trong đó 4 đơn vị sử dụng cùng một nền tảng phần mềm thư viện Lạc Việt Verbrary, thuận lợi trong việc triển khai hoạt động kết nối. Khi dữ liệu được quản lý tập trung và đồng bộ, nguồn tài nguyên sẽ được dùng chung, dữ liệu người dùng được tập hợp. Bạn đọc sẽ được sinh hoạt trong môi trường năng động hơn, tài liệu phong phú hơn.

Về nhân lực: Đại học Huế có cơ sở vật chất đủ mạnh, nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ, có thể đảm nhận vai trò điều phối. Tại các trường thành viên, khoa trực thuộc đều có nhân sự chuyên trách cho hoạt động thư viện đã được đào tạo và am hiểu nghiệp vụ.

Về nguồn tài nguyên: Đại học Huế có 1 TTHL, 8 trường thành viên và 2 khoa trực thuộc, việc xây dựng mạng lưới thư viện Đại học Huế giúp bạn đọc có cơ hội tiếp cận được nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Quá trình xây dựng và phát triển để đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với sứ mệnh của trường, các thư viện chuyên ngành đã có quy mô nhất định.

3. Các yếu tố cần thiết cho việc kết nối

Để thực hiện được việc kết nối các thư viện nhằm chia sẻ nguồn lực thông tin, tăng cường sự liên kết, hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ, tiết kiệm nguồn nhân lực, học liệu đầu tư cho thư viện giữa các đơn vị trong Đại học Huế, cần phải có những yếu tố sau:

Thứ nhất, thống nhất quan điểm tất cả các thư viện thành viên tham gia đều vì sự phát triển thư viện trong kỷ nguyên số ngày nay, dù là quy mô thư viện lớn hay nhỏ, đều đặt mục đích kết nối là để thỏa mãn nhu cầu bạn đọc ngày càng cao. Các thư viện tham gia cần cùng thống nhất một quy định hoạt động, trong đó thể hiện rõ mục tiêu, quyền lợi, nghĩa vụ, thỏa thuận giữa các phương thức hợp tác.

Thứ hai, để đảm bảo việc chia sẻ, TTHL và các Trung tâm TTTV cần thống nhất về mặt chuyên môn, nghiệp vụ như: quy trình bổ sung, biên mục, các chuẩn kỹ thuật, chuẩn cấu trúc dữ liệu… Đây là cơ sở có tính chất nền tảng, dù cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ nhưng không có tiếng nói chung về mặt chuyên môn thì các thư viện đại học cũng khó cùng nhau thiết lập một hệ thống thống nhất.

Thứ ba, đảm bảo các kiến trúc hạ tầng, tuân thủ tiêu chuẩn chung về tổ chức tài nguyên thông tin. Có phần mềm tích hợp các tiêu chuẩn chung và có nguồn tài nguyên chia sẻ được. Vấn đề công nghệ quản trị thư viện cần có sự đồng bộ, các thư viện nên có sự chuẩn bị các ứng dụng công nghệ theo hướng chuẩn hóa và tích hợp. Hệ thống triển khai tập trung Data Center tại TTHL hoặc Data Center tại Đại học Huế tùy theo quy mô và năng lực của hệ thống.

Thứ tư, cần thành lập một ban điều hành để có tiếng nói chung, tăng sức mạnh thương lượng về việc kết nối. Ban quản lý điều hành phải am hiểu về tổ chức thư viện và hiểu biết về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, để đảm bảo hệ thống vận hành được hiệu quả, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tham gia vào hệ thống cần được quan tâm đúng mức.

Thứ năm, xây dựng được kế hoạch hành động, trong đó phân tích mặt mạnh và mặt yếu của từng thư viện tham gia kết nối, để trên cơ sở đó có kế hoạch chi tiết triển khai hoạt động của từng thư viện tham gia hợp tác. Có kế hoạch và định hướng tiếp cận các nguồn tài chính đảm bảo hoạt động lâu dài của sự hợp tác. Dự kiến những biến động xu thế phát triển của các hoạt động liên quan đến thư viện để kịp thời có kế hoạch triển khai việc ứng dụng.

Thứ sáu, cần có sự tham gia tích cực của các cấp quản lý ngành, lãnh đạo các trường, các thư viện trong việc xúc tiến chuẩn hóa, mở rộng áp dụng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực và xây dựng quan hệ hợp tác giữa các thư viện trong việc tạo lập, phát triển và chia sẻ nguồn lực thông tin. Có sự thống nhất giữa các cơ quan chủ quản sẽ tạo ra một hành lang pháp lý để các thư viện có thể phát huy được hết tiềm lực của mình.

Thứ bảy, huy động tối đa sự hỗ trợ của các bên liên quan: TTHL cũng như các Trung tâm TTTV rất cần sự quan tâm hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên và những người quản lý lĩnh vực của mình để chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn. Đội ngũ giảng viên có thể góp ý, đề xuất bổ sung tài liệu, hoặc khuyến khích sinh viên sử dụng tài liệu của thư viện để hoàn thiện bộ sưu tập. Đối với đội ngũ các nhà quản lý, việc kết nối mạng thư viện và hợp nhất thẻ thư viện với thẻ sinh viên sẽ giúp họ nhìn nhận đúng hơn về sự cần thiết của thư viện đối với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó đầu tư phát triển thư viện trên nhiều phương diện như nhân lực, hạ tầng cơ sở, nguồn học liệu…

Thứ tám, cần đề xuất xây dựng cơ chế quản lý, điều hành chặt chẽ, thống nhất. Đây là nền tảng quan trọng nhất để vận hành hiệu quả mạng lưới thư viện trong toàn Đại học Huế. Việc kết nối TTHL và các Trung tâm TTTV trở thành một mạng lưới TTTV chỉ dừng lại ở mức độ kết nối kỹ thuật thì chưa đảm bảo tính bền vững nếu không có cơ chế quản lý, điều hành.

Cuộc cách mạng 4.0 đang là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu. Việc tích hợp và kết nối từ cơ sở dữ liệu bạn đọc đến các tài nguyên thông tin là xu thế và vấn đề thời gian. Để Đại học Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục và nghiên cứu khoa học của quốc gia thì vấn đề khai thác và sử dụng nguồn tin cần nằm trong chiến lược phát triển của Đại học Huế. Việc chia sẻ tài nguyên giữa các cơ quan TTTV đại học là một trong những mục tiêu đặc biệt quan trọng. Vì vậy, để thành công trong việc kết nối hệ thống thư viện trong toàn Đại học Huế cần có sự hỗ trợ chủ trương và đồng thuận của các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Văn Hùng, Hợp tác chia sẻ học liệu giải pháp tăng cường nguồn lực thông tin cho thư viện đại học Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2015, số 3(53), tr.3-8.

2. vietnamlib.net

3. Lê Ngọc Oánh, Góp ý về chính sách liên thông thư viện và tiến trình thúc đẩy hoạt động liên thông thư viện, Bản tin Thư viện – Công nghệ thông tin, 2004, tr.9-16.

4. Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Võ Thị Bạch Trúc, Nghiên cứu xây dựng thư viện điện tử dùng chung giữa Trung tâm học liệu Trường Đại học Cần Thơ với các thư viện trường đại học, cao đẳng vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Thông tin và tư liệu, 2019, số 3, tr.35-40.

5. Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương. Liên hiệp thư viện – mô hình phát triển bền vững cho thư viện Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2016, số 3(59), tr.3-7.

Tác giả: Võ Hoàng Lan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *