Lý thuyết và vai trò của các bên liên quan trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản


Mô hình quản lý di sản ở Việt Nam hiện nay đã cho thấy vai trò của Nhà nước và các bên liên quan (CBLQ) trong những vấn đề về di sản văn hóa. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng; cộng đồng đóng vai trò chủ động thực hiện, cả hai được xem là nhân tố quyết định trong công tác bảo tồn di sản. Nhà nghiên cứu, cơ quan truyền thông có nhiều đóng góp trong việc đánh giá giá trị của di sản (diễn ngôn có thẩm quyền về di sản) và phổ biến, khẳng định những giá trị này đến với công chúng. Để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, tất cả CBLQ đều có vai trò quan trọng. Từ một số trường hợp nghiên cứu cụ thể, bài viết làm rõ sự tham gia của CBLQ cũng như những vấn đề nảy sinh từ lý thuyết đến thực tiễn.

1. Ứng dụng lý thuyết CBLQ trong quản lý, bảo tồn di sản

Lý thuyết CBLQ      

Lý thuyết CBLQ (Stakeholder theory) được tác giả R.Edward Freeman (1984), đưa ra từ nghiên cứu về quản trị tổ chức và đạo đức kinh doanh (Quản trị chiến lược: các tiếp cận từ các bên liên quan). Trong đó, tác giả cho rằng, tổ chức có trách nhiệm đối xử công bằng giữa CBLQ, trong trường hợp có xung đột lợi ích, công ty/ doanh nghiệp phải cân bằng lợi ích giữa các bên. Trong lĩnh vực kinh doanh, tác giả đã coi doanh nghiệp là trung tâm và CBLQ có tác động qua lại đối với doanh nghiệp bao gồm: khách hàng, đối thủ cạnh tranh, truyền thông, nhân viên, nhóm lợi ích đặc biệt, kế toán quản trị môi trường, các nhà cung cấp, Chính phủ, tổ chức cộng đồng địa phương, chủ sở hữu, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Vì nhu cầu của CBLQ khác nhau và luôn thay đổi nên doanh nghiệp sẽ tập trung vào đáp ứng nhu cầu của bên liên quan có lợi ích lớn và trực tiếp, các bên còn lại cũng được thỏa mãn thông qua việc tổ chức chiến lược kinh doanh, báo cáo thông tin phù hợp với chuẩn mực và giá trị xã hội. Lý thuyết CBLQ là một trong những lý thuyết có ảnh hưởng tới sự phát triển và ứng dụng trong lĩnh vực kế toán quản trị môi trường.

Bài viết vận dụng lý thuyết và mô hình CBLQ của R.Edward Freeman, để xem xét về vai trò và mối liên hệ của CBLQ đối với di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Những bên liên quan đến di sản bao gồm: cơ quan quản lý, cộng đồng địa phương, các nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông.

Áp dụng lý thuyết CBLQ trong quản lý, bảo tồn di sản

Nghiên cứu của nhóm tác giả Christina Aas, Adele Ladkin, John Fletcher, Hợp tác các bên liên quan và quản lý di sản (2005), đã xem xét cách tiếp cận hợp tác trong mối quan hệ giữa quản lý di sản và phát triển du lịch ở Luang Prabang, Lào. Mục đích để kiểm tra sự hợp tác và vai trò quản lý của CBLQ cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau của việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Nghiên cứu của nhóm tác giả Davie Simengwa, Simon Makuvaza, Việc áp dụng lý thuyết các bên liên quan trong quản lý địa điểm di sản ở Malawi (2015), thảo luận các khuôn khổ pháp lý về di sản ở Malawi. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả lập luận, do không có sự tham gia của CBLQ trong hệ thống di sản nên luôn có những xung đột trong cách thức quản lý. Các xung đột thường nảy sinh từ việc quản lý các địa điểm di sản với lợi ích của nhiều bên, đề xuất một lý thuyết về CBLQ, hướng dẫn việc quản lý, có thể được áp dụng khi quản lý các di sản trong nước. Cevat Tosun với nghiên cứu Giới hạn sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch ở các nước đang phát triển (2000); Xing Huibin và Azizan Marzuki với nghiên cứu về Sự tham gia của cộng đồng đối với du lịch di sản văn hóa từ góc độ đổi mới hệ thống (2012), đã nghiên cứu, xem xét các nghiên cứu trước đây về cộng đồng tham gia vào hệ thống du lịch và đổi mới, sau đó phân tích đặc điểm cụ thể và tình hình hiện tại của du lịch di sản văn hóa ở Penang, Malaysia. Shadreck Chirikure và Gilbert Pwiti trong Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý di sản khảo cổ và di sản văn hóa – Một đánh giá từ các nghiên cứu điển hình ở Nam Phi và những nơi khác (2008); Sara S.Fouad, Omneya Messallam trong Nghiên cứu điều tra về vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản thông qua phương pháp tiếp cận bậc thang sự tham gia của người dân, nghiên cứu trường hợp ở Ai Cập (2018), đã nghiên cứu dựa trên cách tiếp cận mức độ tham gia của người dân, từ đó làm rõ vai trò của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Truyền dạy hát Then, đàn tính – Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Nghiên cứu về vai trò của CBLQ đối với quản lý và bảo tồn di sản ở Việt Nam, nhóm tác giả Quang Minh, Nguyễn Thị Thu Trang trong Vai trò của cộng đồng đối với việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (2012) đã nhận thức về vai trò của cộng đồng, đưa ra các góc độ tiếp cận của di sản văn hóa ở những góc độ như: cấp độ cá nhân, cấp độ gia đình, cộng đồng làng xã, cộng đồng ở cấp độ quốc gia, cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng phân tích về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững, đặc biệt là phải phục vụ yêu cầu phát triển cộng đồng. Các tác giả đưa ra khái niệm phát triển cộng đồng đi cùng với phát triển du lịch cộng đồng và cho rằng, phát triển cộng đồng là một trong những phương thức hiệu quả nhất để huy động nguồn lực xã hội và phát huy vai trò của cộng đồng nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tác giả Trần Đức Nguyên trong Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di tích lịch sử văn hóa (qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Bắc Ninh) (2013), đã chứng minh việc cộng đồng tham gia bảo vệ, giữ gìn di tích, đặc biệt là các di tích gắn với tôn giáo – tín ngưỡng. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, cộng đồng tham gia vào quá trình trùng tu, tu bổ di tích gồm hai dạng chính: đóng góp một phần kinh phí, nhân lực, vật liệu… cùng với kinh phí của nhà nước; đóng góp toàn bộ kinh phí, ngày công vào việc trùng tu, tu bổ cho các di tích. Tác giả Lâm Thị Mỹ Dung, Chu Lâm Anh, Nguyễn Anh Thư trong Tài nguyên di sản văn hóa trong bối cảnh đương đại (2018) đã đưa ra khái niệm về tài nguyên di sản, nghiên cứu về tính đa diện, đa dạng, đa loại của tài nguyên di sản cũng như biến đổi xã hội với di sản và tài nguyên di sản Việt Nam trong bối cảnh xã hội đương đại. Đồng thời, khái quát về những thách thức đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản dựa trên nghiên cứu các loại hình di sản khác nhau. Bùi Hữu Tiến trong Đối thoại với di sản khảo cổ học: nghiên cứu phức hệ Di tích Vườn Chuối (2018), đã đặt ra và trả lời các câu hỏi: Đối thoại với di sản như thế nào? Ai tham gia đối thoại với di sản? Nghịch lý trong tiếp cận vấn đề di sản ở Việt Nam và một số giải pháp tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản…

2. Phân cấp quản lý về di sản văn hóa ở Việt Nam

Trong những năm qua, Nhà nước đã có những chính sách về di sản văn hóa đặc biệt là việc ban hành Luật Di sản văn hóa (2001), Luật Di sản văn hóa sửa đổi và bổ sung (2009) (1). Nhà nước xây dựng, chỉ đạo ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; Nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa; Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tổ chức khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; hợp tác quốc tế, thanh tra, kiểm tra về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý và điều hành các hoạt động trong lĩnh vực về di sản văn hóa.

Theo Điều 55 Luật Di sản văn hóa: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo phân công của Chính phủ. Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc phối hợp với Bộ VHTTDL để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa. UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

3. Vai trò của CBLQ trong bảo tồn và phát huy di sản

Vai trò của Nhà nước

Nhà nước thông qua các cơ quan quản lý ban hành các văn bản pháp luật quy định như Luật Di sản văn hóa, các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn, để quản lý các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa. Nhà nước ban hành những cơ chế, chính sách xử lý và khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nhà nước cũng tạo điều kiện để cộng đồng phát huy vai trò chủ động trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Chủ trương xã hội hóa đã mang lại những hiệu quả nhất định, vừa bảo tồn di sản văn hóa, vừa trao quyền cho cộng đồng để họ làm chủ di sản. Đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong đó bao gồm tu bổ, tôn tạo di tích và khai thác phát huy giá trị di tích. Trong báo cáo (3) của Bộ VHTTDL, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, từ năm 2011-2018, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương trên cả nước chống xuống cấp và tu bổ di tích giai đoạn 2011-2015, số di tích được tu bổ, tôn tạo là 1.320, với tổng kinh phí 1.436,844 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2018 số di tích được tu bổ, tôn tạo là 238, với tổng kinh phí 124,4 tỷ đồng. Từ những số liệu nêu trên đã cho thấy sự quan tâm cũng như đầu tư của Chính phủ và Nhà nước cho công tác chống xuống cấp và tu bổ di tích trong những năm qua.

Trường hợp đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội), di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là một minh chứng cho vai trò của Nhà nước đối với công tác trùng tu, tôn tạo trong nhiều năm. Đặc biệt vào những năm 1860, 1979 và năm 2004, đình Tây Đằng tiếp tục được Nhà nước đầu tư với kinh phí 17,7 tỷ đồng cho công tác trùng tu, bảo tồn. Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị vật thể về kiến trúc, điêu khắc, những giá trị văn hóa phi vật thể cũng được cộng đồng bảo vệ và phát huy thông qua sự tham gia của cộng đồng đối với việc tổ chức lễ hội, cùng với CBLQ khác dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.

Vai trò của cộng đồng

Cộng đồng không chỉ bó hẹp là những người dân ở địa phương, mà được hiểu rộng hơn, gồm cả các tổ chức phi quan phương, hiệp hội, công ty, tổ chức cũng tham gia vào việc bảo tồn di sản. Sự tham gia của cộng đồng có thể bằng nhiều cách thức khác nhau, tùy từng loại hình di sản. Ví dụ trường hợp di tích đình Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), theo số liệu Ban quản lý di tích cung cấp, những năm qua, đình đã nhận được nhiều sự đóng góp từ cộng đồng để trùng tu và tổ chức lễ hội. Cụ thể, từ năm 2002-2005 nhận được trên 70 triệu đồng; năm 2007 nhận được trên 90 triệu đồng; từ năm 2007-2010 nhận gần 1 tỷ đồng (với 2.429 lượt công đức); năm 2014, nhận trên 175 triệu đồng; năm 2015, gần 90 triệu đồng; năm 2016-2017, trên 60 triệu đồng. Từ những số liệu trên cho thấy sự quan tâm và những nỗ lực của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, trùng tu di tích và những nỗ lực của cộng đồng trong tổ chức lễ hội và phát huy giá trị di sản.

Vai trò của cộng đồng đối với việc bảo tồn di sản cũng được thể hiện thông qua trường hợp đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đối với trường hợp đình Lương Xá, được xây dựng từ TK XVII, điêu khắc trang trí có nhiều giá trị về nghệ thuật, nhưng lại chưa được xếp hạng. Cộng đồng địa phương đã vận động, quyên góp với số tiền khoảng 1,8 tỷ đồng để trùng tu, nhưng khi trùng tu lại không tuân thủ quy định trong Điều 34 của Luật Di sản văn hóa. Sự đóng góp của cộng đồng với mục đích bảo tồn di sản, nhưng CBLQ đã để xảy ra những sai phạm đáng tiếc, trách nhiệm này thuộc về những người đứng đầu và cơ quan quản lý. Sự việc đình Lương Xá cũng phản ánh một thực trạng chung đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước hiện nay do nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng về di sản văn hóa, sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với di sản văn hóa đặc biệt là các di tích chưa được xếp hạng.

Vai trò của các nhà nghiên cứu

Đối với nhà nghiên cứu là những chuyên gia tại các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, là những người đóng góp về mặt lý luận, những đánh giá, nhận xét chuyên môn trong các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa. Trường hợp bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã cho thấy rõ vai trò của các nhà nghiên cứu trong việc đánh giá, xác định giá trị và đưa ra phương án bảo tồn đối với di chỉ Vườn Chuối. Trải qua hơn 10 cuộc khai quật, có đầy đủ căn cứ khoa học để xếp hạng di tích theo Luật Di sản văn hóa, nhưng di tích vẫn chưa được xếp hạng. Tiếng nói của các nhà nghiên cứu đã giúp cộng đồng hiểu biết hơn về giá trị của di sản văn hóa, được cơ quan quản lý tiếp thu và có những chính sách, phương án phù hợp trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Phương án bảo tồn 6.000m2 phía Đông khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối mà không làm ảnh hưởng đến xây dựng tuyến đường vành đai 3.5, được xem là phương án khả thi, giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, xã hội.

Vai trò của truyền thông

Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề giới thiệu, tuyên truyền hay phản ánh những vấn đề phát sinh hay liên quan đến di sản văn hóa tới công chúng. Vai trò của truyền thông được thể hiện thông qua việc phản ánh kịp thời những sai phạm trong công tác trùng tu, tôn tạo tại một số những di tích đến với công chúng và dư luận. Thông qua sự phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà nhiều sự việc liên quan đến vấn đề trùng tu, nhiều sai phạm đã được đưa ra xem xét, xử lý. Đối với đình Tây Đằng, trong quá trình trùng tu, việc thay thế cổng sắt không phù hợp với cảnh quan của di tích, đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình phản ánh trên nhóm Đình làng Việt, sau đó các cơ quan báo chí tiếp tục đưa tin về vấn đề này. Trước sự lên tiếng của báo chí và dư luận, Phòng Văn hóa Thông tin thị trấn Tây Đằng đã có công văn yêu cầu Ban Quản lý di tích thay thế và trả lại cánh cổng ở nghi môn theo đúng hiện trạng ban đầu. Sự việc được khắc phục nhưng cho thấy sự phối hợp giữa các cấp quản lý, giám sát vẫn còn nhiều hạn chế. Có thể nói, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý và cộng đồng người dân địa phương cho đến nay đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

4. Kết luận

Mối quan hệ giữa CBLQ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản là mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Nhà nước quản lý và điều hành các hoạt động về di sản văn hóa; cộng đồng là những người trực tiếp thực hành di sản, di sản gắn bó chặt chẽ với cộng đồng. Vì vậy, cần tạo điều kiện để cộng đồng có thể tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản vừa phục vụ đời sống văn hóa, gắn kết cộng đồng, trao truyền và tôn vinh các giá trị truyền thống; các nhà nghiên cứu góp phần đưa tiếng nói của mình để tham vấn cho Nhà nước thực hiện và điều chỉnh các chính sách, quy định cho phù hợp; truyền thông đóng vai trò góp phần quảng bá, tuyên truyền, phản ánh những vấn đề liên quan đến di sản tới CBLQ. Cần sử dụng hợp lý nguồn ngân sách từ Nhà nước, các tài trợ đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đối với hoạt động bảo tồn và trùng tu di sản. Đối với nguồn lực về con người, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho những người tham gia vào công tác bảo tồn, tổ chức chỉ đạo khen thưởng đối với các cá nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.

Tăng cường hợp tác quốc tế về di sản văn hóa, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, góp phần phát huy giá trị của di sản trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với luật pháp Việt Nam và điều ước quốc tế (4).

_________________

1. Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH ngày 23-7-2013.

2. Nguyễn Thị Hiền, Quản lý nhà nước và vai trò cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Nxb Văn hóa dân tộc, 2017.

3. Bộ VHTTDL, Báo cáo về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, 2018.

4. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đề tài mã số CS.2020.03.

Tài liệu tham khảo

1. Christina Aas, Adele Ladkin, John Fletcher, Stakeholder Collaboration and Heritage Management (Hợp tác các bên liên quan và Quản lý Di sản), tập 32, Annals of Tourism Research, số 1, 2005, tr.28-48.

2. Davie Simengwa, Simon Makuvaza, The Application of the Stakeholder Theory in the Management of Heritage Places in Malawi (Việc áp dụng lý thuyết các bên liên quan trong quản lý địa điểm Di sản ở Malawi), University of Zimbabwe, 2015.

3. Lâm Thị Mỹ Dung, Chu Lâm Anh, Nguyễn Anh Thư, Tài nguyên di sản văn hóa trong bối cảnh đương đại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Hội nhập quốc tế về bảo tồn – cơ hội và thách thức cho các giá trị di sản văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2018, tr.15-26.

4. Guido Cimadomo, Community participation for heritage conservation, Sustainability in Heritage Protected Areas, (Sự tham gia của cộng đồng để bảo tồn di sản, Tính bền vững trong các khu bảo tồn di sản), AESOP & Wroclaw University of Technology, Ba Lan, 2015, tr.88-95.

5. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang, Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Nxb Văn hóa Thông tin, 2000.

6. Quang Minh, Nguyễn Thị Thu Trang, Vai trò của cộng đồng nhìn từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4 (41), 2012, tr.18-23.

7. Trần Đức Nguyên, Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di tích lịch sử văn hóa (Qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Bắc Ninh), Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, 2013, tr 55-61.

8. Bùi Hữu Tiến, Đối thoại với di sản khảo cổ học: nghiên cứu phức hệ Di tích Vườn chuối, Tạp chí Khảo cổ học, số 4, 2018, tr.87-100.

9. Petronela Spiridon và Ion Sandu, Conservation of cultural heritage from participation to collaboration (Bảo tồn di sản văn hóa từ tham gia đến hợp tác), tập 5, Encatc journal of cultural management and policy, số 1, 2012, tr.43-52.

10. Sara S.Fouad, Omneya Messallam,Investigating the Role of Community in Heritage Conservation through the Ladder of Citizen Participation Approach: Case study, Port Said, Egypt (Nghiên cứu điều tra về vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản thông qua phương pháp tiếp cận bậc thang sự tham gia của người dân, nghiên cứu trường hợp ở Ai Cập), tập 12, International Journal of Architectural and Environmental Engineering, số 11, 2018.

Ths ĐOÀN VĂN LUÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *