Lễ hội đền Đuổm – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, có nhiều dân tộc cùng sinh sống nên đa dạng màu sắc về văn hóa, nhất là trong các lễ hội. Nổi bật trong đó là lễ hội đền Đuổm – di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đền nằm dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, là nơi thờ danh nhân lịch sử Dương Tự Minh – người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt dưới các triều vua Lý.

Ông sinh ra và lớn lên ở làng Quan Triều, phủ Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Thời nhà Lý (TK XII), ông đã có công thu phục, cai quản cả một vùng rộng lớn tương đương với vùng đất thuộc 6 tỉnh Việt Bắc ngày nay. Năm 1127, ông được vua Lý Nhân Tông gả công chúa là Diên Bình. Sau khi có công dẹp giặc Đàm Hữu Lượng hay quấy phá vùng biên cương phía Bắc thuộc tỉnh Cao Bằng, năm 1144, ông được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung. Cuối đời, ông về sống dưới chân núi Đuổm và mất ở đây, nhân dân có sớ tấu vào triều, nhà vua thương tiếc cho phép nhân dân dựng đền thờ và ban sắc phong là Cao Sơn Quý Minh thượng đẳng thần. Đền thờ ông tọa lạc tại chân núi Đuổm, bên quốc lộ 3, cách thành phố Thái Nguyên 25km về phía Tây Bắc. Ở các huyện trong tỉnh Thái Nguyên đều có đền thờ Dương Tự Minh, nhưng cổ kính và linh thiêng nhất là ngôi đền ở núi Đuổm của huyện Phú Lương. Các cụ già trong vùng cho biết, đền được dựng từ năm 1180, bao gồm 3 phần, phía dưới là Phủ Bà, nơi thờ hai phu nhân của ông, đền trung thờ thánh Đuổm Dương Tự Minh, phía trên cùng của núi Đuổm là nơi thờ Mẫu, mẹ ông.

Theo lệ xưa, đền Đuổm một năm có 4 lệ: mùng 6 tháng Giêng: ngày đản sinh của thánh, ngày 24-4: lễ hạ điền, mùng 7-7: lễ thượng điền, ngày 14 tháng Chạp: lễ tất niên. Hội mùng 6 tháng Giêng được coi là hội chính. Cũng như mọi lễ hội khác, lễ hội đền Đuổm gồm có hai nội dung là phần lễ và phần hội. Phần lễ có nghi thức rước đất, rước nước; nghi thức dựng cây nêu tế lễ truyền thống, được thực hiện vào ngày mồng 5 tháng Giêng. Rước đất, rước nước là nghi lễ của đồng bào Tày ở Phú Lương, để cầu xin mẹ đất, mẹ nước phù hộ cho đất đai luôn màu mỡ, cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp người dân trong vùng có đủ nước và đất đai mầu mỡ để sản xuất làm ăn, cho cuộc sống quanh năm no đủ. Đoàn rước gồm đại diện nhân dân các xóm thuộc làng Đuổm xưa, cả nam, nữ, già, trẻ với những bộ trang phục, đạo cụ truyền thống để tham gia khiêng kiệu có mui luyện, gánh nước, rước đất; đoàn đi bộ từ khu vực đền Đuổm đến giếng Dội thuộc xóm Vườn Thông cùng xã. Nước được múc từ giếng Dội do mạch nguồn tự nhiên phun ra chảy vào sông Đu, đem về lễ thần đền Đuổm. Nghi thức tạo sự linh thiêng, uy nghiêm và là ra điểm nhấn quan trọng của lễ hội trong lòng nhân dân, du khách gần xa.

Các nghi thức đại tế lễ truyền thống ngày mồng 6 tháng Giêng được bắt đầu sau khi rước cỗ vào đền. Đây là một nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội đền Đuổm. Với sự thực hành của nhân dân làng Đuổm, thành phần đoàn tế gồm: 1 chủ tế, 2 bồi tế, 6 chấp sự đông xướng, tây xướng, đội nhạc lễ, trống, chiêng. Các thành viên của đoàn tế vận trang phục áo the, khăn xếp, đi hài. Lễ tế diễn ra trong không khí trang trọng. Đoàn tế đi từ sân rồng lên theo bên phải của người tế và xuống bên kia. Việc di chuyển này có thể gắn với tục thờ mặt trời, cầu sinh lực và sức khỏe cho nhân an vật thịnh, mùa màng tốt tươi. Sau lễ đại tế và phần khai mạc được thực hiện xong, các đại biểu, nhân dân và du khách dự lễ cùng vào đền dâng hương lễ thần.

Sau phần lễ tại sân đền, diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ các trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại. Phần hội với các hoạt động phong phú như: thi trưng bày mâm cỗ sản vật của địa phương, trình diễn kỹ năng sao chè, trình diễn giã bánh dày, trình diễn trang phục dân tộc, thi văn nghệ… Các nội dung hoạt động tại lễ hội đặc sắc, nhiều nội dung mới đưa vào lễ hội đã thu hút đông đảo người xem và cổ vũ như: tung còn, kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền hơi, đi cầu thăng bằng và nhiều môn thể thao hiện đại. Lễ hội đền năm 2019 vừa qua còn có nhiều hoạt động văn hóa nhằm quảng bá tiềm năng du lịch Phú Lương như trưng bày, quảng bá, giới thiệu đất và người, sản phẩm du lịch địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và du xuân trảy hội của du khách.

Góp phần vào sự thành công, bảo tồn được hồn cốt của lễ hội đền Đuổm có sự góp sức của nhiều nhà nghiên cứu từ Cục Di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam và các cơ quan chức năng. Trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, phải đặc biệt chú ý quan tâm đến việc tôn tạo, xây dựng cơ sở vật chất, khai thác các mô hình dịch vụ cho nhân dân ở xung quanh đền. Trong đó, nhấn mạnh đến việc làm thế nào để phục dựng lễ hội đền thực sự là một lễ hội truyền thống mang bản sắc dân tộc trên cơ sở tôn trọng hiện trạng, gạn đục, khơi trong, chắt lọc những cái hay, cái đẹp để bảo tồn và phát huy giá trị của một lễ hội tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.

Những năm qua, công tác quản lý, huy động các nguồn lực bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích đã được quan tâm. Từ nguồn đầu tư chống xuống cấp di tích cùng với kinh phí xã hội hóa, nhiều hạng mục đã được tu bổ đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc, góp phần phát huy giá trị di tích; đặc biệt trong năm 2018, UBND huyện Phú Lương đã phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên bước đầu hoàn thiện việc phục dựng nghi thức tế lễ truyền thống, giúp cho cộng đồng lưu giữ, kế thừa và phát huy một cách tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống của mình, đó là nhân tố rất quan trọng để góp phần bảo tồn và củng cố bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nội dung phục dựng, bảo tồn lễ hội đền Đuổm thực sự phải gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc. Trước đây, đã có nhiều tác giả ở trong và ngoài tỉnh viết bài về lễ hội đền Đuổm. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hầu như lễ hội bị gián đoạn, không còn được tổ chức. Năm 1993, di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là Khu di tích Lịch sử văn hóa và Danh thắng cấp quốc gia, từ đó, đền Đuổm và lễ hội mới chính thức được dần dần phục hồi và duy trì cho tới ngày nay. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, lễ hội đền Đuổm luôn có sự tiếp thu những yếu tố mới, phong tục, nghi thức cổ truyền được bổ sung cho phù hợp với thời đại như: nghi thức những người tham gia cầm cờ, rước kiệu xưa chủ thể bản xứ là người Tày, người Kinh nay thêm người dân tộc Sán Dìu, Mông. Phục dựng những hình thức như thi cỗ chay, cỗ mặn, làm bánh dày… tăng thêm tính phong phú của lễ hội. Đây là một trong những hình thức hay, kén chọn người tài, người khéo cần được phục hồi, gìn giữ và phát huy. Hát ví, lượn của người Tày trong ngày hội là một trong những tiết mục văn nghệ có chiều sâu, phản ánh phong phú đời sống văn hóa, văn nghệ của người bản địa cần được xem xét phục dựng, bảo tồn và phát huy, tuy thời đại, con người hiện nay có thay đổi nhưng nó chính là bản sắc của người dân địa phương nơi đây.

Ngày 25-01-2017, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận lễ hội đền Đuổm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để đạt được điều này, trong những năm qua, ngành VHTTDL tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND huyện Phú Lương đưa lễ hội đền vào chương trình kế hoạch, xây dựng dự án phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, tăng thêm giá trị của khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng đền Đuổm. Đồng thời, chọn lọc giá trị tinh hoa văn hóa, thuần phong mỹ tục, những yếu tố vùng miền đặc sắc để xây dựng lễ hội đền Đuổm thành một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên. Nhằm làm tốt công tác bảo vệ giá trị lịch sử văn hóa, di sản phi vật thể quốc gia và để khẳng định công lao của anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, ngay trong năm 2017, UBND huyện Phú Lương đã xây dựng dự án Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Đuổm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, ngoài những mặt đã đạt được, di tích và lễ hội còn nhiều bất cập cần phải giải quyết như: không gian lễ hội chật hẹp, khu vực sân lễ hội đã quá tải, chưa có các khu trưng bày quảng bá tiềm năng du lịch; đường vào, ra sân hội không đảm bảo phân luồng xe, không có chỗ để xe cho du khách; khu giếng Dội để thực hiện nghi thức rước đất, rước nước có không gian chật hẹp, đường vào khu hành lễ nhỏ hẹp, khu lấy đất thiêng còn hoang sơ; trang phục, đạo cụ phục vụ thực hành nghi lễ còn thiếu, chưa đảm bảo về đặc trưng bản sắc văn hóa… Để khắc phục những bất cập nêu trên, dự án đã đề ra mục tiêu thực hiện trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2025 như sau:

Tôn tạo khu vực giếng Dội; kè đá bờ suối, làm đường bê tông từ xóm Vườn Thông đến sân giếng Dội. Xây dựng đình Giếng Dội để thực hành nghi lễ xin đất, xin nước thiêng.

Hoàn chỉnh thủ tục cấp đất để mở rộng sân lễ hội, khu giếng Dội, di tích đền Trình, đền Khuân, giúp mở rộng không gian, giảm quá tải trong mùa lễ hội, thiết kế đình bán hàng, làm đường bít chạy quanh khu vực bán hàng và đường dẫn để xe cho du khách. Bảo tồn, phục dựng bia ghi dấu tích: dốc Hạ mã, dốc Thượng mã, ao Chuông lăn, hang Sữa, tạo sự hấp dẫn và điểm tham quan cho du khách đến với đền và lễ hội.

Đào tạo các hướng dẫn viên, cộng tác viên làm công tác hướng dẫn, giới thiệu quảng bá các sản phẩm văn hóa đặc sắc, độc đáo của huyện Phú Lương nhằm thu hút đầu tư về du lịch. Bổ sung trang phục, đạo cụ thực hành nghi lễ, xây dựng và hoàn thiện kịch bản lễ hội, nghi thức rước đất, rước nước, đảm bảo tính độc đáo, đặc trưng của lễ hội.

Huyện Phú Lương hoàn toàn có đủ điều kiện (từ những dữ liệu lịch sử, những tri thức và tâm thức văn hóa dân gian đến cơ sở vật chất) để phục dựng lễ hội truyền thống. Địa phương có nhiều thuận lợi như: cán bộ làm công tác văn hóa và ban quản lý di tích có chuyên môn, sự giúp đỡ của Sở VHTTDL tỉnh, quyết tâm của lãnh đạo huyện Phú Lương, các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn xã Động Đạt, sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, sự hảo tâm của những người con quê hương Thái Nguyên. Hơn nữa, di tích đền Đuổm, với tư cách là không gian tâm linh, đã được tu bổ, tôn tạo tương đối hoàn chỉnh, tạo cơ sở vật chất cho việc phục dựng lễ hội.

Trong việc phục dựng, bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội đền Đuổm, cốt lõi của vấn đề là phải tôn trọng hiện trạng của lễ hội. Cần bảo lưu những chi tiết nghi thức tế lễ cổ, tôn trọng những yếu tố dân tộc mang bản sắc địa phương, chỉ ở địa phương làng Đuổm mới có. Trên cơ sở phát huy những yếu tố tốt đẹp, đã được Nhà nước định hướng trong các văn bản về bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống, có thể đi sâu nghiên cứu những cái hay, cái đẹp, có tính ca ngợi công lao đóng góp của danh nhân lịch sử dân tộc.

Để huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngoài ngân sách Nhà nước, cần thực hiện xã hội hóa nhằm khơi gợi những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nâng cao nhận thức và sự tham gia của toàn xã hội trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Ngoài việc động viên, thu hút mọi tiềm năng trong nhân dân, cần có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ nhiều mặt, trong đó có một phần kinh phí của Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương. Sử dụng có hiệu quả và đúng mực nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và nhân dân đóng góp, xây dựng mô hình bảo tồn di tích và lễ hội theo hướng đa dạng, liên ngành, tạo sự đồng bộ trong hoạt động quản lý nhằm đạt hiệu quả cao, phát huy giá trị di tích nhằm thu hút cao nhất nguồn lực xã hội.

Trong tâm thức dân gian, lễ hội đền Đuổm có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần và tâm linh của cộng dồng cư dân trong và ngoài vùng, không phân biệt người Kinh, người Tày hay các tộc người khác, cùng hướng đến việc tri ân công đức của Dương Tự Minh và cầu xin sự che chở của ngài cho cả cộng đồng. Tầm ảnh hưởng của ông đã được sử sách ghi chép, được nhân dân ngưỡng vọng thờ phụng ở rất nhiều nơi, đây là di sản phi vật thể cần được phục dựng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện nay. Lễ hội đền Đuổm đã góp phần gắn kết và củng cố khối đoàn kết dân tộc, phản ảnh rõ nhất tinh thần liên kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Bên cạnh đó, lễ hội cũng góp phần phát triển văn hóa, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân trong huyện Phú Lương và của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên (1).

_______________

1. Bài viết tham khảo Dự án số 659/DA-UBND huyện Phú Lương, ngày 9-5-2017 Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Đuổm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

 

Tác giả: Đỗ Quang Đại

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *