Giống như người Thái ở các bản, làng miền Tây Thanh Hóa, người Thái ở các bản, làng vùng biên giới vẫn còn gìn giữ được nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống và Khua Luống là một trong những nét đẹp văn hóa – một loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian độc đáo. Tìm hiểu về Khua Luống người Thái vùng biên giới để nhận diện rõ hơn giá trị tốt đẹp của một loại hình nghệ thuật và chứng minh nó có sức sống mạnh mẽ, mang tính nhân văn, tính cộng đồng và có vai trò, ý nghĩa sâu sắc trong đời sóng văn hóa nơi đây.
1. Người Thái ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa
Vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa được xác định thuộc địa bàn 5 huyện: Lang Chánh, Thường Xuân, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trong số 65 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 5 huyện trên có 16 xã biên giới với 154 thôn, bản, trong đó có 115 bản, làng xa đường biên giới và 39 bản, làng giáp đường biên giới. Diện tích tự nhiên là 4.012,72km2, phía Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) với đường biên giới dài 192 km và được xác định bằng 88 vị trí/ 92 cột mốc quốc gia.
Vùng biên giới là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc thiểu số: Mường, Thái, Mông, Dao. Tổng số dân sinh sống ở các xã vùng biên giới là 14.219 hộ/67.093 khẩu (1). Số liệu thống kê cho thấy, người Thái chiếm số lượng đông nhất vùng (63%), các dân tộc khác còn lại lần lượt là: dân tộc Mông (24%), dân tộc Mường (6%), dân tộc Dao (3%). Trong 16 xã với 154 bản, làng người Thái sinh sống ở 113 bản (chiếm 73,3%), 32 bản dân tộc Mông (chiếm 20,75), 4 bản dân tộc Dao (0,25%); 5 bản dân tộc Mường (0,32%).
Lịch sử của người Thái ở Thanh Hóa có quan hệ chặt chẽ với người Thái ở Tây Bắc và có nguồn gốc từ dòng họ Lò Khăm (tiếng Thái Đen) (2). Táy đăm (Thái Đen), Táy dọ (Thái Trắng) là 2 ngành chính của người Thái tỉnh Thanh Hóa. Nếu vùng núi thấp (các huyện: Thường Xuân, Như Xuân, Triệu Sơn…) là nơi sinh sống của Thái Trắng, các vùng núi cao, biên giới (các huyện: Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh) là nơi tụ cư và sinh sống của phần đông đồng bào Thái Đen. Trong lịch sử lập bản, lập mường, người Thái Đen ở vùng núi cao Thanh Hóa đã xây dựng nên các Mường lớn nổi tiếng trong lịch sử: Mường Khoòng, Mường Ca Da, Mường Xia, Mường Mìn, Mường Ký.
Người Thái thường lập mường, lập bản dọc theo các con sông, con suối để thuận lợi cho nghề canh tác nông nghiệp. Kinh nghiệm của người Thái là “Táy kin nậm” hoặc “o lóc có noong xoong hươn có bản”, nghĩa là: Người Thái ăn theo con nước; một vũng nhỏ cũng là ao, hai nhà cũng là bản. Những kinh nghiệm này đã trở thành vốn sống của đồng bào Thái nơi đây. Gắn liền với lịch sử dân tộc Thái là sự ra đời, phát triển của các giá trị văn hóa phản ánh phản ánh nét riêng, độc đáo của người Thái từ nghề thủ công truyền thống đến các tục lệ: thờ cúng tổ tiên; cúng trời đất, cúng bản mường và những lễ nghi như cầu mưa, cầu mùa, lễ hội phấn trá, mường Ca Da, mường Xia… đến kho tàng cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, truyện thơ phong phú: Xống trụ xôn xao, Nàng ửa, Khăm panh, chuyện tình Pha Dua… Đặc biệt, trong đời sống tinh thần người Thái bất cứ ở đâu cũng không thể thiếu khua luống, hát khặp, ném còn… Những nét đặc trưng văn hóa của người Thái nói chung và người Thái vùng biên giới đến nay cơ bản vẫn được lưu giữ và phát huy ở nhiều bản, làng.
Xét riêng các huyện vùng biên giới Thanh Hóa, người Thái với tư cách là dân tộc có dân số đông nhất, có lịch sử phát triển lâu dài nên còn lưu giữ được rất nhiều các giá trị văn hóa đáng để quan tâm. Tuy nhiên, so với nhiều vùng khác trong tỉnh, vùng biên giới còn khó khăn nhiều mặt, nhất là việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa hay nhu cầu được tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân. Những loại hình văn hóa mang tính cộng đồng cao, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc luôn được người Thái vùng biên giới trân trọng, giữ gìn và phát huy hiệu quả. Một trong số các giá trị văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống thì khua luống được đánh giá là loại hình thu hút được đông đảo người dân quan tâm nhất. Tìm hiểu loại hình nghệ thuật này chắc chắn sẽ đem đến những điều lý thú về cuộc sống, sinh hoạt của người Thái vùng biên giới Thanh Hóa.
2. Khua luống – một loại hình nghệ thuật truyền thống bắt nguồn từ lao động
Rất nhiều già làng, trưởng bản người Thái vùng biên giới khi được hỏi đều không nắm rõ luống xuất hiện từ bao giờ, nhưng đều khẳng định nhạc cụ luống và nghệ thuật khua luống có từ rất sớm, bắt nguồn từ trong lao động, trong sản xuất và canh tác nông nghiệp, sử dụng sản phẩm nông nghiệp phục vụ cuộc sống. Người Thái quan niệm giã gạo là công việc của người phụ nữ trong gia đình. Trước kia, dưới gầm sàn của mỗi ngôi nhà người Thái đều có một chiếc cối dùng để giã gạo. Đến nay, dù đời sống đã được nâng lên, hầu hết các bản làng đều đã có máy xay lúa, song vẫn có thể bắt gặp trong nhiều gia đình người Thái vùng biên giới vẫn còn giữ và sử dụng những chiếc cối giã gạo truyền thống như một cách tiết giảm chi phí và thực sự nó cũng còn hợp lý với bà con vùng cao, với những gia đình chưa có điều kiện sắm cho mình một máy xát riêng, trong khi khoảng các di chuyển lúa đến các hộ dân khác thuê mướn cũng không hề dễ dàng.
Để thực hiện công việc giã gạo, phụ nữ Thái thường dậy rất sớm, hơn 3 giờ sáng khi mặt trời còn ẩn sau núi, nhưng những bếp than hồng trong từng ngôi nhà sàn đã đỏ lửa. Lúc này, tiếng chày giã gạo bắt đầu gõ nhịp, thưa thớt… đều đều… dồn dập như thúc giục mọi người trở dậy để bắt đầu công việc của một ngày mới. Hoặc nhiều lúc trong quá trình giã gạo để đỡ nhàm chán, mệt nhọc, người ta khua thêm một vài nhịp vào thành luống (cối giã) hoặc khua chày với nhau, tiếng kêu phát ra rất vui tai. Cứ thế, qua thời gian, khua luống đã trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành khúc ca dung dị mà thân thuộc của các bản, làng người Thái vùng biên giới xa xôi. Khua luống được truyền từ đời này sang đời khác. Các bà, các cụ, các chị em lớn lên lúc biết cầm chày giã gạo cũng là lúc biết khua luống. Nhà nào cũng khua, 3,4 người họ cũng khua được, các nhiều người hòa nhịp càng vui.
Như vậy, quá trình sống, lao động và sáng tạo, từ chiếc luống dùng để giã gạo dần trở thành một loại nhạc cụ dân tộc và cùng với nó là một hình thức trình diễn nghệ thuật dân gian độc đáo gắn liền với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Luống không còn thuần túy là công cụ lao động mà đã trở thành một nhạc cụ riêng của người Thái.
3. Chất liệu và hình thức của luống
“Về hình dáng và cấu tạo, luống có hình thức như con thuyền độc mộc – một loại thuyền cổ có từ xa xưa và gắn bó với những chàng trai người Thái trong công việc đi lại trên sống suối và đánh bắt cá” (3). Như vậy luống mang hình máng dài, dùng để giã tách hạt lúa ra khỏi bông lúa và luống có thể ngắn, dài khác nhau.
Việc lựa chọn gỗ làm luống cũng rất quan trọng mặc dù luống có thể được làm bằng nhiều loại gỗ khác nhau, nhưng người Thái thường không dùng gỗ tạp dễ mối mọt, gỗ lim rất nặng, hoặc những loại gỗ khó đẽo. Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, để tiếng nhạc phát ra được âm thanh và hay, người ta thường dùng gỗ mun, gỗ pào và đặc biệt là gỗ sú, gỗ mít. Các thân gỗ phải được chọn từ cây gỗ to, thẳng, cắt thành khúc tùy theo kích thước của luống, nhưng thường có chiều dài 3m và đường kính khoảng 80cm, được đẽo bớt ruột… “Ở phần đầu luống người ta thường vạt phần dưới sâu khoảng 20 đến 30cm, nhưng không khoét một lỗ tròn đường kính 20cm và độ sâu 5cm. Phần này sau khi đã vò lúa tách khỏi bó, ở phần máng gỗ người ta cho lúa cào lỗ tròn này để giã thành gạo” (4). Còn chiếc chày của luống người dân thường chọn những cây hoặc cành nhỏ, chắc thịt để làm. Cũng như luống, chày không chỉ để giã mà quan trọng hơn, mỗi khi giã tiếng chày phải vang xa, hòa cũng núi rừng, tạo nên những âm hưởng rất độc đáo, làm cho bản gần, làng xa ở nơi ngút ngàn rừng núi vùng biên giới thêm ấm áp, gần gũi.
4. Ý nghĩa của khua luống trong đời sống văn hóa của người Thái
Nhạc cụ luống và nghệ thuật khua luống là nhạc cụ và loại hình biểu diễn nghệ thuật không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày và trong đời sống văn hóa cộng đồng người Thái. Khua luống tiếng Thái gọi là quánh loóng. Tham gia khua luống thường là phụ nữ và bằng trải nghiệm thực tiễn với các bà con người Thái vùng biên giới trong biểu diễn khua luống, thì việc tham gia biểu diễn khua luống bắt buộc là số lẻ: 5, 7, 9, 11. Đây là những con số, theo quan niệm người dân, biểu trưng sự may mắn. Để thực hiện các động tác khua luống thường có một ả đứng đầu luống cầm chày khua luống để chỉ họ (người này đóng vai trò nhạc trưởng), lúc nhanh, lúc chậm, lúc khua vào luống hoặc thành luống, các nàng ún chị, ún em theo thứ tự đứng đối diện từng cặp theo luống, ở cuối là một người gõ đệm gọi là tải. Việc biểu diễn khua luống không có sự khác nhau nhiều giữa người Thái ở các khu vực. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở cách thức tham gia và thể hiện sự nhiệt huyết, sáng tạo để tạo nên những âm thanh khác nhau theo cung bậc cảm xúc.
Khua luống có rất nhiều làn điệu và tùy thuộc vào số người tham gia hoặc các ngữ cảnh cụ thể. Nhưng theo một số già làng, trưởng bản ở xã Tam Thanh (huyện Quan Sơn), Tén Tằn (huyện Mường Lát), thì luống có 11 điệu: Loong ton khéch – luống đón khách với nhịp điệu vui tươi, rạo rực; Loong Phạ lương – luống đón mừng tiếng sấm và cơn mưa đầu mùa, mong một mùa bội thu; Loong xoỏng, Loong xảm, Loong pạc xac – đây là những luống thể hiện tâm trạng mừng được mùa, hát múa chung quanh cây hoa, diễn tả cảnh đẹp cũng như không khí đập lúa đêm trăng; Loong tùng – luống diễn tả tâm trạng của đoàn người chờ đón cô dâu về; Loong xom kết, Loong tung xạc, Loong căm quảng – diễn ra trong lễ hội mừng cơm mới; Luống báo tang; Luống nhịp 3 – đưa linh hồn người chết về với Mường Trời… Cùng với luống còn rộn rã tiếng gõ boong bu, tiếng cồng chiêng diễn tả đi săn, hái lượm, bắt cá, bẫy chim thú…
Tham gia khua luống mặc dù có những nguyên tắc nhất định, song trong thực tiễn, nhất là trong các hoạt động văn hóa cộng đồng, người ta vẫn có thể đứng chung lại và khua luống một cách ngẫu hứng. Mỗi khi nhịp chày khua luống vang lên là bàn chân muốn bước, cái bụng muốn theo đến nơi có lễ hội, đến nơi vui chơi để gặp mặt ai đó lần cuối. Tuy âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua luống không có được cái luyến láy, bổng trầm như những loại nhạc cụ hiện đại, nhưng nó lại như thứ keo kết dính tình cảm, gắn kết mọi người thành một khối cộng đồng thống nhất của tình bạn, tình thương yêu, nó mang ý nghĩa về một cuộc sống no đủ…
Đặc biệt, khua luống thường kết hợp với trống, chiêng. Khi các thành viên khác khua luống thì cần một người đánh trống và một người đánh chiêng. Khác với cồng chiêng Tây Nguyên, chiêng của người Thái được đánh bằng dùi, khi biểu diễn 4 cái chiêng được treo lên và chỉ cần một người đánh. Sự kết hợp của khua luống và trống, chiêng tạo nên một không khí tưng bừng, rộn rã.
Có thể thấy, nhạc cụ luống và loại hình biểu diễn khua luống đã gắn bó với người Thái nói chung và người Thái vùng biên giới Thanh Hóa nói riêng từ rất sớm. Khua luống đã trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo của người Thái. Dẫu cho cuộc sống nhiều thay đổi theo hướng hiện đại và ít nhiều cũng có tác động đến người dân trong các bản, làng, nhưng với người Thái vùng biên giới xứ Thanh, khua luống không chỉ thể hiện những khát vọng của con người được biểu đạt thông qua một loại hình nghệ thuật, mà khua luống còn là một di sản văn hóa tiêu biểu của người Thái nơi đây.
______________
1. Số liệu năm 2019, do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cấp.
2. vi.wikipedia.org.
3, 4. Hoàng Minh Tường, Tìm hiểu văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào miền núi Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, 2011, tr.59, 60.
Tác giả: Nguyễn Thị Thục
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn