Kiến trúc Tịnh xá Trung tâm ở quận Bình Thạnh, TP.HCM


Tịnh xá Trung tâm là ngôi tòng lâm nổi tiếng của hệ phái Khất Sĩ, tọa lạc tại quận Bình Thạnh, một quận nội thành của TP.HCM. Với sự kết hợp, đan xen giữa nghệ thuật kiến trúc truyền thống và hiện đại, tịnh xá là một tác phẩm kiến trúc đặc biệt. Với vẻ trang nghiêm, cổ kính, khoáng đạt nhưng không kém phần tao nhã, bình dị, những nếp nhà nhỏ ẩn khuất trong một không gian xanh yên bình, trầm lặng giữa lòng thành phố phồn hoa, hối hả.

Lịch sử hình thành

Tịnh xá Trung tâm được hòa thượng Thích Giác Nhiên sáng lập vào tháng 4-1965. Khuôn viên tịnh xá rộng 5.490m² do bà phán Nguyễn Văn Chà, pháp danh Diệu Kiến, phát tâm cúng dường. Từ 1966-1980, Tịnh xá trở thành trụ sở sinh hoạt của Trung ương Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam. Từ 1980-2017, Tịnh xá Trung tâm là điểm an cư kiết hạ tu tập của chư tăng Khất Sĩ thuộc 6 giáo đoàn. Hiện tại, Tịnh xá còn là chỗ ở tập trung cho tăng sinh của Học viện Phật giáo, các lớp cao – trung Phật học và lớp giảng sư tại TP.HCM.

Là trụ trì của Tịnh xá Trung tâm những năm cuối thế kỷ, hòa thượng Thích Giác Toàn thường xuyên tổ chức cho tăng chúng tu học, với nhiều hoạt động hoằng pháp cũng như tu tập Bát Quan Trai, thuyết giảng kinh pháp hàng tuần cho đông đảo phật tử tại gia. Việc tu tập ở tịnh xá ngày càng mở rộng cho tín đồ trong và ngoài nước.

Thời kỳ đầu, Tịnh xá được xây dựng khá đơn giản với kết cấu bán kiên cố. Các đơn nguyên kiến trúc như: cổng tam quan, chánh điện, nhà thờ tổ, cốc chư tăng, các công trình phụ trợ khác… là nhà cấp 4, thiết kế sơ sài. Phần vách và mái sử dụng vật liệu bằng tôn sắt để che mưa, nắng. Mùa khô nắng nóng, tôn hấp thụ và tỏa nhiệt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cũng như sự tu tập của tăng chúng.

Năm 1971, hòa thượng Thích Giác Nhiên khởi công xây dãy nhà phía sau chánh điện thành hai tầng, để có nơi sinh hoạt và tu tập cho chư tăng. Năm 1980, hai hòa thượng Thích Giác Toàn và Thích Giác Phúc đã kết hợp vừa trùng tu, vừa xây mới, mở rộng một số hạng mục công trình. Từ đó, Tịnh xá có một diện mạo mới. Chánh điện, nhà giảng, nhà tăng được xây dựng mới, kiên cố cùng với nét kiến trúc đẹp.

Năm 1998, hòa thượng Thích Giác Toàn xây dựng bảo tháp 9 tầng để thờ xá lợi Phật. Mười năm sau, hòa thượng xây thêm bảo tháp 7 tầng để thờ tro cốt của phật tử tại gia và bá tánh hữu duyên. Sau này, tầng trệt của tòa tháp 7 tầng này được sử dụng làm phòng thuốc từ thiện của tịnh xá, có tên là Tuệ Tĩnh đường.

Mô hình cấu trúc

Tịnh xá Trung Tâm là một quần thể kiến trúc với nhiều hạng mục công trình, có công năng sử dụng riêng. Tính từ ngoài vào, đầu tiên là cổng tam quan, có thiết kế đơn giản, dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Với chiều rộng 12m, chiều cao 8m, bốn cột chính chia làm ba lối đi, cổng tam quan luôn mở rộng hướng ra ngoài như sẵn lòng đón những người con tìm về với ngôi nhà Phật pháp.

Tịnh xá Trung tâm

Khối chánh điện nằm ở vị trí trung tâm, có mặt bằng hình chữ nhật, thiết kế hai tầng. Các khối công trình phụ trợ được sắp đặt hai bên và phía sau chánh điện. Chánh điện có chiều dài 38m, rộng 18m. Tầng 1 là giảng đường Minh Đăng Quang, nơi dạy giáo lý cho tăng sĩ và phật tử, đồng thời là nơi tổ chức những buổi lễ truyền thống hay lễ trai Tăng của Hệ Phái. Tầng 2 là điện thờ chính, phía sau điện thờ, là nơi thờ Tổ sư Minh Đăng Quang, các vị đệ tử của ngài, là nhà thờ Cửu huyền của bá tánh thập phương, có diện tích khoảng 150m².

Chánh điện hình bát giác, kết cấu hai tầng mái. Mái dưới chia thành tám mái nhỏ hình tam giác cân, xòe ra tám hướng. Mái trên gồm bốn mái nhỏ hơn. Giữa hai tầng mái có những ô trống, để lấy ánh sáng và gió. Mặt trước của chánh điện là bộ khung cửa 6 cánh. Sáu cạnh kia là khung cửa sổ 4 cánh. Cạnh bát giác còn lại, nối thông với nhà thờ Tổ sư Minh Đăng Quang.

Bên phải chánh điện (theo hướng từ chánh điện nhìn ra) là bảo tháp thờ xá lợi và pháp bảo, xây dựng năm 1999. Bảo tháp 9 tầng, cao 37m (tượng trưng cho 37 phẩm trợ đạo). Cầu thang lên tháp được thiết kế bên ngoài. Tháp thiết kế hình bát giác, giật cấp nhỏ dần (tượng trưng cho bát chánh đạo). Chín tầng tháp tôn trí như sau: tầng trệt, thư viện của tịnh xá; các tầng 1, 2, 3, 4, nơi để pháp bảo; tầng 5, để pháp khí đại hồng chung; tầng 6, thờ chân dung, y bát, tro tàn, xá lợi của những vị có chức sắc, phẩm hạnh trong Phật giáo; tầng 7 tôn trí chân dung của Tổ sư Minh Đăng Quang, các vị đệ tử và chư tăng khất sĩ đã mất; tầng 8 thờ 3 tạng pháp bảo: Kinh – Luật – Luận; tầng 9 tôn trí xá lợi Phật và đất thiêng lấy từ tứ động tâm ở Ấn Độ (nơi Phật đản sinh, thành đạo, giảng pháp đầu tiên và nhập niết bàn). Trên đỉnh tháp là biểu tượng hoa sen và ngọn đèn chân lý.

Ngày 31-5-2007, ngôi bảo tháp này được tôn vinh, xác lập kỷ lục trong sách Kỷ lục Việt Nam: “Ngôi tháp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ cao nhất Việt Nam”. Kế tiếp bảo tháp là khối nhà ba tầng. Tầng trệt là văn phòng lớp sơ cấp Phật học, trai đường và phòng nghỉ của phật tử tu bát quan trai. Tầng 1 và tầng 2 là nơi ở của tăng sinh hoặc chư tăng nhập hạ trong ba tháng an cư kiết hạ. Tầng 3 là thiền đường Tánh Nhiên.

Bên trái chánh điện là hai dãy nhà hai tầng thiết kế hình chữ L, gồm phòng khách, phòng nghỉ của vị trụ trì và những vị có chức sắc, cùng tăng sĩ tại trú xứ. Dãy nhà kia, tầng trệt là nhà bếp, phòng ăn của Phật tử cùng các công trình phụ như: nhà vệ sinh, nhà kho… Tầng 1, tầng 2 là phòng nghỉ của ni lưu và quý phật tử vãng lai đến tịnh xá.

Phía sau chánh điện, là dãy nhà hai tầng. Tầng trệt gồm phòng khách và phòng nghỉ của các vị thị giả (người kế cận vị trụ trì). Tầng 1 và 2 là nơi ở của chư tăng lớp Phật học.

Phía ngoài, hai bên cổng tam quan là nhà Vãng sanh 3 tầng: tầng 1, nơi phát hành văn hóa phẩm Phật giáo, phòng vật lý trị liệu và nơi sinh hoạt của đoàn quán gia đình phật tử Tâm Minh. Tầng 2 và 3, nơi thờ tro cốt của các vị phật tử đã mất.

Nhìn chung, quần thể kiến trúc Tịnh xá Trung tâm phá cách, sáng tạo. Đặc biệt, mô hình kiến trúc cốc của chư tăng không còn tồn tại trong khuôn viên tịnh xá như trước. Tuy nhiên, Tịnh xá vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ điển của ngôi tòng lâm cổ tự.

Nghệ thuật tạo hình, màu sắc hội họa

Kiến trúc Tịnh xá Trung tâm chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Nam Bộ, tư tưởng hệ phái và kiến trúc hiện đại. Sự tiếp biến nhiều trường phái kiến trúc, hội họa, điêu khắc… đem đến cho Tịnh xá Trung tâm phong cách kiến trúc vừa truyền thống, vừa cách tân, vừa cổ điển, vừa hiện đại.

Nghệ thuật điêu khắc của Tịnh xá để lại dấu ấn ở hai mặt chạm lộng trên các bao lam ở điện Phật và bảo tháp thờ xá lợi. Chủ đề chính của điêu khắc là hoa sen cách điệu, khắc chạm công phu, đường nét mềm mại, tinh xảo. Hoa sen và ngọn đèn chân lý được cách điệu theo tư duy mô phỏng của mỗi nghệ nhân, dùng trang trí trên các khung cửa, ô gió, phù hợp với từng không gian. Nghệ thuật chạm nổi trong tám bức phù điêu trên tường chánh điện rất ấn tượng. Những bức phù điêu này khắc họa cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sanh đến lúc nhập Niết bàn, cho thấy sự tinh tế và sống động trong từng đường nét, cảnh vật.

Tạo hình của Tịnh xá Trung tâm vừa cổ điển, vừa có sự đột phá. Có thể dẫn ra một số tạo hình tiêu biểu như: phía cuối bờ mái chánh điện và bờ mái nhà thờ cửu huyền, là phù điêu hình con sóng, nằm dưới bánh xe chuyển pháp luân. Chính giữa bờ nóc nhà thờ cửu huyền là hình ảnh bàn tay đỡ bánh xe pháp luân. Hai con rồng phục hai bên, nhìn theo hướng bánh xe chuyển pháp. Cách phối trí hài hòa, tương hợp trong nghệ thuật tạo hình khiến cho cảnh vật trở nên sống động giữa không gian thiên nhiên rộng mở của tịnh xá.

Màu sắc chính dùng trong tịnh xá là màu vàng và màu lam. Đôi chỗ dùng màu nguyên của vật liệu như màu gỗ, màu trắng… Các màu nâu, nâu đỏ, xanh đậm, dùng để điểm xuyết hoặc làm đường viền, tạo điểm nhấn, tăng thêm sự trang trọng…

Nghệ thuật phối cảnh ở Tịnh xá Trung tâm luôn gợi cảm hứng cho du khách vãng cảnh. Mỗi cảnh vật nơi đây, đưa chúng ta tìm về cội nguồn và cõi thiêng. Ngọn giả sơn, cao khoảng 15m, thâm nghiêm và hùng vĩ cùng những ngọn đồi nhấp nhô; từng gốc cây, ngọn cỏ chen lẫn vào nhau… đem lại hình dung về ngọn Phổ Đà Sơn thu nhỏ. Bảo tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cao 9m, đứng trên đài sen cao 4m trông rất uy nghiêm. Lưng đài Quan Thế Âm dựa vào ngọn giả sơn, tạo hình vững chãi, thể hiện sự bao dung của bồ tát. Đài sen, 6 cánh lớn nở xòe ra, 6 cánh lớp búp bao quanh, tượng trưng lục độ Ba La Mật. Nhiều cánh nhỏ bên trong tượng trưng vạn hạnh trang nghiêm của Bồ Tát Quan Thế Âm. Hai bên có hai con rồng chầu, mỗi con dài 12m. Phía trước là một cặp lân phục, gợi sự linh thiêng, huyền bí, tôn kính.

Dọc theo sân, bên trái chánh điện là các tiểu cảnh như: lu nước lớn đặt đứng tự nhiên, các chậu cây xếp thành hình cảnh, bãi cỏ nhân tạo, vài hòn đá đặt có chủ ý ở lối đi… đem lại cảm giác thoải mái, yên bình trong một không gian tĩnh lặng. Đối diện đài Quan Thế Âm Bồ Tát, phía trước bảo tháp thờ xá lợi Phật, là cây bồ đề đại thọ, gốc to cả mấy người ôm. Dưới gốc cây là biểu tượng đồ hình chuyển pháp luân, có tám chi phần tượng trưng cho Bát chánh đạo. Hàng cây sala nở hoa quanh năm, một vài cây cổ thụ rợp bóng mát… trong khoảng sân trước chánh điện, tạo cho cảnh tịnh xá thêm tĩnh tịch trầm lắng.

Có thể nói, kiến trúc Tịnh xá Trung tâm là nét đẹp văn hóa Việt Nam. Sự tiếp nhận có chọn lọc thành tựu khoa học cùng công nghệ hiện đại đem đến cho kiến trúc Tịnh xá Trung tâm một vẻ đẹp, một phong cách riêng. Ở đó, sự kết nối của nghệ thuật kiến trúc truyền thống với hiện đại; sự hội tụ giá trị văn hóa dân tộc và sự viên dung của giáo lý nhà Phật.

50 năm hình thành, trùng tu và kiến tạo mới, Tịnh xá Trung tâm là ngôi già lam có vị thế ở TP.HCM, là điểm du lịch tâm linh, thưởng ngoạn của thập phương bá tánh. Trên bước đường hội nhập và phát triển của Phật giáo Việt Nam, Tịnh xá Trung tâm xứng đáng là niềm tự hào của hệ phái Khất Sĩ.

 

Tác giả : Thích Nữ Huệ Thành

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *