LINH THIÊNG RỒNG VIỆT


Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong nghệ thuật truyền thống và cũng là biểu tượng văn hóa linh thiêng gắn với truyền thuyết con rồng cháu tiên của dân tộc Việt Nam. Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của nhà vua – đấng thiên tử, rồng cũng chính là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là linh vật đứng đầu trong tứ linh long, lân, quy, phụng. Trải qua hàng nghìn năm, hình tượng rồng vẫn luôn gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt.

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


 

Con rồng trong tâm thức người dân Việt xưa.

Rồng là một linh vật có tính chất huyền thoại, được sinh ra bởi tư duy chứ không phải con vật có trong thực tế, cơ thể nó được gắn ghép rất nhiều bộ phận khác nhau và những biểu tượng khác nhau của vũ trụ hội lại. Nó chỉ hiện thực ở từng bộ phận và nó hiện thực với tư duy chứ không phải hiện thực với thực tế. Có ý kiến cho rằng khởi đầu con rồng được sinh ra từ vùng Trung cận đông, con rồng sẽ đi từ đó lan tỏa ra khắp thế giới. Khi nó đi lên những vùng ở Châu Âu, vùng có cư dân đồng cỏ thường nó gắn với sự tàn ác. Đi về phương Nam và phương Đông thì con rồng gắn với tư duy nông nghiệp, nó có tính chất thuần hóa hơn và hội nhập với thiên nhiên để đưa đến hạnh phúc cho con người.
Con rồng đến với Việt Nam không phải từ sớm. Chúng ta có một truyền thuyết là con rồng đến từ thời kỳ nguyên thủy với câu chuyện Lạc Long Quân. Nhưng đứng ở mặt khoa học mà nói, câu chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân mới được xác định lại vào khoảng thế kỷ thứ XIII, XIV mà thôi. Song nếu đứng về mặt nào đó thì chúng ta nhận thấy rằng ở vào thế kỷ thứ V, thứ VI con rồng mới gần như xuất hiện ở Việt Nam. Ở thời kỳ nguyên thủy với đồ đồng người ta có những hình tượng con cá sấu gọi là con giao long, con giao long đó là người đời nay gán ghép cho nó chứ không phải của những người đương thời lúc đó gọi con cá sấu là con giao long cho nên nó có phải nguồn gốc của rồng không, điều đó cần phải xem xét.
Đối với dân ta là một nước có nền nông nghiệp lúa nước, người Việt quen sử dụng nước tại chỗ như ở bờ đầm, bờ ao cho nên mưa là một vấn đề rất quan trọng trong đời sống mà ở một lớp ý nghĩa của người Việt rồng được coi như một phúc thần và một thần mưa, tượng về mây và bầu trời. Rồng là hóa thân của sức mạnh siêu nhiên, thiêng liêng, huyền bí được tôn thờ tất cả lòng biết ơn, cầu mong lẫn nỗi sợ hãi. Trong tâm thức cư dân lúa nước Việt cổ một loài thiêng vốn vùng vẫy trong vùng sông nước mà có quyền năng biến hóa giữa không trung, làm ra sấm chớp, mây mưa, bão tố, chính vì vậy rồng mang theo đến vô cùng khát vọng của con người về mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân cư sinh sôi đông đúc, sống bình an không tai ương, bão lũ, thủy quái, tà ma.
Truyền thuyết kể rằng từ xa xưa một lần nước ta có giặc ngoại xâm, trời đã sai rồng mẹ mang đàn con xuống giúp đánh tan giặc, chỗ rồng mẹ hạ giới nay gọi là Hạ Long, nơi đàn con xuống là Bái Tử Long còn đuôi đàn rồng vẫy tung sóng trắng là Bạch Long Vĩ. Chính vì lẽ đó nên trong sách cổ thường nhắc đến rồng vàng xuất hiện như một điềm tốt và chữ long thường được dùng để đặt tên cho nhiều địa danh ở nước ta như Hàm Rồng, Hàm Long, Thăng Long, Long Môn, Long Biên, Cửu Long. Rồng đã trở thành một hình ảnh rất đỗi gần gũi, gắn với các địa danh, vùng miền trải dọc suốt mảnh đất hình chữ S.
Từ thời Việt cổ con rồng đã được người dân rất chú ý, rồng là 1 trong 12 con giáp mà hiện nay vẫn dùng. Rồng còn rất gần gũi, thân thuộc trong đời sống, chẳng hạn trong trò chơi quen thuộc của trẻ em và có sức sống bền lâu cùng với thời gian đó là rồng rắn lên mây, hình ảnh sinh động và vui tươi này còn được ghi lại trên tranh hàng trống và không ít người trong chúng ta vẫn nhớ đến trò chơi này.
Trong những ngày lễ tết, hội hè, đình đám, người Việt sử dụng múa rồng như một thông điệp nhắn gửi với thần linh, với cha trời, mẹ đất là hãy nghe ước vọng của con người, hãy vần vũ làm cho mưa thuận gió hòa để có được vụ mùa bội thu. Vì vậy, múa rồng được coi là điệu múa cầu sự no đủ, hạnh phúc. Người Việt xưa múa rồng thường đi với múa hổ, với lớp ý nghĩa nào đó người Việt gắn cho rồng tượng cho tầng trời – yếu tố dương, hổ tượng cho việc cai quản ở dưới mặt đất – yếu tố âm. Múa rồng và múa hổ kết hợp tạo nên sự giao hòa giữa trời và đất, âm và dương đối đãi làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở, đó là một ước vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp của người Việt. Suy cho cùng, con rồng mang đậm nét văn hóa Việt, nó đã đi vào đời sống của người dân một cách giản dị nhưng cũng thể hiện được sự tôn kính như một vị phúc thần mang lại những điều may mắn, tốt lành.
 

Hình tượng rồng trong nghệ thuật tạo hình người Việt…

Sức sống của hình tượng rồng lâu dài và mãnh liệt gắn liền với lịch sử và tâm thức dân tộc, sự thay đổi về hình ảnh con rồng thể hiện sự hình thành và phát triển của chế độ phong kiến qua các triều đại. Mỗi triều đại hình ảnh rồng lại có sự kết hợp và biến hóa riêng, mang một sắc thái riêng. Nếu như con rồng thời Hùng Vương còn gần với nguyên mẫu con cá sấu thì rồng thời Lý đã có sự kết hợp hài hòa của cá sấu và rắn với thân hình uốn lượn, uyển chuyển. Triều đại nhà Lý, đất nước mới thoát khỏi cảnh nghìn năm nô lệ, người dân được hưởng cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Trong cuộc sống thái bình ấy, Phật giáo một tôn giáo mang đậm triết lý nhân bản phát triển mạnh mẽ và trở thành tôn giáo quan trọng. Việc dời đô Hoa Lư ra Thăng Long, từ sự tích vua Lý Công Uẩn nhìn thấy rồng vàng bay lên, đây không chỉ là hình ảnh tượng trưng cho ước mong thái bình, thịnh vượng mà còn là yếu tố góp phần tạo nên niềm tin vào sự phát triển của đất nước. Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, hình tượng rồng được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc, đặc biệt còn được lồng ghép với hình tượng lá đề tạo ra những đồ án trang trí có tổng thể hài hòa, giàu thẩm mỹ như chúng ta đã tận mắt ngắm nhìn ở những di vật trong quá trình khai quật Hoàng thành Thăng Long. Theo Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền thì thời Lý, con rồng uốn thân rất mềm mại, từ khúc to đến nhỏ dần và kết thúc và tạo hình của con rồng thời này có mấy nguyên tắc như, khối phức tạp nhất là khối đầu rồng không có sừng, không có tai,chỉ có một cái mào mà sống mào như cái vòi của con voi vươn lên và bao quanh cái mào ấy là hình lá với những vân xoắn biểu tượng của sấm chớp, từ mép nó nẩy lên một răng nanh.
Đến thời Trần, con rồng được tạo hình mạnh mẽ, khoáng đạt mang hào khí Đông A, đầu rồng uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn, thân rồng tròn và cũng mập mạp, uốn khúc cuồn cuộn. Từ nửa cuối thế kỷ thứ XIV con rồng đã rời khỏi kiến trúc cung đình để có mặt trong các kiến trúc dân dã, không những chỉ có trên điêu khắc đá và gốm mà còn xuất hiện trên điêu khắc gỗ ở chùa làng. Rồng cũng không chỉ có ở những vị trí trang nghiêm mà rồng còn có mặt ở các bậc thềm như ở Chùa Phổ Minh, Nam Định…
Sang đến thời Lê Sơ, rồng đã theo một cách thức của Trung Hoa tương đối rõ rệt, tuy nhiên được Việt hóa một cách mạnh mẽ, với nguyên tắc rồng có mắt quỷ, miệng la, sừng nai, tai thú, trán lạc đà, mũi sư tử, cổ rắn, vẩy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng và đặc biệt rồng gắn với vua có 5 móng. Vua là thiên tử, con trời, nằm trong vòng tròn là bầu trời như ở bia Vĩnh Lăng và để cai quản mặt đất nên bao quanh vòng tròn ấy có một hình vuông, đó là cai quản thiên hạ, 5 móng này như xòe ra rồi quặp lại để nắm lấy 5 phương. Rồng thời Lê – Trịnh được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường, dân gian hóa như hình rồng mẹ và ổ rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi…
Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, phần lớn mình rồng không dài ngoằng mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn, đầu rồng to, sừng giống sừng hươu được chĩa ngược ra sau, mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh, trên lưng rồng có tia phân bố dài ngắn đều đặn, râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Rồng thời Nguyễn được thể hiện trong các đề tài rất đa dạng, cửu long tranh châu, cửu long ẩn vân, ngoài ra còn có rồng chầu thành bậc, rồng đội bia, rồng đội mặt trời, có khi rồng được thể hiện cùng các con vật khác trong tứ linh như rồng – phượng, rồng – lân hoặc có khi lại được trình bày chung cả nhóm tứ linh, long, lân, quy, phượng, rồng có sức mạnh vô biên, là biểu trưng cho năng lượng của đất trời, là con vật có vượng khí nhất trong phong thủy. Rồng còn được thể hiện trong các biến thể về hình thức của cỏ cây hoa lá hay các con vật hóa rồng như mai hóa rồng, trúc hóa rồng, liễu hóa rồng, cúc hóa rồng, cá chép hóa rồng. Rồng xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình với nhiều hình ảnh quen thuộc, được nhiều người biết đến và yêu thích. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, rồng ngậm ngọc hoặc ngậm chữ thọ hay rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, mỗi hình ảnh này lại mang một ý nghĩa khác nhau. Mỗi hình ảnh rồng là một sáng tạo thể hiện trí tưởng tượng phong phú, bay bổng gắn với tâm thức, thể hiện khát vọng và ước mong của người dân Việt. Rồng còn là biểu tượng của nhà vua, quan quân, dân chúng không thể nói thẳng đến cơ thể nhà vua mà gọi là mình rồng, mặt rồng, long thể, long nhan và nơi vua trú ngụ gọi là điện rồng, giường vua nằm là long sàng, xe vua đi là long xa. Vua sẽ ngự trên thềm rồng, bệ rồng, ngồi trên ngai rồng để bàn định việc trị quốc an dân bên bá quan đang chầu dưới sân rồng, văn quan võ tướng đứng hai bên trước hai hàng cột trạm nổi hình rồng uốn khúc quấn quanh cột sơn son thếp vàng cực kỳ tráng lệ. Trên mỗi chiếc ngai vàng đều có 5 con rồng ở các vị trí tương tự là hai tay ngai, hai chân trước và phần đường giữa hai chân trước. Cả 5 con rồng đều chú trọng tạo hình ở phần đầu, mặt đều hướng ra phía trước, dáng vẻ rất oai nghiêm hùng dũng. Bửu tán là tán lớn che phía trên ngai vàng đều có 9 con rồng được tạo hình rất đặc sắc, 9 con rồng này cùng với 5 con rồng ở ngai vàng có mối liên hệ rất chặt chẽ chúng là biểu tượng của hào cửu ngũ, của ngôi vị đế vương thừa mệnh trời để trị vì thiên hạ. Cửu đỉnh là vật biểu trưng cho sự thống nhất của đất nước, sức mạnh và sự thành công và sự trường tồn của triều đại. Hình ảnh con rồng được đúc nổi trên hàng cao nhất của cửu đỉnh.
Từ xưa hình ảnh rồng quần tụ dày đặc trong tạo hình và trang trí gắn liền với kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, miếu, điện, cũng như trên gốm sứ. Đến thời nay, rồng vẫn xuất hiện trong các tác phẩm điêu khắc trạm trổ hay trong những bức tranh đá quý và đồ gia dụng. ý nghĩa của hình ảnh rồng có nhiều biến đổi, nó đơn giản chỉ là một hoa văn trang trí trên bát đĩa hay trong các đồ thờ cúng nên người ta cũng không để ý nhiều đến ý nghĩa của nó, hay hình ảnh con rồng cũng không theo quy chuẩn nhất định mà tùy vào sở thích và sự sáng tạo của người nghệ nhân. Rồng cũng xuất hiện khá nhiều trong những vật phẩm phong thủy nhưng ý nghĩa hình tượng này cũng ít được để ý đến.
 

Trong nghệ thuật tạo hình hiện đại, hình tượng con rồng không được chú ý sử dụng nhiều như những thế kỷ trước, việc sử dụng hình ảnh của rồng đó mới ở mức độ hình ảnh con rồng ở hữu hình, chưa sử dụng được hết tất cả ý nghĩa tượng trưng của con rồng, chưa khai thác được con rồng của thời đại hiện nay. Tuy rằng, hình ảnh rồng vẫn được các làng nghề lưu truyền giữ gìn và phát triển với những tác phẩm chạm khắc và có một số đồ án thể hiện trong các công trình kiến trúc Việt Nam, trên bàn thờ tổ tiên người Việt và ở một số vật dụng để xuất khẩu sang nước ngoài. Đặc biệt vào dịp nghìn năm Thăng Long người ta lại nhắc nhiều đến rồng để ghi nhớ về hình ảnh rồng bay lên gắn liền với ý nghĩa lịch sử của nó đã có rất vật phẩm từ khắp mọi miền tổ quốc dâng lên. Gắn với hình ảnh rồng trên mọi chất liệu sáng tạo độc đáo. Đến lúc này cũng có nhiều người nhắc đến hình ảnh con rồng gắn với dân tộc Việt Nam, hình ảnh đất nước Việt Nam có vóc dáng của một con rồng vươn ra biển Đông chứ không chỉ đơn giản là hình chữ S trong bảng chữ cái La tinh. Mọi người hãy ghi nhớ điều đó trong tâm khảm của mình, góp phần tạo nên khí thế vươn lên của dân tộc.
         Hiện nay với tinh thần của Nghị quyết 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc để vững vàng trong hội nhập, đi đến hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì chúng ta phải khẳng định chính mình là ai thông qua các giá trị của biểu tượng văn hóa dân tộc. Ở đây chưa định hình được một con rồng cụ thể cho thời hiện tại nên người ta lấy mẫu hình của con rồng truyền thống với một vẻ đẹp hình thức nhiều hơn vẻ đẹp tâm linh. Hình tượng rồng trong di sản văn hóa vật thể đất nước Việt Nam quả thực rất phong phú và đa dạng gắn liền với lịch sử của đất nước nhưng để hình tượng rồng tồn tại lâu dài với thời gian chỉ khi nó được mỗi người trong chúng ta nuôi dưỡng trong tâm thức.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012

Tác giả : Triệu Thế Hùng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *