Trong những năm gần đây, lễ hội dân gian ngày càng gắn kết chặt chẽ với du lịch, mở ra nhiều hình thức mới như: du lịch văn hóa, du lịch cội nguồn, du lịch tâm linh… Trong mối quan hệ với du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng, lễ hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói này.
Từ lâu, chúng ta đã nhận thức lễ hội như một hình thức tổng hòa văn hóa nghệ thuật dân gian và hiện đại, cần được nghiên cứu tổng thể để khẳng định vai trò của nó trong phát triển du lịch cũng như một số ngành nghề khác. Đến nay, dù có khá nhiều học giả quan tâm, nghiên cứu, nhưng vẫn chưa có một dữ liệu chính xác cho thấy thời điểm hình thành, cũng như các yếu tố cội nguồn cấu thành nên lễ hội truyền thống. Ở cấu trúc đơn giản nhất, lễ hội thể hiện sự tổng hòa qua phép tính: lễ hội = lễ + hội. Nhưng, bản chất lễ hội không dừng lại như vậy, yếu tố lễ và hội hòa nhập ở cấp số nhân trong không gian và thời gian lễ hội, cả ở yếu tố thiêng và không thiêng.
Người dân đến chùa Bái Đính, Ninh Bình. Ảnh Hải Tuân
Về cơ bản, lễ bao gồm những yếu tố thiêng, mang tính tâm linh. Nghi lễ, lễ thức, cách thức hành xử của con người và cộng đồng đối với tiền nhân, thần linh, tổ tiên, được bộc lộ không chỉ ở tầng cao của văn hóa tâm linh mà còn ở tầng vật chất chứa đựng những biểu tượng tâm linh đó (những nghi thức hành lễ, rước xách, cờ quạt, võng lọng, kiệu, đồ thờ, vật cúng…). Khó có thể tách rời những tầng văn hóa này một cách chủ quan, áp đặt. Hơn nữa, cũng không ai ấu trĩ tới độ cố gắng tách rời những lớp văn hóa vốn xoắn quyện, hữu cơ. Trong lễ hội, khoảng không gian và lượng thời gian dành cho lễ bao giờ cũng hẹp và ít hơn hội, song, tính thiêng trong lễ lại là nền tảng để quyết định sự tồn tại của lễ hội. Nó là yếu tố tạo tiền đề cho loại hình du lịch cội nguồn, du lịch hành hương, du lịch tâm linh. Không có phần lễ, cũng như việc thực hành nghi lễ một cách nghiêm ngặt, người dự hội sẽ không vươn lên được tầng văn hóa tâm linh, tôn nghiêm, linh thiêng và thoát tục. Có thể thấy, phần lễ bắt đầu từ những biểu tượng, không gian, sự tích về nhân vật được thờ… mang tính thiêng, đến những chi tiết cụ thể, biểu hiện qua hành động (rước xách, cúng bái…), vật thể (cờ, kiệu, đồ thờ, vật dâng cúng…) có tính trần thế. Lễ song hành, hòa tụ với hội trong từng môi cảnh, không gian, thời gian nhất định, tạo quan hệ vừa đối sánh, vừa kết hợp, để lễ hội diễn ra trên tinh thần cộng đồng, cộng mệnh, cộng cảm.
Bên cạnh lễ trang nghiêm, hoạt động hội gồm sinh hoạt bách hý, vui chơi, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, thông tin… dưới dạng các trò diễn, trò chơi dân gian và nhiều hình thức khác. Hội mang lại không khí rộn rã, trở thành bộ phận không thể thiếu của lễ hội ở Việt Nam.
Với sự tích hợp đa diện các lớp văn hóa, nghi lễ, trò chơi…, lễ hội có đủ khả năng đáp ứng một cách toàn vẹn nhu cầu của người dự hội. Tuy nhiên, hiện nay, lễ hội đang được đặt dưới cái nhìn không hoàn toàn thuận chiều, với không ít cảnh báo từ phía các nhà khoa học, quản lý, người tổ chức và người dự lễ hội. Có nhiều chuyện cần bàn xoay quanh những vấn đề của lễ hội, đặc biệt là tính thiêng. Lễ hội được hình thành nhờ cái thiêng của không gian nghi lễ, đồ tế tự, sự tích về nhân vật được thờ… Cái thiêng đó đã ăn sâu vào nhận thức của con người, khiến họ tự điều chỉnh bản thân để có những ứng xử phù hợp trước những trình thức đã được quy định từ nhiều đời. Thực tế cho thấy, khi đến với lễ hội, con người ta vừa là mình, lại vừa không thực là mình.
Tuy còn tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan, từ những chuẩn mực và lệch chuẩn, tín ngưỡng và mê tín… nhưng lễ hội vẫn luôn được nhận định là một nguồn suối trong lành về mặt tâm linh cũng như đời thường đối với bất kỳ một nhân cách nào dù là người tổ chức, người tham gia hay khách hành hương. Đây chính là yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển du lịch tâm linh ở nước ta.
Du lịch tâm linh trong bối cảnh hiện nay
Gần đây, khi nhắc tới lễ hội, người ta hay gắn chúng với du lịch dưới những khái niệm: văn hóa du lịch, lễ hội du lịch, du lịch tâm linh… Tất cả đều chỉ mối tương quan gắn kết giữa văn hóa và du lịch, đặt trong mối đồng cảm về sự khám phá tâm linh.
Về bản chất, tâm linh gắn liền và biểu hiện những cái thiêng liêng, cao cả, siêu việt trong đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt xã hội. Có thể coi tâm linh là một yếu tố, chiều kích, giá trị quan trọng của con người và sinh hoạt thường nhật của con người. Tác giả Nguyễn Duy Hinh, trong sách Tâm linhViệt Nam, cho rằng, tâm linh là thể nghiệm của con người (tâm) về cái thiêng (linh) trong tự nhiên và xã hội. Như vậy, văn hóa tâm linh hay du lịch tâm linh đều bộc lộ sự thể nghiệm đó của con người thông qua việc minh chứng ý niệm thiêng bằng việc thực hành những nghi lễ, trò diễn trong lễ hội… Sự bộc lộ tâm linh còn thể hiện qua các ký hiệu, tín hiệu, biểu tượng thiêng liêng hiện hữu trong đời sống hay trong các phương thức thực hành văn hóa nghệ thuật.
Trong xu thế phát triển chung của ngành du lịch, những năm gần đây, loại hình du lịch tâm linh với các tour hành hương về đất tổ, tham quan vùng văn hóa với các di sản, di tích văn hóa độc đáo, thăm viếng các cơ sở thờ tự, di tích, danh thắng… được tổ chức ngày càng nhiều. Du lịch tâm linh đáp ứng nhu cầu thư giãn, thưởng ngoạn, tìm hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của du khách. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trải dài trên khắp đất nước, vừa mang tính thiêng liêng, vừa mang tính thẩm mỹ, chính là đối tượng tìm hiểu của du khách bốn phương. Họ kết hợp giữa du lịch và hành hương để đến với những địa điểm vừa có ý nghĩa tôn giáo và tín ngưỡng, vừa có cảnh đẹp. Du khách không chỉ tìm hiểu được những thông tin về cội nguồn lịch sử, cội nguồn văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, mà còn được gắn bó, giao tiếp, ứng xử cùng nhau trong môi trường đậm đặc chất thiêng. Như vậy, du khách được đáp ứng cả nhu cầu du lịch và tâm linh.
Du lịch tâm linh là một dạng thức đặc thù của du lịch văn hóa, mà tiêu biểu là hành trình về với di sản, di tích, danh thắng lễ hội thiêng liêng, nổi tiếng của quốc gia hay thế giới. Đây là những môi trường đặc thù cả về vật thể và phi vật thể, vừa hấp dẫn, vừa tạo niềm tin cho du khách. Họ không chỉ thưởng ngoạn, tham quan, khám phá hay chiêm bái, cầu nguyện… mà còn tăng cường được sợi dây gắn kết cá nhân, nhóm với những người tham dự, cũng như gia tăng niềm tin, chất lượng đời sống tâm linh. Bên cạnh những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng, thì lễ hội cổ truyền là địa điểm và môi trường đáp ứng tốt nhất cho việc khai mở, phát triển các tuyến, tour du lịch tâm linh. Hơn nữa, thực tế cho thấy, dù lễ hội hòa đồng, gắn kết với các di tích, danh thắng, di sản tôn giáo, tín ngưỡng ở cấp độ hay quy mô nào, cũng là những lễ hội vừa thiêng liêng, nghiêm cẩn, vừa thư giãn, vui vẻ.
Người dân đến với Hội Gióng. Ảnh Nguyễn Khiêm
Lễ hội cổ truyền trong phát triển du lịch tâm linh
Được diễn ra trong thời điểm mạnh của sinh hoạt cộng đồng, lễ hội ngày nay đang bừng dậy, lan truyền như một hiện tượng văn hóa mang tính trội trên khắp mọi miền đất nước. Vừa hướng tới cội nguồn, vừa khơi dậy sức mạnh hiện tại và tương lai, lễ hội đang được dõi theo từ nhiều góc độ: quản lý và tổ chức thực hiện, cái được và cái mất, những thành quả và hệ lụy, những giải pháp đúng và chưa đúng, những phương thức phù hợp và chưa phù hợp… Đây thực sự là những vấn đề cần được quan tâm làm rõ từ nhiều phương diện nhằm làm cho lễ hội thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh tiêu biểu của cộng đồng, một sinh hoạt văn hóa lành mạnh của người dân, một nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng.
Có nhiều nguyên nhân, gồm cả chủ quan và khách quan dẫn đến hoạt động lễ hội chưa hiệu quả. Mỗi phương diện đều có khuyết thiếu, phép cộng những khuyết thiếu đó tạo nên những lệch chuẩn trong sinh hoạt lễ hội cổ truyền. Tất nhiên, những lệch chuẩn chỉ là những đường viền khi đậm, khi nhạt xung quanh lễ hội. Nhưng, khi không được điều chỉnh, sẽ nổi cộm lên thành những tệ nạn, gây tâm lý bức xúc trong cả những người quản lý, người tổ chức thực hiện, người dân tham dự lễ hội lẫn du khách tham quan lễ hội.
Để công bằng, chúng ta cần nhận thức, xem xét cả hai mặt của hoạt động phổ biến này.
Trước hết, xin đề cập đôi nét tích cực, chuẩn mực của lễ hội cổ truyền. Lễ hội cổ truyền bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với hệ văn hóa làng, bao gồm cảnh quan văn hóa, di tích, danh thắng, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, môi trường…, thể hiện sinh hoạt đời sống con người và những ước vọng tâm linh của cộng đồng. Lễ hội còn là thời điểm cố kết sức mạnh cộng đồng, là dịp để con người ôn lại truyền thống lịch sử, cùng nhau thực hiện tốt những giá trị văn hóa được trao truyền từ thế hệ trước, đồng thời là môi trường lành mạnh để các thế hệ gặp gỡ, cộng cảm … Đó chính là hình thức sinh hoạt mang tính vẹn toàn, giúp con người hòa nhập với cộng đồng, không đứt đoạn với truyền thống.
Trong tâm thức của con người, lễ hội cổ truyền luôn chiếm vị trí trung tâm của sự ngưỡng vọng. Nhân vật được thờ có thể là thần linh, có thể là dân thường được thiêng hóa. Họ những người có công với dân, với làng, với nước, được tôn vinh, thờ phụng. Con người được suy tôn phải thực sự đóng góp cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước, hay chí ít cũng phù trợ cho nhân khang, vật thịnh…
Lễ hội cổ truyền còn là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật: vừa nghiêm cẩn trong nghi lễ, vừa hòa đồng, vui vẻ trong hội hè, vừa linh thiêng lại vừa trần thế. Trong khung cảnh lễ hội, không ai có cảm giác bị gạt ra ngoài. Mối giao cảm cộng đồng, sự bỏ qua những hiềm khích lớn nhỏ ngày thường khiến nhóm này dễ hòa nhập nhóm khác, cá nhân này dễ làm bạn với cá nhân kia, dù quen, dù lạ, và tất cả, trong không khí thiêng và vui đó, sẽ cố gắng làm đẹp, xử đẹp với nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, chuẩn mực, lễ hội cổ truyền còn bao hàm trong nó và bên cạnh nó những hiện tượng tiêu cực, lệch chuẩn. Trước hết, đó là sự khôi phục lễ hội cổ truyền một cách tràn lan, máy móc, thậm chí cào bằng theo dạng kịch bản hóa một cách hiện đại, thiếu cội nguồn lịch sử cần thiết làm nền cho nghi lễ và hội hè… khiến việc tổ chức lễ hội trở nên nghèo nàn, thiếu tính thiêng, không thu hút, nhiều khi biến dạng. Thứ hai, sự lỏng lẻo trong tổ chức quản lý, thực hiện lễ hội ở những quy mô khác nhau khiến việc tổ chức còn tự phát, tùy tiện, lộn xộn. Rõ ràng, bên cạnh tôn trọng vai trò tự quản của dân, tôn trọng hiệu quả xã hội hóa trong tổ chức lễ hội, rất cần thiết phải đề cao sự phân cấp quản lý mang tính nhà nước theo quy mô lễ hội. Thứ ba, việc phân loại lễ hội chưa rành mạch, vì thế, nhiều lễ hội diễn ra tương tự nhau, không nhấn mạnh được đặc trưng vốn có của từng lễ hội, dễ gây nhàm chán hoặc phản cảm. Thứ tư, trong bối cảnh làng quê vốn chứa đựng không ít những hủ tục truyền lại từ xưa, việc tổ chức lễ hội một cách lỏng lẻo, tự phát, không quản lý tốt dễ tạo điều kiện cho những thói xấu tái xuất hiện trong lễ hội và trong đời sống thường nhật, lấn át cái đẹp lễ hội, gây những bức xúc, căng thẳng không đáng có. Thứ năm, hiện tượng thương mại hóa lễ hội đang bộc lộ rõ nét không chỉ trong cung cách tổ chức lễ hội mà còn trong cả những nghi lễ, lễ tiết thuộc từng lễ hội đã làm vẩn đục môi trường lễ hội trong lành, linh thiêng, khiến người dự hội vừa lo sợ, vừa bất bình. Thứ sáu, cùng với những biểu hiện đó, hiện tượng mê tín dị đoan trong lễ hội có nguy cơ phát triển. Lên đồng, cầu cúng, bói toán, xóc thẻ, xin số… đang có chiều hướng tăng lên…
Một vài hiện tượng lệch chuẩn nêu trên thực ra chưa đầy đủ so với những gì đang diễn ra trong thực tiễn lễ hội trên khắp mọi miền đất nước. Dù thế, nó cũng đủ để hình dung mặt trái của lễ hội cổ truyền cần được chú trọng quản lý, khắc phục, dẹp bỏ để lễ hội cổ truyền đủ điều kiện phát huy bản chất tốt đẹp của nó, thực sự trở thành một môi trường văn hóa vừa thiêng liêng, vừa lành mạnh, hấp dẫn của con người và thu hút du khách.
Để làm được điều đó, trong bối cảnh hiện nay, cần có được một giải pháp đồng bộ. Bên cạnh chủ trương xã hội hóa để huy động nguồn lực tổ chức lễ hội và khơi dậy vai trò tự quản của dân, rất cần thiết đề cao việc quản lý, phân cấp quản lý lễ hội để vừa khai thác hiệu quả xã hội hóa, vừa điều chỉnh sự tổ chức thực hiện, vừa tôn vinh được những nét đẹp bản chất của lễ hội cổ truyền, vừa tạo điều kiện cho lễ hội thực sự là điểm đến của du lịch văn hóa nói chung và du lịch tâm linh nói riêng. Vấn đề này rất cần được giới nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý, những người trực tiếp tổ chức lễ hội, những người dự lễ hội quan tâm, làm rõ.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : NGUYỄN HẢI HÀ
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long