Từ sự xuất hiện vở kịch nói
đầu tiên Chén thuốc độc của Vũ
Đình Long trên sân khấu Nhà
hát Lớn Hà Nội (22-12-1921)
cho đến nay, kịch nói Việt Nam
đã có tuổi đời tròn một thế kỉ
(1921-2021) và có một lịch sử
đầy tự hào. Tuy nhiên, quá khứ
vàng son không làm mờ đi thực
trạng bị nghiệp dư hóa, tách rời
phản ánh hiện thực cuộc sống
đương đại hiện nay, làm kịch nói
đứng trước “bờ vực sinh tử”.
1. Quá khứ vàng son
Trước Cách mạng Tháng Tám, kịch nói Việt Nam đã đi từ tính chất tài tử, nghiệp dư, tiến tới tính chuyên nghiệp; từ chỗ chỉ có vài ban kịch, đến chỗ có nhiều ban kịch; từ chỗ phải vay mượn diễn viên bên tuồng, chèo sang, tiến tới có dàn diễn viên của riêng mình; từ chỗ chỉ có lực lượng tác giả, người dàn dựng, diễn viên, tiến tới có đủ các thành phần tham gia sáng tạo vở diễn…
Sau Cách mạng Tháng Tám, kịch nói Việt Nam đã trở thành bộ phận quan trọng của nền văn học nghệ thuật cách mạng, tham gia vào sự nghiệp chống Mỹ, xây dựng đất nước. Nhiều đoàn kịch ra đời, nhiều thế hệ tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ… nối tiếp nhau xuất hiện. Họ không chỉ phát triển về bề rộng, mà còn phát triển về bề sâu. Họ được đào tạo chính quy cả trong nước lẫn quốc tế, được tiếp xúc với tinh hoa văn hóa nhân loại và cho ra đời nhiều vở diễn vượt thời gian như: Giáo sư Hoàng, Nổi gió, Chị Nhàn, Một đảng viên, Những người du kích, Quẫn, Luba, Câu chuyện Iếccut, Platon Kreset, Nila, Tiền tuyến gọi, Lập xuân, Sang sông, Bạch đàn liễu, Đại đội trưởng của tôi, Đôi mắt, Chuông đồng hồ điện Kremli, Con tôi cả, Tania, Masa, Cửa mở hé, Đỉnh cao phía trước, Tiền tuyến gọi… gắn với công lao sáng tạo, cống hiến quên mình vì nghệ thuật của bao nghệ sĩ như: Thế Lữ, Song Kim, Vi Huyền Đắc, Trần Hoạt, Đào Mộng Long, Trúc Quỳnh, Nguyễn Đình Nghi, Hoàng Mạnh Linh, Hoàng Thúy Nga, Đoàn Dũng, Thành Ngọc Căn, Xuân Đàm, Vũ Tương Sơn, Trần Tiến, Lê Mai,Tú Lệ… Các vở diễn giai đoạn này chủ yếu hướng đến phản ánh các nhân vật trung tâm là những người cầm súng và những lực l ượng trực tiếp phục vụ chiến tr ường (bộ đội, giải phóng quân, dân quân du kích, dân công, thanh niên xung phong…). Họ mang trong mình chủ nghĩa yêu nư ớc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Họ được các nghệ sĩ tập trung mô tả không phải ở khía cạnh đời tư , đời thư ờng, mà của lịch sử, của sự nghiệp chung, của đời sống đồng bào, đồng chí, đồng đội, với Đảng, với Bác Hồ… Qua đó, các vở diễn tạo cho người xem thấy được không khí sôi sục, căng thẳng, cam go của cuộc chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của dân tộc ta, thấy được tinh thần đấu tranh anh dũng, với sự hy sinh thầm lặng nhưng cao cả, lớn lao, vĩ đại của nhân dân Việt Nam cùng những người lính cụ Hồ.
Sau hòa bình cho đến năm 2000, kịch nói vẫn luôn dẫn đầu so với các thể loại sân khấu khác khi đi vào phản ánh hiện thực đương đại một cách trực diện. Điều này được thể hiện qua hàng loạt các vở diễn chủ yếu là đề tài hiện đại, tập trung đi vào mổ xẻ những vấn đề phức tạp của đời sống ở cả thời chiến lẫn thời bình như: Sống mãi tuổi 17, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Mùa hạ cuối cùng, Romeo và Juyliet, Âm mưu tình yêu, Đỉnh cao mơ ước, Cô gái đội mũ nồi xám, Hà Mi của tôi, Xa thành phố thân yêu, Mùa hè ở biển, Người tốt nhà số 5, Đôi dòng sữa mẹ, Ông vua hóa hổ, Mùa hạ cay đắng, 2000 ngày oan trái, Điều không thể mất, Cuộc đời tôi, Đánh mất mùa xuân, Vũ Như Tô, Tú Xương, Rừng trúc… gắn với các tên tuổi: Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Phạm Thị Thành, Đoàn Bá, Vũ Minh, Doãn Châu, Lê Hùng, Lê Sơn, Trọng Khôi, Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Anh Tú, Anh Dũng, Ngọc Thủy, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Quốc Trị, Hoài Huệ, Tiến Đạt, Minh Vượng, Trần Nhượng, Kim Quý, Minh Hằng, Thu Quế, Công Bẩy, Thu Hà, Trung Anh, Văn Hải, Trần Hạnh, Việt Anh, Nguyệt Ánh, Bích Châu, Kim Cúc, Mỹ Dung, Trần Thu Hà, Hoàng Hữu Hạnh, Kim Quý, Văn Thành, Ngọc Thủy, Minh Trâm, Phạm Bằng, Đoàn Bôn, Lệ Ngọc, Trần Vân, Hoàng Uẩn, Hoàng Mai, Quốc Trị… Các nghệ sĩ kịch nói giai đoạn này chủ yếu dành sự quan tâm đến đề tài lao động sản xuất, hàn gắn vết thư ơng chiến tranh. Khán giả có thể bắt gặp hình ảnh những em học sinh đầy trẻ trung, tràn ngập khát vọng, ước mơ và ý chí vươn lên; những người công nhân miệt mài làm việc trong nhà máy; những người lính bảo vệ Tổ quốc, cùng nhân dân địa ph ương xây dựng lên một cuộc sống mới tốt đẹp hơn… Họ chính là những con người Việt Nam có tinh thần trách nhiệm, hăng say lao động, đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, kịch nói giai đoạn này còn tiên phong dũng cảm đi thẳng vào những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Sân khấu không còn những nhân vật chính hầu hết đều là người tốt, chính diện, mà đã xuất hiện những nhân vật tiêu cực, giả dối, phi pháp, thấp kém, tha hóa về đạo đức và nhân cách, sa ngã vào quyền – tiền – tình, dẫm đạp lên những giá trị đạo đức truyền thống của con người Việt Nam. Trên cơ sở đó, kịch nói Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc đấu tranh trực diện chống lại những gì xấu xa, giả dối, để bảo vệ cho công bằng, lẽ phải, chân lý ở đời.
Từ năm 2000 cho đến nay, cùng với nền sân khấu Việt Nam, kịch nói tuy gặp phải nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ vẫn nỗ lực không ngừng để sáng tạo nhiều vở diễn, đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại như: Mắt phố, Cát bụi, Thông điệp từ Điện Biên, Chàng kỵ sĩ Điện Biên, Ngoại phạm, Người đàn bà uống rượu, Sau sơn giông, Con thuyền chở linh hồn, Vùng lạnh, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Gặp lại người đã chết, Kiều, Hăm-lét, Lão hà tiện, Mỹ nhân và anh hùng, Ðêm của bóng tối, Chia tay hoàng hôn, Ði tìm điều không mất, Tai biến, Lâu đài cát, Bão tố Trường Sơn, Cậu Vanya, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Tình bạn và công lý, Phong tỏa, Lời thề thứ chín, Nữ cảnh sát SBC, Điều còn lại…; gắn với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ tài năng như: Minh Hằng, Anh Tú, Sĩ Tiến, Chí Trung, Thu Hà, Lê Bá Anh, Hồng Hạnh, Quang Ánh, Bùi Như Lai, Nguyệt Hằng, Thanh Dương, Kiều Thanh, Trung Hiếu, Linh Huệ, Đức Quang, Thu Hạnh, Công Lý, Xuân Bắc, Minh Khuê, Thu Quỳnh, Tiến Lộc, Lê Dũng, Minh Hiếu, Lâm Tùng, Quốc Khánh, Minh Hải… Kịch nói giai đoạn này tuy ít đi vào đề tài chiến tranh cách mạng hay những đề tài có tầm vóc lớn, chủ yếu dàn dựng lại những vở diễn cũ hoặc những vở kinh điển của sân khấu nước ngoài, thiếu những tác phẩm mang hơi thở của đời sống đương đại do thiếu hụt kịch bản hay, nhưng đi sâu vào những vấn đề riêng tư của cuộc sống đời thường với những góc khuất, những giằng xé nội tâm sâu sắc…
Như vậy, trong suốt 100 năm, kịch nói Việt Nam luôn thể hiện là thể loại nghệ thuật sân khấu mũi nhọn trong việc bám sát hiện thực cuộc sống, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội một cách sắc bén, trực diện (khác với sân khấu kịch hát vốn chủ yếu đi vào đề tài quá khứ). Với những thành tựu đồ sộ và sự cống hiến lớn lao của các thế hệ nghệ sĩ, kịch nói đã minh chứng là một bộ phận vô cùng quan trọng trong ngôi nhà sân khấu Việt Nam.
2. Kịch nói là di sản cũng cần được bảo tồn và phát triển
Từ năm 2018 cho đến nay, ngành Sân khấu Việt Nam nói chung và sân khấu kịch nói riêng thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, các đơn vị nghệ thuật sân khấu đều phải hướng đến thực hiện chủ trương “sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục duy trì các đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu của địa phương. Đối với các đơn vị nghệ thuật khác chuyển sang hình thức ngoài công lập. Hợp nhất trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành một đầu mối” (tiểu mục 2.5, mục 2, phần III).
Nghị quyết số 19 được xem như cú hích để các địa phương sắp xếp, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước. Nghị quyết số 19 góp phần gạn lọc những diễn viên quá tuổi nghề, hoặc quá yếu kém về thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần, không còn hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm những vai diễn có chất lượng, thiếu sức hấp dẫn khán giả, đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ sĩ giỏi có điều kiện chuyên tâm hơn với nghề, cống hiến hết mình cho nghề. Nghị quyết 19 thúc đẩy các địa phương đầu tư tập trung có chọn lọc loại hình, loại thể nghệ thuật sân khấu tiêu biểu, từ đó làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản một cách hiệu quả, chất lượng. Nghị quyết 19 cũng góp phần đẩy mạnh xã hội hóa ngành Sân khấu nói chung và kịch nói nói riêng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu quả của các đơn vị nghệ thuật, trong đó có kịch nói.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 19 lại khiến sân khấu kịch nói ngày càng bị thu hẹp về số lượng hoạt động do nhiều đơn vị bị “xóa sổ” hoặc bị sáp nhập. Nếu như vào những năm 90 của TK XX, cả nước có khoảng 19 đơn vị kịch nói công lập: thì đến năm 2021, chỉ còn 7 đơn vị mang tên “chính danh” kịch nói (Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch TP. HCM, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Nhà hát Kịch nói Công an nhân dân, Đoàn Kịch nói Hải Phòng). Trong đó, Nhà hát Tuổi Trẻ sáp nhập ba đoàn (Đoàn Kịch I, Đoàn Kịch II và Đoàn Kịch hình thể) thành một đoàn. Những đoàn còn lại ở các địa phương hoặc bị giải thể, hoặc bị sáp nhập như: Quảng Ninh sáp nhập 3 đoàn kịch, chèo, cải lương thành Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh; Thanh Hóa sáp nhập đoàn ca múa và kịch thành Nhà hát Lam Sơn; Nam Định sáp nhập đoàn chèo, cải lương, kịch nói thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống; Đoàn Ca múa kịch Thái Bình giải thể đoàn kịch, chỉ còn bộ phận ca múa cùng với Đoàn Cải lương Thái Bình sáp nhập vào Nhà hát Chèo Thái Bình.
Những đoàn kịch bị sáp nhập đều hoạt động trong trạng thái cầm chừng, không có doanh thu và việc sáp nhập mới chỉ thể hiện trên phương diện hành chính, là “phép cộng cơ học”, gây ra xáo trộn về nhân sự, bất ổn về tâm lý nghệ sĩ, nhiều địa phương không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp độc lập, hoạt động dần bị “nghiệp dư hóa” và kịch nói bị “xóa sổ”.
Trong khi đó, việc thi tuyển biên chế ngành diễn viên kịch nói riêng và diễn viên ngành Nghệ thuật biểu diễn nói chung từ nhiều năm nay bị ngừng lại, không bổ sung chỉ tiêu, đồng thời các đoàn, nhà hát không được cấp ngân sách để trả lương cho các lao động hợp đồng. Nếu đơn vị nào muốn tuyển dụng các nghệ sĩ trẻ thì phải tự chi trả bằng kinh phí của chính đơn vị. Điều này tạo nên khó khăn đối với cả nghệ sĩ và lãnh đạo các đơn vị. Do doanh thu hạn chế dẫn đến việc các đơn vị chi trả lương cho các diễn viên trẻ dưới hình thức hợp đồng thời vụ với mức chi trả thấp và không có bảo hiểm xã hội. Với thu nhập thấp và công việc không ổn định, các đoàn, nhà hát kịch càng khó tuyển dụng, không giữ chân được tài năng trẻ, đồng thời nhiều tài năng trẻ (vốn rất hiếm và khó đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật) bỏ nghề, đi làm công việc khác để mưu sinh. Khi thiếu hụt tài năng trẻ, sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói riêng sẽ thiếu hụt sức thanh xuân, hấp dẫn khán giả và suy giảm về chất lượng sáng tạo nghệ thuật.
PGS.TS Trần Trí Trắc đã nhận định: “Nhiều tỉnh đã coi đoàn văn công là đơn vị hành chính, đã thực hiện giảm biên chế, giảm đầu mối theo phương thức hành chính và họ đã khai tử các đơn vị kịch nói chỉ vì không phải là thể loại truyền thống. Họ đã quên kịch nói một thời là chiếc xe cứu thương, chiếc xe cứu hỏa làm nên những giá trị lớn lao trong nền nghệ thuật sân khấu cách mạng”(1).
Luật Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2013 có nêu rõ: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta” và “di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” (khoản 1 Điều 4). Cải lương có tuổi đời 100 năm, đã được khẳng định là thể loại sân khấu kịch hát truyền thống, là di sản văn hóa dân tộc cần được bảo tồn. Còn kịch nói, cũng có tuổi đời 100 năm, tuy có nguồn gốc từ phương Tây, nhưng khi vào Việt Nam, đã được Việt Nam hóa, trở thành kịch nói kiểu Việt Nam, phản ánh tâm hồn, tình cảm, cuộc sống của con người Việt Nam, do người nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo, phục vụ cho khán giả Việt Nam thưởng thức, đi đầu trong các thể loại sân khấu trong việc phản ánh sự nghiệp dựng nước và giữ nước, không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân Việt Nam… vậy tại sao không thể được coi là “di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc” và cũng cần phải được gìn giữ, phát triển?
Sân khấu kịch nói, trong suốt 100 năm, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Con đường sinh tử của kịch nói hiện nay như thế nào trước cơn bão của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và thực hiện Nghị quyết 19, không chỉ cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là trách nhiệm của các nghệ sĩ, khán giả và toàn xã hội.
_______________
1. Trần Trí Trắc, Cơ chế tự chủ với nghệ thuật sân khấu (qua thực hiện Nghị quyết 19- NQ/TW ngày 25-10-2017), Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, số 3, 2021, tr.8.
Tác giả: TS Trần Thị Minh Thu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn