Ba Vì là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây được ví như một Tây Bắc thu nhỏ bởi cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, có nguồn lực, tiềm năng để gây dựng và phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn, cùng với những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa trong đó có đồng bào dân tộc Mường, Dao.
Khai trương phiên chợ Mường – Dao tại Bản Coốc
Bản Coốc là điểm đến đặc biệt trong hành trình khám phá xứ sở của truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Khu du lịch Bản Coốc có diện tích hơn 19 ha, được phê duyệt quy hoạch và đầu tư xây dựng vào tháng 10/2014. Đây là điểm du lịch sinh thái, văn hóa dân tộc thuộc địa bàn Thôn Lặt, xã Minh Quang, huyện Ba Vì.
Nằm ở sườn Tây núi Ba Vì, cách trung tâm huyện 30km, cách Thủ đô Hà Nội 70km về phía Tây, Khu du lịch Bản Coốc được bao phủ bởi các triền núi, dưới thung lũng là dòng suối Cái trong xanh. Nơi đây, có hệ thống giao thông thuận lợi, giáp khu dân cư, lại nằm ngay dưới chân núi Tản Viên trên trục đường dẫn lên khu di tích Đền Trung – chốn linh thiêng thờ tam vị Đức Thánh Tản – là một trong bốn vị thánh bất tử trong tâm thức của người Việt Nam.
Ông Ngô Văn Tiếp – Giám đốc Công ty cổ phần Trang Viên Sơn (chủ đầu tư dự án Bản Coốc) cho biết: Dự án Bản Coốc là dự án du lịch sinh thái đầu tiên ở khu vực sườn Tây núi Ba Vì. Trong dự án có 6 hạng mục thành phần, phiên chợ Mường – Dao là 1 trong 6 hạng mục thành phần của Bản Coốc. Dự án Bản Coốc bám sát trục tâm linh từ Đền Hạ lên Đền Trung, gắn với Vườn quốc gia Ba Vì bằng hệ thống du lịch suối Cái. Cái tên Bản Coốc được gắn với lịch sử xa xưa để lại, Coốc phiên âm tiếng Mường là cooc, nghĩa gốc là nơi đầu tiên có sự sống của người Mường ở sườn Tây núi Ba Vì. Với tham vọng khôi phục lại văn hóa Mường và Dao, đến nay, dự án đã triển khai được phần lớn các hạng mục. Phiên chợ Mường – Dao vừa được khai trương và trong thời gian tới dự án sẽ thực hiện tiếp 3 hạng mục là công viên nước, khu vui chơi giải trí và khu tổ chức sự kiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Đến với Bản Coốc, du khách sẽ được tham gia phiên chợ vùng cao, nơi thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa, đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc Mường, Dao nơi đây. Chợ phiên vùng cao là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa của bà con dân tộc các xã miền núi của huyện Ba Vì. Khu chợ này chủ yếu tập trung các mặt hàng nông sản của bà con tự canh tác sản xuất như gạo nếp, khoai, sắn, hay mua bán trao đổi thực phẩm từ các loại gia súc, gia cầm như gà, dê. Đến phiên chợ, mọi người có thể dễ dàng bắt gặp những món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số như bánh sắn, bánh trứng kiến, rau sắn muối, rau rừng, hay những cây thuốc quý được lấy về từ núi. Không quá ồn ào, náo nhiệt nhưng phiên chợ vùng cao là nơi thể hiện bản sắc văn hóa trong đời sống hằng ngày của bà con dân tộc nơi đây.
Điểm nhấn của khu du lịch Bản Coốc là khu nhà sàn của đồng bào Mường. Đây giống như một bản Mường thu nhỏ, gần như còn lưu giữ nguyên vẹn những nét văn hóa và không gian kiến trúc của dân tộc Mường. Ngôi nhà sàn mang dáng dấp của kiến trúc Mường, là một điểm du lịch văn hóa cộng đồng đặc sắc.
Nhiều hiện vật quý được lưu giữ nơi đây như chiêng Mường, mo Mường, tục thờ cúng của người Mường và các hiện vật cổ trong đời sống của người Mường xưa. Khu nhà sàn của người Mường ở Bản Coốc được đánh giá là khu bảo tồn sống của văn hóa Mường với nhiều nét nguyên sơ và tinh tế như chính tâm hồn, con người bản địa. Nhà sàn gắn liền với phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ, đây cũng là điều thú vị nhất níu chân du khách thập phương khi đến với Bản Coốc. Du khách đến đây sẽ được khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Du khách được trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa của người Mường tại khu nhà sàn Bản Mường
Nhà sàn được làm dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận khí trời và thuận tiện cho việc săn bắn, hái lượm. Nhà gồm có 3 tầng trong đó tầng trên cùng để lương thực và đồ dùng gia đình, tầng giữa là nơi sinh hoạt chính, nghỉ ngơi và tiếp khách, tầng dưới cùng trước đây thường được dùng để dụng cụ sản xuất và nuôi nhốt gia súc. Tại khu nhà sàn, du khách có thể tự đi chợ và trải nghiệm vào bếp nấu những món ăn từ núi rừng như măng rừng, rau rừng. Du khách sẽ được học cách chế biến những món ăn vô cùng lạ và hấp dẫn, mang hương vị của ẩm thực núi rừng.
Đến với Bản Coốc, mỗi du khách còn được thưởng thức tiếng chiêng Mường và điệu múa truyền thống của những cô gái Mường. Đời thường, họ là những nông dân chân lấm tay bùn nhưng họ cũng là những người lưu giữ những bản sắc văn hóa của dân tộc mình qua những câu hát, điệu múa truyền thống. Người Mường không có chữ viết nhưng văn hóa truyền miệng đã để lại hàng trăm tác phẩm văn học có giá trị như sử thi Đẻ đất đẻ nước, các tác phẩm thơ, hát ru đa dạng. Cùng với đó là hệ thống nhạc khí, nhạc không lời của dân tộc Mường rất đồ sộ và phong phú.
Du khách đến với Bản Coốc không chỉ để nghỉ ngơi mà còn có những trải nghiệm thú vị
Khu du lịch Bản Coốc được xây dựng như một điểm nhấn văn hóa của người Mường ở Ba Vì, tách biệt hoàn toàn với những bụi bặm ồn ào, của phố thị. Khung cảnh lãng mạn như tranh của Bản Coốc chính là chốn dừng chân lý tưởng dành cho các cặp đôi đang yêu, hay các gia đình muốn trải nghiệm, nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần để tìm được cảm giác bình yên nơi thôn dã.
Khu làng Việt được thiết kế theo kiểu homestay, để phục vụ du khách đến tận hưởng những ngày cuối tuần yên bình. Du khách có thể cùng với gia đình tự hái rau, đi chợ và nấu những món ăn dân dã, tự trồng rau, tưới hoa như một gia đình nông thôn bình dị, để được trải nghiệm cuộc sống làng quê.
Chị Đặng Thị Việt Chinh – (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi chọn Bản Coốc là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần vì nó có không khí mát mẻ, trong lành, khu làng Việt được thiết kế giống như một làng quê Bắc Bộ xưa, chúng tôi cho bọn trẻ về đây vào dịp cuối tuần không chỉ để nghỉ ngơi mà còn để các con được trải nghiệm cuộc sống nông thôn và tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc.
Rời làng Việt, chúng tôi di chuyển đến khu làng của đồng bào Dao, khám phá dòng suối Cái hiền hòa, xanh mát và khu bảo tồn cây thuốc nam. Làng nằm dưới dải núi Tản Viên hùng vĩ, có độ cao trung bình 100 m so với mực nước biển. Với thảm thực vật phong phú, nơi đây không chỉ bảo tồn hàng trăm loài cây thuốc quý mà còn giữ được rất nhiều bài thuốc dân gian gia truyền của đồng bào Dao, có khả năng chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Đến làng, du khách sẽ được trải nghiệm việc trồng, chăm sóc, tự hái thuốc, chế biến và sử dụng nguồn dược liệu quý giá này.
Đến với Bản Coốc, mỗi du khách sẽ được thưởng thức tiếng chiêng Mường và điệu múa truyền thống của những cô gái Mường
Du khách được tham quan tìm hiểu về vườn cây thuốc Nam và trải nghiệm việc chăm sóc và hái thuốc
Ông Phùng Đắc Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần bảo tồn và phát triển dược liệu Tản Viên cho biết: “Với niềm đam mê với cây thuốc quý của dân tộc, tôi đã góp phần gây dựng nên vườn bảo tồn cây thuốc nam này. Hiện nay, chúng tôi đang lưu giữ khoảng 150 loài cây thuốc quý của đồng bào Dao và các dân tộc ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó có rất nhiều loại thuốc quý như: Đương quy, Râu hùm, Mẫu đơn hoa, Xạ đen, Trà hoa vàng… Bên cạnh mục đích bảo tồn chúng tôi cũng phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm của khách du lịch và hỗ trợ đồng bào Dao ở Ba Vì bảo tồn và lưu giữ nguồn dược liệu quý, phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân”.
Không đơn thuần là nơi để nghỉ ngơi, Bản Coốc còn giúp du khách trải nghiệm và cảm nhận rõ hơn về tình yêu, cuộc sống thậm chí là có cơ hội để nhìn lại mình. Với sự kết hợp giữa hiện đại và hoang sơ, khu du lịch Bản Coốc đã tạo nên những trải nghiệm thú vị cho du khách, giúp chúng ta quên đi những ưu phiền, mệt mỏi, những náo nhiệt của cuộc sống thị thành để thả hồn vào không gian xanh mát, sẽ thấy lòng tĩnh lại. Khung cảnh lãng mạn như tranh của Bản Coốc là chốn dừng chân lý tưởng dành cho bất cứ ai muốn tìm kiếm cảm giác bình yên.
Khu làng Việt tại Bản Coốc tái hiện lại cuộc sống bình yên của vùng quê Bắc Bộ
Tác giả: Khuất Duyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ