Giữa vùng Đông Bắc đại ngàn, hùng vĩ, Lâm Bình hiện lên thanh sơ, tuyệt đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Dừng chân nơi đây, du khách như lạc vào chốn bình yên, thanh tĩnh…
Lâm Bình là địa danh nằm ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, giáp với các địa danh trong hành trình du lịch khám phá vùng cao Đông Bắc, Tây Bắc như Bắc Mê, Bắc Quang (Hà Giang), Chiêm Hóa, Na Hang (Tuyên Quang). Vùng đất này sở hữu một vẻ đẹp thiên tạo hiếm vùng đất nào có được. Đó là một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp và trong trẻo đến lạ thường. Nơi đây từ lâu được mệnh danh là một “Hạ Long trên cạn” với bao thắng cảnh làm nức lòng người.
Do địa hình đồi núi điệp trùng, xen kẽ với những cánh đồng bát ngát nên đứng từ trên cao để chiêm ngưỡng tổng thể Lâm Bình có những thung lũng bằng phẳng, rộng và đẹp. Những thung lũng đó tựa như những bức tranh đang ngời lên sức sống được tạo bởi những bản làng bình yên, những con suối chảy róc rách, những cọn nước mang nước về những thửa ruộng. Xung quanh thung lũng là vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của những triền núi uốn quanh những cánh đồng, quanh con sông Gâm xanh thẳm. Lâm Bình là một vùng xanh bởi thảm thực vật quanh năm xanh tốt, màu xanh của lúa ngô và sông Gâm. Vì thế, khi bước chân vào không gian nơi đây, du khách sẽ cảm nhận được không khí mát lành, thanh sơ và yên tĩnh.
Hiếm có vùng đất nào lại sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh tự nhiên và di tích lịch sử như ở Lâm Bình. Vì thế, khi đến đây, cần có thời gian để lần lượt khám phá hết vẻ đẹp còn tiềm ẩn của vùng đất này. Lâm Bình có tới bảy di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia. Đó là chùa Phúc Lâm, xưởng quân khí H52, hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me, thắng cảnh Thượng Lâm; đền Pú Bảo. Đặc biệt, khi đến Lâm Bình, khách tham quan sẽ có cơ hội khám phá những công trình thiên tạo vô cùng độc đáo và kỳ vĩ. Đó là thác Nặm Me thuộc xã Khuôn Hà gồm 15 tầng đổ thành dòng thác mềm mại tựa như dải lụa vắt từ rừng đại ngàn. Đó là động Song Long với hang động kỳ vĩ, nhũ đá hoa cương lấp lánh. Rồi hang Khuổi Pín mà cư dân bản địa vẫn hay gọi là hang gió rất độc đáo bởi trên đỉnh núi này, gió thổi suốt ngày đêm, miệng hang hút gió vào phát ra những âm thanh du dương như bản nhạc. Ở xã Phúc Yên còn có những điểm dừng chân nổi tiếng như hang động Pài Pó, làng chài, suối Phiêng Mơ, đồi Mâm Xôi… Ở xã Thượng Lâm có thắng cảnh Cọc Vài Phạ giữa mặt hồ sông Gâm, thác Khuẩy Nhi đẹp tựa cõi tiên.
Nét thanh sơ, trong trẻo của xứ sở Lâm Bình được gợi lên từ những bản làng. Đó là không gian sống từ lâu đời của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Pà Thẻn… quần tụ dưới chân những ngọn núi cao sừng sững, phía trước là cánh đồng và những con suối. Không gian ở đây bình dị và rất đỗi thơ mộng. Có những bản nhà sàn với những ngôi nhà sàn rộng, vững chãi bên triền núi. Những đồi cọ xanh rờn, xen vào ngô lúa và những con đường làng uốn lượn gợi lên sự bình yên. Không gian nơi đây có sự giao hòa giữa con người, nhà cửa, với thiên nhiên, mây trời. Chiều chiều, màn sương sà xuống những bản làng, khói bếp tỏa ra từ những ngôi nhà sàn khiến cho không gian quyện lại thành những màn mây trắng tựa bông, vương vất trên những mái nhà lá cọ. Suối róc rách đêm ngày, nhịp quay đều đều của cọn nước, tiếng gà gáy, tiếng mõ trâu lóc cóc trên rừng và cả những thanh âm hát then vang lên từ phía bản làng là nhịp sống của Lâm Bình khiến cho du khách cảm thấy nhẹ nhõm, xua tan bao ưu phiền để tiếp tục khám phá vẻ đẹp nơi đây.
Đến Lâm Bình, du khách được chiêm ngưỡng những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc được hình thành từ bao đời nay như lễ hội nhảy lửa huyền bí của đồng bào Pà Thẻn, lễ hội Lồng Tông, nghi lễ Then của đồng bào Tày, nghề dệt thổ cẩm, dệt vải của đồng bào Tày, Mông, lễ hội bơi chải trên sông Gâm rất sôi động. Khi đặt chân đến vùng đất này, bạn có thể lựa chọn các hình thức khám phá như đi xe đạp, xe trâu, xe máy để tham quan các bản làng, các địa danh. Có thể chọn cách chèo thuyền rong ruổi đi thăm các con thác, du ngoạn trên lòng hồ thủy điện hay cắm trại, đốt lửa tại rừng nguyên sinh. Buổi tối, bạn có thể nghỉ tại bản nhà sàn với cách phục vụ theo kiểu homestay rất thân thiện và ấm áp. Ẩm thực Lâm Bình rất phong phú và đậm đà dư vị. Đó là những món ăn được cư dân bản địa chế biến để mời du khách như món lợn bản, vịt lam, cơm lam, nem măng, bánh trứng kiến, thịt lợn đen muối chua, xôi ngũ sắc, nộm da trâu, cá lăng nướng, xào, lá cải nương cuốn thịt trâu, mắm cá chua, bún chua…
Đến Lâm Bình, du khách sẽ có những giây phút sống chậm, thư thái để hòa mình với bức tranh sơn thủy giữa đại ngàn Đông Bắc.
Tác giả: Nguyễn Thế Lượng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ