KINH NGHIỆM KHAI THÁC TÀI NGUYÊN ĐỘNG VẬT CỦA NGƯỜI MƯỜNG

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Việc nghiên cứu về kinh nghiệm khai thác và quản lý nguồn tài nguyên động vật ở người Mường nói chung và người Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa nói riêng vẫn đang còn là một khoảng trống. Do vậy, chúng tôi bước đầu tiếp cận vấn đề này, nhằm góp một phần tư liệu về tri thức địa phương trong việc sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (cụ thể là nguồn tài nguyên động vật) của người Mường ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Ở Bá Thước, chỉ riêng khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho thấy hệ động vật tương đối đa dạng, có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu với 598 loài, 130 họ và 31 bộ. Các nghiên cứu gần đây đã xác định được 43 loài thú, chưa kể dơi, 11 loài được liệt kê trong sách đỏ. Đối với loài chim, đã xác định được 162 loài, 41 họ và hiện có 2 loài được đánh giá là sắp bị đe dọa trên toàn cầu, đó là diệc nâu và hồng hoàng. Ngoài ra còn có 5/55 loài cá được biết trong và ngoài Pù Luông; 12 loài ốc/ 25 loài bò sát lưỡng cư; dơi, bướm… Có thể chia thành những loại sau: động vật ăn thịt gồm hổ, báo, linh miêu, chó sói…; động vật thuộc bộ móng guốc gồm sơn dương, nai, hươu, hoẵng, lợn rừng…; động vật bò sát gồm kỳ đà, tắc kè, thằn lằn, rắn, trăn…; loài linh trưởng gồm khỉ, đười ươi, voọc…; động vật gậm nhấm gồm chuột, dúi, nhím…; côn trùng gồm ong, sâu, bọ cánh cứng (cánh kiến, bọ tre, ve…), cào cào, châu chấu…; ngoài ra, rừng còn có nguồn thủy sinh như cá, tôm, cua, ốc… ở khe suối.
Săn bắn là hoạt động khai thác chủ yếu nguồn động vật trong rừng. Trong xã hội truyền thống, công việc đi săn chủ yếu dành cho nam giới. Người Mường thường săn bắn theo mùa. Kinh nghiệm dân gian cho thấy, mùa đi săn chủ yếu vào thu – đông bởi những lý do sau:
Trước hết, đây là mùa quả rừng chín (như trám, bùi…), do đó cũng là thời điểm chim, thú béo nhất trong năm. Trên rừng còn có lúa rẫy, ngô, sắn làm cho những bầy thú như lợn lòi, cày, nai, hoẵng, nhím… kéo đến tìm kiếm thức ăn, vì vậy đi săn trong mùa thu – đông còn là bảo vệ mùa màng.
Thứ hai, đây là mùa khô lạnh, ít muỗi, vắt, rắn, rết… (kẻ thù nguy hiểm nhất của người đi săn) nên thuận tiện cho việc săn bắn.
Thứ ba, theo kinh nghiệm của nghề săn, dịp thu – đông là thời điểm thú rừng bắt đèn dễ bắn (1).
Thứ tư, đây là mùa khô lạnh, con người ít mệt mỏi đảm bảo sức khỏe truy sát thú, hơn nữa vào mùa này nếu con mồi mắc bẫy, mắc kẹp để đến ngày hôm sau vẫn còn sử dụng được vì thú không bị thối rữa.
Và cuối cùng, đây là mùa nông nhàn, người dân có điều kiện tổ chức những cuộc săn.
Người Mường kiêng kỵ nhất là đi săn vào mùa xuân, hè bởi hai lý do: thứ nhất, đây là hai mùa rắn rết đi kiếm mồi, chúng là kẻ thù nguy hiểm nhất của người đi săn; thứ hai, quan trọng hơn, vì đây là mùa sinh sản của thú rừng. Vì thế kiêng săn bắn vào mùa xuân có ý nghĩa khác, đó là ý thức bảo vệ nguồn động vật tự nhiên. Hơn nữa thú rừng ở mùa xuân thường gầy yếu do giao phối để sinh sản, nên thịt bị hôi, nhão, ăn không ngon. Với người Mường, việc săn bắn không chỉ nhằm tìm kiếm nguồn thức ăn mà còn là thú tiêu khiển của nam giới. Trước đây, người Mường có lịch săn bắn riêng, là bí quyết của nghề săn, rất tiếc hiện nay đã mai một. Để săn bắn có hiệu quả, người Mường kiêng đi vào thời điểm có trăng (trước rằm) và bắt đầu săn trở lại từ ngày 17 âm lịch đến cuối tháng. Thời điểm săn thường vào lúc trước khi trăng lên, vì thú thường đi kiếm ăn vào thời gian không có trăng (người Mường gọi là thời điểm thú ăn tranh trăng), khi trăng lên cũng là lúc chúng trở về tổ.
Trước kia, người dân thường sử dụng bẫy và cung nỏ hơn là súng. Những loại bẫy họ sử dụng cũng đa dạng, đối với loại thú nhỏ như dơi, các loài gặm nhấm thì dùng cung nỏ, bẫy sập, bẫy dính hoặc lưới quây. Với loài thú lớn hơn như hoẵng, sơn dương, nai… họ dùng bẫy treo, bẫy thòng lọng… Sau này, việc sử dụng súng kíp, súng hỏa mai… phổ biến hơn. Súng trước kia ngoài việc dùng trong săn bắn còn được sử dụng trong đám ma với mục đích thông báo cho làng biết đã có người qua đời.
Người Mường có hai hình thức săn, đó là săn cá nhân và săn tập thể. Săn tập thể là hình thức săn nguyên thủy nhất, thường được diễn ra trong mùa khô từ tháng 8 âm lịch đến hết năm. Khi phát hiện có thú trong rừng như hươu, nai, lợn…, trưởng phường săn huy động toàn thể dân làng cùng tham gia. Ngoài súng họ còn dùng chó, mõ, gậy gộc, lưới vây và hò hét inh ỏi để bao vây truy sát con thú. Những buổi đi săn tập thể thường được tổ chức vào ban ngày, còn săn cá nhân chủ yếu vào buổi tối, ban đêm.
Trước đây, hầu hết các làng đều có phường săn, người Mường ở mường Ống gọi là hội ti tót, người Mường ở mường Khô thì gọi tổ tọt boong có nghĩa là hội đi săn. Phường săn chỉ giành cho nam giới tham gia vì đi săn rất cần đến sức khỏe và phải biết trèo cây khi bị thú tấn công. Mỗi phường săn thường phải có từ 5-7, nhiều thì từ 9-11 tay súng, người ta kiêng số chẵn mà chỉ lấy số lẻ. Đứng đầu phường săn là trưởng phường săn, người có uy tín, kinh nghiệm trong săn bắn, biết tính lịch săn, đồng thời có cồng để tập hợp phường săn và điều khiển chó săn.
Để tổ chức một cuộc săn, người ta phải tính ngày, giờ xuất phát. Người Mường đi ra khỏi nhà làm việc lớn như ăn hỏi, cưới xin cũng như đi săn kiêng xuất phát đúng giờ (cụ thể như 8 giờ, hay 9 giờ…) mà phải hơn hoặc kém thì mới gặp may mắn. Cũng giống như việc đi lấy gỗ, họ kiêng gặp đàn bà, nhất là đàn bà có mang. Ở mường Ống có tục xem chân gà trước khi đi săn. Trưởng phường săn trước khi phát cồng tập hợp quân phải thịt một con gà, bói chân xem có được thú to hay thú nhỏ, tiếng Mường gọi là đường đam có nghĩa được gánh, được khiêng. Nếu được đường đam thì thu quân xuất phát còn không thì hoãn lại để hôm khác. Theo người Mường, tính lịch hay xem chân gà để biết trước kết quả cuộc săn rất chính xác, do đó nó trở thành bí quyết, dù không mấy người am hiểu việc này.
Trước đây, ở mường Ống, mường Khô còn có thày đào tạo phường săn. Ông là người am hiểu sâu sắc về đặc điểm từng loại thú rừng, từng trải và có nhiều kinh nghiệm trong săn bắn, là tay súng thiện xạ, đồng thời am hiểu tường tận cách tính ngày, giờ đi săn. Nếu ai có nhu cầu thì ông truyền nghề để thành lập phường săn. Tuy nhiên, để trở thành một thợ săn lão luyện không đơn giản, đòi hỏi những đức tính kiên trì, nhẫn nại. Những người có tính bảo thủ, hay trả thù, nóng nảy thì không bao giờ được truyền nghề vì tính cách ấy nếu làm thợ săn sẽ gây tai họa cho người khác và cho chính bản thân. Trước hết thày dạy nhận biết chỗ có thú, dấu chân từng loại thú, phán đoán đường đi lối lại của thú, sau đó mới dạy cách dùng súng, phục kích và hạ sát con thú. Những người thật sự thân cận và có đức tính nhân ái, vị tha thì thày mới truyền hết bí quyết, trong đó có bí quyết tính lịch săn, biết trước đi giờ nào, ngày nào, săn ở hướng nào sẽ bắn được loại thú gì. Do đó, một ông thày cao tay trong nghề săn ngồi ở nhà nghe tiếng súng có thể biết người thợ săn hạ sát loài thú nào, ở trên cây hay dưới đất, đực hay cái, màu lông gì và to chừng nào…
Sau khi lĩnh hội đầy đủ kinh nghiệm nghề săn, mỗi lần đi săn được thú, theo lệ, phường săn phải mang đến tận nhà biếu thày một cái thủ và một khấu đuôi để đền đáp công lao chỉ dạy của thầy.
Qua nhiều đời săn bắn, các phường săn đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện dấu chân và đặc điểm kiếm mồi của nhiều loài thú. Loài chút có đặc điểm hay ăn mối, do đó cứ chỗ nào có tổ mối bị bươi ra thì ở gần đó có chút. Loài lon (chồn) và chuột đường đi lại thường nhẵn thín, nhưng đường của lon rộng khoảng 20 – 30cm, còn của chuột thì chỉ hẹp bằng 3 đốt tay. Đối với thú thuộc bộ guốc chẵn, đường đi của lợn lòi to, có dấu chân tù và trên đường đi hay dùng mõm ủi đất. Loài sơn dương cũng có dấu chân tù, to, nhưng dọc đường đi hay ăn các ngọn lá, đó là dấu vết rất dễ nhận biết loài thú này. Loài bò tót cũng có dấu chân tù và rất to, trên đường đi không ủi đất, không ăn ngọn lá, nhưng thường ăn nõn chuối. Cũng thuộc bộ guốc chẵn, dấu chân tù nhưng nhỏ bằng hai ngón tay đó là hoẵng, riêng loài cheo cheo thì dấu chân chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay. Có nhiều loài thú hay ăn ngô như: cầy dông, chuột, khỉ, gấu. Đặc điểm để nhận biết cầy dông là thường hay gặm xoắn cùi. Trong khi đó chuột cũng gặm xoắn cùi nhưng để nguyên cùi trên cây. Loài gấu ăn ngô nhưng thường bẻ thành từng đống. Riêng khỉ, mỗi khi ăn chúng bẻ bắp cắp, mang vào rừng ăn, không để lại dấu vết gì, nhưng đó cũng là đặc điểm dễ nhận biết để săn bắn…
Ngoài ra, họ còn có những kinh nghiệm nhận biết thời gian thú đi ăn và những đặc điểm khác của một số loài. Những loài thú hay ăn vào ban ngày như khỉ, vượn, đắt (thuộc họ chồn)…, còn những loại thú hay đi ăn vào ban đêm như lon, khỉ, hoẵng, chồn hôi, chồn bay… Riêng lợn lòi ban ngày thì ngủ chỉ kiếm mồi vào lúc đầu tối, từ tổ đến nơi kiếm mồi thường đi theo một lối mòn cố định, trừ khi có vật gì tác động thì nó mới chuyển hướng đi khác. Dựa vào đặc điểm này người thợ săn chập tối thường phục sẵn gần đường đi của thú để hạ sát con thú. Tuy nhiên, lợn lòi lại có đặc điểm khác đó là rất ít khi nhìn thẳng vào đèn săn, cũng như khi nhìn thấy ánh đèn thì nó hay lẩn tránh ánh sáng nên rất khó săn. Trong khi đó những loài thú như nai, hoẵng, hưu, cheo cheo, cầy cun, cầy dông… hay nhìn thẳng ánh đèn (bắt đèn) nên rất dễ bắn.
Để tổ chức buổi đi săn, trưởng phường săn đánh một hồi cồng và bắn một phát súng chỉ thiên báo hiệu để tập hợp người và chó săn. Những người có súng được cử đi đón thú ở một địa điểm. Những người còn lại đi theo hướng khác khua cồng chiêng, gõ mõ và la hét inh ỏi để đuổi dồn thú về phía các tay súng đang phục kích. Bầy chó săn cũng xông xáo lùng sục dồn thú về phía các tay súng đang phục sẵn. Chó săn còn có chức năng báo hiệu cho những người thợ săn biết con thú đang ở chỗ nào qua tiếng sủa của chúng. Khi con thú bị hạ sát, người bắn la hét báo hiệu và chạy đến bên cạnh con thú để quan sát xem viên đạn xuyên vào đâu, nếu chưa chết hẳn thì tiếp tục nhả đạn. Những người bắn giỏi thường bắn xuyên tim và xuyên tai làm thú chết ngay tại chỗ. Riêng lợn lòi trúng đạn, thường tấn công người vì thế những người đi săn phải biết trèo cây, điều đó cắt nghĩa vì sao phụ nữ ít khi tham gia cuộc săn.
Săn cá nhân hay còn gọi là săn rình, thường được tiến hành vào chập tối hay ban đêm. Khi phát hiện được dấu chân hoặc tiếng kêu của con thú thường xuyên qua lại ở một cánh rừng, hay mỗi khi thú phá hoại ngô, sắn, lúa trên nương thì người thợ săn lên đường. Dụng cụ đi săn bao gồm súng, tên nỏ, đèn ló, ngoài ra người đi săn dẫn theo chó để đuổi thú về phía chủ và truy sát những con thú đã trúng đạn. Kinh nghiệm cho biết, nếu thú phát hiện thấy hơi người, nó sẽ lập tức bỏ trốn, do đó người thợ săn luôn ý thức không đứng đầu hướng gió. Đành cà seo dóng, đọt moong seo sò (đánh cá theo dòng, săn thú muông theo gió) là câu tục ngữ nói về kinh nghiệm săn bắt, đánh bắt của người Mường. Kinh nghiệm săn thú ban đêm cho thấy, người thợ săn đeo đèn ló trước trán, soi thấy hiện hai đốm xanh biếc thì phải nổ súng hoặc bắn tên ngay vào giữa hai đốm sáng ấy. Nếu để chậm, con thú (nhất là lợn rừng) sẽ quen dần với ánh sáng, tìm đường lẩn tránh và trốn thoát. Các cụ già Mường kể lại, ngày xưa nếu săn được con thú nào lớn (từ con lợn rừng, con nai, con hoẵng trở lên) thì phải làm lễ vái chúa sơn lâm. Nghi thức đơn giản, đó là lấy thịt con vật và một ít rượu làm lễ khấn nôm na và vái tám vái.
Cùng với việc sử dụng súng, nỏ để săn thú thì việc săn thú bằng bẫy cũng rất phổ biến ở người Mường. Người Mường ở Bá Thước xưa kia sử dụng nhiều loại bẫy khác nhau như bẫy kẹp, bẫy thòng lọng, bẫy chông, bẫy chuồng, bẫy lao. Ngoài ra, đồng bào còn sử dụng các loại bẫy dính, bẫy treo, lưới vây… Để tránh tai nạn, những người đặt bẫy thường phải báo cho dân làng hoặc đánh dấu bằng cách cắm cây nêu ở gần khu vực có bẫy để những người đi qua nhận biết tránh đường.
Khai thác nguồn động vật còn bao gồm các loại côn trùng như châu chấu, mối, dế mèn, các loại ong… Chỉ nói riêng việc khai thác ong cũng cho thấy sự đa dạng của các loại ong cũng như những kinh nghiệm và hình thức khai thác phong phú của người Mường. Ở rừng của người Mường Bá Thước có đến cả chục loại ong như: ong mật, ong bò vẽ, ong đất, ong nghệ, ong muỗi, ong xó, ong pò, ong xùa xùa… Người ta thường khai thác ong mật (ong khoái) từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch vì đây là mùa ong đi lấy mật, còn tháng 9 – 10 khai thác ong đất.
Khai thác ong khoái để lấy mật, công việc trước tiên là hun lửa để cho khói xua đuổi ong bay ra khỏi tổ sau đó leo lên cây lấy tổ xuống. Nhiều vùng người Mường còn có kinh nghiệm, nếu những tổ dễ lấy mật thì không lấy cả tổ mà người ta chỉ dùng dao cắt phần mật còn để tổ lại trên cây cho ong tiếp tục làm mật trên tổ cũ. Đặc điểm của ong đất làm tổ ở trong hầm đất. Khai thác ong đất để lấy nhộng, nhưng khi phát hiện thấy tổ người ta cũng dùng lửa hun cho ong say khói sau đó mới đào đất lấy tổ. Nhìn chung, cách khai thác các loài ong cũng thật công phu và cần nhiều kinh nghiệm.
Các loài chim, dơi, gà rừng… cũng là đối tượng săn bắt người Mường. Câu tục ngữ: ầm van cà, chà van chim (trời ấm soi cá, rét soi chim), Khàng hột van cà, khàng chà van chim (tháng bức soi cá, tháng rét soi chim) để nói về những kinh nghiệm ấy. Người Mường có thú săn chim vào ban đêm mùa lạnh. Khi chim ngủ, người thợ săn dùng đèn soi và dùng nỏ hoặc súng để bắn. Ngoài ra, người ta còn dùng các loại bẫy kẹp và bẫy nhựa dính. Đặt đấm ăn cà, sả nhá ăn chim (đào ao ăn cá, thả nhựa ăn chim), Moành ăn chim bọt lán nà, moành ăn cà khằm chán (muốn ăn chim vót tên ná, muốn ăn cá sắm chài) là những câu tục ngữ đúc kết từ kinh nghiệm săn bắt này.
Dơi chủ yếu sống ở trong hang đá. Kinh nghiệm cho biết, muốn bắt được nhiều dơi phải chọn những ngày thời tiết ẩm thấp, có nhiều muỗi (muỗi là mồi của dơi) vì thế Trới dâm đi đành đằng, trời rằng bú đon (trời râm đánh dơi, trời nắng đi bẫy don) là hợp lý nhất. Người ta thường dùng lưới vây chắn cửa hang sau đó chui vào hang xua cho dơi bay ra ngoài để bắt.
Khàng han chói cha, khàng ba đành chán sả lài (tháng hai bẫy gà, tháng ba chài lưới) là câu tục ngữ nói về lịch săn bẫy gà rừng của người Mường. Mùa săn bẫy gà rừng chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và mùa hè, từ tháng 2 đến tháng 5 Âm lịch. Theo kinh nghiệm cho biết cứ đến mùa trẩu nở hoa là mùa gà rừng đi kiếm ăn nhiều nhất vì đây là mùa nhiều sâu bọ (2). Do đó, trong tục ngữ người Mường đã đúc kết: Rở bôông trẩu chẩu hẩu mắt kha (nở bông trẩu tháu láu mắt gà rừng). Gà rừng giống hệt gà nhà, tuy nhiên tầm vóc, xương thịt nhỏ hơn và nhẹ hơn để chúng dễ dàng bay. Tiếng gáy của nó nhỏ nhưng vang xa, vì thế nơi nào có nhiều hay ít người ta đều biết, đặc điểm khác của gà rừng là chúng hay gọi nhau đi kiếm mồi từ lúc tờ mờ sáng. Người Mường có nhiều cách săn bắt gà rừng như săn bằng súng, nỏ, đặt bẫy… Mặc dù gà rừng là con mồi thường rất khó săn bắn vì loài này mắt tinh, tai thính, cánh khỏe, chân nhanh, nhưng lại rất hiếu chiến và hay chọi nhau, nên người Mường thường săn bắt bằng hình thức đánh bẫy. Người ta chọn nơi đặt bẫy ở những khu rừng có nhiều tiếng gà gáy. Mồi nhử gà rừng là gà trống vườn khỏe mạnh hiếu chiến. Họ buộc chân gà mồi vào một cái cọc cố định bằng một sợi dây đủ để gà mồi đi xung cái cọc để đánh nhau với gà rừng. Xung quanh gà mồi được cài các bẫy thòng lọng nhỏ đủ để thắt cổ và chân gà rừng khi chúng nhảy vào nhảy ra đánh nhau với gà mồi. Trong khi cài bẫy người ta tính toán cẩn thận để giữ một khoảng cách an toàn không cho gà mồi vướng phải bẫy.
Ở người Mường Bá Thước cũng có quy ước quản lý nguồn động vật. Lệ Mường quy định, dân ở làng nào thì săn bắn ở địa phận rừng của làng đó, tuyệt đối không được săn bắn ở rừng của làng khác.
Việc phân chia sản phẩm săn được tùy thuộc vào vấn đề tổ chức nhóm người đi săn trên tiêu chí công bằng và ưu tiên cho người bắn đầu tiên. Người trực tiếp hạ sát con thú, theo luật săn được hưởng riêng cái thủ, gọi là lấy phần đầu may hay phần mũi súng, ngoài ra, được hưởng 1/3 bộ lòng và một đùi thịt. Nhưng nếu đến người thứ hai mới bắn con thú chết hẳn thì người thứ hai được một cái đuôi, một phần thịt và xương bả đít. Phần thịt còn lại chia đều cho tất cả những người tham gia cuộc săn. Khoanh thịt cổ được chia đều cho các chủ chó săn. Ai phát hiện có thú báo cho làng đi săn cũng được một phần thịt như những người khác. Nếu thú to, gia đình nào bận quá không tham gia cũng chia cho một phần nhỏ gọi là phần món (phần món có nghĩa là phần quà). Theo tục lệ, người trực tiếp bắn chết thú về nhà làm lễ cúng thần rừng tại nhà và báo cáo thành quả với tổ tiên. Thông lệ, trong khi chia thịt bao giờ cũng phải để dành riêng một phần thịt và lòng cho các thành viên tham gia cuộc săn liên hoan một bữa tại nhà trưởng phường săn. Nếu chỉ săn được thú nhỏ thì không chia phần mà cùng nhau tổ chức ăn uống tại nhà trưởng phường săn.
Thành quả thu được khi săn cá nhân, theo lệ Mường, người đi săn được hưởng cả. Nếu săn được thú to như lợn lòi, gấu, nai… không tự mang về được thì người thợ săn cắt lấy một cái đùi và một cái tai mang về trước báo cho làng biết và cử người đi khiêng thú về. Kinh nghiệm cho biết, nếu cắt một phần thịt trên mình con thú mang về, số thịt còn lại nếu hổ nhìn thấy hổ cũng không ăn vì hổ rất sợ người. Số thịt săn được một phần chia cho những người đi khiêng về và những gia đình trong làng, phần còn lại người thợ săn mời trưởng chòm, tạo bản cùng những người cao tuổi, những người săn bắn giỏi trong làng và anh em họ hàng ăn uống vui chung một bữa tại nhà.
Lệ Mường xưa cũng quy định, nếu con thú bị bắn trên đất làng mình nhưng chết trên đất làng khác thì làng ấy được hưởng một nửa phần con thú.
Trong xã hội truyền thống, đất đai, rừng núi là của chung cộng đồng nhưng trên danh nghĩa lang đạo là những chúa đất cai quản chung. Do đó, theo tục lệ quy định săn tập thể hay săn cá nhân nếu được loài thú lớn như nai, hoẵng, lợn rừng thường phải biếu lang đạo trong mường một đùi trước hoặc một khoanh thịt thăn, vì thế tục ngữ Mường có câu Mướng bành àn rai, chăng nộp vai ý nộp đùi (mường săn được nai không nộp vai cũng nộp đùi). Ngoài ra, còn phải biếu ông trùm (hay còn gọi là ông xã chòm) một phần thịt. Có những mường lang đạo quy định nếu săn được hổ phải nộp da và bộ xương, nếu là gấu phải biếu mật, hay khai thác được tổ ong phải nộp thớt nhộng (nàng ong) đầu tiên. Nếu ai dấu diếm sau này bị phát hiện sẽ bị lang đạo phạt tội.
Cũng giống như quản lý gỗ, từ xa xưa người Mường tuân thủ quy ước về quyền tiên chiếm, đó là khi vào rừng tìm thấy tổ ong, người ta đánh dấu chéo (X), hình chữ thập (+), hoặc cắm một cây nêu vào gốc cây để báo cho người khác biết đã có người sở hữu, những người phát hiện sau không được xâm phạm. Nếu ai vi phạm quy ước này người mất sẽ kiện lên xã chòm, xã chòm có trách nhiệm xử phạt người vi phạm theo lệ làng. Tuy nhiên, đồng bào cũng có những cấm kỵ nhất định. Theo luật tục, không ai trong làng bản được phép săn bắn, bẻ măng, phát nương làm rẫy… ở trong rừng cấm, rừng thiêng của làng. Nếu vi phạm làm cho người thân trong nhà, trong bản bị ốm đau hoặc gặp những điều xúi quẩy thì người đó phải có trách nhiệm mổ lợn, mổ trâu để cúng thần rừng ở đúng nơi đã vi phạm.
Ở một số làng trước đây còn có những kiêng kỵ nghiêm ngặt trong săn bắn. Trong một buổi đi săn người thợ săn nếu gặp một bầy thú cũng chỉ được phép bắn chết một con, nếu bắn tiếp con thứ hai thì phạm vào điều cấm của thần rừng. Ai đó chẳng may vô tình bắn chết con thứ hai thì phải sang tên nhường con vật cho một người khác để chứng tỏ với thần linh là chỉ có bắn một con, nếu không có người để nhường con thú đã trót bắn chết, người thợ săn phải mang cả hai con thú về nhà làm thịt cúng thần rừng, và xin thần rừng bỏ qua cho lỗi lầm đã phạm phải. ý nghĩa thực chất của tục lệ này là bảo vệ nguồn động vật trong khi săn bắn.
Những tàn dư của tín ngưỡng vật tổ (tô tem giáo) trước đây trong xã hội Mường rất đậm nét, do đó người Mường có những kiêng kỵ nhất định trong săn bắn. Người ta kiêng săn bắn cũng như ăn thịt những con vật được cho là có quan hệ gần gũi, đã cứu giúp tổ tiên họ… Chẳng hạn như họ Trương kiêng ăn thịt hổ, khỉ, họ Hà kiêng ăn thịt cuốc, họ Bùi kiêng ăn thịt kỳ đà…
Riêng dòng họ Trương Công ở làng Sèo (mường Khô trước đây) thờ thần hổ và kiêng ăn thịt hổ. Trưởng dòng họ Trương Công hiện nay vẫn còn giữ bàn thờ hổ của tổ tiên để lại (3). Lý do thờ hổ được các cụ trong dòng họ kể lại rằng, con hổ đã cứu ông tổ nhiều đời của dòng họ này thoát qua một kiếp nạn và từ đó thề không ăn thịt hổ và thờ hổ như một vị thần cứu tinh. Để nhớ công ơn đó dòng họ này đã lập bàn thờ thờ hổ như thờ tổ tiên của mình. Trong thời kỳ lang đạo mỗi khi đi săn chủ nhà phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề rồi đặt khẩu súng săn lên bàn thờ để xin thần hổ phù hộ cho đi săn bắn được thú, do đó lần nào đi săn cũng được thú lớn. Nhưng ông trưởng dòng họ Trương Công không lạm dụng sự giúp đỡ của thần hổ nên khoảng vài ba tháng mới xin một lần. Vì theo quan niệm của người Mường nếu săn bắn nhiều thú rừng thì hổ thường hay về bắt lợn ở nhà mang đi.
Các phường săn của người Mường ở mường Khô, mường Ống… trước đây rất kỵ bắn những động vật có chửa nhất là nai chửa. Họ cho rằng bắn phải những con vật có chửa sẽ không gặp may, cả mùa săn năm ấy có đi săn cũng không hiệu quả.
Nhìn chung, những tín ngưỡng tô tem cũng như những kiêng kỵ trong săn bắn là một hình thức bảo vệ và quản lý nguồn động vật, hạn chế khai thác bừa bãi. Đó cũng chính là kinh nghiệm quản lý, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc nhằm duy trì sự phát triển ổn định nguồn tài nguyên quý giá này. Trong xã hội truyền thống, rừng ở Thanh Hóa nói chung và Bá Thước nói riêng chủ yếu là rừng rậm nguyên sinh, rất phong phú các giống loài động, thực vật. Để bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên quý giá này, trong quá trình khai thác sử dụng đồng bào Mường đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu từ việc khai thác đến cách quản lý nguồn tài nguyên động vật.

_______________
1. Thú bắt đèn là khi soi đèn vào con mồi không bỏ chạy tránh ánh sáng mà nhìn nhìn thẳng vào ánh đèn, người thợ săn dễ dàng nổ súng hạ gục con thú.
2. Mùa trẩu nở hoa từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch.
                3. Hiện nay gia đình ông Trương Công Dung (77 tuổi, ở làng Sèo, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước) có một bàn thờ hổ ở trong nhà. Hàng năm gia đình cúng thần hổ vào những dịp tết Nguyên đán, rằm tháng giêng, ăn cơm mới…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011

Tác giả : Mai Văn Tùng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *