Lee ufan đánh dấu sự vô tận

Đây là tiêu đề triển lãm hồi cố giới thiệu 90 sáng tác bao gồm ký họa, hội họa, điêu khắc, từ đầu những năm 60 TKXX cho đến nay (1) của nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng Lee Ufan (sinh năm 1936), tại bảo tàng nghệ thuật đương đại danh tiếng Guggenheim ở New York, Mỹ. Triển lãm kéo dài trong vòng 3 tháng này đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách ghé thăm, một lần nữa khẳng định những giá trị nghệ thuật đóng góp cho thế giới của một người Hàn Quốc. Nghệ sĩ Lee Ufan chủ yếu hoạt động ở Nhật Bản và châu Âu.

 

      “Ông ấy là một nghệ sĩ và triết gia quan trọng. Các tác phẩm nghệ thuật và bài viết của ông ấy là vô song trong trường phái nghệ thuật tối giản và hậu tối giản (Minimalist và Post-minimalist art). Là một nghệ sĩ hoạt động tích cực ở Nhật Bản và châu Âu nhưng nghệ thuật của ông hầu như chưa được giới thiệu ở Mỹ. Triển lãm này, phải nói, là quá muộn” – đây là quan điểm của Alexandra Munroe, giám tuyển cao cấp về nghệ thuật châu Á tại bảo tàng Solomon R. Guggenheim, người tổ chức triển lãm hồi cố này của Lee Ufan. Sau 4 năm chuẩn bị, triển lãm được xem như một sự kiện lớn của bảo tàng, lần đầu tiên đem tới cho khán giả Bắc Mỹ sáng tác của một nghệ sĩ Hàn Quốc thực sự nổi bật. Cú hích đầu tiên này cũng lý giải vì sao bảo tàng Guggenheim chọn sáng tác của Lee Ufan làm tiêu điểm giới thiệu.


  Đối thoại (2010).

Chống lại kỹ xảo

Hàng năm, bảo tàng Guggenheim đều lựa chọn một hoặc hai nghệ sĩ nghệ thuật đương đại có danh tiếng lớn để giới thiệu một cách toàn diện dưới dạng triển lãm hồi cố. Hầu hết các tên tuổi lớn của nghệ thuật tiền phong như J. Beuys, M.Barney, C.Oldenburg đều đã  từng được giới thiệu ở đây. Nghệ sĩ Hàn Quốc, Name June Paik, cha đẻ của nghệ thuật video (video art) đã được giới thiệu vào năm 2000. Nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc Cai Guo-qiang (2) cũng đã được giới thiệu vào năm 2008. Và nay, Lee Ufan là nghệ sĩ người châu Á thứ ba được khán giả của bảo tàng Guggenheim biết tới với một hành trình sự nghiệp tuyệt vời.

Lee được biết đến như một nhân vật nổi bật của phong trào Mono-ha trong nghệ thuật Nhật Bản. Ông giải thích về phong trào này như sau: “Cuối những năm 60 TKXX, xuất hiện cái gọi là nghệ thuật Kinetic (Kinetic art) ở Nhật Bản. Nó như một trò lừa mị bởi vì nó gây ra ảo giác cho mắt nhìn về sự tồn tại hay không tồn tại của sự vật, những bối rối về sự đúng hay sai. Điều đó gợi ra trong tôi ý tưởng rằng tôi nhìn sự vật đang ở trước mắt tôi đấy nhưng tôi cũng chẳng thể tin tưởng chúng được”. Cách phê bình thực tại độc đáo này, nghi ngờ về sự xác thực của thực tại, đã tác động mạnh mẽ đến tôi. Năm 1968 là một năm quan trọng đối với toàn thế giới. Ở Italy, xuất hiện Arte Povera, một phong trào nghệ thuật tiền phong sử dụng các vật dụng trong cuộc sống thường ngày để làm nghệ thuật và mở rộng phối cảnh cho một tác phẩm nghệ thuật thông qua việc kết hợp cách thức và không gian trưng bày. Trong bối cảnh ấy, Mono-ha có nghĩa văn chương là trường phái vật thể, kêu gọi ủng hộ việc phê phán các sản phẩm thương mại và chống lại kỹ xảo (trong nghệ thuật)”. Nhưng “chống lại kỹ xảo” có nghĩa là gì? Theo Lee, nghệ thuật, kể từ khi bắt đầu thời kỳ hiện đại, hầu như đều là “tái sản xuất”. Ông cho rằng, nghệ sĩ thoạt tiên hình ảnh hóa những ý tưởng trong đầu mình và sau đó sử dụng chúng để tạo nên một thực thể hữu hình. Mono-ha khởi động với nghi vấn về một thực hành nghệ thuật như vậy. “Đối với các nghệ sĩ theo phái Mono-ha, môtip chỉ đơn thuần là một cơ hội cho việc sáng tác tác phẩm nghệ thuật. Cái quan trọng hơn là vật thể được tạo nên cùng với thời gian, không gian, tất cả được phản ánh một cách tương tác với nhau trong tác phẩm cuối cùng – ông nói – Hay nói theo cách khác, chúng tôi cố gắng giới hạn suy nghĩ của mình về phân nửa tác phẩm còn lại, thay vào đó là việc kết nối cái hữu hình với cái vô hình, ngoại cảnh và nội cảnh cho phần còn lại ấy”.


 Từ hàng kẻ (1977).

Các tác phẩm sắp đặt

Theo hướng suy nghĩ này, chủ đề xuyên suốt trong các sáng tác của ông là “không gian trống rỗng”. Phải nói thêm, sáng tác sắp đặt của ông được tạo nên bởi các chấm, vạch, hoặc một hòn đá sắp xếp một cách đầy kỹ thuật với một phiến thép. Ông diễn giải về điều này trong cuốn sách tựa đề Nghệ thuật của không gian trống rỗng: “Với tác phẩm của tôi, tôi cố gắng giới hạn sự sáng tạo của bản thân và chấp nhận những gì không phải do tôi làm nên. Thông qua cách này, các phần (của tác phẩm) thấm lọc qua nhau trong một mối quan hệ tràn đầy năng lượng. Tôi định thông qua mối quan hệ như vậy sẽ khai thông một không gian ưu việt, có tính phê bình và đầy chất thơ. Tôi gọi đó là nghệ thuật của không gian trống rỗng. Nó không phải là một không gian rỗng tuếch, không chứa đựng thứ gì. Tỉ dụ, khi một cái trống lớn được đánh lên, các âm thanh vang vọng trong không gian bao quanh. Tôi có thể gọi không gian rung động ấy, cùng với cả chiếc trống, là một không gian trống rỗng…”.

Nghệ thuật của các mối quan hệ là những gì mà A.Munroe hy vọng sẽ đem lại cho khán giả Mỹ một sự choáng váng. “Hãy nhìn vào tác phẩm sắp đặt tiêu đề  Relatum – hội thoại (2009) của ông. Thép có nghĩa là công nghiệp và biểu tượng hóa cho thành phố và các tòa nhà. Ngược lại, đá đến từ tự nhiên. Lee tập trung vào mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Ông ấy cho khán giả thấy được cuộc đối thoại giữa chúng. Điều này mang tính ý niệm và rất giàu năng lượng. Nó sẽ như một cú đánh mạnh vào cái tôi của nhiều khán giả Mỹ. Họ sẽ cảm thấy có một cái gì đó xâm nhập từ bên ngoài. Đây cũng là mục tiêu của triển lãm, giúp cho khán giả nhận được nhiều hơn một cái nhìn thông thường về nghệ thuật của chính họ” – Munroe bày tỏ.


 Relatum – một dấu hiệu. 

“Nghệ thuật của tôi sẽ phải khác”

Tại sao ông ấy lại muốn đối đầu với cái vô hình? Sinh ra ở Haman, phía nam tỉnh Gyeongsang năm 1936, trong suốt thời thơ ấu, Lee được dạy viết và vẽ bởi một thày giáo theo trường phái Trung Hoa cổ điển. Người thày khen tranh của ông bao nhiêu thì lại can ngăn ông tiếp tục vẽ bấy nhiêu. Thày dạy của ông cho rằng: “Vẽ vời không phải là nghề dành cho đàn ông. Một nam nhi nên làm học giả hoặc chính trị gia”. Cậu bé Lee khi đó thực sự bị bối rối và bắt đầu nghĩ rằng việc vẽ tranh và bắt chước theo thứ gì đó như chúng đã vốn tồn tại là một hành vi thấp kém và không có địa vị gì (nhưng cậu bé Lee khi đó cũng lại cho rằng âm nhạc là nghệ thuật vĩ đại vì nó vô hình).

Năm 1956, ông vào học Trường Mỹ thuật thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Seoul, song cùng mùa hè năm đó, ông bắt đầu chuyến đi dài sang Nhật Bản. Người cha giao cho ông công việc đem thuốc đông y truyền thống Hàn Quốc sang cho một người chú sống ở Nhật Bản và người cha cũng muốn Lee ở lại đó. Chớp cơ hội này, Lee quyết định nghiên cứu một vài thứ gì đó mới mẻ bởi vì việc học về nghệ thuật ở Seoul cũng chẳng khiến ông thích thú. Ông muốn học về văn chương nhưng nếu vậy, ông phải bắt đầu với triết học trước để gây dựng nền tảng kiến thức. Vì thế, ông chuyển sang học tại khoa Triết học, Đại học Nihon ở Tokyo. Thật không đơn giản để học về văn chương với một ngôn ngữ nước ngoài mà ông không hẳn giỏi giang. “Tôi cũng rất quan tâm đến chính trị và thoạt tiên cũng xem xét về lĩnh vực này song hiển nhiên là tôi phải từ bỏ. Chính trị không phù hợp với tính cách đối kháng của tôi. Sau khi có nhiều bạn là nghệ sĩ, tôi bắt chước họ và sáng tác được một số. Nhưng nghệ thuật của tôi phải khác. Thật là không đủ nếu chỉ dừng lại việc bắt chước những thứ như chúng hiện tồn. Đối với tôi, một tác phẩm nghệ thuật nên khiến cho người xem cảm nhận được về một thế giới rộng lớn hơn, cao vợi và xa vời hơn những gì họ có thể thấy. Nó mở ra một không gian và khai tâm cho khán giả trải nghiệm một thế giới to lớn hơn cái trước mắt họ. Tất nhiên, điều này tôi phải mãi về sau mới nghĩ tới được”.


  Relatum – sự im lặng b (2008).

Một kẻ du mục toàn cầu

Lee Ufan là một hình mẫu của các nghệ sĩ đương đại Hàn Quốc. Tác phẩm của ông có giá cao nhất trong số các tác phẩm nghệ thuật đương đại Hàn Quốc tại các phiên đấu giá trong năm 2009. Theo bản báo cáo hàng năm của trang tin Artprice năm 2009, tổng số tiền dành mua tác phẩm của ông trong năm này là 4,16 triệu đô la Mỹ, đưa ông vào vị trí thứ 164 của danh sách các nghệ sĩ bán tác phẩm được nhiều tiền nhất trong lịch sử gần đây. Nhưng trong số các nghệ sĩ còn sống, ông đứng thứ 30 và thứ 13 trong số các nghệ sĩ châu Á còn sống. Tác phẩm của ông được bán tại 65 phiên đấu giá, mức giá cao nhất cho một tác phẩm là 696.600 đô la Mỹ.

Lee giảng dạy về nghệ thuật tại Trường Đại học Nghệ thuật Tama, Tokyo, từ năm 1973 -2007. Ông đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris. Ông cũng nhận được nhiều tặng thưởng danh dự. Bảo tàng nghệ thuật Lee Ufan ở Naoshima, do kiến trúc sư nổi tiếng Nhật Bản Ando Tadao thiết kế, mở cửa năm 2010, nhanh chóng trở thành một địa điểm phổ biến trong danh mục điểm đến của các tour du lịch nghệ thuật, trung bình có khoảng 1.700 khách tham quan hàng ngày.


 Lee Ufan đi khắp thế giới tìm đá làm tác phẩm.  

Giờ đây, khi đã là một nghệ sĩ xuất chúng, được biết đến như một “kẻ du mục toàn cầu”, ông vẫn đã và đang phải tiếp tục cuộc đấu tranh đơn độc để theo đuổi nghệ thuật: “Tôi không tốt nghiệp một trường nghệ thuật nào nên tôi đã không có ai hướng dẫn và hỗ trợ. Tôi đã phải hành động một cách bạo lực để tồn tại. Đôi khi tôi được chấp nhận nhưng sau đó vẫn bị phê phán và loại trừ, vì tôi là kẻ đứng ngoài. Tôi phải tranh đấu để không bị loại trừ. Hơn thế nữa, tôi còn bị phân biệt đối xử, khi về lại Hàn Quốc thì bị coi như người Nhật, khi ở lại Nhật thì bị coi là người Hàn. Ở châu Âu, tôi bị coi như một người châu Á. Bởi vậy, tôi có lúc muốn rời bỏ tất cả… Tôi luôn ở bên lề và một mình. Nhưng tôi chưa từng bao giờ tự nói với mình rằng: Tôi không thể cố gắng thêm vì tôi bị phân biệt đối xử. Nếu tôi có thể nói vậy với bản thân, hẳn tôi sẽ chấp nhận làm kẻ thua cuộc”

Triển lãm tại Guggenheim là một thử thách khác dành cho Lee Ufan. Bảo tàng có một kiến trúc độc đáo và nội thất bên trong mang tinh thần thách thức cao độ. Tòa nhà màu trắng, do Frank Lloyd Wright (3) thiết kế, trông giống như một vòng xoắn ốc bằng thép cuộn, trong đó các tác phẩm nghệ thuật được nhìn ngắm trong khi bạn đang đi vòng theo các con dốc thoai thoải. Ngay cả vị giám đốc bảo tàng, ông R.Armstrong cũng phải thốt lên: “Không gian trưng bày của chúng tôi độc đáo đến nỗi nghệ sĩ nào cũng cảm thấy rất khó kiểm soát nó. Họ cần thời gian và một tính cách đủ mạnh mẽ. Đây là một thử thách to lớn cho các nghệ sĩ”.

Đối với Lee, người luôn tìm kiếm để đạt được sự hài hòa giữa tác phẩm và không gian, một không gian bảo tàng tiếp nối như ở Guggenheim hoàn toàn xa lạ. Bởi vậy, thoạt tiên ông nài nỉ dành cho ông không gian khác, các gallery phụ dạng hộp màu trắng để ông trưng bày triển lãm. Nhưng vị giám đốc bảo tàng thuyết phục ông hãy tận dụng khu vực triển lãm chính và vẫn có kết nối với dãy gallery phụ nói trên. Sau khi kiểm tra không gian một vài lần, ông nhận thấy đây cũng có thể là một thử thách mới dành cho ông bởi dù có đi theo những đường dốc vòng và thoai thoải thì công chúng vẫn có thể xem được tác phẩm. Vậy là ông có hưng phấn để tiếp tục công việc phối hợp trưng bày triển lãm tại không gian chính cùng với không gian hình hộp màu trắng của dãy gallery phụ. “Trong triển lãm này, công chúng sẽ có dịp ngắm cùng lúc 90 tác phẩm gồm tranh vẽ nét, hội họa, điêu khắc của tôi và tôi cũng rất tò mò xem chính các sáng tác ấy sẽ nói gì với tôi trong không gian mới này”.

THỤY AN dịch

(Nguồn: Lee Ufan: marking infinity, restropective at the Guggenheim, Koreana, vol.25, No.2, Summer 2011)

_______________

1. Nguyên văn bài viết được đăng tải trong số ra mùa hè năm 2011 của Tạp chí Koreana. Triển lãm được giới thiệu từ ngày 24 – 6 đến hết ngày 28 – 9 – 2011.

2. Xem thêm: Eddy Soetriyono (Thảo My dịch), Cai Guo-qiang – vụ nổ lớn, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 298, tháng 4 – 2009, tr.82 – 86.

3. Theo trang tin kiến trúc ashui.com, Frank Lloyd Wright (1867 – 1959) là một trong số những kiến trúc sư tài giỏi, giàu trí tưởng tượng nhất của nước Mỹ. Ông làm việc trong ngành này được 70 năm, ông đã thiết kế hơn 1.000 tòa nhà trong đó có hơn 400 thiết kế đã được xây dựng, được coi là những tác phẩm kinh điển trong ngành kiến trúc với các yếu tố xúc cảm, sự lãng mạn, không gian, môi trường xung quanh… và đặc biệt là sự sáng tạo. Tài năng của ông được giới kiến trúc toàn thế giới ngưỡng mộ và có sức ảnh hưởng lớn nhất TK XX.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : JUNG HYUNG-MO

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *