Ở nước ta, thuật ngữ không gian công cộng (KGCC) không còn xa lạ trong thời gian gần đây. Theo cách nhìn của phương Tây, KGCC có liên quan đến quyền tiếp cận các không gian chung của người dân trong các mô hình xã hội dân chủ. Triết gia Immanuel Kant cho rằng: “KGCC được thiết lập từ thời đại Ánh sáng, là yếu tố trung gian giữa xã hội dân sự và chính quyền đô thị. Nó là nơi mà các công dân có thể đến để bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình, những gì mà mọi người đều quan tâm đối với chính quyền đô thị” (1). Hiện nay, với cách tiếp cận đa chiều, nội hàm khái niệm KGCC được mở rộng hơn, cho thấy rõ hơn vai trò, chức năng của loại hình không gian này trong đời sống con người và sự phát triển của đô thị. Đó là những không gian có vai trò quan trọng cho sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, có thể tạo thành những “nơi chốn”, những biểu tượng độc đáo làm nên bản sắc của một đô thị.
1. Khái niệm KGCC
KGCC là một khái niệm phức tạp, nhưng nhìn chung, nó được quan niệm là không gian chung cho tất cả mọi người. Đó là: “một nơi chốn mà mọi người đến đó có thể tự do cùng xác định và bàn luận về những vấn đề chung của xã hội, về các lĩnh vực công cộng. Nói cách khác đó là nơi mà những cá nhân hay những nhóm xã hội cùng chia sẻ những mối quan tâm chung và có thể tìm thấy những nhận định chung” (2). Nó trở thành nơi thu hút cộng đồng với nhiều hoạt động giao lưu, đa dạng và phong phú (3).
Từ góc độ chính trị, KGCC được xem là một đối tượng không gian chính quy, thiết yếu trong cấu trúc không gian đô thị, một dạng cơ sở hạ tầng với hai ý nghĩa: cơ sở hạ tầng chính trị (thực hiện chức năng củng cố sự vận hành của nhà nước và thể chế, là công cụ không gian duy trì mối quan hệ tương tác vật lý giữa nhà nước và xã hội (thông qua các sự kiện chính trị có tổ chức chính thống) và cơ sở hạ tầng xã hội (thực hiện chức năng đảm bảo các quyền tiếp cận cơ bản đến các dịch vụ đô thị của người dân được pháp luật quy định, và vì vậy thuộc trách nhiệm của nhà nước) (4). Quảng trường, công viên, vườn hoa là những điển hình cho kiểu KGCC “chính quy” này.
Dưới góc độ kinh tế, KGCC là nơi lý tưởng cho các hoạt động kinh tế như hội chợ, triển lãm, festival, tham quan, du lịch…, và ngay cả bất động sản cũng có giá hơn xung quanh khu vực công cộng tiện lợi này.
Dưới góc độ sinh thái nhân văn, KGCC là nơi lý tưởng để con người hòa mình vào thiên nhiên, hít thở khí trời, vận động thể chất, nghỉ ngơi, thư giãn, giải tỏa những căng thẳng của cuộc sống đô thị hiện đại. “KGCC là vitamin của đời sống đô thị. Các chất này không chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại quyết định sự sống, sức khỏe của cơ thể đô thị” (5).
KGCC tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội được xem là những không gian có thể thỏa mãn nhu cầu tương tác, chia sẻ, gặp gỡ, giải trí của các cá nhân trong xã hội. Sự gặp gỡ, tương tác, chia sẻ và thụ hưởng của các cá nhân trong các không gian này là sự lựa chọn tự nguyện. Do vậy, các KGCC này có thể được kiến tạo từ nhiều hình thức khác nhau. Đó là “nơi thế giới hằng ngày của chúng ta được kết nối với nhau. Ngoài những phần đất đai thuộc sở hữu tư nhân là những phần thuộc khu vực công cộng. Nó có thể là đường phố, xa lộ, quảng trường, công viên và thậm chí là khu vực đỗ xe… Khu vực công cộng tồn tại chủ yếu ở ngoài trời bởi lẽ hầu hết các tòa nhà thuộc về cá nhân hay tập đoàn… khu vực công cộng thực sự, khi đó, là một phần của thế giới hằng ngày, thuộc về tất cả mọi người thuộc về những ai sử dụng chúng trong hầu hết thời gian” (6). Mặt khác, “tính chất của KGCC về phương diện xã hội gắn liền với tính chất và đặc trưng lối sống, văn hóa của con người” (7). Vì thế, việc tạo dựng các KGCC này thường dựa trên nhu cầu, sở thích, lối sống, phong tục của cộng đồng xung quanh đó.
Với vai trò là yếu tố trung gian trong liên kết, tương tác xã hội, các KGCC không chỉ tồn tại ở dạng vật thể mà còn tồn tại ở dạng phi vật thể. Trong xã hội hiện đại, truyền thông đại chúng chính là “một KGCC mới mẻ và rộng mở, chưa từng có trong các xã hội cổ truyền, tiền hiện đại” (8). Tuy nhiên, ở loại hình KGCC vật thể, vai trò, chức năng của KGCC đối với đời sống con người được thể hiện một cách phong phú, toàn diện. Bài viết này cũng đề cập đến vai trò của KGCC vật thể dưới góc nhìn văn hóa.
2. KGCC – môi trường văn hóa đô thị
Với vai trò, chức năng đã bàn đến ở trên, KGCC có thể xem là môi trường sống thu nhỏ (môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa) của con người. Đó không chỉ là nơi con người đến để nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi mà còn là nơi con người có thể tận hưởng bầu không khí thân thiện, an toàn, nhân văn của một “môi trường văn hóa giáo dục” (9).
KGCC là không gian mở, nơi mỗi người được tự do trải nghiệm và sáng tạo cá nhân. Tính chất bình đẳng, “công cộng” của nó lại giúp các cá nhân học được cách tôn trọng người khác, trở nên bao dung và có trách nhiệm với cộng đồng. Mọi sự ích kỷ, tùy tiện trong sinh hoạt, giao tiếp có thể làm tổn hại đến không gian chung sẽ trở nên lạc lõng. Mỗi người đến đây được giao tiếp, quan sát những người xung quanh, học hỏi lẫn nhau và tự điều chỉnh, hòa mình vào không gian chung này. “Nếu nói ta hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì các KGCC chính là những tấm gương soi phản ánh ba phẩm chất ấy” (10).
KGCC là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, xã hội, hoạt động thương mại… và cũng là nơi trao truyền các giá trị văn hóa cộng đồng. Mỗi cá nhân đến đây không chỉ học được cách ứng xử, giao tiếp, được hòa nhập xã hội mà còn trau dồi nhiều kiến thức của đời sống xã hội. Do đó, KGCC nếu được thiết kế hợp lý, được kiến tạo như một môi trường văn hóa lành mạnh, bao chứa những giá trị tốt đẹp sẽ thúc đẩy con người tự học, tự rèn luyện để hoàn thiện năng lực, phẩm chất.
Hiểu được tầm quan trọng của môi trường văn hóa công cộng, nhiều gia đình ở các đô thị hiện nay có xu hướng cho con trẻ mở rộng môi trường học và chơi ở các KGCC. Đó là lý do mà các KGCC ở khu vực nội đô, nơi in đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của các đô thị luôn quá tải vào những ngày nghỉ. Ở đây, con trẻ không chỉ được vui chơi, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, đường phố vui nhộn mà còn được quan sát, giao tiếp với nhiều người, hiểu biết thêm về lịch sử, địa lý, văn hóa và thậm chí còn được luyện tiếng Anh với du khách nước ngoài…
Hà Nội là một trong những thành phố đã xây dựng được nhiều KGCC tiện ích, thực sự là môi trường văn hóa của đô thị. Chỉ tính riêng khu vực nội đô lịch sử đã có “42 công viên và vườn hoa; 46 hồ nước có đường dạo; các quảng trường; 3 tuyến phố đi bộ, 1 phố sách, 2 khu chợ đêm; các sân chơi nội khu” (11). Cùng với những dự án tôn tạo di sản đô thị, tăng cường sinh hoạt văn hóa – giải trí phong phú (Hà Nội dự kiến khôi phục đủ 131 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên thành KGCC), những KGCC có giá trị về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa, lịch sử này ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân và khách du lịch, tham quan.
3. KGCC – một “nơi chốn” cố kết cộng đồng đô thị
Đời sống đô thị chứa đựng trong nó sự đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều so với đời sống nông thôn. Ở đô thị, đất chật người đông, phân tầng xã hội phức tạp với nhiều “tiểu văn hóa” khác nhau. Con người nơi đây làm việc ở nhiều không gian lao động khác biệt, công việc và thời gian làm việc, di chuyển ở thành phố cũng nhiều áp lực hơn nên có xu hướng khép kín. Sinh hoạt cá nhân, gia đình ở đô thị ít gắn kết như nông thôn, “nhà nào biết nhà nấy”… Và như vậy, cá nhân sẽ không thể phát triển toàn diện, hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình nếu chỉ tương tác, liên kết với các thành viên gia đình và đồng nghiệp. Mỗi người cần gặp gỡ, tìm hiểu những người khác ngoài xã hội, cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những không gian khác ngoài ngoài ngôi nhà, ngoài không gian lao động của mình. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhờ kỹ thuật, công nghệ hiện đại con người được giải phóng sức lao động, có nhiều thời gian rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn hơn. Lúc này, các KGCC, với tính chất mở và thân thiện đã trở thành nơi chốn quen thuộc của mọi người. Những quảng trường, công viên, chợ, đường riêng cho người đi bộ và vỉa hè sôi động… trở thành nơi giao lưu, tiếp xúc của mọi người, đóng vai trò “môi giới” quan trọng trong liên kết xã hội ở đô thị.
Các nghiên cứu về đời sống đô thị đều cho thấy, một thành phố sống tốt là một thành phố xây dựng được đủ và hợp lý các KGCC. Các tiêu chí của một thành phố sống tốt bao gồm: phải đảm bảo sự phát triển của cá nhân; cung cấp môi trường sống tốt; phát triển đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng. Ở đây, thuật ngữ “đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng” được sử dụng để ám chỉ không gian đời sống hằng ngày của con người mà trong đó cuộc sống của các cư dân có mối liên hệ với nhau, họ tham gia vào các tập quán/ hoạt động văn hóa và hình thành các mối liên kết xã hội, bản sắc của đô thị. Trong đó, KGCC và không gian chung của thành phố thể hiện một cách sinh động và sâu đậm nhất đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng ấy (12).
Có thể với nhiều người, KGCC là một sự lãng phí, vì nó có thể tận dụng cho mục đích kinh tế. Nhưng nếu không có những địa điểm an toàn, thân thiện để hòa nhập với xã hội và tham gia vào đời sống cộng đồng, con người sẽ rời vào tình trạng thiếu kết nối, tương tác dễ trở nên cô độc, mất phương hướng. Vì vậy, KGCC hiệu quả nhất khi chúng được thiết kế không bởi mục đích toan tính nào mà tạo cơ hội cho tất cả mọi người, không phân biệt địa vị, tuổi tác… hay đến từ những cộng đồng khác nhau, có thể sử dụng chúng một cách thích hợp nhất.
Những đổi thay mạnh mẽ về kinh tế, xã hội hiện nay đang dẫn đến sự đổi thay về lối sống, văn hóa của con người. Ở những khu dân cư đô thị mới, với chung cư cao tầng, khu biệt thự độc lập, lối sống truyền thống “láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” đang có chiều hướng phai nhạt, sự hiểu biết, quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống cộng đồng ít dần đi. Tuy nhiên, xét đến cùng, nhu cầu được liên kết, tương tác, chia sẻ giữa các cá nhân với nhau, cá nhân với cộng đồng vẫn luôn là nhu cầu quan trọng, thiết yếu trong cuộc sống của con người trong bất cứ xã hội nào. Với người Việt, dù là sống ở các đô thị hiện đại, nhu cầu ấy vẫn thường trực với những giá trị riêng, bởi lẽ, “tinh thần cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc” đã in sâu trong tâm thức văn hóa bao đời nay. Do vậy, xây dựng “nơi chốn” không chỉ “là cách mà chúng ta hình thành các KGCC để tối đa hóa giá trị sẻ chia, bắt nguồn từ sự tham gia của cộng đồng” (13). Việc kiến tạo các KGCC phù hợp với sự phát triển bền vững của con người và đô thị còn là một giải pháp thiết thực nhằm phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
4. KGCC làm nên bản sắc đô thị
Với vai trò vừa là trung gian, vừa là kết quả của các mối liên kết cá nhân trong cộng đồng đô thị, vừa gắn kết, phát triển các mối liên hệ đó, KGCC đã trở thành yếu tố quan trọng nhất tạo dựng nên một đô thị có bản sắc. Trước tiên, bản sắc được thể hiện trong thiết kế các KGCC (về diện tích, tổng quan kiến trúc, cách bố trí, sắp đặt tiện nghi bên trong, các công trình phụ trợ và điểm nhấn là nghệ thuật công cộng). Điều này đòi hỏi rất nhiều tài năng, tâm huyết trong thiết kế, quy hoạch. Các KGCC vừa phải đáp ứng chất lượng về kiến trúc, kỹ thuật, đồng thời phải thể hiện được sinh động bản sắc văn hóa của đô thị, tức là những đặc trưng riêng về lịch sử, địa lý, văn hóa đã làm nên dấu ấn của cư dân và đô thị ấy. Như Hà Nội, có rất nhiều những KGCC xưa cũ gắn với hồ nước, đền chùa, phố cổ… đã tạo nhiều ấn tượng về mặt thẩm mỹ và tiện ích trong sử dụng. Tuy nhiên, những KGCC mới xây dựng lại ít tạo được ấn tượng như thế. Dù là một thành phố hiện đại và đổi mới, nhưng những hình ảnh đã làm nên cốt cách Hà Nội như: hoa đào Nhật Tân, bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, rừng mơ Hoàng Mai, bóng dáng năm cửa ô, dấu tích những làng cổ, làng nghề…, cho đến Hồng Hà, hồ Tây, hồ Gươm… vẫn cần được tái hiện một cách sáng tạo trong các KGCC mới. Ngay cả những góc phố, vỉa hè… đã thành ký ức đẹp đẽ của biết bao thế hệ cũng có thể là nguồn cảm hứng trong những thiết kế nơi chốn mới của Hà Nội hiện nay.
Sông Hoài, phố cổ Hội An – Ảnh: Minh Quân
Với TP.HCM, ấn tượng lại đến từ những con đường ven sông, bên dòng kênh, bến cảng, là không gian vỉa hè – đường phố sôi động… Thành phố Đà Lạt lại tạo ấn tượng đặc biệt nhờ những công viên hoa rực rỡ bốn mùa và quảng trường Lâm Viên hiện đại, rộng lớn bên hồ Xuân Hương thơ mộng…
Cũng như nhiều quốc gia khác, đường phố đi bộ đang là KGCC được yêu thích ở các đô thị hiện nay. Dù thực hiện chức năng giống nhau nhưng nhiều phố đi bộ đã thể hiện được đặc trưng riêng về lịch sử, địa lý, văn hóa của địa phương. Hà Nội có tuyến phố ven Hồ Gươm, kết nối phố cổ; TP.HCM rực rỡ, tươi trẻ với đường hoa Nguyễn Huệ; phố cổ Hội An với tuyến phố Nguyễn Phúc Chu; Hải Phòng với phố đi bộ ven sông Tam Bạc lấp lánh sắc màu của đèn điện và những đàn thiên nga, phố đi bộ Trần Phú; thành phố Móng Cái, Quảng Ninh sầm uất hàng hóa đặc trưng cửa khẩu với phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; Huế cổ kính bên sông Hương thơ mộng…
Đối với hầu hết các đô thị ở Việt Nam, chợ truyền thống cũng là một không gian quen thuộc và thấm đẫm hòn người đô thị. Bởi lẽ, chợ truyền thống không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao tiếp, tương tác, liên kết của cư dân đô thị. Mọi người trò chuyện, thăm hỏi, chia sẻ những câu chuyện thường nhật, những câu chuyện về chính trị, xã hội…, những người bán hàng trở nên gắn bó với nhau và cũng gắn bó với những khách hàng thân thiết. Người dân đến chợ vì mua bán tiện lợi nhưng cũng vì cảm thấy tin tưởng, an toàn với nơi chốn thân quen, với những người bán hàng đã trở thành gắn bó. “Chợ Việt Nam là một không gian cộng đồng đầy tính nhân văn. Ở đây tràn đầy không khí thân thiện và tình người… Chợ Việt Nam có hồn người, hồn văn hóa ở đấy” (14). Bởi chợ chính là hình ảnh thu nhỏ của đô thị. Mọi dấu ấn của đời sống đô thị từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được tái hiện một cách sinh động và chân thực qua cách giao tiếp, ứng xử, cách mua bán, tiêu dùng của người dân trong chợ. Hiện nay, các đô thị đang dành nhiều ưu tiên cho việc quy hoạch các siêu thị, trung tâm thương mại mà lãng quên việc quy hoạch chợ. Nếu các chợ được quy hoạch hợp lý sẽ không chỉ tiện ích cho sinh hoạt hằng ngày của người dân mà còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng vốn là tập quán truyền thống của người Việt Nam và tạo nên được những nét riêng biệt cho các đô thị Việt Nam.
Nhưng sẽ là không đủ nếu không chú ý đến hoạt động của các chủ thể KGCC ấy. Nghĩa là các KGCC dù có được thiết kế, xây dựng, sắp đặt ấn tượng như thế nào cũng chỉ là khung ảnh bên ngoài. Cách mọi người chăm chút cho không gian ấy, cách con người thể hiện mình và thể hiện mối quan hệ với cộng đồng trong không gian đó mới làm nên sức hút thực sự cho KGCC và thành phố của họ.
KGCC được định hình bởi những người sử dụng chúng. Và những người khách khi đến đây cũng tự khám phá vẻ đẹp riêng và tự điều chỉnh các quan hệ ứng xử, giao tiếp cho phù hợp trong những không gian ấy của đô thị. Ở đây, các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa của người dân và du khách kết nối và thể hiện các giá trị, ý nghĩa mà KGCC mang đến. Những cụ già ngồi đọc báo, đánh cờ hay tập dưỡng sinh bên bờ hồ mỗi sáng, những em bé cười đùa vui vẻ trong vườn hoa, công viên, những đôi bạn nắm tay nhau đi trên những vỉa hè đường phố rợp bóng cây xanh, thư thái, bình yên… mới thực sự khiến thành phố của họ đẹp thực sự. Chính văn hóa, lối sống và phương thức sinh kế của cư dân đô thị đã in dấu ấn lên KGCC.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các đô thị trên cả nước, mạng lưới KGCC chưa đạt yêu cầu về số lượng, diện tích và tiện ích. Phần lớn các KGCC có sẵn không được quản lý, khai thác đúng mức. Những KGCC mới chưa được quan tâm và phát triển theo kịp tốc độ đô thị hóa. Chẳng hạn, “trong 100 năm đô thị hóa (1900-2000), Hà Nội xây dựng 12 triệu m2 nhà ở, nhưng chỉ hơn 10 năm (2001-2014), Hà Nội đã xây mới gần 120 triệu m2 – Gấp 10 lần 100 năm trước đó. Mỗi năm Hà Nội xây mới 12 triệu m2, nhưng hạ tầng đô thị (trong đó có KGCC) không phát triển tương ứng” (15).
Nhận thức được vai trò quan trọng của KGCC, những năm gần đây, các nhà khoa học, quản lý về kiến trúc, quy hoạch, xây dựng đô thị, xã hội học đô thị đã có nhiều nghiên cứu, bàn luận thấu đáo về vấn đề cải tạo và phát triển KGCC ở đô thị. Tuy nhiên, để KGCC thực sự trở thành “nơi chốn”, tạo nên hồn cốt, bản sắc đô thị, nó cần thiết phải có mặt trong các chính sách phát triển văn hóa, con người của đô thị. Đồng thời, phải xây dựng một cơ chế phối hợp tốt giữa các nhà kiến trúc, nghiên cứu khoa học, nghệ sĩ và người dân trong quá trình làm quy hoạch và thiết kế.
Có thể nói, KGCC thực sự đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Để phát huy hết công năng, nó phải thể hiện được những đặc tính: là nơi để nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí; là nơi để gặp gỡ, giao tiếp, tương tác xã hội; là nơi đại diện, biểu tượng cho những giá trị đặc trưng nào đó của đô thị. Dù nhỏ hẹp hay với quy mô rộng lớn, KGCC phải được kiến tạo như là một không gian văn hóa, một môi trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cá nhân và cộng đồng. Có như vậy, KGCC mới có thể góp phần tạo nên một thành phố sống tốt và nhân văn.
_______________
1, 3. Doãn Minh Khôi, Sự hấp dẫn của không gian công cộng, Tạp chí Kiến trúc, số 5, 2018.
2. Dẫn theo Hauser, Gerard, trong Nguyễn Quý Thanh Trịnh Ngọc Hà, Không gian bán công cộng và sự hình thành dư luận xã hội: Nghiên cứu trường hợp quán cà phê ở Hà Nội, Tạp chí Xã hội học, số 2, 2009, tr.72.
4. Phạm Thúy Loan, Không gian công cộng trong đô thị – Từ lý luận đến thiết kế, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 11-2015, tr.44-47.
5, 10. Nguyễn Bỉnh Quân, Không gian công cộng Gương soi công bằng, dân chủ và văn minh, Tạp chí Tia sáng, số 2+3, 2009, tr.42-45.
6. Dẫn theo Debra Efroymson, trong Trần Thị Kiều Thanh Hà, Phạm Thu Hà, không gian công cộng làm nên cuộc sống của một thành phố, Nxb Xây dựng, 2010, tr.16
7, 9. Nguyễn Đức Thiềm, Phạm Trọng Thuật, Các khía cạnh “văn hóa – xã hội” của tổ chức không gian công cộng ở Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 3, 2004 tr.13-14, 11.
8. Trần Hữu Quang, Trí thức và Không gian công cộng trong xã hội hiện đại, tiasang.com.vn, ngày 4-3-2017.
11. Nguyễn Liên Hương, Xếp hạng để quản lý không gian công cộng khu nội đô lịch sử thành phố Hà Nội hướng đến thành phố sáng tạo, Tạp chí Kiến trúc, số 10 2019, tapchikientruc.com.vn.
12. Mike Douglass, Thành phố sống tốt: Quá trình toàn cầu hóa cuộc sống thành thị và Không gian công cộng ở châu Á – Thái Bình Dương, Tạp chí Xã hội học số 1, 2008, tr.11-20.
13. Đinh Đăng Hải, Phát triển không gian công cộng ngoài trời làm trung tâm: Một phương pháp tổ chức không gian đo thị hiệu quả và có lợi cho sức khỏe cộng đồng, Tạp chí Đô thị và Phát triển, số 78-79, 2019.
14. Lưu Trọng Hải, Sinh hoạt cộng đồng của ngườ Việt và không gian công cộng trong đô thị, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 9, 2005, tr.46-49.
15. Trần Huy Ánh, Hà Nội: Phát triển không gian công cộng – sáng kiến nhỏ hướng tới mục tiêu lớn dantri.com.vn, 21-10-2018.
16. Đình Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh khát công viên, thanhnien.vn, 26-5-2020.
Tác giả: Lương Huyền Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Tác giả: Lương Huyền Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Tác giả: Lương Huyền Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%