Dòng văn Trường Lưu là tập hợp các sáng tác văn học của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong suốt chiều dài lịch sử, dòng văn Trường Lưu đã sáng tạo ra rất nhiều tác phẩm văn học và di sản văn hóa tiêu biểu, có ý nghĩa về nhiều mặt. Những di sản này đang được bảo tồn, khai thác, phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Dòng văn Trường Lưu là một dòng văn khá nổi bật với nhiều tác giả, tác phẩm lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng như: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Vinh… Cùng với các sáng tác văn học của dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở huyện Nghi Xuân, dòng văn Trường Lưu đã hợp thành Văn phái Hồng Sơn nổi tiếng trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam.
Dòng họ Nguyễn Huy là một trong vài cự tộc lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Tính đến nay, dòng họ này đã có lịch sử phát triển gần 600 năm, hiện đã đến đời thứ 23 với tổng cộng 45 chi họ (có 23 chi ở Trường Lưu và 22 chi ở các nơi khác). Trong khoảng 180 năm đầu tiên, dòng họ mang nhiều tên đệm khác nhau như: Nguyễn Hàm, Nguyễn Thừa, Nguyễn Đôn, Nguyễn Như, Nguyễn Công… Đến đời thứ 9, bắt đầu từ danh nhân Nguyễn Huy Tựu (1690-1750) thì lấy tên đệm là Nguyễn Huy. Cũng kể từ đây về sau, tất cả các chi họ thuộc dòng họ đều lấy tên đệm là Nguyễn Huy để đặt tên cho các thế hệ kế tiếp. Tên gọi Nguyễn Huy Trường Lưu gắn bó với dòng họ đến nay đã hơn 400 năm.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã đóng góp nhiều thành tựu cho quê hương, đất nước. Từ chính trị, ngoại giao, giáo dục khoa cử đến văn hóa, văn học… đều có bóng dáng danh nhân dòng họ này. Tuy có nhiều dòng họ cùng sinh sống trên một địa bàn, cùng chung điều kiện lịch sử, địa lý, bối cảnh xã hội như nhau, nhưng tại làng Trường Lưu, chỉ có duy nhất dòng họ Nguyễn Huy là phát triển về mọi mặt, đặc biệt về học hành, văn chương khoa bảng. Các tác phẩm tiêu biểu của dòng văn Trường Lưu gồm: Hoàng Hoa sứ trình đồ, Phụng sứ Yên Đài tổng ca, Bắc dư tập lãm, Hoa Tiên, Mai đình mộng ký, Chung Sơn di thảo… Hầu hết các tác phẩm văn chương của dòng văn Trường Lưu đều có giá trị về mặt giáo dục, đạo đức, thẩm mỹ, có tác dụng tích cực trong việc bồi đắp các nhận thức về văn hóa, văn học…
Làng Trường Lưu là một làng cổ của Hà Tĩnh có từ giữa TK XV, làng nằm nép mình giữa các dãy núi Phượng Lĩnh, núi Chè (Trà Sơn), núi Bụt (Bột Sơn), núi Cài (Sạc Sơn), phía Nam có sông Phúc Giang chảy về sông Nhe. Vùng đất này nằm ở thế phượng hoàng ấp trứng nên các làng bốn phía núi Sạc Sơn (núi Cài), đều phát về khoa danh, hiển hoạn, đúng như câu nói hiện còn lưu truyền: Sạc Sơn tứ diện giai công hầu. Đến giữa TK XVIII, làng Trường Lưu đã trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục lớn của Hà Tĩnh với trường học Phúc Giang, hay còn gọi là Phúc Giang thư viện khá nổi tiếng thời bấy giờ. Đây không chỉ là nơi dạy học cho con cháu dòng họ Nguyễn Huy, con em trong vùng, mà còn là nơi đào tạo kẻ sĩ, nơi qua lại xướng họa giữa các tao nhân mặc khách, quy tụ nhiều nhân vật sang trọng ở trong nước cùng về sum họp. Theo Đại Nam nhất thống chí, “Nguyễn Huy Oánh, người xã Lai Thạch, huyện La Sơn, đỗ Thám hoa khoa Mậu Thìn (1748) năm Cảnh Hưng đời Lê Hiển Tôn, làm quan đến chức Thị lang bộ Lại rồi về trí sĩ. Sau lại được mời ra làm Thượng thư bộ Công… Ông có dựng một lầu để sách, có vài vạn quyển, dạy học tới vài vạn người. Trong số học trò cùng đỗ một triều đến 30 người; còn hạng ra làm Tri châu, Tri huyện thì không kể xiết” (1). “Danh sĩ trong vùng và các nơi khác đến Trường Lưu không chỉ để trao đổi thơ văn bác học mà còn để tắm gội vào dòng sông mát mẻ của văn hóa dân gian” (2).
Làng Trường Lưu trước vốn nổi tiếng về nghề nuôi tằm, dệt vải. Nhiều người già kể lại, trước đây ở Trường Lưu hầu như nhà nào cũng có nương dâu ngoài bãi, nong tằm trong nhà và ai ai cũng đều biết đến nghề quay tơ, dệt vải. Vải Trường Lưu đẹp và bền nổi tiếng, làm ra không những để phục vụ chính mình mà con cung cấp đi nhiều nơi trong vùng, trong tỉnh. Hát ví phường vải cũng theo đó mà hình thành, phát triển. Thời ấy, con gái Trường Lưu vừa đẹp người, đẹp nết lại chăm chỉ dệt lụa, quay tơ nên các nam thanh, nho sĩ trong vùng đều muốn tới thăm, trước là để thử tài, sau thì cân sắc, và xa hơn là kén vợ, lấy chồng. Dần dà, Trường Lưu trở thành một trong những điểm hát ví phường vải có tiếng của vùng văn hóa xứ Nghệ. Đặc điểm của loại hình diễn xướng dân ca dân vũ này là thường diễn ra khi người nông dân vừa làm việc vừa hát theo nhịp nhẹ nhàng, mềm mại của con thoi, khung cửi. Do vậy, ca từ của ví phường vải cũng rất bình dị, gắn liền với hoạt động nghề nghiệp, đậm chất địa phương nhưng vẫn thể hiện được cái nồng nàn, ấm áp, thiết tha sâu lắng.
Trong các sáng tác của dòng văn Trường Lưu, ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh về quay tơ, dệt sợi, khung cửi… thấy bóng dáng của những câu hát ví: “Viện thơ khung dệt bàn thêu/ Chữ đề thiếp Tuyết cầm treo phả đồng”, hay “Trăm năm một sợi chỉ hồng/ Đặt người tài sắc vào trong khuôn trời” (Hoa Tiên – Nguyễn Huy Tự)… Lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, câu ca điệu ví, ngôn ngữ lao động… đã đi vào văn chương một cách tự nhiên, dung dị và mộc mạc như chính tâm hồn người dân nơi đây. Sinh thời Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu… đã từng đến Trường Lưu để hát ví phường vải. Các bài thơ Thác lời trai phường nón, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ… chính là những sáng tác của các bậc tao nhân mặc khách sau những lần lưu lại chốn này.
Hiện nay, vùng quê Trường Lưu tuy đã đổi thay nhiều nhưng nét xưa vẫn còn khá rõ, thấp thoáng sau những cổng làng, con đường phủ bóng cây xanh là một làng quê đầy thơ mộng, trù phú, ẩn chứa nét đẹp tự nhiên cùng sự sáng tạo của con người với hệ thống di tích đình làng, đền thờ, chùa, miếu cổ, cây đa, bến nước, vườn hoa, hồ sen, giếng làng… Với lịch sử gắn bó lâu dài, bền chặt, song hành cùng sự phát triển của làng Trường Lưu, vì thế nên dòng văn Trường Lưu nay hiện diện ở nhiều mặt trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của Hà Tĩnh cũng như nhiều nơi trong nước. Dưới góc độ văn hóa vật thể, các tác giả dòng văn Nguyễn Huy đã góp phần sáng tạo ra nhiều di tích lịch sử – văn hóa có giá trị như đình, chùa, nhà thờ, mộc bản, các công trình như nhà ở (nhà cổ), giếng làng, thư viện…
Về di tích lịch sử – văn hóa, trải qua gần 600 năm phát triển, dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu hiện để lại khoảng 30 nhà thờ và có đóng góp trong nhiều công trình văn hóa của địa phương, có 3 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 9 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó, nhà thờ Nguyễn Huy Tựu được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1991. Nhà thờ này do Nguyễn Huy Oánh xây dựng từ năm 1752 để thờ cha là Nguyễn Huy Tựu (thường được gọi là nhà thờ cụ Thượng vì Nguyễn Huy Tựu được phong tặng là Thượng thư bộ Công năm 1767). Trong nhà thờ, hiện còn lưu giữ 3 tấm bia quý là Quan thị bi ký, Nguyễn Thám hoa bi ký và Nguyễn Thị danh bi, cùng 14 cặp câu đối, 4 bức đại tự, nhiều bản gỗ sơn son thiếp vàng, sập gỗ, ván khắc in sách… Những câu đối, hoành phi này ghi những lời ban tặng, phong khen của triều đình Lê – Trịnh dành cho Nguyễn Huy Oánh, của vua quan Trung Hoa tặng cho Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự… Nhà thờ họ Nguyễn Huy được xếp hạng di tích quốc gia năm 2006, là nơi thờ chung của Nguyễn Công Ban, Nguyễn Công Phác, Nguyễn Công Xuân, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Đề… và các thế thứ dòng họ từ xưa đến nay. Nhà thờ Nguyễn Huy Hổ được xếp hạng di tích quốc gia năm 2001, nằm ở trung tâm vườn Bao Đạc của Nguyễn Huy Oánh. Bao Đạc là vườn do triều đình Lê – Trịnh cấp cho Nguyễn Huy Oánh sau khi ông đỗ Đình nguyên Thám hoa, năm Mậu Thìn 1748…
Cùng với các di tích được xếp hạng cấp quốc gia, dòng họ Nguyễn Huy còn có nhiều di tích xếp hạng cấp tỉnh: nhà thờ Nguyễn Huy Vinh, nhà thờ Nguyễn Huy Cự, nhà thờ Đông chí, mộ Nguyễn Huy Tựu, mộ Nguyễn Huy Quýnh và đình làng Trường Lưu. Ngoài ra, các danh nhân của dòng họ Nguyễn Huy còn là những người đã đóng góp rất lớn trong các công trình văn hóa của địa phương như xây dựng kho Nghĩa Thương, miếu Song Đồng Ngọc Nữ, chợ Quán, giếng làng, chùa Hân…
Gắn liền với các di tích lịch sử – văn hóa là các lễ hội văn hóa đặc sắc, mang đậm chất dân gian như lễ kỳ phúc, lễ tế thần, lễ cầu tiên… Hầu hết các hoạt động văn hóa này đều liên quan mật thiết đến dòng họ Nguyễn Huy và Dòng văn Trường Lưu. Lễ kỳ phúc được tổ chức vào ngày 13, 14 tháng 6 Âm lịch hằng năm. Trước đó một ngày, trai tráng khỏe mạnh trong làng được chọn cử ra làm lễ rước các vị thần về đình làng: từ đền Rú rước Nam Nhạc Đại vương, từ đền Cả rước Cao Sơn Cao Các, từ chùa Hân rước Song Đồng Ngọc Nữ, từ đền Thư viện rước Thần đền Thư viện (Nguyễn Huy Oánh), qua nhà thờ họ Nguyễn Huy rước Thành hoàng Nguyễn Huy Tựu… Ngày 13, dân làng tiến hành đại lễ. Trong những ngày lễ hội, ban ngày ngoài tế lễ, có đánh đu, đánh vật, chơi cờ thẻ, đồ xôi thi, ban đêm có diễn chèo (dân gian gọi là diễn trò). Sang ngày 14, trai tráng lại rước các vị thần về nơi thờ cúng ban đầu.
Lễ tế thần ở làng Trường Lưu được tổ chức vào dịp rằm tháng Bảy hằng năm. Có 5 vị thần được làng tổ chức cúng tế là: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thị Đài (bà Đài do có công cúng ruộng cho làng nên được làng tế). Bốn vị đầu được xem là “phúc thần” của làng vì có công xây dựng và làm vẻ vang cho làng Trường Lưu, còn bà Nguyễn Thị Đài được thờ theo tập tục “thờ hậu Phật”.
Có thể nói rằng, trên địa bàn Hà Tĩnh, không có dòng họ nào có nhiều nhà thờ danh nhân được xếp hạng di lịch sử – văn hóa như dòng họ Nguyễn Huy, kể cả dòng họ Nguyễn ở làng Tiên Điền ở huyện Nghi Xuân. Điều này cho thấy vai trò, tầm vóc to lớn của dòng họ Nguyễn Huy đối với quá trình phát triển văn hóa làng Trường Lưu cũng như đối với văn hóa Hà Tĩnh. Đặc biệt hiện nay, cũng chỉ có duy nhất Nguyễn Huy Trường Lưu là dòng họ có tới hai di sản văn hóa được ghi danh là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ. Với lịch sử phát triển hơn nửa thế kỷ, để lại cho hậu thế một kho di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc, dòng văn Trường Lưu thực sự là một tài sản quý đối với tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. Dưới góc độ sản phẩm du lịch cộng đồng, dòng văn Trường Lưu đã và đang được khai thác thông qua các hình thức như tham quan các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Trường Lưu, thưởng thức các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, hát ví phường vải, tham gia các sinh hoạt hằng ngày với người dân địa phương… Ưu điểm nổi bật của dòng văn Trường Lưu là có nhiều di sản văn hóa, văn học có thể biến thành sản phẩm du lịch như: tổ chức tái hiện các hoạt động sản xuất mộc bản, thực hành những công đoạn in sách của người xưa, chế tác mộc bản, bản đồ đi sứ Trung Hoa để làm quà lưu niệm, in ấn tác phẩm văn chương để bán cho khách du lịch… Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn văn hóa Trường Lưu cũng đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu về dòng họ Nguyễn Huy và dòng văn Trường Lưu…
Để khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dòng văn Trường Lưu, những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách phù hợp, hiệu quả như ban hành riêng 1 nghị quyết về chính sách bảo tồn các di sản văn hóa gồm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ… Triển khai nhiều đề tài khoa học liên quan như: Nghiên cứu các giá trị văn hóa làng Trường Lưu trong việc xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch; Bảo tồn mộc bản Trường Lưu; Nghiên cứu giá trị tư liệu lịch sử của dòng họ Nguyễn Huy, liên quan về biên giới và biển đảo, Nghiên cứu giá trị di sản Hán Nôm TK XVII-XX của dòng họ Nguyễn Huy… Bên cạnh đó còn tổ chức tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa, bảo tồn nhà cổ, khôi phục lễ hội truyền thống, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá… Trong vòng 5 năm trở lại đây, nguồn ngân sách cấp tỉnh đã cấp để thực hiện các dự án, công việc liên quan đến bảo tồn dòng văn Trường Lưu khoảng 5 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo địa phương huyện Can Lộc lập quy hoạch tổng thể bảo tồn làng văn hóa Trường Lưu, giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; chỉ đạo đưa làng văn hóa Trường Lưu vào khai thác tour tuyến tham quan du lịch…
Với các chính sách đã ban hành và cách làm linh hoạt, tỉnh Hà Tĩnh đang từng bước bảo tồn, khai thác những giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản của dòng văn Trường Lưu nói riêng một cách khá hiệu quả, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế – văn hóa xã hội của địa phương.
Di sản dòng văn Trường Lưu và làng văn hóa Trường Lưu ngày càng được nhiều người biết tới, nhiều đoàn khách thăm quan, đoàn làm phim, các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước tìm đến nghiên cứu và học hỏi. Các giá trị của dòng văn Trường Lưu ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, vươn xa.
Hiện nay, xu thế tìm về cội nguồn, tìm về bản sắc văn hóa dân tộc đang diễn ra mạnh mẽ, điều này giúp cho du lịch cộng đồng có thêm cơ hội, điều kiện để phát triển… Với tỉnh Hà Tĩnh, việc tiếp cận, khai thác các giá trị di sản văn hóa của dòng văn Trường Lưu dưới góc độ sản phẩm du lịch cộng đồng, đặc thù chính là một cách làm thiết thực, hiệu quả, độc đáo, phù hợp cho cả hiện nay và tương lai
________________
1. Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Lao động, Hà Nội, 2012, tr.755.
2. Ninh Viết Giao, Làng văn hóa Trường Lưu, Tạp chí Văn học, số 4, 1994.
Tài liệu tham khảo
1. Thái Kim Đỉnh, Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Tĩnh xuất bản, Hà Tĩnh, 2004.
2. Lại Văn Hùng, Dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
3. Nguyễn Huy Mỹ (chủ biên), Các tác giả dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu – Cuộc đời và tác phẩm, Nxb Lao động, Hà Nội, 2012.
4. Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn thị gia tàng, Nxb Đại học Vinh, Nghệ An, 2019.
5. Viện Văn học, Nguyễn Huy Tự và Truyện Hoa Tiên (Kỷ yếu Hội thảo nhân 200 năm ngày mất và 250 năm ngày sinh), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
Tác giả: Nguyễn Tùng Lĩnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?