Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhạc sĩ Việt Nam có nhu cầu phản ánh tầm vóc lớn lao, cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, của cuộc sống hiện thực. Điều ấy đã khiến trong tập hợp của ca khúc cách mạng xuất hiện một thể loại mới, trường ca, một sáng tạo đặc biệt của các nhạc sĩ Việt Nam.
Nhìn vào quy mô, hình thức, trường ca được hiểu như là một bài hát dài, nội dung mang tính kể chuyện, cấu trúc thành nhiều đoạn, nhiều phần. Nhưng, loại trường ca của Việt Nam không phải như vậy. Trường ca Việt Nam có kết cấu, nội dung phản ánh, tính chất âm nhạc… hoàn toàn khác một ca khúc dài, cũng không giống thể ballade trong thanh nhạc của châu Âu. Đặc điểm nổi bật của trường ca Việt Nam là tính liên khúc, liên đoạn trong kết cấu một đề tài, một nội dung được diễn dải, thể hiện qua nhiều chặng, nhiều khúc, nhiều doạn khác nhau.
Về khả năng phản ánh, những khía cạnh khác nhau trong nội dung trường ca được thể hiện qua mỗi đoạn, sự tiến triển của nội dung được bộc lộ qua từng chặng. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, khi nhìn vào bố cục và ngôn ngữ âm nhạc của trường ca Việt Nam đã đưa ra nhận định: mỗi khúc, mỗi đoạn có một chủ đề, điệu tính riêng, đôi khi kèm theo cả nhịp điệu, nhịp phách. Tính độc lập tương đối của mỗi đoạn, mỗi khúc biểu hiện đậm nét hơn do sự phức tạp của nội dung, đề tài được phản ánh. Trường ca Việt Nam cũng có hai thuộc tính cơ bản là tính liên khúc và liên đoạn.
Trong nền ca khúc cách mạng, số lượng trường ca không nhiều, nhưng nó đã có những bước chuyển mau lẹ để đáp ứng nhu cầu lịch sử, nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, viết năm 1947, được coi là một trong những bài sớm nhất của thể loại trường ca. Bài hát có tầm khái quát lớn về không khí những ngày Cách mạng tháng Tám và ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, có thể kể thêm loạt bài trường ca, mà nội dung chủ yếu là sự phản ánh không khí hào hùng của nhân dân ta trong những ngày kháng chiến: Tiếng chuông nhà thờ (Nguyễn Xuân Khoát), Bình ca (Nguyễn Đình Phúc), Ba Đình nắng (Bùi Công Kỳ), Trận Đoan Hùng (Lê Yên – Lưu Quang Thuận), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Ngày về (Lương Ngọc Trác – Chính Hữu), Em bé Mường La (Trần Ngọc Xương), Tây Bắc sáng lại (Trọng Bằng)…
Kháng chiến chống Pháp là thời kỳ nở rộ nhất của loại thể trường ca Việt Nam. Có bài, khi nhắc tới tiêu đề, người ta hay kèm với tên của loại thể như: trường ca Sông Lô, viết năm 1948, vào thời điểm chiến trường vẫn còn nồng mùi thuốc súng. Nhân dân náo nức trở về làng cũ, bộ đội phấn khởi sau chiến thắng. Một không gian vừa tĩnh lặng nhưng lại vừa xáo động đã được Văn Cao cảm nhận và đưa vào bài hát.
Sau trường ca Sông Lô của Văn Cao, đã định hình rõ một bút pháp về loại thể trường ca Việt Nam. Mặc dù vậy, ngay thời gian sau đó (từ 1954 đến đầu năm 1960), loại thể trường ca tạm vắng mặt trong diện mạo nền ca khúc cách mạng Việt Nam. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trường ca chỉ còn xuất hiện vài bài, chủ yếu tập trung ở một hai nhạc sĩ, nhưng ở cấp độ cao hơn và hoàn thiện hơn. Thời gian này, Hoàng Vân có duyên viết loại thể trường ca hơn cả, với Hà Nội – Huế – Sài Gòn, Bài thơ gửi Thái Nguyên (lời viết cùng Lê Nguyên). Đặc biệt Tôi là người thợ lò để lại một dấu ấn quan trọng trong nền ca khúc cách mạng Việt Nam. Nó vừa mang tính tự sự, ký sự, miêu tả công việc lao động của người thợ mỏ, vừa mang tính sử thi. Sau đó, trường ca tạm vắng mặt, nhường chỗ cho các loại thể khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ cách mạng. Mặc dù số lượng không nhiều, nhưng loại thể trường ca cũng có thể chia ra các dạng: sử thi có Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi); ký sự có Sông Lô (Văn Cao); chính luận có Bình ca (Nguyễn Đình Phúc); trần thuật có Em bé Mường La (Trần Ngọc Xương)…
Trường ca chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn, nhưng những người làm âm nhạc đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật cũng như sự lan tỏa của nó trong công chúng. Đặc biệt, giới nghiên cứu âm nhạc đã thấy được ở trường ca khả năng nhào nặn những yếu tố nội ngoại sinh để từ đó sáng tạo ra một loại thể mang tính độc lập. Đến ngày nay, trường ca vẫn có vị trí xứng đáng trong nền ca khúc và nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009
Tác giả : Tuệ Anh
Bài viết cùng chủ đề:
Giá trị lịch sử – văn hóa đình làng vân chàng
Sức hút của công tử bạc liêu qua lịch sử, giai thoại
Khu trưng bày khảo cổ học tầng hầm nhà quốc hội