Mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển văn hóa


Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam – Lào nói chung, hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông nói riêng, có mối quan hệ láng giềng gắn bó từ lâu đời. Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu, trong đó, nổi bật là hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa với nhiều kết quả quan trọng.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải tiếp đoàn cán bộ 
Cục Xuất bản và thư viện Lào. Ảnh Trần Huấn – baovanhoa.vn

     Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

     Xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy Việt Nam tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, đối tượng hợp tác, phương thức hợp tác, mức độ hợp tác về văn hóa của Việt Nam đối với các quốc gia khác trở nên đa dạng, linh hoạt và thực chất hơn. Trên thực tế, hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài tác động tích cực đến đường lối chính trị đối ngoại, hợp tác quốc tế của đất nước. Các hoạt động văn hóa Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có ý nghĩa trực tiếp đối với những người Việt Nam ở xa Tổ quốc, mà còn là một kênh thông tin góp phần quảng bá, làm lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Giao lưu, hợp tác văn hóa cũng chính là quá trình tiếp xúc, trao đổi, tiếp biến, dung nạp, nâng cao… các giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa, trình độ sáng tạo, mức độ thụ hưởng đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Từ đó, tăng cường sự hiểu biết của những nền văn hóa với những đặc thù văn hóa Việt Nam; khẳng định sự độc đáo của văn hóa Việt Nam trong môi trường, quy mô văn hóa rộng hơn, mang tính nhân loại, quốc tế. Từ sự giao lưu, tương tác văn hóa này, vị thế đất nước Việt Nam ngày càng được nâng cao.

     Cùng với đó, giao lưu văn hóa còn góp phần duy trì giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; trở thành thành tố nổi bật trong ngoại giao văn hóa và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa giúp đạt các mục tiêu mà chính sách văn hóa Việt Nam đã đặt ra, đó là tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Hợp tác về văn hóa còn là nền tảng để mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác. Thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, bạn bè thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, đồng thời, cũng là yếu tố để khẳng định những giá trị của nền văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Thế giới kính trọng, nể phục Việt Nam cũng bởi nền văn hóa phong phú, đa dạng mà thống nhất của Việt Nam, ở sự giao thoa, hợp tác, phát triển giữa các nền văn hóa với nhau.

     Phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào nói chung và mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông nói riêng; trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã và đang có những hoạt động thiết thực góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, giao thoa văn hóa với nhau như: Tổ chức những buổi giao lưu, quảng bá về văn hóa, hợp tác đầu tư phát triển trong lĩnh vực thông tin truyền thông để tuyên truyền, giới thiệu văn hóa vùng, miền giữa nhân dân hai tỉnh với nhau; tổ chức những buổi trưng bày, triển lãm về “mối tình Lào – Việt”, tổ chức những tuần văn hóa Việt Nam… Những hoạt động đó đã thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau về phong tục, tập quán, lối sống, đặc trưng, tính cách riêng của văn hóa hai tỉnh. Thực tiễn cho thấy, trong xu hướng thế giới ngày nay, việc mở rộng quan hệ ngoại giao là tất yếu khách quan. Một đất nước muốn phát triển vững mạnh cần phải mở rộng giao lưu hợp tác với các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Do vậy, việc mở rộng quan hệ ngoại giao có đạt được những kết quả thành công hay không đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững. không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, của cả nước đó.

     Phải nhận định rằng, những nét tương đồng trong bản sắc văn hóa của hai nước Việt Nam – Lào là nhân tố quan trọng góp phần hình thành mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Việt Nam và Lào đều là những quốc gia có nhiều thành phần dân tộc, có lịch sử phát triển lâu đời trên bán đảo Đông Dương. Theo thời gian, quá trình cộng cư, hoặc sinh sống xen cài của những cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn biên giới của hai nước đã phản ánh sinh động, liên tục mối quan hệ cội nguồn và quan hệ tiếp xúc từ xa xưa của nhân dân hai nước. Huyền thoại khởi nguyên về quả bầu mẹ đã trở thành biểu tượng cao đẹp về nguồn gốc chung và tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc hai bên dãy Trường Sơn. Cho đến nay, các dân tộc anh em sống ở khu vực biên giới hai nước vẫn nuôi dưỡng niềm tự hào và truyền mãi cho nhau những câu chuyện về đạo lý làm người vô cùng sâu sắc mà các thế hệ trước để lại. Sự hài hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh người Việt Nam cũng như người Lào. Đó cũng là những tình cảm bình dị nhưng chân thành mà người dân nước Việt dành cho người bạn láng giềng của mình.

     Mặc dù Việt Nam và Lào có tiếng nói, văn tự không giống nhau, sáng tạo và lựa chọn các nền văn hóa cũng như các hình thức tổ chức chính trị, xã hội khác nhau nhưng những nét tương đồng trong văn hóa thì khá phổ biến trong mọi mặt đời sống hàng ngày. Các nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và Lào dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm lẫn nhau, chia sẻ tâm hồn chung về các giá trị cộng đồng, coi trọng luật tục, tôn kính người già… Như vậy, những nét tương đồng trong văn hóa Việt Nam và Lào có thể khái quát trên một số nét chính, như: nhân dân hai nước giàu lòng nhân ái, bao dung; văn hóa Phật giáo và những giáo lý đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa hai dân tộc, giúp hai dân tộc, đất nước đến gần nhau hơn ngay từ khi mới hình thành ý thức hệ về tổ quốc; nhân dân hai nước có truyền thống bang giao hòa hiếu, cùng giúp đỡ nhau trong đấu tranh chống kẻ thù chung; sự gần gũi về khoảng cách địa lý, và đặc biệt là đều có sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ với những nền văn hóa khác qua nhiều thời kỳ lịch sử; sự tương đồng giữa văn hóa làng – nước của người Việt và văn hóa bản – mương của người Lào bắt nguồn từ chính nền tảng chung của văn minh nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam Á. Nhờ lòng nhân ái bao la và đời sống tâm linh phong phú, trong đó có những ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật mà trong cách đối nhân xử thế của mình, nhân dân Việt Nam và Lào bao giờ cũng nêu cao những phẩm chất yêu thương và hướng thiện.

     Để có được mối quan hệ trường tồn, trở thành truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào nói chung hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông nói riêng, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự tôn trọng, tin tưởng tuyệt đối trên tinh thần tự nguyện giữa hai nước, được các thế hệ nối tiếp không ngừng vun đắp dựng xây. Đặc biệt, chỉ hai năm sau khi hai nước được hoàn toàn giải phóng, Lào – Việt Nam đã ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác, ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử, đánh dấu giai đoạn quan hệ ngoại giao mới, cùng nhau chuyển sang thời kỳ xây dựng đất nước và nâng tình hữu nghị vĩ đại lên một tầm cao hơn. Điều này là cơ sở cho mối quan hệ chính trị vững chắc và tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo thăm viếng lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển đất nước, và đã đạt được những thành công quan trọng trong quan hệ thương mại, khoa học – kỹ thuật, quốc phòng – an ninh, đặc biệt là giao lưu phát triển về văn hóa. Đồng thời, thường xuyên duy trì, củng cố và tăng cường giao lưu, hợp tác về văn hóa – nghệ thuật giữa nhân dân hai tỉnh với nhau, để không ngừng hiểu biết về thiên nhiên, đất nước con người giữa hai tỉnh, thấy được sự thiên biến vạn hóa của văn hóa hai tỉnh không chỉ ở những nét tương đồng trong các hoạt động biểu diễn, mà còn ở trong những dấu hiệu đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa hai tỉnh với nhau. Đó là sự hòa quyện, thống nhất trong cách thức tổ chức, biểu diễn, giao lưu, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó lâu đời giữa văn hóa hai nước Việt Nam – Lào nói chung và giữa hai tỉnh Quảng Nam – Sê Kông nói riêng.

     Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế là tất yếu khách quan. Trước tình hình đó, nhân dân hai nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tiếp tục thắt chặt và đưa mối quan hệ lên tầm cao mới. Đồng thời, đặt ra những yêu cầu khách quan về gia tăng mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam theo các cách thức mới. Đó vừa là niềm tự hào của các thế hệ đi sau, vừa là nhiệm vụ thiêng liêng mà cả hai đất nước đang tiến hành, vận mình theo quỹ đạo đã vạch sẵn một cách có tiếp thu. Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ tinh thần đoàn kết, chống phá thành quả cách mạng mà hai nước đã đạt được; thời gian tới, cần tiếp tục phát huy và tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước – yếu tố quan trọng đã góp phần vào sự hình thành, phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào nói chung, hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông nói riêng.

     Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2012), 35 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (1977-2012) và “Năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào”, ngay từ đầu năm 2012, Ban Tuyên giáo Trung ương phát động sâu rộng cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”, Văn phòng Trung ương Đảng hai nước đã phối hợp tổ chức triển lãm quy mô lớn về “Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam giai đoạn 1962-2012”, Bộ VHTTDL hai nước phối hợp tổ chức Những ngày văn hóa Việt Nam tại Lào và Những ngày văn hóa Lào tại Việt Nam, diễn ra đồng thời từ ngày 16 đến 21-7-2012, với quy mô lớn, các chương trình hết sức phong phú và đặc sắc… Trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Lào tại Việt Nam, ở rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đã diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật và giới thiệu điện ảnh của Lào: Tỉnh Đoàn Quảng Nam và Sê Kông đã cùng nhau trao đổi, thông báo cho nhau tình hình thanh niên và các hoạt động công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi của hai địa phương cũng như kết quả thực hiện biên bản ghi nhớ giai đoạn 2013-2018. Hai bên đã thảo luận và đi đến thống nhất về chương trình phối hợp giữa hai Tỉnh Đoàn giai đoạn 2018-2023 gồm 8 nội dung.

     Theo đó, tập trung vào các hoạt động hữu nghị giúp đỡ lẫn nhau, hai bên thống nhất để Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức các đợt tình nguyện về các địa phương thuộc tỉnh Sê Kông, cũng như tuyên truyền giáo dục thanh thiếu nhi dọc hai tuyến biên giới Việt Nam – Lào hiểu biết về công tác thanh thiếu nhi và chấp hành quy định pháp luật của hai nước. Đoàn thanh niên Quảng Nam và Sê Kông nhất trí tiếp tục tạo điều kiện cho các huyện đoàn hai tỉnh tiếp tục kết nghĩa và tổ chức các hoạt động giao lưu thường xuyên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc tỉnh đoàn Quảng Nam tham gia chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Sê Kông theo chủ trương hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh.

     Đoàn thanh niên Quảng Nam cam kết tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các lưu học sinh Lào đang học tập tại tỉnh Quảng Nam… Hàng năm, Đoàn thanh niên hai tỉnh phối hợp tổ chức hoạt động giao lưu giữa thanh thiếu nhi, giới thiệu về truyền thống lịch sử hào hùng của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh, qua đó thắt chặt hơn tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt – Lào. Thông qua chương trình, góp phần vun đắp, tăng cường mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và sự hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông nói chung, giữa Tỉnh đoàn hai địa phương nói riêng ngày càng phát triển, gắn bó bền chặt.

     Như vậy, văn hóa là tổng thể những nét đặc trưng tiêu biểu nhất của một xã hội thể hiện trên mặt vật chất và tinh thần, tri thức và tình cảm. Văn hóa luôn mang bản sắc dân tộc, tức là mang tính duy nhất, độc đáo và thống nhất. Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện trong tất cả các lĩnh vực đời sống, ý thức về một dân tộc, đó là cách tư duy, cách sống, cách dựng nước, giữ nước, cách sáng tạo ra văn hóa, khoa học, văn nghệ. Nó còn được thể hiện trong các hệ giá trị của dân tộc có tính ổn định rất lớn và hóa thân vào các giá trị của đời sau theo quy luật kế thừa và sáng tạo. Ngoài ra, bản sắc văn hóa còn là tổng thể các giá trị đặc trưng về văn hóa của cả một dân tộc, nó được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, các giá trị đặc trưng ấy ở tầng nền mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn.

Trên thực tế, để xây dựng được mối quan hệ hữu nghị bền vững giữa hai bên, cần phải có một nền tảng về văn hóa tương đồng nhau thì các mối quan hệ ngoại giao mới thật sự ổn định và phát triển tốt đẹp được. Nói cách khác, chính yếu tố văn hóa đã góp phần làm cho hai đất nước, hai dân tộc xích lại gần nhau. Do vậy, văn hóa là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc góp phần hình thành nên mối quan hệ keo sơn giữa hai nước Việt Nam – Lào nói chung và hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông nói riêng. Từ khi hình thành cho tới nay, mối quan hệ keo sơn này đã không ngừng phát triển và đem lại kết quả quan trọng cho cả hai nước, hướng tới mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, phát triển bền vững, hướng tới tương lai.

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.

2. Trần Thị Mai, Lịch sử bang giao Việt Nam – Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2007.

3. Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, Nxb Chính Trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.

 

Tác giả: Lê Minh Đức

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *