Với tinh thần dân chủ mạnh mẽ, văn học Việt Nam đương đại là dòng hợp lưu của những chi lưu. Bên cạnh sáng tác trung thành với thi pháp truyền thống là những sáng tác nỗ lực cách tân, trong đó, tiểu thuyết là thể loại năng động nhất. Bức tranh đa sắc của văn xuôi Việt Nam sau đổi mới được làm nên bởi những sáng tác trong nước và hải ngoại. Đoàn Minh Phượng (sống và viết ở Pháp) đã đánh dấu sự có mặt trên văn đàn bằng hai tiểu thuyết Và khi tro bụi và Mưa ở kiếp sau. Hấp thu khí quyển văn hóa phương Tây hiện đại, bằng kinh nghiệm nghệ thuật mới mẻ, Đoàn Minh Phượng được xếp vào một trong số những cây bút tiêu biểu cho khuynh hướng tiểu thuyết huyền ảo – triết luận. Làm nên đặc sắc của Và khi tro bụi có sự tham gia hiệu quả của kỹ thuật dòng ý thức.
1. Kỹ thuật dòng ý thức trong văn học
Dòng ý thức là một kỹ thuật tự sự hiện đại được khơi nguồn từ Nguyên lý tâm lý học (1890) của nhà tâm lý học, triết học thực dụng William James (1842 – 1910). Ông cho rằng ý thức của con người trôi chảy như dòng sông, trong đó, những ý nghĩ, cảm giác, liên tưởng thường xuyên đan xen, hòa quyện một cách lạ lùng, phi lôgic. Tiểu thuyết dòng ý thức ra đời có đóng góp quan trọng từ chủ nghĩa trực giác của Henri Bergson và các học thuyết tâm lý học, phân tâm học của W. James và S. Freud. Bước vào địa hạt văn chương, dòng ý thức được coi là trường hợp cực đoan của độc thoại nội tâm, nhanh chóng trở thành một xu hướng sáng tạo văn học ở TK XX vì có khả năng đi sâu vào đời sống nội tâm, tầng sâu tiềm thức, vô thức con người. Đại diện cho khuynh hướng sáng tác này trong văn học thế giới phải kể đến James Joyce, Virginia Woolf, Marcel Proust, William Faulkner…
Ở Việt Nam, trong sự chủ động hội nhập với lối viết hiện đại, khuynh hướng dòng ý thức gắn với những cây bút tiêu biểu như Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư… Tác phẩm của họ không đơn thuần là sự thể nghiệm hình thức mà thực sự đã tạo được ấn tượng thẩm mỹ về cuộc sống và con người, về lao động nghệ thuật và những tìm tòi không nghỉ của người nghệ sĩ.
Tiểu thuyết dòng ý thức xác lập nên trung tâm ý thức và ra sức khám phá chiều sâu tâm lý. Các sáng tác theo khuynh hướng này cố ý phá vỡ kết cấu trần thuật truyền thống, thiết lập kiểu không – thời gian tâm lý với thủ pháp biểu hiện nghệ thuật vận dụng độc thoại nội tâm và liên tưởng tự do, chủ trương phá bỏ ngữ pháp và chính tả.
Dòng ý thức dành một khoảng không gian rộng lớn cho những yếu tố thuộc về tiềm thức của nhân vật: nỗi ám ảnh, sợ hãi vô thức, những dằn vặt, tự vấn, dự cảm… Dòng tâm tư không có biến cố trung tâm lại trở thành kho báu vô tận của những cảm giác, dẫn đến hiện thực đầy ắp lời của người khác được cấu trúc lại theo những ám ảnh hoàn toàn chủ quan của cái tôi – người kể chuyện. Nhân vật kể chuyện sống trong một vũ trụ đặc biệt không chia ranh giới. Sức nặng của câu chữ, vì thế, không nằm ở những biến cố, sự kiện, tình tiết mà lắng đọng trong từng chuỗi suy tư, chiều sâu của chiêm nghiệm.
Sự xuất hiện liên tục của trạng thái ý thức vẫn xảy ra hiện tượng trộn lẫn, đang nghĩ cái này cũng có thể chợt nghĩ đến cái khác rồi quay trở lại, tưởng chừng như mọi ý nghĩ đều dang dở. Nhân vật dòng ý thức thường sống với những suy tư, những khoảng trống vô nghĩa đến bất chợt hoặc kéo dài trong những khoảng lặng của tâm hồn. Đó có thể là suy tưởng tự do, là nỗi niềm chợt hiện của những linh hồn ở một thế giới vô định. Sự hỗn độn đó, phần nào đã thể hiện đúng bản chất của dòng suy tư vốn là sợi dây xoắn bện chằng chịt của những ý nghĩ.
Trong tác phẩm dòng ý thức, tác giả thể hiện vô số dòng chảy của ấn tượng, suy nghĩ đang hình thành, những lầm lẫn, âu lo, ngập ngừng, những xung lực đột ngột của ý thức con người. Tất cả những điều đó đặt trong dòng chảy của độc thoại nội tâm, khiến cho người đọc liên tục bị đặt vào ranh giới của cái khó hiểu. Dòng chảy của ý thức nhân vật là dòng chảy liên tục nhưng dường như ở đó chứa đựng yếu tố bất định, bởi lẽ, “Trong tiểu thuyết dòng ý thức, chuỗi cảm xúc của nhân vật ùa về như một dòng sông miên man… có những rẽ ngoặt bất ngờ sau cái vẻ lặng lẽ bên ngoài”(1)… Đọc Và khi tro bụi, có thể nhận ra những biểu hiện của kỹ thuật dòng ý thức đã chi phối cấu trúc tác phẩm.
2. Biểu hiện của kỹ thuật dòng ý thức trong Và khi tro bụi
Dòng suy tư bất định và sự sáng tạo mô hình cốt truyện
Và khi tro bụi gây ấn tượng từ dạng tiểu thuyết ngắn được trần thuật ở ngôi thứ nhất. Nhân vật chính sống trong cô đơn mang niềm đau câm lặng. An Mi với tâm trạng tha hương, lạc loài đi tìm cái chết để bỗng ngộ về lẽ sống. Nghệ thuật kể không quá thiên về kỹ thuật nhưng dòng chảy của tâm trạng, những câu chuyện về mình, về người hiện ra đậm nhạt, hư thực, tưởng như kết thúc mà vẫn dở dang. Dòng hồi ức ngẫu nhiên, tùy tiện làm nên chân dung nhân vật chính. An Mi luôn hiện diện qua những dòng độc thoại nội tâm rối bời, mâu thuẫn. Cô không được miêu tả với dáng nét, gương mặt, nghề nghiệp, tuổi tác cụ thể. Tác giả chỉ chú tâm diễn tả tâm trạng cô ở thì hiện tại chưa hoàn thành. Chuỗi hồi ức, ảo giác, tưởng tượng đan xen, hòa quyện vào nhau làm cho cô có cảm giác lạc vào mê cung của những kỷ niệm, liên tưởng đứt đoạn, đổi hướng chảy miên man không thể sắp xếp được. Hồi ức về người chồng quá cố, người cha nuôi, những bức tường đá lạnh tuổi thơ, những nốt nhạc, chiến tranh… dường như cùng lúc sống lại với hiện tại đổ nát của An Mi. Hồi ức không còn thuộc về quá khứ nữa, nó không những có mặt cùng hiện tại mà còn được tái hiện đầy đủ với những rung động rất tinh tế của cảm giác trong tương quan với sự kiện người chồng đã mất. Những hồi tưởng bất định và vô tận đã hé mở nội tâm trống rỗng, đầy u ám của một người phụ nữ tuyệt vọng, không lối thoát.
Ngoài những dòng hồi ức tự bạch, ta còn bắt gặp những giấc mơ của An Mi – một dạng đặc biệt của hồi ức. Trong mơ, những cảm xúc, ấn tượng từ tầng sâu vô thức trở nên rõ nét. Anita hiện về trong giấc mơ của An Mi là một gương mặt không rõ nét nhưng có lời nói, cử chỉ, hành động và có cả tâm trạng. Qua cuộc nói chuyện với linh hồn Anita, An Mi có thể thấy được sự cô độc, lạc loài, vô vọng của người đàn bà xấu số: bị bỏ rơi, bị lãng quên. Giấc mơ ấy khiến cô chợt nhận ra thân phận của mình, khóc thương cho Anita cũng chính là khóc thương cho mình. Hồi ức về người cha nuôi là những kỷ niệm ngọt ngào xen lẫn cay đắng nhưng cũng giống như một giấc mơ lạ lùng.
Và khi tro bụi, là sự pha trộn giữa hiện thực của hồi tưởng với ảo giác, chiêm bao, giả định…, không đem đến cho người đọc một hiện thực đáng tin nào, nhưng dẫn dụ người đọc suy ngẫm về ý nghĩa cuộc sống, về cái lạ lùng, đa đoan của thân phận người. Thủ pháp dòng ý thức chi phối quá trình xây dựng cốt truyện. Tác giả để cho câu chuyện phát triển theo diễn biến tâm trạng nhân vật, cho sự đan xen giữa ý thức và vô thức.
Và khi tro bụi có hai cốt truyện đan xen nhau, và một trong hai cốt truyện đã được tác giả xây dựng trên cơ sở dòng ý thức của nhân vật. Lớp cốt truyện thứ nhất kể lại quá trình đi chuẩn bị cái chết của An Mi – một góa phụ sống trong nỗi cô đơn vô vọng. Lớp cốt truyện thứ hai kể về bí mật gia đình ông Kempf. Mục đích truy tìm bí mật của gia đình ông Kempf mà cô tình cờ đọc được trong cuốn sổ của người trực đêm khách sạn đã kéo dài hành trình của cô hai năm. Xuyên suốt tác phẩm, ta nhận thấy dòng suy nghĩ triền miên của An Mi trong hành trình đi tìm lại chính mình, tìm lại cội nguồn, quá khứ, ý nghĩa cuộc sống, đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Kết cấu lắp ghép
Thủ pháp dòng ý thức có vai trò quan trọng trong việc tạo ra sợi dây liên kết giữa các mảng hiện thực trong tác phẩm. Những mảng hiện thực được đặt cạnh nhau như những khối vuông rubich – sự lắp ghép. Cũng như kết cấu đồng hiện, kết cấu lắp ghép được xây dựng trên cơ sở dòng ý thức của nhân vật chính góp phần vào việc phá vỡ kết cấu tự sự truyền thống. Bởi lẽ, nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại là sự kết nối các điểm nhìn với nhau chứ không nhẫn nại đi theo tuần tự đều đặn của thời gian và sự kiện.
Dường như mạch truyện Và khi tro bụi bị xé rời thành nhiều mảng hiện thực khác nhau, nhưng người đọc vẫn nhận ra mạch chính. Bởi lẽ, cái mà tiểu thuyết hiện nay hướng tới không phải “…một ca tâm lý đặc biệt, mà hướng về một ý niệm, một triết lý, một ám ảnh của con người hiện đại… Những vấn đề của tình huống, đó chính là cái thay thế cho nhân vật (2).
Chuyện của An Mi: sự ra đi đột ngột của người chồng – An Mi chuẩn bị cái chết cho mình sau ba tháng trên những chuyến tàu vô định khắp châu Âu – tình cờ đọc câu chuyện gia đình ông Kempf – thời gian từ ba tháng chuyển thành hai năm để tìm hiểu bí mật trong câu chuyện – cô gặp hồn ma Anita trong mơ – cô khao khát được sống, tìm lại đứa em mình bị thất lạc trong chiến tranh. Xen kẽ với mạch truyện đó là những trang nhật ký của Michael – người viết câu chuyện về gia đình mình và những trang nhật ký của Anita mà An Mi tình cờ đọc được như một duyên gặp gỡ giữa những số phận có nét tương đồng. Sự kết hợp thể loại (truyện, nhật ký) vừa tạo nên cấu trúc phức hợp, vừa tạo nên điểm nhìn của các nhân vật về một vấn đề.
Hai mạch truyện gắn kết, tương tác, được nâng đỡ bởi dòng ý thức liên tưởng tự do của An Mi. Qua dòng ý thức, nhà văn không chỉ tái hiện một thế giới mà còn biểu hiện chân dung tinh thần con người. Thế giới nội tâm là nét vẽ chủ đạo cá thể hóa nhân vật khi tất cả các thông tin hiện thực khác đã bị làm mờ. Chính dòng ý thức gắn với chủ thể tại đây – bây giờ đã hiện tại hóa thời gian truyện kể, làm thời quá khứ mất đi chức năng vốn có. Biểu hiện dòng ý thức của nhân vật qua tiếng nói của người tham dự trực tiếp với những cảm giác sống động, hiện sinh thực ra cũng chỉ là cách tiếp cận với hiện thực từ quan niệm của văn xuôi hiện đại.
Độc thoại nội tâm
Độc thoại nội tâm được xem là thành phần chủ yếu của lời văn nghệ thuật, đảm nhận chức năng biểu hiện thế giới tinh thần của nhân vật, cả “các vận động chưa thành hình của tâm hồn con người”, “thông báo một ý nghĩ giữa lúc ý nghĩ đó đang hình thành” (P.Lievre), tạo nên tính tự nhiên và chân thực của đời sống nội tâm. Cuộc đối thoại với Michael xuất hiện lời nói vô thức của An Mi mà chính cô không ý thức được mình vừa nói gì, tại sao lại nói như thế. Ngoài việc biểu hiện tính chất tại đây của ý nghĩ, độc thoại còn thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm. Dòng ý thức không chỉ khai mở ý thức mà còn mở ra chiều sâu vô thức trong đời sống của chính nhân vật, vì thế, lời văn nghệ thuật được thể hiện tùy thuộc vào mạch tư duy và cảm xúc của nhân vật.
Dòng ý thức không chỉ là một đối tượng trọng tâm để khắc họa nhân vật mà còn là một kỹ thuật tự sự, không chỉ là đối tượng trần thuật mà còn là cách thức để trần thuật. Có thể nói, ngôn ngữ là phương diện thể hiện nỗ lực lớn nhất của Đoàn Minh Phượng trong quá trình tạo tác. Đẩy đối tượng miêu tả vào cõi mịt mù của vô thức, nhà văn đồng thời phải huy động trường từ vựng diễn tả những thứ mơ hồ, không rõ ràng, phi thực. Đoàn Minh Phượng tỏ ra dồi dào trữ lượng ở địa hạt này. Có hai trạng thái cảm xúc mà người đọc dễ bắt gặp khi đọc tác phẩm. Trước hết là cảm giác về thiếu lôgic, nhiều khi độc giả có cảm giác như đọc văn dịch. Người đọc cũng thường bắt gặp kiểu lặp cấu trúc câu một cách máy móc như cách người nước ngoài dùng tiếng bản địa hay những câu dài với nhiều mệnh đề không đồng dạng được đặt cạnh nhau, gây nên cảm giác về một sự hỗn độn. Kế đến là cảm nhận về sự tinh tế, mượt mà, đằm thắm, thẳm sâu của ngôn từ. Ngôn ngữ tinh tế, đẫm chất thơ của Đoàn Minh Phượng đã diễn tả được những điều thuộc về thế giới bên trong, nhưng không phải là những giằng xé quyết liệt hay xung đột cao trào, mà là những cảm xúc lắng sâu, da diết, đầy tính nữ.
Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng nhất của tiểu thuyết. M.Bakhtin đã từng nhận định: “Ngôn ngữ tiểu thuyết là cả một hệ thống những ngôn ngữ soi sáng lẫn nhau, đối thoại với nhau”(3). Nhà triết học Martin Heidegger cho rằng: “Nghĩ đến một ngôn ngữ có nghĩa là nghĩ đến một phương thức sống”. Wollgang Kayser cũng nói: “Bên ngoài ngôn ngữ thì không có thế giới”. Như vậy, ngôn ngữ văn xuôi hiện đại không còn mang ý nghĩa là công cụ, vật chuyên chở, vỏ bọc mà là phương thức tồn tại của con người, là một thế giới độc lập.
Nét mới trong ngôn ngữ nghệ thuật của tiểu thuyết dòng ý thức là từ ngữ gợi liên tưởng các sự việc, cảm xúc mang tính phối nghĩa. Trong Và khi tro bụi, sự liên tưởng được thể hiện khá độc đáo. Đoàn Minh Phượng sử dụng từ ngữ liên tưởng vô thức của An Mi trong hành trình trở về với sự sống. Có thể nói, lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết dòng ý thức được các nhà văn sử dụng ở nhiều góc độ khác nhau. Đó có thể là lời nửa trực tiếp, lời độc thoại nội tâm, lời đối thoại của nhân vật… tạo nên sự đa nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật. Sự gia công ấy đã giúp nhà văn biểu hiện được những góc độ tâm lý khác nhau trong đời sống nội tâm của nhân vật từ góc nhìn hiện tại. Tại đó, cuộc sống của nhân vật thể hiện một cách bình đẳng với nhà văn. Đó chính là đóng góp mới mẻ của lời văn nghệ thuật biểu hiện trong những tiểu thuyết sử dụng thủ pháp dòng ý thức.
Kết cấu đồng hiện không – thời gian đa tuyến, phi thực
Không – thời gian nghệ thuật trong các tiểu thuyết hiện đại là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật, nó không đồng nhất với không gian khách thể và thời gian vật lý. Phần lớn nhân vật trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng đều mang dáng dấp của kẻ đi tìm thời gian đã mất. Cái đã mất là khoảng bị tẩy trắng hoặc bị xóa nhòa bởi những lý do riêng, thường là một biến cố dữ dội. Trong Và khi tro bụi, điểm mốc thời gian “một ngày tháng 11 sương mù” thực ra rất mơ hồ, chỉ là cái cớ để nhân vật bắt đầu cuộc phiêu lưu trong mộng tưởng. Trong cuộc phiêu lưu bất định ấy, ám ảnh về quá khứ, về thân phận bỗng trỗi dậy, buộc cô phải đối diện với quá khứ – thứ mà trước đây cô đã tẩy xóa kỹ lưỡng. Những hạn định về thời gian cho cuộc sống được An Mi đặt ra: ba tháng hay hai năm đều đậm chất tượng trưng. Am Mi mộng mị, đắm chìm trong suy tư khiến thời gian như ngưng đọng.
Thời gian nội tâm của con người không thể đo lường bằng phương tiện cơ học. Khi An Mi lội ngược dòng quá khứ thì hiện tại bị tước bỏ, đúng hơn, quá khứ được hiện tại hóa và không còn xác thực. Từng lớp sự kiện hiện lên như những thước phim được cắt dán. Bằng thủ pháp điện ảnh, không khí câu chuyện trở nên huyền ảo, những hồi ức tỏa rộng và đan bện vào nhau. Thời gian bị tháo khỏi trục của nó, các sự kiện được tháo rời, đánh mất đường viền, trở nên phi thực vì nhân vật chính đã trải qua một cơn di chấn tinh thần nặng nề. Phương Lựu đã khái quát rằng: “Theo sự biến hóa của tâm lý và sự chuyển động của ý thức, thường xen kẽ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, làm cho thị giác, hồi ức và mong ước của nhân vật dung hợp lẫn nhau”(4).
Dễ thấy nhân vật trong Và khi tro bụi là những con người lạc lõng trước thực tại, là những cá nhân đi tìm bản thể. Những con người với số phận bình thường đó khi được soi chiếu ở nhiều góc độ khác nhau của không – thời gian thì mới phát hiện được “nhân vật không tương hợp với số phận và vị thế của nó” (M.Bakhtin). Kết cấu đồng hiện về không gian và thời gian là một cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Bằng kỹ thuật dòng ý thức, Đoàn Minh Phượng đã góp phần vào nỗ lực cách tân tiểu thuyết đương đại. Tác giả đã dựng nên những câu chuyện siêu thực, kêu gọi trí tưởng tượng và khả năng đối thoại từ phía độc giả để họ tin vào sự vận động và hội nhập mạnh mẽ của tiểu thuyết đương đại Việt Nam trong dòng chảy văn chương thế giới. Nếu coi tiểu thuyết hiện đại là một cuộc chơi thì đó là cuộc chơi thật lắm công phu và cần nhiều trí tuệ. Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng là một cuộc thử sức ấn tượng của một nhà văn ý thức được lao động nghề nghiệp và dành tình yêu mến cuộc sống, con người.
_______________
1. Mai Hải Oanh, Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009, tr.46.
2. Đặng Anh Đào, Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.28.
3. M.Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992, tr.87.
4. Phương Lựu, Lý luận phê bình văn học phương Tây TK XX, Nxb Văn học – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001, tr.199.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014
Tác giả : Nguyễn Đức Toàn
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu thuyết kiếp người 3 – lạnh nhìn từ góc độ thi pháp thể loại
Cảm thức cô đơn trong linh sơn của cao hành kiện
Cảm thức thời gian trong ngàn cánh hạc của yasunari kawabata