Lý giải động từ tiếc trong ca dao việt nam

Nói năng là một hành động, một quá trình có kiểm soát, trong đó con người dùng ngôn ngữ để trao đổi thông tin về các nội dung khác nhau, làm cho nhau cùng biến đổi. Tiến hành hành động ngôn ngữ, con người có những mục đích, ý định khác nhau, tham gia vào một hình thức hành vi có sự chi phối của các quy tắc, điều kiện và nghĩa tương ứng thông qua việc sử dụng các mệnh đề trong hành động ngôn trung, đơn vị nhỏ nhất của sự giao tiếp ngôn ngữ. Cách phân tích, lý giải hành động tiếc hay các hành động khác có trong Ca dao trữ tình Việt Nam (1) như: ước, trách, khuyên, nhớ, xin, muốn, hỏi, chờ, chê, nghĩ, tưởng, đợi, trông… có liên quan đến nhiều vấn đề, cần được giải mã. Thông qua các hành động sử dụng ngôn từ trên bề mặt này thấy được nhiều hơn các hành động ngôn trung trên cơ sở các quy tắc, ý nghĩa mệnh đề, điều kiện riêng rất thú vị.

Các quy tắc, ý nghĩa, điều kiện thực hiện hành động ngôn trung

Có nhiều quan điểm khác nhau về quy tắc sử dụng từ ngữ, trong đó có hai quan điểm nổi bật, đối lập nhau, đó là ý nghĩa của một từ chỉ đơn giản là vấn đề biết các quy tắc sử dụng từ đó hay không có quy tắc ngữ nghĩa nào hết.

Tiến hành hành động ngôn ngữ, con người ít nhiều có những mục đích, ý định khác nhau. Thực hiện hành động ngôn trung tức là con người tham gia vào một hình thức hành vi có sự chi phối của các quy tắc, điều kiện, với các ý nghĩa tương ứng thông qua việc sử dụng các mệnh đề trong hành động nói. Đó chính là các điều kiện cần, đủ để thực hiện một loại hành động ngôn trung.

Theo J.Searle (2), một bộ những quy định cho việc sử dụng một hành động ngôn từ bao gồm những quy tắc, điều kiện, ý nghĩa này cho ta biết phát ngôn đó là một hành động ngôn trung tương ứng. Ngôn ngữ có hai loại quy tắc: quy tắc điều chỉnh, quy tắc thiết chế, mang đến hệ quả tất yếu là những quy tắc này gần như có tính trùng ngôn.

Các hành động ngôn từ thường được thực hiện khi phát ra những âm thanh hoặc tạo ra các chỉ tố. Trên thực tế, khi phát ngôn, chúng ta cần một tập hợp những điều kiện để xây dựng một bộ quy tắc cho việc sử dụng phương tiện chỉ chức năng, đảm bảo cho việc thực hiện một hành động ngôn trung cụ thể.

Thứ nhất, đó là điều kiện nội dung mệnh đề, chỉ ra bản chất nội dung của hành động ngôn ngữ. Nội dung mệnh đề có thể là một mệnh đề đơn giản, hay một tập hợp mệnh đề.

Thứ hai, đó là điều kiện chuẩn bị, là những ý định của người nói với sự hiểu biết, năng lực, lợi ích mong muốn của người nghe, nhằm đạt hiệu quả là hành động đó phải có một điểm đích.

Thứ ba, chính là điều kiện chân thành, chỉ ra các trạng thái tâm lý, ý thức tương ứng của người phát ngôn.

Thứ tư, đó là điều kiện căn bản, là sự cam kết về trách nhiệm, bổn phận của người nói phải thực hiện hành động nào đó hoặc đưa người nghe vào thế bị ràng buộc khi hành động ngôn ngữ đó được nói ra.

Lý giải hành động tiếc trong ca dao Việt Nam

Hành động tiếc trong ca dao trữ tình Việt Nam

Tiếc là một hành động ngôn từ, có chủ thể, bao gồm các cung bậc của hành động, bày tỏ thái độ.

Qua thống kê tại Ca dao trữ tình Việt Nam, động từ tiếc dùng để chỉ hành động tiếc nuối xuất hiện với tần suất khá dày đặc; với 74 lần xuất hiện, tương đương với 78 lượt được tính kết hợp (một số từ được tính 2 lượt vì trước hoặc sau nó có từ loại khác nhau). Đây là hành động của một chủ thể là người nói, chủ yếu nói về sự tiếc nuối trong tình cảm con người, giữa người nói là nam, người nghe là nữ (hoặc hướng đến người nghe là nữ) hoặc ngược lại; cũng có khi không xác định được chủ thể là nam hay nữ, người nói phát ngôn, thực hiện hành động tiếc cho một đối tượng người nghe khác hoàn toàn trung gian, khách quan. Hành động tiếc kết hợp danh từ, đại từ, động từ, số từ, phụ từ, trợ từ, tình thái từ, từ để hỏi… là phổ biến.

Thực hiện hành động tiếc

Để thực hiện hành động tiếc, người nói phải có những điều kiện nhập ngôn, xuất ngôn bình thường để người nghe hiểu được, hiểu đúng, không bị cưỡng ép; diễn đạt mệnh đề trong phát ngôn, khi diễn đạt đồng thời thực hiện luôn hành động hiện tại… Để thực hiện và đạt mục đích cuối cùng của hành động tiếc, chúng tôi xem xét hành động này trên các yếu tố:

Ý nghĩa hành động tiếc: Ngay khi thực hiện việc phát âm ra những âm thanh, sử dụng động từ tiếc, người nói tức khắc đã thực hiện cái hành động ở lời do chính động từ biểu thị.

Trường hợp thứ nhất, người nói, người thực hiện hành động tiếc là nam, người nghe là nữ (hoặc hướng đến người nghe là nữ). Tiếc công bắt tép nuôi cò/ Cò ăn cò lớn cò dò lên cây (tr.442). Người con trai bày tỏ nội dung tiếc nuối công sức bao gồm tình cảm, sự chăm sóc, niềm tin, hy vọng… mà mình bỏ ra, giành cho người con gái mà không có kết quả. Người con trai truyền đạt các nội dung ý nghĩa đó thông qua một chuỗi các hình vị (từ) có nghĩa về sự kỳ công của người con trai trên cơ sở phát ngôn trên bề mặt với các ý nghĩa như một quy ước, định hướng đối với người con gái. Người con trai đã tạo ra được một hiệu lực về hành động tiếc nuối, người con gái nhận ra ý định đó của người nói. Hành động tiếc nuối ấy, trong tình huống bình thường, người con gái sẽ chấp nhận ý định muốn tạo ra hiệu lực về sự tiếc nuối của người con trai, từ đó cảm thấy day dứt, có lỗi vì bản thân đã làm tổn thương, phụ bạc người con trai.

Trường hợp thứ hai, người nói, người thực hiện hành động tiếc là nữ, người nghe là nam (hoặc hướng đến người nghe là nam). Tiếc công em trang điểm mấy thu/ Bưng trầu ra ngoài bãi bạn chối từ không ăn (tr.441). Ở đây, người con gái thực hiện hành động tiếc để bày tỏ sự tiếc nuối. Tiếc cho sự chăm sóc ân cần, tận tâm của mình với người con trai nhưng người con trai không đáp lại. Thông qua các dẫn chứng, người con gái đã tạo ra được một hiệu lực về hành động tiếc nuối, bao gồm trong đó là sự trách móc, người con trai nhận ra được sự tiếc nuối vô cùng ấy. Từ chỗ hiểu được ý định của người con gái, người con trai sẽ ít nhiều cảm thấy mất mát, xót xa, có lỗi, thậm chí là tiếc nuối tương đương với sự tiếc nuối của cô gái.

Cũng có khi, người nói (nam hoặc nữ) phát ngôn, thực hiện hành động tiếc cho một đối tượng người nghe khác hoàn toàn trung gian khách quan, không có quan hệ tình cảm yêu đương với người nói. Tiếc thay hoa hỡi là hoa/ Mùa xuân chẳng nở nở ra mùa hè (tr.150). Ở đây, rõ ràng, tiếc là một hành động ngôn ngữ có chủ thể. Người nói sử dụng động từ này không phải hướng đến mọi đối tượng chung chung mà là những đối tượng (khách thể) cụ thể, có quan hệ nào đó với chủ thể nói. Khi vừa phát âm, người nói thực hiện ngay tức khắc hành động tiếc, truyền đạt nội dung ý nghĩa của hành động thông qua một chuỗi các hình vị (từ) có nghĩa trên cơ sở phát ngôn (tiếng) trên bề mặt với các ý nghĩa như một sự quy ước, định hướng đối với người nghe…

Như vậy, tiếc là hành động ngôn từ có ý nghĩa cụ thể. Người nói muốn, suy nghĩ, truyền đạt bằng ngôn ngữ, thực hiện hành động hướng đến nội dung, đối tượng nhất định. Nói cách khác, người nói đã tạo ra được một hiệu lực về hành động tiếc nuối, người nghe nhận ra ý định đó của người nói thông qua phát ngôn trên bề mặt từ ngữ được sử dụng, rồi từ đó, người nghe chấp nhận ý định muốn tạo ra hiệu lực về sự tiếc nuối của người nói, thậm chí có thể còn cảm thấy day dứt, có lỗi, mất mát. Hành động tiếc này sau khi được thực hiện sẽ có thêm các ý nghĩa rộng hơn cái nghĩa liên quan ban đầu rất ngẫu nhiên của phát ngôn.

Quy tắc thực hiện hành động tiếc: Để thực hiện hành động tiếc đạt được mục đích, người nói chắc chắn hiểu, tuân thủ các quy tắc sử dụng động từ đó, bao gồm: điều chỉnh, thiết chế.

Trên thực tế, khi người nói chưa phát ngôn, tức là trước khi hành động tiếc xảy ra, người nói có thể đã suy nghĩ rất lâu về vấn đề đó, người  nói không biết được rằng người nói đang trong tình trạng tiếc, thậm chí rất tiếc; nhưng khi đã phát ngôn, người nói ý thức hơn về hành vi tiếc của mình, điều chỉnh nó đúng với nội dung, ý nghĩa, suy nghĩ, cảm xúc của mình để truyền đạt đến người nghe một cách đầy đủ, trọn vẹn. Khi đó, tiếc trở thành một quy tắc, điều phối các mối quan hệ liên cá nhân của người nói, người nghe mà những mối quan hệ này giữa hai người đã tồn tại từ khi chưa có quy tắc về sự tiếc nuối. Kết quả của sự tiếc nuối là đưa người nói vào hành động tiếc nuối hướng đến người nghe…

Về phía người nghe, tính đến ngay trước thời điểm tiếp nhận phát ngôn, có thể không hề biết hoặc không biết chắc chắn người nói dành cho mình rất nhiều tình cảm (ít nhất là cũng nhiều hơn người nghe nghĩ), không hề biết người nói vô cùng tiếc nuối hướng đến mình. Nhưng ngay sau khi phát ngôn được phát ra, người nghe sẽ tiếp nhận theo trình tự đi từ biết, hiểu đến đón nhận trong một tâm trạng chắc chắn là người nói mong muốn. Ít nhất người nghe sẽ có suy nghĩ, tiếp đến có thể sẽ là day dứt, cảm thấy bị mất mát, thậm chí cảm thấy có lỗi, hối hận, ước mong quay ngược thời gian để sửa chữa…

Từ hành động này, người nói, người nghe tiếp tục có mối liên hệ, sự liên quan lẫn nhau. Chính ở đây, hành động tiếc không chỉ đã đạt được quy tắc điều chỉnh mà đã sáng tạo ra hay xác định thêm những hình thức hành vi mới mà sự tồn tại của nó chính do những quy tắc đó quy định, đó chính là quy tắc thiết chế quy định, ràng buộc. Thực ra, người nói không hề thể hiện một hình thức như là mệnh lệnh hay thỉnh cầu nào trên bề mặt từ ngữ, khiến chúng ta có ấn tượng người nói chưa thực hiện quy tắc thiết chế, nhưng trên thực tế, từ phát ngôn, chúng ta nhận ra rất rõ người nói đã thực hiện quy tắc này, người nghe chấp nhận điều đó. Với việc sử dụng động từ tiếc trong hành động ngôn ngữ, thực sự đã diễn ra một chuỗi những hệ thống các quy tắc bao gồm điều chỉnh, thiết chế, các hành động ngôn trung có được từ hành động tiếc được thực hiện phù hợp với hệ những quy tắc đó.

Điều kiện thực hiện hành động tiếc: Để thực hiện thành công hành động ngôn trung với động từ tiếc, đạt được mục đích bày tỏ sự tiếc nuối, khi phát ngôn, người nói cần xác định các điều kiện cho việc sử dụng một bộ quy tắc phương tiện chỉ chức năng cho hành động này, gồm 4 điều kiện: nội dung mệnh đề, chuẩn bị, chân thành, căn bản.

Nội dung mệnh đề: Người nói phát ngôn mệnh đề thể hiện sự tiếc nuối, đồng thời xác nhận hành động tiếc. Mệnh đề chỉ được phát ngôn trong ngữ cảnh của câu, văn bản ca dao và phát ngôn đó có liệt kê sự kiện là một hành động tương lai nào đó của người nói.

Chuẩn bị: Các nội dung mệnh đề thể hiện hành động tiếc nuối được phát ngôn khi người nghe thích người nói thực hiện hành động đó hơn là không thực hiện, và người nói cũng tin như vậy. Mệnh đề được phát ngôn chỉ khi cả người nói lẫn người nghe đều không biết rõ là có thể bù đắp những tổn thất trong tương lai hay không.

Chân thành: Các nội dung mệnh đề thể hiện hành động tiếc nuối được phát ngôn khi người nói thực sự tiếc nuối và có ý định thực hiện việc chia sẻ, tạo cho người nghe niềm tin và người nghe tin rằng người nói là chỗ dựa tinh thần như một sự quy ước.

Căn bản: Phát ngôn với hành động tiếc là sự cam kết trách nhiệm, bổn phận của người nói chia sẻ, động viên người nghe. Người nói có ý định tạo ra một hiệu lực ngôn trung từ tiếc đến thương xót, sẻ chia và làm cho người nghe chấp nhận ý định đó.

Cách phân tích, lý giải hành động tiếc trên đây cho thấy các khái niệm, từ ngữ vốn tự thân nó rất thú vị, nhất là trong khi hành thức. Từ cách phân tích này, ta có thể vận dụng, phân tích được nhiều trường hợp ngôn ngữ khác để hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn các vấn đề, địa hạt của ngôn ngữ học; bổ sung đầy đủ hơn hệ thống lý thuyết về các quy tắc sử dụng ngôn ngữ, các giá trị mang lại ngoài ngôn ngữ.

____________

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *