Hát xoan là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, không chỉ chứa đựng nhiều yếu tố nghệ thuật, mà còn ẩn chứa ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt từ xa xưa. Ca từ cùng những điệu múa phụ họa trong hát xoan mang đậm tính phồn thực, đặc biệt, nó được trình diễn ngay trước cửa đình – nơi linh thiêng nhất của làng.
1. Sự ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực đến hát xoan
Cuộc sống của người Việt từ xa xưa gắn liền với sản xuất nông nghiệp lúa nước, chi phối mọi hoạt động sinh hoạt văn hóa của con người. Với cư dân phương Đông thời cổ trung đại, sự sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu là những vấn đề được đặt lên hàng đầu. Do vậy, các biểu tượng âm – dương, đất – trời, non – nước luôn là những yếu tố không thể thiếu trong tín ngưỡng dân gian, giúp cho vạn vật hòa quyện với sinh khí tự nhiên để sinh tồn, phát triển. Theo đó, tín ngưỡng phồn thực có mối gắn kết chặt chẽ rất tự nhiên với nền văn minh nông nghiệp, bao hàm tính phổ quát trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt với ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nhân khang vật thịnh.
Sản xuất nông nghiệp đã hình thành tính cộng đồng trong cư dân Việt từ rất sớm. Việc cùng nhau chinh phục, chế ngự thiên nhiên để sản xuất, sinh tồn chính là chất keo gắn kết các cá nhân lại với nhau. Điều này được phản ánh đậm nét trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể hiện ước vọng về cuộc sống ấm no thông qua ca từ của các bài xoan. Họ cất lên tiếng hát để quên đi nỗi vất vả, giải tỏa ưu phiền, làm quen, giao duyên (1).
Canh hát cổ ở Phú Thọ được chia thành hai phần chính: hát lễ (hay còn gọi là hát thờ) có nội dung mang tính nghi lễ; hát hội là tập hợp những điệu hát trữ tình, giao duyên. Đối với phần hát lễ, người dân mời vua, thành hoàng làng thưởng lãm những ca khúc, mà ẩn chứa trong đó nhiều khẩn cầu, mong ước về cuộc sống thường nhật. Còn hát hội là phần vui chơi mà phường xoan gọi là hát chơi bời, gồm các bài Bỏ bộ, Bợm gái, Đúm, Xin huê – Đố chữ, Cài huê, Mó cá.
Nội dung của hát xoan thuộc 2 dòng văn khác nhau, do được sáng tác bởi cả nho sĩ và người lao động. Nhân tố sáng tác chủ yếu trong tầng lớp nho sĩ là thày đồ, học trò, quan viên đã nghỉ hưu, sáng tác các bài xoan thuộc dòng văn chương bác học. Bên cạnh đó, người lao động sáng tác những khúc hát có nội dung giản dị, đời thường hơn, mang dáng dấp của dân ca, ví giao duyên…, có nội dung chủ yếu về tình nghĩa vợ chồng, cha con, tình yêu đôi lứa…
Hát hội trong đêm hát xoan còn được gọi là hát giao duyên, bởi nó tập hợp những ca khúc trữ tình, thể hiện tình yêu nam nữ thông qua những ca từ, điệu múa cổ. Bình luận về tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp phương Đông, nhà nghiên cứu Đặng Đình Thuận cho rằng: “Người dân luôn hy vọng vào sự phát triển của giống nòi để có nhiều sức lao động, phục vụ công việc đồng áng. Sâu xa hơn đó là ý nghĩa về mặt tâm linh, cầu cho sự sinh sôi, phát triển của vạn vật” (2). Đồng quan điểm đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận định, chặng hát giao duyên thấm đẫm tính phồn thực, thu hút đông đảo cộng đồng, nhất là thanh niên tham gia hát đối với kép, đào của phường xoan.
Trong quy định của hát xoan, tục giữ cửa đình đưa tới tục kết nghĩa (còn gọi là nước nghĩa) giữa họ xoan và dân làng, trong đó, họ xoan vai em, dân làng vai anh. Trai gái hai bên không được kết hôn với nhau. Vậy nên, sự lúng liếng, đưa tình trong canh hát xoan chỉ là hoạt cảnh của màn diễn xướng trên sân khấu cửa đình, mà trai làng, gái xoan là diễn viên chính. Sự tình tứ trong lời ca, động tác múa xoan không tồn tại với nghĩa dung tục đời thường mà được đặt trong nghi thức của tín ngưỡng phồn thực.
Trong thực tế, hát xoan được trình diễn nơi cửa đình để mời vua, thần thành hoàng về dự hội, xem con dân ca hát. Họ cất lên lời ca cầu xin vua giáng phúc, thần ban phát, phù trợ cho dân làng tứ thời tiết lập, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an… Những mong muốn đó của cư dân nông nghiệp là gốc rễ của tín ngưỡng phồn thực.
2. Xoan – khúc hát phồn thực
Sau bài hát Bỏ bộ, Bợm gái, hát đúm là phần sôi động, lôi cuốn nhất trong canh hát xoan. Đây là tiết mục hát đối đáp giao lưu giữa trai làng và các đào của phường xoan, người nhận quả đúm đầu tiên từ phía đào xoan sẽ cất lời ca tình tứ với cô nàng.
Đúm này em dặn thì nghe
Đúm bay cho tới áo the, đúm vào
Hay là:
Bây giờ bắt gặp nhau đây,
Hỏi rằng, duyên ấy, nợ này làm sao (3)
Quả đúm là chiếc khăn tay bọc miếng trầu và đôi ba đồng tiền. Trai gái vừa hát, vừa ném đúm cho nhau, đến ai, người nhận sẽ thay trầu, bỏ tiền mừng dành cho đào, tiếp tục hát. Khi người con trai nhận được đúm sẽ ngân nga câu hát, cô gái ưng ý sẽ hát đáp lời. Canh hát diễn ra nhiều lượt đối đáp, như chất men làm say lòng người. Tiếng cười khúc khích của những cô gái má hồng xen lẫn tiếng reo hò thích thú của các chàng trai vây quanh canh hát đã sưởi ấm đêm xuân. Những lời ca thể hiện sự hẹn hò, nhớ mong khắc khoải của đôi lứa:
Đi đâu từ sớm tới giờ,
Để cho tin đợi, tin chờ, tin mong…
Những câu hát này gợi nhớ đến các cuộc hẹn hò của trai gái bên bến đò Đức Bắc. Các bậc tiền bối kể lại rằng, tại bến đò, cứ vài ba anh trai làng Đức Bắc vây lấy một cô đào, họ quàng dây trống vào cổ cô nàng, hát đưa đẩy, trêu ghẹo:
Trống anh còn chửa có quai,
Mượn nàng bưng lấy rồi mai nên gần
Câu hát rất tình tứ, dân dã nhưng ca từ của các bài xoan tuyệt nhiên không dung tục. Nếu ưng thuận, cô đào sẽ nhận trống và đáp lời:
Nửa mai nên Tấn, nên Tần,
Bao giờ bưng trống mới gần được nhau
Trước đây, không gian của hát xoan trải rộng từ đình làng đến bến đò, nơi phường hát từ làng bạn cập bến, là nơi bắt đầu cho một cuộc giao tình. Những lời hát rất tình tứ giữa kép, đào bên bến đò làng quê nay được các chàng trai, cô gái cất lên nơi cửa đình.
Cô gái xoan vận trên người những tà áo mớ ba mớ bảy, những chiếc thắt lưng hoa lý hoa hiên, má thắm, môi hồng, đôi mắt long lanh, đưa tình, còn kép có điệu bộ vừa mạnh mẽ, vừa tình tứ. Giữa cửa ngôi đình làng thiêng liêng, trai gái ném đúm, hát giao duyên với những lời ca đằm thắm, trong sáng, hồn nhiên, nũng nịu. Phía kép đưa đẩy:
Đánh tiếc hay là đánh te
Giọng giậm mà anh cứng anh đè diếc dô
Đặc biệt có những câu đúm rất gợi, rất lẳng:
Đào ơi, đào xích lại đây
Của riêng tớ có cái này tớ cho
Với một câu lục bát, chàng đã khiến đào xoan phải đỏ mặt thẹn thùng. Câu hát của chàng trai cất lên xen lẫn nhịp điệu của đào: “Là vông, vông tập, vông tập, tầm vông” với đôi tay uốn dẻo, đung đưa như đón mời. Câu hát đơn giản, nhẹ nhàng nhưng nói lên tâm tình nam nữ, thể hiện sinh hoạt rất đời thường, một cách tự nhiên, thoải mái (4). Trong lúc mầm lộc mùa xuân đang cựa mình tuôn trào sự sống, những câu hát trữ tình trước cửa đình đã khiến lòng người ấm lại, ai ai cũng đều cảm thấy hứng khởi với một sức sống mới.
Đặc biệt, hát giao duyên là lối hát ngẫu hứng chứ không phải học thuộc bài. Tức, hứng thì hát, lời ca thay đổi dựa trên một giai điệu. Những câu hát chứa đựng nhiều hình ảnh gợi cảm, gợi tình, có sức lôi cuốn đặc biệt với người xem. Sau đó là hát Xin huê – Đố chữ, diễn ra các màn hát đối đáp giữa đào xoan và kép, trai địa phương, không múa, không hát chúc tụng.
Anh đố em biết huê gì nở trong rừng bạc bội
Anh đố em biết huê gì nở nội đồng không… (5)
Dù là hát đố, nhưng nam nữ luôn trao nhau ánh mắt tình tứ. Không có múa phụ họa, nhưng việc tập trung cho việc nghe và đoán đáp án của câu hát đố khiến màn hát xoan có sức cuốn hút lạ kỳ. Đào, kép phường xoan hết hát đố rồi lại hát giải, hát Huê rượu, Huê lau, Huê sim, Huê gạo… rồi chuyển sang đố – giải chữ thê, vũ, nộ… Con dân phường xoan vây quanh cửa đình, vừa xem, vừa lẩm nhẩm hát theo. Chính nét thô mộc, giản dị đã khiến hát xoan trở nên gần gũi với người dân hơn bao giờ hết, làm cho mọi người xích lại gần nhau, đồng cảm với nhau hơn.
Tiếp theo là khúc hát Cài huê, hình thức hát múa lễ nghi để cầu phúc lộc. Nội dung các câu hát mang ý nghĩa dâng hoa lên thành hoàng, khẩn cầu những ước vọng của nhân dân. Lời ca được cất lên ấm áp, đồng thời, 12 đào xoan tỏa đều bốn góc chiếu ở cửa đình, kết với bốn trai làng ở vòng trong, vừa hát vừa di chuyển. Thông thường, để tạo hình sinh động, đào xoan mặc trang phục màu đỏ, trai làng vận màu trắng, 3 nữ vòng ngoài kết với 1 nam bên trong thành một cánh hoa.
Thơm thanh một cánh huê hồi
Lòng anh thuận lấy cô ngồi đầu huê
Trai gái phường xoan hát múa hết huê này tới huê khác, người xem mải miết dõi theo. “Đó là sự xúc động về thời khắc như phút chốc thăng hoa của những người nông dân quanh năm lam lũ kiếm kế sinh nhai, đến cuối năm, lại tụ thành phường hát, chăm chỉ luyện tập và rồi trong ngày hội làng, họ thay dân làng thành kính dâng lên bậc trên những lời ca đẹp, dẫn người xem đi hết từ thú vị này đến thú vị khác” (6).
Các loại hình âm nhạc dân gian có nhiều màu sắc khác nhau, nghệ thuật hát múa chính là điểm nổi trội và thế mạnh lớn nhất của hát xoan. Ở Cài huê, tính đồng diễn trong những động tác đan xen của trai làng, gái xoan khiến cho điệu múa trở nên sinh động, mang tính nghệ thuật cao.
Bên cạnh đó, tính cộng đồng của hát cửa đình rất cao khi có sự tham gia nhảy múa và đối đáp của cư dân làng xã với đào xoan. Có lẽ sự hòa mình với đời sống cộng đồng chính là căn nguyên giúp cho những khúc hát cổ được duy trì trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân làng xã hai bên bờ sông Lô và một phần sông Hồng đến ngày nay.
Sau khi kết thúc Cài huê, các đào kép chuyển sang điệu Mó cá, khúc hát cuối cùng của phần hát giao duyên. Ở phần này, nam nữ phường xoan múa hát dựa trên đề tài vật linh. Vật được dâng tế là hình ảnh con cá, một trong những thành phẩm của sản xuất nông nghiệp. Biểu tượng này mang tính cá biệt, tính văn hóa bản địa độc đáo của cư dân đất tổ. Những bàn tay mềm mại giơ lên múa đan xen của các đào xoan ở vòng ngoài tượng trưng cho lưới bắt cá (âm), các kép đứng giữa biểu trưng cho cá (dương). Dân gian xưa quan niệm rằng, năng lượng thiêng liêng được tích tụ trong thiên nhiên hay trong bản thân mỗi người, đều có khả năng chuyển sang vật nuôi, cây trồng. Bởi vậy, muốn sinh sôi, nảy nở thì phải có âm dương, có quan hệ nam nữ, đó chính là bản chất của tín ngưỡng phồn thực. Trong hoạt cảnh này, các đào xoan thể hiện sự e ấp, thẹn thùng khi các chàng quấn quít. Có thể thấy, tạo hình cùng ý nghĩa biểu tượng của Mó cá là sự nối tiếp những bài ca mang tính phồn thực bất tận trong hát xoan.
Phần Mó cá có lối hát đan xen nam nữ, trong đó nam hát chính, nữ hát phụ họa. Các giọng lề lối mở đầu tạo nên không khí linh thiêng mà cuốn hút với du khách về dự hội. “Vông tập, tầm vông…” – ca từ như hờ hững, lơ là và dường như không có ý đáp lại lời hát của các trai làng. Thế nhưng tiết tấu trong lời ca của gái đào dồn dập đuổi theo các câu hát của kép xoan lại như mời gọi cá nhảy vào ôm lưới. Những con cá đang bị vây trong lưới bỗng dưng hiện hình lại thành trai làng, lại đóng vai trò người bắt cá, nhảy ra “vồ” lấy đào xoan. Khi đó, chiếc lưới đã vỡ tan, biến thành những con cá để các trai làng rượt đuổi, vờn bắt. Tình huống bỗng dưng thay đổi trong cảnh diễn, khiến cho dân làng vây quanh sân đình thích thú, reo hò.
Kép:
May ra bắt được cá rô
Ta nắm chả chặt phải cô ả đào
Đào:
Là vông, vông tập, vông tập, tầm vông
Động tác bắt cá cuối phần Mó cá đã thể hiện được mục đích chính của buổi diễn xoan. Những lời hát, điệu múa mang một hàm ý sâu sắc về ước vọng sinh sôi của các giống nòi. Kết thúc khúc Mó cá, kép làm điệu bộ đưa hai tay ra làm lưới, tìm bắt đào và dẫn cô nàng vào hậu cung. Hát xoan nói chung và những ca cảnh trong chặng hát giao duyên nói riêng đã tạo nên nét độc đáo riêng có, thu hút đông đảo người dân về dự hội đầu năm, cùng thưởng thức canh hát múa phồn thực độc đáo.
Cuối cùng, ông trùm phường xoan hát Chào giã, trong khi đó, 4 cô đào múa từ trong đình ra sân, với ý nghĩa cung kính tiễn thánh ra về. Hoạt cảnh này khép lại canh hát xoan, kết thúc đêm mời thánh về xem ca hát, lắng nghe thỉnh cầu của con dân.
Trong xã hội đương đại, nhiều thể loại âm nhạc hiện đại trên thế giới đã du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên, đến với hội hát xoan đầu xuân ở Phú Thọ, giới trẻ vẫn bị hấp dẫn bởi những làn điệu, đặc biệt là phần hát giao duyên nam nữ. Sự đưa đẩy, đối đáp giữa kép và đào nơi cửa đình đầy tình tứ mà không hề dung tục. Có thể nói, những khúc hát phồn thực chính là yếu tố cốt lõi đưa hát xoan trở thành di sản văn hóa quý báu, đặc sắc của dân tộc.
_______________
1. Tú Ngọc, Hát xoan: dân ca lễ nghi – phong tục, Viện Âm nhạc xb, Hà Nội, 1997.
2. Hoàng Oanh – Lê Phương, Tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa Việt, vovworld.vn, 26 – 3 – 2015.
3, 5. Nguyễn Khắc Xương, Hát xoan Phú Thọ, Nxb Sở VHTTDL Phú Thọ, 2008.
4. Nguyễn Khắc Thùy, Hát xoan – hát ghẹo – Dấu ấn một chặng đường, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2011.
6. Lễ hội hát xoan An Thái, vinhphu.eu, 04 – 12 – 2011.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : BÙI THỊ ÁNH VÂN
Bài viết cùng chủ đề:
Giá trị lịch sử – văn hóa đình làng vân chàng
Sức hút của công tử bạc liêu qua lịch sử, giai thoại
Khu trưng bày khảo cổ học tầng hầm nhà quốc hội