Đền Gióng, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), ven bờ tả ngạn sông Đuống, là một trong những di tích nổi tiếng cả về nghệ thuật kiến trúc cũng như về lễ hội thuộc hàng đặc sắc nhất vùng Kinh bắc (1). Xưa, Phù Đổng thuộc đất Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cũng là quê hương phát tích của nhà Lý, và đền Gióng cũng là nơi gắn bó chặt chẽ với sự ra đời, thịnh vượng của triều đại này.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đền thờ Thánh Gióng có từ thời Hùng Vương và được dựng trên đất vườn của ngôi nhà mà Phù Đổng đã thác sinh. Tuy nhiên, những ghi chép trong Thiền uyển tập anh về chùa Kiến Sơ thì không thấy nói gì tới việc có một ngôi đền thờ Phù Đổng sát cạnh đó. Việt điện u linh chép rằng: “Chí Thành (Cảm Thành) thiền sư dựng chùa ở hương Phù Đổng, lập ngôi thổ thần ở bên phải của chùa”. Nếu vậy, đền Phù Đổng nguyên là một đền thờ thổ thần – thần đất làng Phù Đổng, được dựng đồng thời với việc thiền sư Cảm Thành xây chùa Kiến Sơ trong khoảng đầu TK IX (năm 820). Khi Lý Thái Tổ đến chùa Kiến Sơ học đạo, thổ thần đã hiện lên, xưng mình là Xung Thiên Thần Vương, báo cho vua về việc nhà Lý sẽ lên ngôi và truyền qua được tám đời thịnh vượng. Sau sự kiện này, ngôi đền mới được mở rộng và bỗng chốc, vị thổ thần làng Phù Đổng đã được hóa hình thành một vị thần bảo hộ quốc gia. Theo một số nhà nghiên cứu, việc xuất hiện đền thờ Phù Đổng cạnh chùa Kiến Sơ đã giúp khẳng định cho ý hướng của tư tưởng Phật giáo thời bấy giờ về một đất nước có chủ quyền (2).
Đến TK X, câu chuyện của Khuông Việt thiền sư gặp gỡ với Tỳ Sa Môn Thiên Vương (cũng là Xung Thiên Thần Vương) ở núi Vệ Linh (tên nôm là núi Sóc) cho thấy sự gắn bó chặt chẽ của tư tưởng về chủ quyền đất nước với Phật giáo. Tỳ Sa Môn Thiên Vương vốn là thần Vaisravana – thần bảo hộ thế gian trong Ấn Độ giáo, một trong Tứ Thiên Vương bảo vệ Phật Pháp và là một trong tám vị thần canh giữ các phương hướng, mà cụ thể là phương Bắc (3). Như vậy, có thể vào TK IX, ở Việt Nam, vị thần này đã được du nhập và thờ phụng trong Phật giáo. Khi đó, hoàn toàn chưa xuất hiện một nhân vật nào có tên gọi là Phù Đổng Thiên Vương. Chỉ sau giai đoạn này, Tỳ Sa Môn Thiên Vương mới được Việt hóa với cái tên Sóc Thiên Vương từ câu chuyện của Khuông Việt Thiền sư, rồi được hóa thân vào câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương. Sự hóa thân này chính là một cách đề cao tinh thần chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc từ trước thời Lý. Điển hình là việc Lê Đại Hành đã cầu đảo thần cho chiến thắng quân Tống, rồi thần lại phù trì của cho việc lên ngôi của Lý Công Uẩn. Từ đây, việc thờ Phù Đổng Thiên Vương đã giúp hình thành nên hàng loạt các di tích từ làng Phù Đổng cho đến khắp vùng núi Sóc.
Kiến trúc
Nằm trên một khu đất rộng lớn, ngày nay, du khách muốn vào đền Gióng thì phải qua nghi môn của chùa Kiến Sơ. Qua cửa ngũ quan, phương đình là đến khu chính của đền, có dạng thức tiền nhị hậu công với hai dãy hành lang bao quanh. Đây là một kiểu kiến trúc khá phổ biến trong những di tích hoàn thiện vào TK XVIII ở các vùng ven đô như đình Chèm hay đình Đông Ngạc.
Tuy nhiên, sự khác biệt của đền Gióng có lẽ là có thêm tòa thủy đình và hồ minh đường phía đằng trước, sát chân đê, dành để diễn rối nước vào các dịp lễ hội hoặc ngày húy kỵ đặc biệt. So với những thủy đình chùa Nành (Ninh Hiệp), chùa Thầy (Sài Sơn), đền Sóc (Xuân La, Tây Hồ), ngôi thủy đình đền Gióng có niên đại sớm nhất, TK XVII (4), đời Vĩnh Trị II (năm 1675) và được trùng thu vào gần cuối TK XVIII, đời Cảnh Hưng thứ 36 (1775). Chiếm vị trí gần như trung tâm của hồ nước, tòa thủy đình có mặt bằng hình vuông được dựng theo lối chồng diêm hai tầng tám mái, mang biểu tượng của Thái cực (5). Ngôi thủy đình trước đây rất có thể chỉ có kiến trúc gỗ, nhưng sau đã được xây thêm tường bao và hai bên trổ những cửa hình chữ thọ trong khuôn hình tròn hoặc hình chữ nhật, để tạo nên độ thoáng khí giữa không gian trong – ngoài. Ngôi thủy đình tuy không cao nhưng có tỷ lệ hợp lý với tám đầu đao cong vút, khiến cho toàn bộ kiến trúc như trở nên bay bổng trong không gian của nước và thiên nhiên khoáng đạt.
Khác với đa phần các thủy đình khác chỉ là một kiến trúc tồn tại độc lập giữa một hồ nước, tòa thủy đình đền Gióng còn có thêm một sân khấu được xây dựng phía trước hướng về phía đền với một đường dẫn hẹp xây lan can thấp. Sân khấu này có diện tích gần như bằng với mặt bằng của tòa thủy đình và đã tạo nên yêu tố nhất âm, nhất dương đối đãi cho chính cụm kiến trúc này. Đứng về mặt tổng thể thì thủy đình là yếu tố thiếu dương trong hồ nước âm. Ứng đối với nó qua nghi môn ngũ quan lại có có một tòa phương đình, cũng có diện tích tương tự với dạng thức chồng diêm 2 tầng, có thể xem như là yếu tố thiếu âm của toàn bộ kiến trúc dương. Chúng ứng đối nhau như sự giao đãi âm dương, làm nên khí chất địa linh của khu đền.
Bên cạnh các ý nghĩa tổng thể trên thì chạm khắc ở các thành phần kiến trúc, như các tay chống kẻ góc và đầu bẩy của thủy đình, còn tạo một nét đặc sắc riêng của công trình này. Dường như tất cả trang trí đó đều tuân thủ nguyên tắc tả dương, hữu âm. Các trang trí bên phải của tòa thủy đình đều là những trang trí hoa lá và phượng, còn bên trái là lân và rồng. Trên nguyên tắc đó người ta dần phát hiện ra các hoạt cảnh như cá chép, rồng phun nước, phượng hàm thư, phảng phất ý thức dân gian về việc cầu nguồn nước cũng như gửi gắm mong ước về sự đỗ đạt. Đáng chú ý nhất trong số những chạm khắc ở đây là hai bức chạm có hình người, đều ở cùng một bên. Một bức chạm một người khuất trong bụi trúc đang chĩa ống xì đồng về phía con chim phượng, còn bức kia là một người búi tó đang kéo chân con hươu, phía trên là đôi chim loan phượng đang gù trên cành tre. Để minh họa cho hai mảng chạm này, người đương thời đã ghi rõ các câu chữ Hán kèm theo:
Trượng phu tùng tố tâm phùng mỹ lộc
Quân tử trúc ngưỡng diện xạ phượng hoàng
(Tạm dịch: Người trượng phu quyết tâm nắm được lộc đẹp/ Người quân tử ngửa mặt bắn chim phượng hoàng) (6).
Chim phượng hoàng ở đây có thể được xem như con vật tượng trưng cho ánh sáng, trí tuệ, do đó bắn chim phượng hoàng cũng có nghĩa là sớm giành được ngôi cao. Ý nghĩa này là sự bổ sung một cách hoàn hảo cho các chạm khắc khác về rồng, cá. Như vậy, có thể thấy, việc múa rối hầu thánh, cũng như những hình ảnh chạm khắc đầy ý nghĩa này chính là lời khẩn cầu đối với thần linh phù trì cho con cháu ấm no và đỗ đạt.
Qua một khoảng sân rộng, kiến trúc đền Gióng như bày ra một dạng thức tiểu triều đình mà nghi môn xây gạch với cổng ngũ quan và đôi rồng đã cho thấy tính chất bề thế của nó. Nghi môn, với kết cấu là ba cổng chính, xây dạng cuốn vòm, phía trên là thượng lâu hai tầng có mái với đầu đao cong vút, khiến cho kiến trúc này trở nên thanh thoát. Đồng thời với việc xây thượng lâu, người ta còn tạo ra một hành lang với lan can xây gạch hoa chanh, đứng trên đó, có thể nhìn bao quát phong cảnh của toàn bộ khu đền, từ nhà thủy đình cho đến hậu cung cũng như chùa Kiến Sơ sát bên. Tòa thượng lâu, có treo chuông ở chính giữa. Liền sang hai bên các cổng chính, có hai cổng phụ nhỏ hơn, không có mái mà chỉ được trang trí bằng các đắp ngõa hình kỷ hà. Chính giữa cổng ngũ môn này ghi hàng chữ Thiên hạ thần, hàm ý rằng Gióng vừa là một thiên thần, nhưng cũng lại là một nhân thần.
Theo như niên đại được khắc ghi dưới phần bụng, đôi rồng đá ở nghi môn được tạc vào đời Lê Dụ Tông. Đây cũng là một đôi rồng khá đặc biệt so với đa số những đôi rồng được chạm khắc ở các thềm bậc những nơi cao quý trong nghệ thuật chạm khắc thời Lê Trịnh. Bởi dường như, người thợ đã không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn chạm khắc được ấn định cho việc miêu tả rồng như sừng nai, tai thú, trán lạc đà, miệng lang, mũi sư tử, cổ rắn, vẩy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng. Rồng ở đây có dạng hình yên ngựa với ba khúc uốn, được chạm trên một phiến đá dài gần 2m. Đầu rồng tròn tù, mũi lớn, miệng há rộng, nhưng mắt lại không được chạm lồi lên. Lối chạm khắc này khiến người ta hình dung ra, nhóm thợ dân gian chạm đôi rồng này đã quen với việc chạm khắc những con chó đá, nên cho dù họ có thêm bờm, thêm râu, sừng nai, tai thú, mũi sư tử… thì con vật nom vẫn hết sức ngây ngô. Tượng tự với phong cách này, đôi nghê được đặt phía trong của nghi môn cũng chỉ khác với chó đá bởi tính góc cạnh của gương mặt, khuôn mũi to, hàm lớn và các trang trí trên thân cũng như thêm cái đuôi xoắn mà thôi.
Việc sắp đặt các con thú chầu trong kiến trúc đền Gióng phía trong và ngoài nghi môn khiến người ta liên tưởng đến dạng thức kiến trúc tiểu triều đình, với sân rồng phía trước, nghê (chó ngao) canh gác phía trong, tạo ra một không khí trang nghiêm trước khi vào hầu thánh.
Tòa bái đường và trung đường được dựng song song đều có dạng 5 gian hai chái, vì kèo bốn hàng chân cột, niên đại cuối TK XVII (7). Trước đây chúng được dựng cách nhau một quãng, mặt bằng kè đá và tạo rãnh để thoát nước giữa hai tòa nhà. Sau đó giữa chúng được nối với nhau bằng một hệ thống ống máng thoát nước. Đặc sắc nhất của hai tòa bái – trung đường này là các mảng chạm rồng ổ, đặt giữa các xà thượng và xà hạ nối các bộ vì kèo. Các mảng chạm rồng này cũng chỉ tìm thấy ở gian giữa của tòa trung đường, còn bái đường chỉ có những trang trí rồng đơn giản trên các vì kèo chồng rường.
Khu chính thất của đền Gióng có dạng mặt bằng hình chữ công với tiền đường 5 gian hai chái, tòa ống muống 1 gian và hậu cung 3 gian hai chái được đóng ván đố lụa toàn bộ. Việc xây dựng cũng được tuân thủ theo lối cách dựng hậu cung thờ thánh rất phổ biến ở TK XVII, như các hậu cung của chùa Keo Thái Bình, chùa Keo Hành Thiện, chùa Thầy, nhưng đơn giản hơn. Giữa các hàng cột quân của 3 gian tiền đường hậu cung, người ta lắp những bộ cửa bức bàn. Hai gian kế tiếp có các cửa trấn song, phía dưới là các mảng chạm khắc tứ linh, mang đậm phong cách nghệ thuật dân gian đầu TK XVII. Phía trong hậu cung, hệ thống vì kèo cũng có kết cấu đơn giản, dạng vì chồng rường, giá chiêng cột trốn. Điểm đặc biệt nhất của kiến trúc hậu cung này là việc tạo ra hai cửa hậu và vách gỗ ở hai gian hai bên. Hai cửa hậu này thông sang tòa thờ quan giám sát bằng hai hành lang phía sau của chính thất đền Gióng. Hai cửa này chỉ được mở vào những dịp lễ hội đăc biệt, để tế và làm các nghi thức riêng trong hậu cung. Ngày nay, tại chính giữa hậu cung đền Gióng vẫn còn lưu giữ một bục gạch xây, để đặt ngai thờ đức Phù Đổng Thiên Vương, tương truyền là dấu vết của ngôi miếu cổ ngày xưa, trước khi vua Lý Thái Tổ cho mở rộng ngôi đền. Khoảng sân thiên tỉnh phía sau tòa nhà này vẫn còn một tấm bia thời Lê Kính Tông, Hiển linh từ thạch bi, khắc năm Hoằng Định 6 (1606), kể sự tích Thánh Gióng và việc trùng tu ngôi đền. Rất có thể, đây cũng là niên đại của tòa hậu cung đền Gióng. Ở đây, người ta cũng tìm thấy hai con sư tử đá mang phong cách nghệ thuật thời Trần, mặc dầu có kích thước khá nhỏ, nhưng có thể phỏng đoán đây là chốt bậu cửa của kiến trúc đền xưa. Đôi sư tử này cũng là di vật xác thực cho lịch sử ngôi đền.
Cụm kiến trúc đền Gióng được trải, nối bởi các thành phần kiến trúc liên tiếp, như dạng trùng thiềm điệp ốc, nhưng đồng thời người thợ xưa cũng chú ý đến các giếng trời, kết hợp với bên tả, bên hữu, phía trước, phía sau là các khoảng không rộng lớn như tòa thủy đình, ao mắt rồng. Đồng thời kiến trúc này cũng lại gắn bó chặt chẽ với không gian của chùa Kiến Sơ ở phía bên trái, khiến cho nơi đây không chỉ là một chốn linh thiêng mà còn có phong cảnh kỳ tú.
Điêu khắc
Khởi nguyên, khi chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ thổ thần, đền Gióng chỉ có ngai thờ và bài vị, chưa có sự xuất hiện của tượng Thánh. Việc làm tượng thờ hậu trong các ngôi đình cũng như đền miếu chỉ thực sự xuất hiện vào cuối TK XVII. Đền Gióng cũng vậy, đa phần các tượng đặt trong hậu cung của đền có niên đại khá muộn, khoảng đầu TK XVIII.
Theo các cụ trong làng cho biết, trước đây chỉ có ngai thờ đức Phù Đổng Đại Vương đặt trên dấu tích miếu gạch, nay thuộc trung tâm của toà hậu cung. Ngai thờ này là di vật của thời Hậu Lê, đẹp và tinh xảo. Đến năm 2000, dân Phù Đổng đã hưng công đắp pho tượng và khán thờ bằng đồng ngay trước miếu gạch. Pho tượng này cao gần 3m, mô tả Đức Phù đổng có khuôn mặt khá trẻ con nhưng môi mím, mắt lớn khiến cho tác phẩm dường như rất có thần uy. Hai bên đức Thánh Gióng là tượng sáu vị nữ quan, mà dân gian thường gọi là tượng lục vị tiên nương, một tay đưa ra phía trước, một tay cầm mây có đuôi chớp tạo hình vân xoắn. Tất cả đều đội vương miện, tóc búi, cài trâm, mình mặc áo mớ ba mớ bảy với vân kiên phủ vai và thắt lưng đeo những lá thất Phật. Mặc dầu các pho tượng này chỉ là tượng đất đắp, phủ sơn, nhưng từ trang phục cho đến chân dung đều vô cùng sinh động. Ta có cảm giác như các nhân vật này đang cùng chuyển động trong một điệu múa nhịp nhàng với những âm điệu dìu dặt, lôi cuốn, khi thưa khi mau. Tương truyền đây là những cô tiên đã rẽ mây cho ông Gióng bay về trời.
Chếch lên một chút, ở gian ống muống, có hai pho tượng lính hầu, tượng bên trái cầm quả lôi cán dài, đầu đội mũ tròn trang trí vân mây, tượng bên phải cầm chùy đầu đội mũ quả dưa. Hai nhân vật này tượng trưng cho hai Thiên lôi canh cửa nhà trời, cũng là cho các hiện tượng tự nhiên. Nếu lục vị tiên nương chầu hai bên đức Phù Đổng tượng trưng cho vân vũ (mây mưa) thì hai nhân vật này tượng trưng cho lôi, điện (sấm chớp). Sau này, khi lớp văn hóa Nho giáo được phủ lên, dân gian lại coi đây là hai pho tượng tả văn hữu võ.
Gian tiền đường của hậu cung có bày 4 pho tượng tứ trấn đông – tây – nam – bắc, được tạc tương đối giống nhau. Các vị đều đặt một tay trên ngực, một tay nắm lại, giơ lên ngang vai, như thể đang cầm một vật gì đó.
Các tác phẩm điêu khắc này mang đậm phong cách của nghệ thuật TK XVIII. Và mặc dầu chúng được tạc trong những trang phục theo quy cách cung đình, từ tượng quan tứ trấn cho đến lính hầu, và lục vị tiên nương nhưng thực chất vẫn là những nhân vật tượng trưng cho các nhân tố tự nhiên, mây mưa sấm chớp của tín ngưỡng nông nghiệp, đồng thời cũng tượng trưng cho tầng trời, mà ở đó, đức Đức Phù Đổng Thiên vương là thần chủ. Cái ý nghĩa này còn được thể hiện ra trong những sinh hoạt tín ngưỡng ở đền Phù Đổng vào các dịp lễ hội như trong các bài hát và điệu múa Ải Lao. Bên cạnh các lời hát kể về sự tích đức Phù Đổng, có rất nhiều những lời hát mang tính chất cầu mưa, cầu mùa, cầu cho sinh sôi nảy nở, no ấm.
Đứng về mặt bố cục mặt bằng, hiểu theo ý nghĩa dịch học, người ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng sáu nhân vật nam được bố trí khá đều đặn ở tiền đường và gian ống muống, tạo thành hình của quẻ kiền, còn sáu nhân vật nữ được đặt trong hậu cung tượng trưng cho quẻ khôn. Đây cũng có thể xem như lẽ hóa sinh, sinh hóa để sinh ra vạn vật. Bên cạnh đó, việc những nhân vật này được miêu tả trong các trang phục cung đình cho thấy lớp văn hóa Nho giáo đã phủ trùm lên tín ngưỡng nông nghiệp thờ tự nhiên.
Từ kiến trúc cho đến điêu khắc, đền Gióng là bằng chứng cho sự tích hợp của nhiều lớp văn hóa khác nhau. Xuất phát từ tín ngưỡng Phật giáo, kết hợp với tín ngưỡng bản địa thờ thổ thần, rồi tín ngưỡng thờ các thế lực tự nhiên, cuối cùng là lớp văn hóa Nho giáo được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau trong một nhân vật huyền thoại, nhân – thiên thần Ông Gióng.
_______________
1. Năm 2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
2. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập II, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2006, tr.253.
3. Viện VHNT Việt Nam, Lễ Hội Thánh Gióng, Nxb Văn hóa Thông tin, 2009, tr.139.
4. Niên đại được khắc ghi trên câu đầu của bộ vì.
5, 6. Hai lớp mái như tượng trưng cho lưỡng nghi (mái trên nhẹ là dương, mái dưới nặng là âm), bốn phía mái cho tứ tượng (thái dương, thiếu âm, thái âm, thiếu dương), tám mái tượng cho bát quái (kiền: trời, khảm: nước, cấn: núi, chấn: sấm, tốn: gió, ly: lửa, khôn: đất, đoài: đầm nước). Xem thêm Trần Lâm, Đôi nét về tạo hình trong nghệ thuật rối Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 2-2001, tr.30.
7. Tòa bái đường do ông Nguyễn Huy, người làng Phù Đổng đứng ra xây dựng, còn trung đường do Trạng nguyên Đặng Công Chất đứng ra hưng công. Xem thêm Nguyễn Thị Hòa, Khu di tích Phù Đổng, in trong Lễ hội Thánh Gióng, Nxb Văn hóa Thông tin, 2009, tr.18.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013
Tác giả : Trang Thanh Hiền
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày