Qua nửa thế kỷ vẽ và vẽ, Thế Hà (1) là một họa sĩ bền bỉ và lặng lẽ với hành trình sáng tác của mình. Bền bỉ bởi chưa khi nào ông buông cây cọ, luôn ham muốn làm chủ kỹ thuật và mọi bút pháp khả thể nhằm biểu đạt trọn vẹn điều mình muốn nói trong một sáng tác nhất định. Lặng lẽ bởi ông chưa bao giờ tự huyễn hoặc về nghệ thuật của mình với đồng nghiệp, thế hệ đi sau, với học trò hay trên truyền thông. Thưởng lãm các bức tranh tiêu biểu của ông trong ít nhất là 15 năm qua, dễ dàng nhận ra ở đó có màu nắng lửa rát cháy mà kiêu hãnh của đất mẹ Quảng Trị.
Cái tôi nghệ sĩ ẩn sau bộn bề thế sự
Có thể nói, có ba chủ đề chính trong sáng tác hội họa của Thế Hà. Đầu tiên là chủ đề liên quan đến những năm tháng quê hương Quảng Trị cùng cả nước trong cuộc chiến tranh bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc. Tuy không phải là các mô tả trực tiếp cuộc chiến tranh với bom đạn, hy sinh, thương đau mà chiến tranh trong tranh của ông được thể hiện qua những gương mặt khắc khổ, kìm nén mọi nỗi lòng và kiên gan chịu đựng khi bám trụ trong lòng đất. Trong bức tranh Huyền tích sinh tồn (sơn dầu, 90x190cm, 2010), Thế Hà đã lựa chọn một bố cục chặt chẽ, dồn nén đến căng cứng khi vẽ về cuộc sống trong lòng địa đạo Vịnh Mốc. Mỗi một nhân vật được tạo hình ở nhiều thế dáng khác nhau, ngồi, đứng, ngồi bó gối, hầu hết là một mình (chỉ có một cụm 2 nhân vật: một người lớn ôm gọn một đứa trẻ trong lòng); người cầm súng, người ôm đàn, có bé ôm đồ chơi, hay có người ngồi bó gối một mình. Tất cả dàn hàng ngang, mỗi nhân vật ở vừa kín trong một ô không gian nhỏ bé, ngăn cách nhau, đồng hiện trên nền tranh hòa lẫn nhiều môtip gợi tả khung cảnh bên trên mặt đất: bom, lửa, mảnh vỡ… Mỗi gương mặt một biểu cảm: lo lắng, đăm chiêu, tập trung công việc, xa xăm, hay chút thư giãn, nhẹ nhõm. Cuộc sống vẫn đấy, cho dù chật chội và căng thẳng vì chiến tranh. Những chồng lớp sơn dầu dày dặn, được tỉa nét khá tinh tế, tông màu ấm làm chủ đạo, đỏ, cam, nâu, pha vàng, mỗi một góc địa đạo của một phận người đều được diễn tả khác nhau, song vẫn tràn đầy ánh sáng, toát lên một vẻ ấm áp của sự sống.
Thế Hà, Huyền tích sinh tồn, sơn dầu, 90x190cm, 2010
Họa sĩ đôi khi cũng không giấu giếm cảm thức lãng mạn trong ông, như với bức tranh Ký ức dòng sông (sơn dầu, 2014). Bức tranh là cảnh bơi qua sông của một nhóm người lính giải phóng: các chỉ dấu như súng, mũ tai bèo đã cho thấy điều đó. Họ đang kề sát bên nhau, mỗi người trong một động tác bơi riêng nhưng tất cả đều khỏe khoắn, dứt khoát; gương mặt ai như cũng toát lên vẻ thư thái, thanh xuân. Sáu dáng hình trải dài theo chiều ngang tranh, trên nền tranh xanh lục pha nhiều màu đen, họa sĩ để một vạt sơn đỏ chiếm gần hết chiều rộng tranh và chảy tràn đều theo chiều dọc tranh, gây ấn tượng mạnh. Màu đỏ gợi nhiều hàm ý liên quan đến chủ đề bức tranh như: chiến tranh, máu lửa, lòng quyết tâm, tuổi trẻ… Cả một vạt màu đỏ chảy tràn qua những gương mặt đồng đội thanh xuân và những thân hình đang cùng nhau vươn về phía trước trong lòng sông, quả thực gợi nhiều xúc cảm đẹp, cho dù cùng lúc, nó cũng nhắc nhớ đến chủ đề chiến tranh vốn dĩ khốc liệt với máu lửa và hy sinh… Bức tranh giàu hàm nghĩa này đã được trao tặng giải A – giải thưởng Mỹ thuật khu vực IV, Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2014.
Thế Hà, Cuộc chiến sinh tử, acrylic, 120x120cm, 2020
Những vấn đề phổ quát hơn trong đời sống nhân sinh hôm nay đồng thời được họa sĩ nhắc đến một cách khá trực diện. Ám ảnh đời sống đô thị, dự cảm về tương lai bất trắc của cuộc sống loài người, những đe dọa của thiên tai, dịch bệnh là đề tài chung thường thấy. Song, cách thể hiện của Thế Hà cho thấy những chiêm nghiệm sâu sắc của cá nhân ông đồng thời với sự tìm tòi trong bút pháp thể hiện. Vẫn là thủ pháp đồng hiện trên bức tranh khổ lớn (acrylic, 120x200cm, ghép 2 tấm) khi đề cập đến dịch COVID-19, tiêu đề Cuộc chiến sinh tử, hoàn thành vào cuối năm 2020 vừa qua. Choán toàn bộ không gian bức tranh lớn, kín cả chiều dài và chiều rộng, là hình ảnh 8 bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ nhưng riêng 8 đôi mắt đều được miêu tả kỹ, ánh nhìn căng thẳng, tập trung vào việc họ đang làm. Những gương mặt ở hai bên trái và phải được vẽ theo chiều nhìn nghiêng, dồn dần sự tập trung vào giữa bức tranh, tạo nên một hình vòng cung. Phía trước, bên dưới phần gương mặt và y phục bảo hộ màu trắng của họ nổi lên hình ảnh lá phổi màu hồng, một đôi bàn tay ngả dần màu nâu sẫm về phía các ngón, những sọc trắng thưa như hình phim âm bản chụp lá phổi rỗng doãng gây hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. Xung quanh hình lá phổi hồng và lui dần xuống phía dưới tranh là ken đặc các chi tiết chai lọ thuốc, hình dạng con virus. Bức tranh kín đặc chi tiết trong một không gian hai chiều, mọi thứ trình hiện căng thẳng, cho thấy sự cam go của một “cuộc chiến sinh tử” nhưng cũng cho thấy sự chiếm ưu thế của con người trong cuộc chiến này (qua hình ảnh các bác sĩ đang tạo thành một vòng cung khép kín) và đồng thời gợi mở chiều thứ ba trừu tượng ở phía sau vòng cung áo trắng chắc chắn ấy, đó là cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ được an toàn. Bức tranh thể hiện chiều sâu suy tưởng của họa sĩ về một thực tế xã hội đã, đang và sẽ hết sức bộn bề ở khắp nơi trên thế giới, chi phối cảm xúc sống hằng ngày của mọi người. Hiển nhiên, họa sĩ chắc chắn cũng bị cảm xúc ấy chi phối, song ông không bị nó cuốn đi, ngược lại, những suy tư sâu sắc của ông được chắt lọc và thể hiện qua một bút pháp hội họa hiện thực pha lẫn biểu hiện và tượng trưng một cách hài hòa, thể hiện thái độ điềm tĩnh trước thực tại, truyền dẫn niềm hy vọng tới người xem về tương lai sau thực tại dịch bệnh ấy.
Trên hành trình hội họa của mình, họa sĩ Thế Hà cũng không bỏ qua những câu chuyện xã hội mang màu sắc địa phương rõ nét, như niềm vui của người Vân Kiều khi được mang họ Hồ, mối đe dọa của lũ lụt, hạn hán. Họa sĩ cũng đã mạnh dạn tìm kiếm phương thức biểu đạt đa dạng với hội họa trừu tượng, biểu hiện trừu tượng trong một số chủ đề mong muốn phản ánh nội tâm cá nhân, riêng tư hơn. Sự mạnh dạn này của ông cho thấy ham muốn không dừng lại với sáng tạo và cho thấy sự chuyên chú của ông với hành trình nghệ thuật mà ông đã lựa chọn. Thành công hay sự an toàn về danh tiếng không phải là đích đến của ông, mà dường như với ông, sự thực hành và thực hành hội họa liên tục trong mối bận tâm tha thiết, sâu sắc tới các câu chuyện cuộc sống mới là điều cốt lõi.
Gam màu tượng trưng và ám ảnh
Những gam màu ấm, nóng, vàng, vàng cam, đỏ, đỏ cam được họa sĩ sử dụng nhiều và chứa đựng chiều sâu hàm ý của nội dung sáng tác. Như có phần phân tích ở trên về vạt màu đỏ lửa trên bức tranh Ký ức dòng sông, tính chất tượng trưng của màu sắc cùng việc sử dụng đúng vị trí không chỉ làm gia tăng khả năng gây ấn tượng của bức tranh mà còn khơi gợi trong người xem nhiều suy tưởng. Đặc biệt, tính chất tượng trưng này không gò ép người xem theo một chiều cảm hay nghĩ nhất định mà tạo ra một vùng tự do của thưởng ngoạn, người xem sẽ nhận hiểu và đồng cảm với họa sĩ tùy vào khả năng tưởng tượng, mức độ trải nghiệm cuộc sống cũng như xúc cảm trước nghệ thuật của từng cá nhân.
Bức tranh Không còn dòng chảy (sơn dầu, 2016) được bao phủ bởi hai gam màu đỏ và vàng, với nhiều sắc độ. Nửa dưới của bức tranh là vạt màu đỏ pha sắc cam, trên nền đó là hai nhân vật một già, một trẻ, thân thể và gương mặt họ cũng quyện đỏ. Cô bé đứng hơi chếch sau lưng người bà, họ cùng hướng về một phía (bên phải tranh) nhưng người bà có vẻ nhẫn nại, người cháu thì vương ánh nhìn ưu tư, xa xăm hơn. Chiếc xô màu xanh bên chân cô bé như một đạo cụ cần thiết, để luyến gam xanh pha với nâu bạc, màu trên trang phục của cả hai nhân vật. Sau lưng họ là nền tranh (như là bầu trời) với màu vàng, phủ thêm sắc nâu và trắng chói chang. Mái tóc và vạt quần áo của cô cháu như dạt về phía trái tranh, cùng với chiều tản dần của gam màu nâu loang sang trái ở phía sau, gây cảm giác về gió đang thổi ngược chiều họ. Bức tranh nóng, bỏng cháy, hầm hập như từng cơn gió Lào Quảng Trị vậy.
Thế Hà, Ám ảnh, sơn dầu, 2016
Gam xanh lơ, xanh lục cũng có lúc được họa sĩ sử dụng làm màu tượng trưng cho giấc mơ về tương lai, cho niềm hy vọng vào sự tiếp nối thế hệ. Trong bức tranh Hồi sinh (sơn dầu, 120x60cm, 2015), hình ảnh cô gái toàn thân màu xanh lục, có mái tóc như ngàn bông hoa/ vầng hoa đính phía sau nổi bật trên nền là những lớp cây cao san sát nhau cùng gam màu vàng nhạt. Phía trước cô gái là nhân vật người bà/mẹ ngồi, chỉ với hai tông màu đen – trắng, như một âm bản, đang mỉm cười. Phía trước nhân vật này là một bé gái, gương mặt tươi tắn, như đang bay nhảy, thân hình mũm mĩm trong tông màu hồng đất, váy màu vàng nhẹ. Thêm một vạt xanh lá lúa bên dưới cô bé, ở vị trí đôi chân của người bà. Những điểm nhấn nhá vàng nhạt, xanh, cam đất, nâu ở bên dưới nền tranh và xung quanh làm giảm độ đột ngột của việc trộn hay chuyển tông màu, khiến cho gam màu xanh lục đảm đương được vai trò tượng trưng cho sự hồi sinh trên thân hình của cô gái đang độ thanh xuân một cách khá trọn vẹn.
Màu xanh lơ bao phủ toàn bộ thân hình của hai nhân vật chính, cũng tuổi thanh xuân, đang bay trên không gian, trên các mái nhà trong bức tranh Ước mơ xanh (sơn dầu, 100x140cm, 2011). Trên đầu họ đội hai chiếc mũ cử nhân/ tú tài, tượng trưng cho sự thành đạt sau một chặng đường học tập. Những dải thân hình thon dài, trải trên cùng một gam màu xanh/ xanh lơ và bay lượn, phần nào gợi nhắc đến hội họa của M. Chagall, như là đối trọng với phần nền tranh đan cài dày đặc chi tiết sắc cạnh và màu sắc phong phú, thể hiện sự bận bịu, chộn rộn của đời sống thực tại. Chính tông màu xanh lơ và dáng hình nhân vật đã thực sự tượng trưng cho điều tác giả muốn đề cập trong bức tranh, ứng với tiêu đề của nó. Bức tranh đã giành giải Khuyến khích – giải thưởng khu vực IV của Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 2011.
Thay lời kết
Thế Hà đã lựa chọn về lại quê hương Quảng Trị sau khi học xong Trường Đại học Mỹ thuật ở Hà Nội chứ không ở lại Thủ đô, nơi tụ hội tinh hoa nghệ thuật của cả nước để lập nghiệp. Sự lựa chọn ấy cùng với hành trình bền bỉ của một người yêu nghề đã thực sự là một đóng góp quan trọng của cá nhân ông vào đời sống mỹ thuật địa phương.
Hành trình sáng tác của ông nhận được sự tôn trọng của các thế hệ họa sĩ tiếp sau, như Trịnh Hoàng Tân, Trương Đình Dung. Với vị trí là Phân hội trưởng phân hội Mỹ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị trong nhiều năm (1989-2012), họa sĩ đã có nhiều đóng góp thầm lặng trong việc thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật Quảng Trị nói riêng, của khu vực Bắc miền Trung nói chung, trong đó, đóng góp lớn nhất của ông chính là sự bền bỉ với hội họa, sự sâu sắc trong suy tưởng về đời sống được thể hiện trên các sáng tác cùng một thái độ nghiêm túc với nghề nghiệp. Hơn thế nữa, người ta có thể nhận ra được sự điểm tĩnh với nghề của ông tuy ông không hề e ngại dấn thân tìm kiếm cái mới trong sáng tác.
_____________
1. Họa sĩ Thế Hà có tên thật là Nguyễn Hữu Song, sinh năm 1948 ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Trong đại gia đình ông, từ người ông nội đến thế hệ cha chú, bác đều có người bị địch bắt, giết hoặc tra tấn dã man. Tuổi trẻ của ông cũng là quãng thời gian trải qua lửa đỏ chiến tranh ngay trên chính quê hương mình.
Ông yêu thích hội họa và được tuyển chọn vào học hệ Sơ – Trung 7 năm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (niên khóa 1961-1968, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp hệ này, ông xung phong vào công tác ở tuyến lửa Quảng Bình. Năm 1973, ông về lại trường, học hệ đại học (niên khóa 1973-1977). Sau đó, ông về địa phương nhận công tác của một cán bộ ngành Văn hóa Thông tin. Từ năm 1989 đến 2012, ông dành nhiều thời gian tham gia công tác đoàn thể ở Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng được nhận giải A – giải thưởng Mỹ thuật khu vực Bắc Miền Trung, các năm 2013 và 2016, giải B năm 2010. Bên cạnh đó, ông cũng được trao nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật khác ở địa phương cũng như tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
CHI MAI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn