Sau khi bức vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô (Thanh Hóa) và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu, lập nên vương triều Hồ. Nhà Minh (Trung Quốc) vốn có dã tâm xâm lược Đại Ngu đã nhân cơ hội Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần để đưa quân tràn vào đất Việt năm 1407. Hồ Quý Ly tổ chức quân đội kháng Minh nhưng liên tục thất bại. Và, đến tháng 6 năm 1407, thì ông bị bắt cùng các con trai là Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương. Vương triều Hồ và nước Đại Ngu sụp đổ. Xâm lược được Đại Việt, nhà Minh cho thực hiện chính sách xóa bỏ nền văn minh sông Hồng bằng cách đốt, phá và chở về Yên Kinh tất cả các loại sách, văn bia của người Việt. Bên cạnh đó, nhà Minh còn cho cung hình (1) đàn ông Việt, khiến người dân rất uất ức và căm giận. Trước thảm họa xâm lăng, nhân dân ta đã không chịu khuất phục. Nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã bùng lên ở khắp nơi. Tiêu biểu có phong trào kháng chiến do Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng lãnh đạo kéo dài hơn 6 năm (1407 – 1413) ở vùng Thanh – Nghệ. Sau khi cuộc khởi nghĩa của các tôn thất nhà Trần thất bại, tại vùng rừng núi Lam Sơn, Thanh Hóa, vào năm Bính Thân (1416), Lê Lợi cùng 19 chiến hữu đã làm lễ thề Lũng Nhai nguyện dốc sức, đồng lòng, sống chết có nhau dựng gậy làm cờ, hòa nước sông làm rượu, tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ, oanh liệt trong 10 năm, đánh đuổi giặc Minh, thu non sông về một mối, gây lại nền độc lập, thái bình muôn thưở cho quốc gia Đại Việt.
Lê Lợi ((黎t#˜), sinh vào giờ tý (2) ngày 6- 8 năm Ất Sửu, tức ngày 10-9- 1385 đời nhà Trần. Tổ bốn đời của Lê Lợi là Lê Hối, người Thanh Hóa. Một hôm đến vùng núi Lam Sơn thấy cảnh đất lành chim đậu, ông dời nhà về đây. Lê Hối lấy bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên, sinh ra Lê Đinh, tức là ông nội của Lê Lợi. Lê Đinh lấy bà Nguyễn Thị Quách sinh ra hai người con là Lê Tòng và Lê Khoáng. Lê Khoáng lấy bà Trịnh Thị Ngọc Thương sinh được ba người con: Lê Học, Lê Trừ và Lê Lợi. Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú,… tất cả 50 tướng văn và tướng võ (trong đó có 19 người đã từng kết nghĩa ở hội thề Lũng Nhai, năm 1416) chính thức phất cờ khởi nghĩa. Đồng thời, ông tự xưng là Bình Định Vương và kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược.
Trong thời gian đầu, lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn còn ít, lương thực thiếu thốn, thường chỉ thắng được vài trận nhỏ và hay bị quân Minh đánh bại. Hoạt động kháng chiến trong thời gian này chủ yếu ở vùng núi Thanh Hóa. Có những lúc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn phải trốn chạy. Bị quân Minh vây đánh nhiều trận, quân Lam Sơn khốn đốn ba lần phải rút chạy lên núi Chí Linh (Linh Sơn) những năm 1418, 1419, 1422 và một lần cố thủ ở Sách Khôi (Khôi huyện) năm 1421. Một lần bị quân Minh vây gắt ở núi Chí Linh (có sách ghi năm 1418, có sách ghi năm 1419), quân sĩ hết lương, anh em kết nghĩa của Lê Lợi là Lê Lai theo gương Kỷ Tín (tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang thời chiến tranh Hán – Sở) phải đóng giả làm Lê Lợi, dẫn một toán quân ra ngoài nhử quân Minh. Quân Minh tưởng là bắt được chủ tướng Lam Sơn nên lơ là phòng bị, Lê Lợi và các tướng lĩnh thừa cơ mở đường chạy thoát. Lê Lai bị quân Minh giải về Đông Quan và giết chết. Ngoài quân Minh, nghĩa quân Lam Sơn còn phải đối phó với một bộ phận các tù trưởng miền núi quy thuận nhà Minh và quân nước Ai Lao (Lào) nữa. Do lực lượng chưa đủ mạnh nên Lê Lợi thường cùng nghĩa quân Lam Sơn phải ẩn náu trong rừng sâu, nằm gai nếm mật; có lần ông phải giết cả voi và con ngựa đang cưỡi của mình để cho tướng sĩ cùng ăn. Trước tình thế hiểm nghèo, Lê Lợi phải xin giảng hòa với quân Minh năm 1423. Đến năm 1424, khi quân lực và lương thực được củng cố, lại thấy quân Minh bắt giết sứ giả, nên Lê Lợi liền tuyệt giao cắt đứt giảng hòa.
Vượt qua thời kỳ củng cố căn cứ địa, năm 1424 nghĩa quân chuyển sang giai đoạn phát triển. Đó là kế hoạch tiến xuống vùng đồng bằng Nghệ An của Nguyễn Chích. Ông nói: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông, tôi đã từng qua lại nên rất thông thuộc đường đất. Nay ta trước hãy đánh lấy Trà Long (huyện lỵ: Trà Lân), chiếm giữ cho được Nghệ An làm chỗ dừng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”. Theo đúng kế hoạch, tháng 10-1424, nghĩa quân đã tiến công thành Trà Lân (Tương Dương, Con Cuông, Nghệ An), do ngụy quan Cầm Bành với hơn 1000 quân đóng giữ. Sau 2 tháng bị bao vây, Cầm Bành phải đầu hàng. Chiếm thành Trà Lân, nghĩa quân đã khai thông và kiểm soát được con đường từ miền núi xuống miền xuôi. Sau khi diệt địch trong trận phục kích ở ải Khả Lưu – Bồ ái, nghĩa quân tiến xuống giải phóng các châu huyện thuộc Nghệ An, đồng thời vây hãm thành Nghệ An do tướng giặc Trần Tư và sau là Phương Chính trấn giữ. Nghĩa quân đã đập tan nhiều cuộc phản kích của quân Minh. Nguyễn Trãi nhiều lần gửi thư khiêu chiến Phương Chính, nhưng giặc đóng chặt cửa thành cố thủ. Trong thời gian này, Lê Lợi cũng cho xây dựng một hệ thống thành lũy trên núi Thiên Nhẫn làm căn cứ chính của nghĩa quân, đặt tên là Lục Niên thành (kỷ niệm 6 năm khởi nghĩa). Thừa lúc giữ chân địch ở đất Nghệ An, năm 1425, Lê Lợi cử Đinh Lễ tấn công ra phía bắc, vây hãm thành Diễn Châu, Tây Đô, tạo được vùng giải phóng rộng lớn, dồi dào sức người sức của, cắt đôi vùng địch chiếm đóng thành hai nơi cách xa nhau, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt.
Tiếp theo, Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân cũng được cử vào giải phóng miền đất Tân Bình – Thuận Hóa (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) là nơi lực lượng địch tương đối yếu và sơ hở. Trong chiến dịch này, nghĩa quân đã kết hợp cả lực lượng thủy quân (theo đường biển) và bộ binh (theo đường núi). Với chiến thuật vây hãm chặt, giam chân địch trong nhiều thành lũy mà không mất sức tấn công. Về điều này, Lê Lợi đã nói: “Các bậc khanh tướng giỏi đời xưa, bỏ chỗ vững đánh chỗ hở, lánh chỗ thực đánh chỗ trống, như thế thì dùng sức chỉ một nửa mà thành công gấp đôi”. Đến cuối năm 1425, Lê Lợi làm chủ toàn bộ đất đai từ Thanh Hóa trở vào, các thành của đối phương đều bị bao vây.
Cho tới năm 1426, sau 8 năm chiến đấu, lực lượng nghĩa quân Lam Sơn đã tăng lên hàng vạn, gồm cả quân bộ lẫn quân thủy, tạo nên bước nhảy vọt về chất. Trong điều kiện đó, Lê Lợi quyết định tổng tấn công ra Bắc, tiến tới giải phóng hoàn toàn đất nước. Tháng 9-1426, khoảng gần 10.000 nghĩa quân từ Thanh Hóa đã tiến ra Bắc theo 3 đạo: Đạo phía tây, do Phạm Văn Xảo và Lý Triện chỉ huy, tiến đánh miền Tây Bắc, chặn viện binh từ Vân Nam sang. Đạo phía đông, do Bùi Bị, Lưu Nhân Chú chỉ huy, tiến ra vùng châu thổ Bắc Bộ và vùng Đông Bắc, chặn viện binh từ Quảng Tây sang. Đạo chính giữa, do Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy, tiến thẳng ra phía nam thành Đông Quan, uy hiếp vây hãm thành. Nhiệm vụ của các cánh quân này chưa phải là tiêu diệt ngay toàn bộ sinh lực địch, mà là giải phóng đất đai, giành thêm dân, bao vây uy hiếp thành, chặn viện binh địch. Cùng với nghĩa quân, một phong trào nổi dậy hưởng ứng của quần chúng nhân dân đã lan rộng khắp mọi nơi, với nhiều hình thức: gia nhập nghĩa quân, ủng hộ tiếp tế lương thực thực phẩm, phối hợp đánh giặc, trong đó đã nổi lên những tấm gương dũng cảm như bà hàng nước Lương Thị Minh Nguyệt thành Cổ Lộng (ý Yên, Nam Định), cô gái họ Đào ở Hưng Yên… Cùng thời gian đó, nghĩa quân đã tăng cường uy hiếp, vây hãm thành Đông Quan, trong đó có chủ lực và cơ quan đầu não của địch. Bị thất bại trong những cố gắng phản kích ở Ninh Kiều (Chương Mỹ, Hà Nội) và Nhân Mục (Thanh Trì, Hà Nội), quân Minh chủ trương cố thủ trong thành, chờ quân cứu viện.
Tháng 10-1426, địch đã cho rút đại bộ phận quân sĩ từ thành Nghệ An về tăng cường cho Đông Quan. Tiếp đó, tháng 11, 5 vạn viện binh từ Trung Quốc, do Vương Thông làm tổng chỉ huy, cùng kéo đến Đông Quan, đưa tổng số quân địch lên hơn 10 vạn. Với lực lượng hùng hậu đó, Vương Thông quyết định mở đợt phản kích, đánh ra phía tây thành Đông Quan để giải vây, giành lại quyền chủ động. Âm mưu của địch là qua Cầu Giấy, tiến xuống Yên Sở, rồi theo sông Đáy đến Ninh Kiều, nhằm tấn công căn cứ nghĩa quân ở Cao Bộ, thừa thế tiến đánh thẳng vào Thanh Hóa.
Trước tình hình đó, hai cánh quân của Lý Triện và Đinh Lễ đã phối hợp hành quân mai phục tiêu diệt địch. Các đơn vị phục binh được bố trí ở Tốt Động (nơi cánh đồng chiêm, sâu, lầy lội) và Chúc Động (vùng ven chân núi, hiểm trở). Lợi dụng trời mưa, người ngựa địch bị sa lầy, quân ta đã đổ ra tiến đánh, tiêu diệt hơn 5 vạn quân địch, bắt sống hơn 1 vạn, chủ tướng Vương Thông bị thương. Sử cũ ghi “dòng sông Ninh Kiều tắc nghẽn vì xác địch”. Chiến thắng Tốt Động – Chúc Động đã đập tan âm mưu phản công của địch, đẩy chúng lún sâu vào thế bị động, xiết chặt hơn nữa vòng vây thành Đông Quan. Lúc này, Lê Lợi từ Thanh Hóa đã tiến ra Đông Quan, đóng đại bản doanh ở Bồ Đề (Gia Lâm), bên kia sông Nhị. Ông cho dựng một lầu cao, ngang tầm tháp Báo Thiên, để thường xuyên theo dõi tình hình địch trong nội thành Đông Quan. Song song với việc tiếp tục vây hãm thành, Lê Lợi – Nguyễn Trãi đã thực hiện chiến thuật tâm công, kết hợp đấu tranh ngoại giao, chính trị, binh vận với đấu tranh quân sự. Để tạo điều kiện hòa đàm thương lượng, Lê Lợi đã lập Trần Cảo – một người tự xưng là con cháu vua Trần – lên làm vua trên danh nghĩa. Nguyễn Trãi cũng viết nhiều thư dụ hàng gửi Vương Thông, nói rõ sáu điều tất thua, khuyên nên giảng hòa rút quân, làm suy sụp ý chí, tinh thần của địch, trước khi quyết chiến.
Tháng 10-1427, Liễu Thăng (viên tướng đã từng chỉ huy thủy quân tiến đánh và tiêu diệt Hồ Quý Ly) đem 10 vạn viện binh theo đường Lạng Sơn tiến vào Đại Việt. Cùng lúc, đạo quân Mộc Thạnh theo đường Vân Nam cũng tiến vào nước ta. Khi qua ải Chi Lăng (Lạng Sơn) – nơi đã được mệnh danh là yết hầu của Giao Chỉ với địa danh Quỷ Môn quan – Liễu Thăng đã bị nghĩa quân do Lưu Nhân Chú, Trần Lựu chỉ huy dùng mưu trá hàng nhử địch sa vào trận địa phục kích, giết chết bên sườn núi Mã Yên. Hàng vạn quân địch bị tiêu diệt. Tiếp đó, nghĩa quân còn tấn công địch ở các trận Cần Trạm, Phố Cát. Binh bộ thượng thư Lý Khánh phải tự tử. Sau khi đại bại, quân Minh tháo chạy về co cụm tại Xương Giang (Bắc Giang). Thôi Tụ phải đắp thành lũy giữa đồng để phòng ngự. Lê Lợi và Trần Nguyên Hãn điều binh xiết chặt vòng vây, tổng tấn công Xương Giang, diệt 5 vạn, bắt sống 3 vạn địch, trong số đó có các tướng Thôi Tụ, Hoàng Phúc. Sử Trung Quốc ghi nhận “chỉ có một viên chủ sự là trốn thoát được về nước”. Được tin Liễu Thăng chết, đạo viện binh của Mộc Thạnh cũng hốt hoảng rút lui. Chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang đã chôn vùi những hy vọng cuối cùng của quân Minh. Không có viện binh, quân Minh càng khốn đốn ở Đông Quan, tinh thần nao núng, suy sụp nhanh chóng. Lê Lợi nhận định: “Viện binh bị phá, thì thành tất phải hàng”. Cuối năm 1427, Vương Thông buộc phải xin hòa, thỏa thuận rút quân không chờ viện binh, cam kết trong Bài văn hội thề đọc tại phía nam thành Đông Quan. Lê Lợi hứa cung cấp lương thực, thuyền bè, sửa chữa cầu đường, tạo điều kiện cho quân Minh nhanh chóng rút về nước. Chiến tranh kết thúc, Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi nhân danh Lê lợi soạn thảo được công bố. Đó là bài ca khải hoàn, bản tổng kết chiến tranh, bản tuyên ngôn độc lập khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc Đại Việt như một quốc gia có lịch sử, văn hóa.
Ngày 29-4-1428 (Mậu Thân), Lê Lợi chính thức lên ngôi hoàng đế, tức là vua Lê Thái Tổ, dựng lên vương triều nhà Lê. Ông khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh vào năm Thuận Thiên thứ hai (1430). Lê Thái Tổ sai sứ sang Trung Hoa cầu phong, nhưng nhà Minh không chịu, bắt phải tìm con cháu nhà Trần lập làm vua. Sứ nhà Minh đi về hai ba lần, sau vua Thái Tổ sai các viên quan phụ lão trong nước làm tờ khai rằng con cháu vua Trần thật sự không còn ai nữa, và xin phong cho Lê Lợi làm vua nước Nam. Vua Minh thấy vậy mới thuận nên phong vương cho ông.
Thời kỳ dựng lại quốc gia của Lê Lợi thật khó khăn, do hậu quả của chính sách thủ tiêu văn hóa Việt của nhà Minh trước đó. Tài liệu, thư tịch, văn học, nghệ thuật bị tàn phá nặng nề; các học giả và người tài của Đại Việt bị bắt đem về Trung Quốc,… Nhưng sức bật của một nền văn minh có gốc rễ sâu bền đã giúp chúng ta hưng thịnh lại văn hóa nước nhà. Bên cạnh công cuộc xây dựng đó, nhà Lê còn phải đối phó với bạo loạn trong nước. Năm 1430, Lê Thái Tổ sai Thái tử Lê Tư Tề đi dẹp loạn tù trưởng Đèo Cát Hãn. Cát Hãn và con trai là Đèo Mạnh Vượng ra hàng, trước khi trở về Lê Tư Tề còn cho lập bia để đánh dấu sự kiện này.
Về tổ chức bộ máy hành chính cai trị đất nước, Lê Thái Tổ đã chia nước ra làm bốn đạo, nay lại đặt thêm một đạo nữa gọi là Hải Tây đạo, gồm cả Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa. Trong các đạo, cử các quan hành khiển để giữ sổ sách về việc quân, dân. Còn như các xã, thôn thì cứ xã nào có hơn 100 người trở lên, gọi là đại xã, đặt ba người xã quan; xã nào có 50 người trở lên, gọi là trung xã, đặt hai xã quan; xã nào có 10 người trở lên gọi là tiểu xã, đặt một người xã quan để coi việc trong xã. Về việc học hành, trường Quốc Tử Giám ở đất kinh đô để cho con cháu các quan viên và những người thường dân có khả năng vào học tập; mở nhà học và đặt thày dạy nho học ở các phủ và các lộ. Rồi lại bắt các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống phải vào thi Minh kinh khoa, nghĩa là quan văn thì phải thi kinh sử, quan võ thì phải thi võ kinh. ở các lộ cũng mở khoa thi Minh kinh để cho những người ẩn dật ra ứng thí mà chọn lấy nhân tài. Những người theo đạo Phật, đạo Lão cũng phải thi kinh điển những đạo ấy; hễ ai thi đỗ mới được làm sư hoặc làm đạo sĩ, ai trượt phải về quê làm ăn. Về luật pháp, Lê Thái Tổ cho đặt ra bộ luật mới theo như hình luật của nhà Đường: có tội xuy, tội trượng, tội đồ, tội lưu và tội tử. Về kinh tế, bấy giờ thường những người không công lao thì lắm ruộng nhiều nương, mà những kẻ phải đánh đông dẹp bắc, lúc về không có đất. Vì thế ông định ra phép quân điền để lấy công điền, công thổ mà chia cho mọi người, từ quan đại thần cho đến những người già yếu cô quả, ai cũng có một phần ruộng, khiến cho sự giàu nghèo ở trong nước khỏi chênh lệch.
Bên cạnh công lao hiển hách cũng như thành tựu về chính trị, sau này, Lê Lợi cũng mắc một vài sai lầm nhất định. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ngay sau khi nhà Hậu Lê vừa mới hình thành, việc tranh chấp quyền lực giữa các phe cánh trong triều đã bắt đầu nảy sinh. Có lẽ, lý do quan trọng nhất là sự mâu thuẫn giữa những người đồng hương hoặc ít nhiều có thân thích với vua và những người có gốc tích từ các vùng khác. Lý do thứ hai là mâu thuẫn giữa các công thần trong việc tranh lập ngôi thái tử giữa con trưởng là Lê Tư Tề và con thứ là Lê Nguyên Long. Phe Lê Sát ủng hộ người con thứ Nguyên Long trong khi các tướng xuất thân từ kinh đô như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn ủng hộ Tư Tề. Năm 1429, Lê Thái Tổ tin lời gièm pha nghi Phạm Văn Xảo làm phản nên bắt giết. Sau đó, lại có người tố cáo Trần Nguyên Hãn tích trữ vũ khí làm phản. Lê Thái tổ sai người đi bắt. Thuyền đến giữa dòng, Trần Nguyên Hãn kêu vô tội và nhảy xuống sông tự vẫn. Nguyễn Trãi là anh em cô cậu với Trần Nguyên Hãn cũng bị bắt giam một thời gian, sau vì không có bằng chứng buộc tội nên được thả ra. Người con cả Lê Tư Tề bị kết luận mắc chứng điên khùng nên bị phế truất. Con thứ Lê Nguyên Long được lập làm thái tử. Về biến cố này, các nhà nghiên cứu thống nhất rằng những sự kiện trên thực chất là sự thắng thế của phe Lê Sát trong triều đình mà thôi. Hơn nữa, những hành động của vua Thái Tổ để bảo vệ sự thống trị của nhà Lê cũng mang tính hệ thống. Đầu tiên là giết Trần Cảo. Sau đó giết Trần Nguyên Hãn là con cháu nhà Trần. Tất cả những hành động đó đều nhằm khiến thiên hạ hết sự nhớ tiếc nhà Trần. Và Lê Tư Tề cũng là nạn nhân trong vòng xoáy đó.
Vua Lê Thái Tổ ở ngôi được 5 năm thì qua đời vào ngày 22-8 nhuận âm lịch năm 1433, hưởng thọ 49 tuổi. Vì nhớ công Lê Lai chết thay cho mình ở núi Chí Linh trước kia, ông dặn lại đời sau phải giỗ Lê Lai trước khi giỗ ông một ngày. Bởi thế đời sau truyền lại câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Lê Thái Tổ được an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn. Thái tử Lê Nguyên Long 11 tuổi lên nối ngôi, tức là vua Lê Thái Tông.
Lê Lợi là vị vua có công đánh đuổi giặc Minh, chấm dứt 20 năm Minh thuộc và sáng lập ra vương triều Hậu Lê, triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam. Sau thời kỳ độc lập hơn 400 năm kể từ TK X, Đại Việt có nguy cơ trở lại thành quận huyện của Trung Hoa. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đã chấm dứt 20 năm cai trị của nhà Minh tại Đại Việt và chấm dứt hẳn sự đô hộ của Trung Quốc thời phong kiến. Bởi công lao đó của ông, nên đời sau còn nhớ nhà Lê khi bị nhà Mạc cướp ngôi và đó là một nguyên nhân khiến nhà Lê có thể trung hưng (1533) được. Thậm chí ngay cả khi con cháu triều Lê không còn nắm được thực quyền thì trên danh nghĩa vẫn là người đứng đầu thiên hạ. Chúa Trịnh làm phụ chính nhiều đời nhưng vẫn không dám cướp ngôi, cũng bởi sợ dư luận còn nhớ công lao giành lại độc lập cho đất nước của nhà Lê.
Về cai trị, ông cũng là người thiết lập lại trật tự, quy củ của chế độ phong kiến các triều đại Lý, Trần trước đây mà các thế hệ vua sau tiếp tục củng cố, phát triển cao hơn nữa. Đến cuối đời, ông đã có những quyết định sai lầm dẫn đến cái chết của những trung thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Từ trước khi về trí sĩ, Trần Nguyên Hãn đã nói riêng với người thân cận rằng: “Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể yên hưởng vui sướng được”. Vì thế, sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét về Lê Thái Tổ như sau: “Vua nhiệt tình, hăng hái dấy nghĩa quân đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp. Song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém”.
_______________
1. Cung hình là một hình phạt man rợ của các triều đình phong kiến phương Đông nói chung và ở Trung Quốc nói riêng. Những người bị tội nặng nhưng chưa đến mức chết đều bị đem thiến (hoạn). Những người có nhân cách thường coi đây là điều ô nhục, sống mà bị vậy thì chết còn hơn. Những kẻ hạ đẳng thường coi đây là cơ hội thoát chết và đôi khi lại còn tìm được cách tiến thân như nhập cung làm thái giám (hoạn quan). Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhà Minh thực hiện chính sách đồng hóa về giống nòi rất mạnh đối với người Việt nên đã đưa ra phép cung hình trên.
2. Giờ tý là cách tính thời gian của phương Đông, tương đương từ 23 giờ đến 1 giờ hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 342, tháng 12-2012
Tác giả : Phạm Quang Ái
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ