Dân tộc Pà Thẻn là một trong nhóm 10 dân tộc đặc biệt ít người của nước ta, địa bàn cư trú của họ chủ yếu ở một số xã của tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang. Cộng đồng dân tộc Pà Thẻn đã lưu giữ và phát huy được nhiều phong tục tập quán truyền thống rất độc đáo của dân tộc mình như lễ nhảy lửa, nghề dệt thổ cẩm và đặc biệt là nghi lễ ngày cưới. Nam nữ người dân tộc Pà Thẻn khi đến tuổi trưởng thành được tự do yêu đương. Khi gia đình có con cái trưởng thành mà họ yêu nhau hoặc do mai mối, được cha mẹ đồng ý thì tiến hành làm đám cưới. Đám cưới của người Pà Thẻn trải qua nhiều nghi lễ khác nhau, mỗi nghi lễ là một nét văn hóa rất độc đáo. Đây là nét đẹp truyền thống còn được gìn giữ nguyên bản trong đồng bào dân tộc Pà Thẻn.
Người Pà Thẻn có tục ở rể hoặc đón dâu về nhà chồng. Việc này sẽ tùy vào điều kiện và thỏa thuận giữa hai gia đình, con trai sẽ tới ở rể tại nhà vợ nếu gia đình vợ neo người, thiếu con trai hoặc có điều kiện hơn nhà trai, hoặc ngược lại. Lễ cưới của người Pà Thẻn được chuẩn bị theo các bước khá công phu. Về nhân sự gồm: 2 thày mối (quan làng, phó quan làng); đại diện nhà trai có 10 người (trưởng đoàn, chú rể, phù rể…); đại diện nhà gái có 7 người (đại diện gia đình, cô dâu, phù dâu…). Về đồ lễ gồm: 36 đồng bạc, rượu, bánh dày, gà, thịt lợn, hoa quả, bánh kẹo, lồng gà (trang trí hoa giấy), tiền vàng. Trang phục của cô dâu Pà Thẻn có sắc đỏ rực rỡ, được mặc hai bộ lồng vào nhau, có thắt dây lưng, một dây đen, một dây trắng; trên đầu được trùm một chiếc khăn to. Trong lễ cưới, cô dâu đeo đồ trang sức bằng bạc của gia đình để thể hiện tình cảm của con dâu đối với gia đình nhà trai. Trên vòng cổ của cô dâu có một chiếc khăn mặt, sau ngày cưới, chiếc khăn này sẽ được bỏ vào chậu rửa mặt của bố mẹ chồng. Còn trang phục của chú rể lại có phần đơn giản hơn, toàn bộ trang phục có màu đen, dây đai trắng thắt chéo qua ngực và đằng sau lưng, trên đầu cuốn khăn thành hình quả trám có màu đen hoặc trắng.
Nghi lễ được tiến hành theo trình tự như sau:
Tại gia đình nhà trai: Trước khi đi đón dâu, chủ nhà tập hợp mọi người để giao nhiệm vụ lần lượt cho quan làng và các thành viên của đoàn đi đón dâu. Chủ nhà bàn giao đồ lễ cho quan làng và mời mỗi người 1 ly rượu rồi giao trách nhiệm cho đoàn phải đi đến nơi về đến chốn. Quan làng nhận nhiệm vụ và hứa với chủ nhà trai sẽ đưa cô dâu về nhà an toàn, đi đến nơi về đến chốn, thuận lợi. Trong quá trình đi đón dâu, nếu có khó khăn, vướng mắc gì thì quan làng sẽ có trách nhiệm giải quyết. Quan làng nhận nhiệm vụ và lễ vật rồi ra cửa trước xuất phát đi đón dâu.
Tại gia đình nhà gái: Khi đến nhà gái, quan làng đi vào trước để làm thủ tục xin phép nhà gái, lúc này nhà gái vẫn cửa đóng then cài, quan làng mới nói lý với nhà gái bên trong nhà: “Quan làng tôi đến ngoài cửa nhà bên ngoại tôi thấy có 2 cánh cửa khép, tôi cũng đến nói lý nếu hợp duyên, hợp số thì để tìm hạnh phúc cho hai đứa bên nội và bên ngoại” và xin nhà gái mở cửa để đón quan làng cùng đoàn đón dâu được vào nhà. Lúc này, đại diện bên nhà gái ra mở cửa và mời quan làng vào nhà. Quan làng và phó quan làng vào nhà, bên nhà gái đón nhận lễ vật để dâng lên tổ tiên, rồi mới mời quan làng ngồi.
Một nghi thức trong đám cưới của người Pà Thẻn – Ảnh: Tuấn Minh
Đại diện bên nhà ngoại rót nước mời quan làng, quan làng đón nhận bát nước và cảm ơn. Quan làng nói: “Hàng trăm ngả đường quan làng không đi, quan làng đi thẳng đường hướng vào nhà ngoại. Hàng trăm làng hoa quan làng không đi, quan làng đi thẳng vào hướng làng nhà ngoại. Hàng trăm nhà hoa quan làng không đi, quan làng hướng thẳng vào nhà ngoại để tìm hạnh phúc cho đôi lứa. Quan làng tôi đến để tìm hạnh phúc cho đôi lứa, chúc hai đứa hạnh phúc trăm năm như suối nước chảy, như đường chảy dài, là dâu hiếu thảo. Xin chúc cho hai họ là một”.
Khi quan làng nói xong, hai bên nhà trai và nhà gái rót rượu mời nhau, sau đó, quan làng tiến hành trao lễ vật cho nhà gái. Lễ vật gồm: 36 đồng bạc, rượu, bánh dày, 2 con gà trống, thịt lợn. Nhà gái nhận đủ lễ vật, quan làng và nhà gái bắt tay nhau chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu và chú rể. Lúc này nhà gái mới đồng ý cho phép trưởng đoàn đón dâu và con rể vào nhà; khi đoàn đón dâu đến trước cửa nhà thì đại diện nhà gái ra đón đoàn, thành phần nhà gái được vào trước còn trưởng đoàn và con rể đứng trước cửa nhà làm lễ cúi lạy bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc tượng trưng cho sự may mắn, bình an cho cả hai gia đình. Trưởng đoàn nhà trai mời nhà gái ra đón con rể; con rể và 2 phụ rể cúi lạy anh em họ hàng nhà gái và nhận làm con rể của gia đình nhà gái.
Tiếp theo, quan làng làm lễ cúng tổ tiên, thần thổ công bên nhà gái (nhà gái đã sắp sẵn trước bàn thờ giữa nhà); quan làng bắt đầu bài cúng: “Cầu xin tổ tiên của hai họ và thổ công về chứng kiến cho hai cháu hạnh phúc trăm năm, sống bên nhau trọn đời”. Khi quan làng đã mời tổ tiên hai họ và thổ công đến thì phó quan làng rót nước chè làm lễ mời tổ tiên hai họ và thổ công uống nước rồi báo cáo lý do. Thủ tục dâng lễ xong, quan làng đứng dậy làm lễ xin tổ tiên được đón dâu về bên nhà trai. Để xin được con dâu, quan làng bắt đầu cúng với sự chứng kiến của tổ tiên hai dòng họ và thổ công: “Đôi trai gái bà mẫu sinh ra cho hai đứa cùng chung một cầu, từ đó hai đứa được chung một cầu: Quan làng tôi cúng cho hai đứa được cùng chung một cầu. Đất trời sinh ra cho hai đứa thành vợ thành chồng thì hai đứa mới được thành vợ thành chồng. Quan làng tôi cúng cho hai đứa được thành vợ thành chồng”.
Cúng xong, quan làng xin phép bên nhà gái được đón cô dâu về. Trưởng đoàn xin phép bên gái cho con dâu trang điểm, nhà gái đồng ý cho cô dâu vào trang điểm. Trang điểm xong, phù dâu vào đón cô dâu trao cho chú rể. Trưởng đoàn nhà trai nói lý để cảm ơn và xin phép đưa con dâu về nhà trai.
Khi đón dâu về đến nhà trai, đại diện gia đình nhà trai ra ngoài cổng đón con dâu vào trong sân trước cửa nhà. Tại đây, nhà trai đã chuẩn bị một mâm lễ gồm: 1 thủ lợn, 1 bộ nội tạng của con lợn, 10 cái chén, 2 trai rượu; sau đó mời quan viên hai họ đứng hai bên của mâm lễ để làm lễ lạy các thần công thổ địa, báo cho các thần thánh biết rằng đã đón dâu về đến nhà trai. Làm lễ thổ công thổ địa xong, hai ông quan làng đưa những người ở trong nhà trai và anh em bên nội ra khỏi nhà để tránh trước khi con dâu vào nhà (quan niệm ngày xưa cho rằng nếu bên nội không tránh lúc đó thì dâu về nhà mình sau này sẽ coi khinh anh em bên nội). Sau khi con dâu vào nhà và đoàn đưa dâu vào vị trí ngồi ổn định, hai quan làng mới dẫn bố, mẹ chú rể cùng anh em bên nội vào nhà bắt tay chào hỏi đoàn bên nhà gái. Cuối cùng, mọi người cùng ăn cơm, uống rượu mừng, ca hát, nhảy múa để chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể.
Lễ cưới của người Pà Thẻn còn giữ được nhiều phong tục tập quán độc đáo. Đồng thời, một số nghi thức lạc hậu, tốn kém lãng phí dần được thay thế và bỏ đi, điều đó góp phần tích cực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn. Lễ cưới là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, cần được bảo tồn và phát huy cho muôn đời sau.
Tác giả: Quảng Hùng Mạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng