Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nỗ lực vượt khó mùa dịch COVID


Tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22-01-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa) nằm trong danh mục các địa điểm có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Làng Văn hóa đang phấn đấu trở thành Khu du lịch quốc gia vào năm 2020 với mục tiêu đón 800.000 đến 1 triệu lượt khách (năm 2020), 2 triệu lượt khách (năm 2030). Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã gây ra khó khăn lớn, đòi hỏi Làng Văn hóa phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2020, cho đến nay đã gây ra nhiều khó khăn cho xã hội, trong đó có các đơn vị của ngành VHTTDL… Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL nói chung và Làng Văn hóa nói riêng đã nỗ lực duy trì hoạt động, nhưng vẫn đáp ứng việc phòng chống dịch hiệu quả.

Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, cùng với việc tổ chức các hoạt động tại Làng Văn hóa để đón tiếp và giới thiệu với khách tham quan, Ban Quản lý đã thực hiện nghiêm túc và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ VHTTDL. Ngay từ đầu năm, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, Bộ VHTTDL đã có công văn số 425/BVHTTDL -LVHDL về việc dừng tổ chức ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2020, một hoạt động thường niên. Ban Quản lý Làng Văn hóa đã nhanh chóng thực hiện nghiêm yêu cầu này và triển khai việc phòng, chống dịch bệnh tới các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý. Tiếp đó, quy mô các hoạt động chủ đề tháng 3 “Sống như những đóa hoa” được xác định theo 2 phương án: chỉ thực hiện các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, giảm hoạt động điểm nhấn (COVID-19 chưa chấm dứt); tổ chức tất cả các hoạt động tăng cường (khi kết thúc dịch COVID-19). Tại Ban Quản lý Khu các làng dân tộc thường xuyên được khử khuẩn, vệ sinh môi trường trụ sở và khu vực có đồng bào dân tộc đang hoạt động, sinh sống. Tuyên truyền, phổ biến phương pháp và cung cấp đầy đủ cho đồng bào đồ dùng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cử cán bộ theo dõi, kiểm soát công tác phòng, chống dịch bệnh của đồng bào để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Tiếp tục tạm dừng tổ chức các chương trình nghệ thuật cuối tuần và có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh đối với các đoàn khách du lịch, đặc biệt là các đoàn khách quốc tế.

Khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành, Ban Quản lý Làng Văn hóa đã tiến hành cho công chức, viên chức, người lao động làm việc qua các phương tiện công nghệ thông tin tại nhà, vẫn duy trì các hoạt động thường xuyên của đồng bào dân tộc tại Khu các làng dân tộc theo đúng quy định; dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch và tổ chức sự kiện (dừng tổ chức sự kiện chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”), hạn chế đón tiếp khách du lịch để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để chung tay hỗ trợ đồng bào dân tộc vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội và Công ty TNHH Phú Vĩnh Hưng đã trao tặng 1.000 khẩu trang cho đồng bào các dân tộc và cán bộ, nhân viên làm việc tại Làng Văn hóa. Đây là món quà có ý nghĩa lớn trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thể hiện sự quan tâm của Hiệp hội tới Làng Văn hóa và đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc tại đây. Sau Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các làng dân tộc cũng thực hiện việc cách ly, làng nào cách ly làng ấy nhằm góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch. Bên cạnh đó, Công đoàn Bộ VHTTDL, Công đoàn Ban Quản lý Làng Văn hóa và nhà tài trợ Liên Minh Group đã trao 2 tấn gạo cùng 20 triệu đồng tới tay đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa.

Sau khi lệnh giãn cách xã hội được hủy bỏ, Ban Quản lý Làng Văn hóa đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ và hoàn thành tốt kế hoạch được giao. Đồng bào các dân tộc cùng nhân viên Ban Quản lý Khu các làng dân tộc thường xuyên làm công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm điểm đến xanh – sạch – đẹp, trồng, chăm sóc, cắt tỉa nhiều loại hoa cây cảnh. Các loài hoa đủ sắc màu như: hoa dâm bụt, hoa cúc, hoa giấy, hoa tam giác mạch đua nhau bung nở rực rỡ đã tạo nên cảnh quan đẹp mắt cho không gian chung của Làng.

Ban Quản lý đã tiến hành ổn định hoạt động hằng ngày của 16 cộng đồng dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa và tổ chức các hoạt động theo chuyên đề các tháng. Tại chính ngôi làng của mình, đồng bào dân tộc tập trung giới thiệu văn hóa truyền thống, lễ hội, dân ca dân vũ, giới thiệu sản vật, nét đặc sắc trong ẩm thực của dân tộc mình tới du khách. Các hoạt động đón tiếp khách giới thiệu không gian văn hóa dân tộc và giao lưu với khách tham quan luôn được chú trọng trong hoạt động hằng ngày của cộng đồng các dân tộc, trở thành điểm hấp dẫn đối với du khách.

 

Ca vang những bài hát thể hiện tình cảm của đồng bào Tây Nguyên đối với Bác Hồ

Ảnh Làng Văn hóa

 

Từ ngày 8-5-2020, Làng Văn hóa đã mở cửa đón khách trở lại tham quan. Ban Quản lý Làng Văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề, hoạt động theo tháng, tuần, cuối tuần, hằng ngày.

“Tháng Năm nhớ Bác” là chủ đề hoạt động tháng 5, gồm các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020) và 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng bào các cụm dân tộc Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ tập trung tại không gian từng cụm, kể cho nhau nghe những câu chuyện, hát cho nhau nghe những ca khúc về Người. Qua các câu chuyện, bài hát, chúng ta có thể thấy tình cảm của Bác dành cho đồng bào, cũng như lòng kính trọng của đồng bào đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Làng Văn hóa cũng tổ chức củng cố, sắp xếp trưng bày lại không gian “Bác Hồ và cộng đồng các dân tộc” tại Triển lãm làng III. Cụ thể: tìm kiếm, lựa chọn một số hình ảnh về Bác Hồ và các dân tộc anh em in bổ sung cho không gian trưng bày; vận động cá nhân, tập thể trong Ban Quản lý nhất là các đoàn viên thanh niên, đảng viên sưu tầm các câu chuyện về Bác, hiến tặng các hiện vật như sách, báo, tranh ảnh… về Người.

Bên cạnh đó, trong tháng 5 đã diễn ra các hoạt động điểm nhấn như “Quà tháng Năm dâng Người” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc và chương trình dân ca, dân vũ “Muôn vàn yêu thương”. Các tiết mục văn nghệ đặc sắc của 3 vùng miền hòa chung bài ca về Người thể hiện ước mong đất nước thống nhất, non sông liền một dải của Người. Qua đó, thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng, trí tuệ, bản lĩnh của Việt Nam tạo nên sức mạnh cộng đồng chống lại đại dịch COVID-19.

Sau thời gian giãn cách, để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa tổ chức sự kiện an toàn, nhằm hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL phát động, Làng Văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động trong tháng 6 với chủ đề “Ngày hội gia đình”.

Chương trình “Giọt nước Làng tôi” được diễn ra tại không gian làng dân tộc Gia Rai với sự tham gia của các nhóm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang sinh hoạt tại Làng cùng với các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trình diễn. Chương trình giao lưu, diễn xướng, âm nhạc của các nghệ sĩ và đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã đem đến bao điều kỳ thú về núi rừng, con người, những lễ hội truyền thống của đồng bào Gia Rai, Ê-đê, Xơ Đăng, Ba Na… tượng trưng cho sức sống tâm linh. Chương trình đã mang đến cho du khách một không gian đậm chất Tây Nguyên, góp phần làm cho chuyến tham quan thêm ý nghĩa, thú vị và hấp dẫn. Một số hoạt động chủ đề tháng 6 như: chương trình “Tuổi thơ của chúng em” với nhiều trò chơi dân gian truyền thống, không gian đọc sách, truyện cho thiếu nhi và du khách…; tái hiện lễ cúng lên nhà rông mới của đồng bào Gia Rai tỉnh Gia Lai, tái hiện lễ báo hiếu của đồng bào dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận…

Đặc biệt, ngày 14-6-2020 tại không gian nhà triển lãm làng dân tộc III, Làng Văn hóa đã tổ chức chương trình tiếp nhận bức Hải đồ Việt Nam có tọa độ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Trường THCS Đằng Lâm (Hải Phòng) và Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân trao tặng. Bức Hải đồ được trưng bày, giới thiệu tại không gian “Biển đảo trong lòng đồng bào dân tộc” là trực quan sinh động giúp du khách tham quan có thêm kiến thức về hải đồ và biển đảo Việt Nam, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thêm ý chí xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

 

Du khách theo dõi các công đoạn làm sản phẩmgốm Bàu Trúc 
Ảnh: Làng Văn hóa

Nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa, đảm bảo chuyển trạng thái hoạt động bình thường mới, Làng Văn hóa đã tổ chức các hoạt động tháng 7 với chủ đề “Mùa hè trong em” với sự tham gia của hơn 100 đồng bào 16 dân tộc sinh sống tại Làng Văn hóa. Bên cạnh đó, 12 nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm làng gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận đã giới thiệu hành trình của gốm với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo. Hoa văn trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc mang đậm nét văn hóa Chăm Pa như là những hình sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay… có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám xen lẫn những vệt nâu đặc trưng, có tính độc bản. Các sản phẩm luôn có sự khác biệt bởi mỗi sản phẩm tạo ra có cái hồn riêng, lưu lại từ quá trình nung đất cho đến những nét hoa văn. Du khách được trải nghiệm và thao tác cùng với các nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm.

Các nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm không chỉ thực hành nghề gốm mà còn tạo nên một không gian âm nhạc đặc sắc với những bài hát về làng Chăm, về tình làng gốm, tiếng trống paranưng…

Xây dựng các gói sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách đến với Làng Văn hóa trong bối cảnh bình thường mới sau dịch COVID-19, Làng Văn hóa đã hướng đến các đối tượng khách nhóm gia đình dịp cuối tuần, hội nhóm, đoàn thể, nhóm học sinh, sinh viên… Đồng thời tăng cường chủ động liên kết với các công ty lữ hành, trường học thường xuyên đưa du khách tới Làng Văn hóa.

Hoạt động tháng 8 “Văn hóa cộng đồng – Trải nghiệm và kết nối” với sự tham gia của 100 đồng bào các dân tộc, khoảng 20 nghệ nhân đồng bào dân tộc Kinh giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm gốm Phù Lãng và trình diễn di sản dân ca quan họ Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, Làng Văn hóa đã phối hợp cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức chương trình biểu diễn các tích tuồng ca ngợi quê hương đất nước, biểu diễn loại hình hát văn – một loại hình trình diễn độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; phối hợp với Nhà hát Múa rối Việt Nam giới thiệu loại hình rối cạn với nhiều hình thức biểu đạt của đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ kết hợp với âm nhạc, tạo hình con rối, tạo dáng những nhân vật rối được cách điệu và nhấn mạnh một cách cô đọng để mang lại vui vẻ, sảng khoái cho người xem.

“Vui Tết độc lập” là chủ đề hoạt động tháng 9 nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2020). Bên cạnh các hoạt động diễn ra tại các làng dân tộc, Làng Văn hóa đã huy động hơn 30 nghệ sĩ, diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn nhằm thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch và mở đầu cho mùa du lịch cao điểm cuối năm 2020, lan tỏa tinh thần cùng nhau khắc phục khó khăn, đoàn kết cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19.

Theo kế hoạch tháng 9, trong hoạt động cuối tuần, tại Làng Văn hóa sẽ diễn ra chương trình biểu diễn ca múa nhạc “Gửi trọn niềm tin” của sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc; tái hiện các lễ hội như: Lễ Sen Dolta tại quần thể chùa Khmer, lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Ê-đê tỉnh Đắk Lắk…

Có thể nói, những tháng đầu năm 2020, việc thực hiện nhiệm vụ của Làng Văn hóa gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nhiệm vụ chính của Ban Quản lý là tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch và duy trì, phát triển hoạt động hằng ngày của đồng bào các dân tộc nhằm bảo tồn, phát huy các giá văn hóa truyền thống tại Làng Văn hóa. Lượng khách du lịch đạt 76.000 lượt khách, giảm 75,6% so với cùng kỳ năm 2019. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao và thu hút nhiều du khách, trong thời gian tới, Làng Văn hóa cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ thiết yếu phục vụ khách tham quan, du lịch: tổ chức chương trình Homestay, trải nghiệm văn hóa ẩm thực các dân tộc và hoạt động du lịch trải nghiệm, giới thiệu với du khách sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với phân khúc từng đối tượng du khách. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch xúc tiến sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút dịch vụ, kết nối với các hãng lữ hành về xây dựng sản phẩm du lịch năm 2020; các dịch vụ ăn uống, lưu trú từng bước được hoàn thiện. Tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình, đặc biệt là các công trình nhà dân tộc, đảm bảo hiệu quả công trình phục vụ khách tham quan, du lịch. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2020, có 16-18 dân tộc tham gia sinh hoạt, các hoạt động hằng tuần, hằng tháng, kết hợp với công tác quảng bá, kết nối với công ty lữ hành để thu hút khách tham quan, triển khai các hoạt động dịch vụ, khai thác kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách tham quan và tạo nguồn thu cho đơn vị.

Mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, Làng Văn hóa vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Ngoài việc tổ chức các hoạt động thường niên theo kế hoạch của Bộ VHTTDL, Ban Quản lý Làng Văn hóa đã phối hợp với các đơn vị, nhà hát thuộc Bộ xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của từng tháng, hoạt động hằng ngày, hoạt động cuối tuần tương ứng với các chủ đề của từng tháng nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc cũng như thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển. Với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, nhiều năm qua, Làng Văn hóa đã trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.

2. langvanhoa.com.vn

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *