Một cách tiếp cận về văn hóa chính trị

Trong xã hội, văn hóa với chính trị luôn có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau. Văn hóa phục vụ chính trị, văn hóa đi vào chính trị với tính cách là động lực và mục tiêu của hoạt động chính trị; chính trị lãnh đạo văn hóa, gắn liền với văn hóa và sự tồn tại của chính trị còn hiện diện với tính cách một phẩm văn hóa. Điều đó thể hiện rõ nét ở nhận thức chính trị, thái độ chính trị của dân chúng, tình cảm và niềm tin của dân chúng đối với giai cấp cầm quyền; các mô hình đảng phái chính trị; trách nhiệm tham dự chính trị, các mối liên hệ xã hội, sự xã hội hóa chính trị, tính cách dân tộc và các nhóm xã hội… Tuy nhiên, quan niệm văn hóa chính trị thời hiện đại với tư cách là một khái niệm khoa học thì lại có rất nhiều định nghĩa khác nhau.

Ngay từ thời cổ đại, khi đưa đạo đức trở thành vấn đề trung tâm học thuyết chính trị của mình, Nho giáo đã mở đầu truyền thống tiếp cận văn hóa chính trị trong lịch sử tư tưởng bằng mệnh đề của Khổng Tử “Việc chính trị cốt ở chính tâm của người trị dân”(1). Khổng Tử rất tin ở sức hấp dẫn và sự tác động của đạo đức. Lòng tin ấy còn biểu hiện rõ ở quan niệm “dùng đức trị làm chính cũng ví như ngôi sao bắc cực, ở trên vị trí của mình mà các tinh tú đều châu vào” (2). Tiếp tục theo hướng đó, Mạnh Tử đề ra quan  điểm gắn chính trị với giáo dục: “Chính giỏi không thể tranh thủ được dân bằng giáo giỏi. Chính giỏi thì dân sợ, giáo giỏi thì dân yêu. Chính giỏi thì được của cải của thiên hạ, của dân; giáo giỏi thì được lòng dân” (3).

Đến thời hiện đại, thuật ngữ văn hóa chính trị lần đầu tiên được sử dụng với tính cách thuật ngữ khoa học vào năm 1956 bởi hai nhà chính trị học người Mỹ là G.Almond và S.Verba. Các ông chú trọng vào việc nghiên cứu hoạt động chính trị và gắn liền quá trình chính trị với hành vi của con người. Hành vi chính trị là một phần của hành vi xã hội, cho nên khi phân tích hành vi chính trị phải gắn chặt với sự xem xét các nhân tố văn hóa, tâm lý của cá nhân và toàn xã hội. Xuất phát từ hành vi chính trị của các cá thể, các ông định nghĩa: “Văn hóa chính trị là tập hợp các lập trường và xu hướng cá nhân của những người tham gia một hệ thống nào đó, là lĩnh vực chủ quan làm cơ sở hành động chính trị và làm cho hoạt động chính trị có ý nghĩa” (4).

Các nhà nghiên cứu Việt Nam những năm gần đây tích cực vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng một quan điểm đầy đủ về văn hóa chính trị. Quan niệm nổi bật nhất và đặc sắc nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị là xã hội mới phải có con người mới đại diện cho nó: “Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa. Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” (5). Trên cơ sở quan niệm đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đưa ra nhiều cách diễn đạt về khái niệm văn hóa chính trị.

Tất nhiên, cũng cần thấy đây vẫn còn là một vấn đề mới và phức tạp cả về lý luận cũng như thực tiễn. Có quan niệm cho rằng văn hóa chính trị là một phương diện văn hóa trong xã hội có giai cấp, nói lên tri thức, năng lực sáng tạo trong hoạt động chính trị dựa trên nhận thức sâu sắc quan hệ chính trị hiện thực để thực hiện lợi ích chính trị cơ bản của giai cấp hay của xã hội phù hợp với sự phát triển lịch sử. Cũng có quan niệm cho rằng: quyền lực nằm trong tay ai, để phục vụ cho lợi ích nào, phương pháp thực thi quyền lực ra sao, vai trò của dân đối với quyền lực chính trị như thế nào, chính vấn đề ấy tạo thành những truyền thống văn hóa chính trị khác nhau trong lịch sử nhân loại. Mỗi hướng tiếp cận đều có đóng góp và có ý nghĩa nhất định trong quá trình khám phá, nghiên cứu bản chất của văn hóa chính trị. Từ các cách tiếp cận ấy, cần hướng sự nghiên cứu về văn hóa chính trị dựa trên nền tảng hoạt động, giá trị và nhân cách như những mặt cơ bản phản ánh đời sống chính trị.

Tiếp cận dưới góc độ hoạt động, văn hóa chính trị được xem như quá trình nhận thức của các chủ thể về sự vận hành, phát triển của thể chế chính trị, thiết chế chính trị, quan hệ chính trị và nhất là các hoạt động chính trị thực tiễn mang giá trị cao đẹp gắn với chân, thiện, mỹ của thời đại. Văn hóa chính trị cho phép phân định trình độ phát triển cao hay thấp của cả nền chính trị trong tiến trình phát triển chung của lịch sử.

Tiếp cận dưới góc độ giá trị, nhận thức văn hóa chính trị luôn bao quát tính ý nghĩa, sức sống, sức lan tỏa, trình độ nhân tính của các nền hiện tượng, chủ thể chính trị… Văn hóa chính trị luôn cố gắng thể hiện cái nền tảng quan điểm, lập trường tư tưởng, bản chất giai cấp… theo hướng văn hóa hóa, mang đậm bản sắc, sắc thái riêng biệt của các cộng đồng văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tiếp cận dưới góc độ nhân cách, văn hóa chính trị được xem như là trình độ hoàn thiện ở quá trình phát triển năng lực chính trị của chủ thể theo hướng nhân đạo, nhân văn… Văn hóa chính trị cá nhân hoặc nhân cách văn hóa chính trị đều là biểu hiện trình độ nhận thức, tình cảm, niềm tin và ý chí chính trị thông qua hành vi ứng xử trong quan hệ, hoạt động chính trị. Tất nhiên, tất cả các phẩm hạnh ấy phải được nhìn nhận như những nhân tố hợp thành trình độ phát triển nhân tính của con người.

Như vậy, có thể thấy, văn hóa chính trị có đặc điểm: mang tính giai cấp, phản ánh quan hệ quyền lực chính trị, mang tính lịch sử cụ thể, mang tính kế thừa, tổng hòa các hình thái văn hóa cơ bản của xã hội… Nói cách khác “văn hóa chính trị là giá trị chân, thiện, mỹ được kết tinh trong hệ tư tưởng, đường lối, chính sách, trình độ tổ chức và vận hành thiết chế trong đời sống chính trị, hoạt động chính trị nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử giai cấp, mục tiêu chính trị của chủ thể chính trị mang tính nhân văn và sáng tạo”.

Văn hóa chính trị với tư cách là hệ giá trị do chủ thể chính trị sáng tạo nên bao gồm những thành tố cơ bản sau đây:

Tổng hòa tri thức, hệ tư tưởng, quan điểm và định hướng chính trị

Con người khi tham gia đời sống chính trị, hoạt động chính trị phải có sự hiểu biết nhất định. V.I.Lênin quan niệm: “Người không biết chữ là người đứng ngoài chính trị”(6). Trên cơ sở những tri thức và sự hiểu biết về chính trị, các chủ thể chính trị mới có thể giác ngộ về lập trường, quan điểm giai cấp đúng đắn, qua đó xác định đúng mục tiêu, thái độ và động cơ chính trị, phát huy tính tự giác, quyết tâm, sáng tạo cả trong hoạt động thực tiễn cũng như ở hành vi chính trị. Tri thức về chính trị bao gồm tri thức kinh nghiệm chính trị và tri thức lý luận chính trị. Tri thức kinh nghiệm chính trị là sản phẩm của một quá trình quan sát, trải nghiệm, đúc rút tích lũy thông qua hoạt động thực tiễn của các chủ thể chính trị, tạo thành vốn sống, thói quen, linh cảm, sự nhạy bén chính trị, là cơ sở thực tiễn cho bước phát triển thành tri thức lý luận. Tri thức lý luận chính trị là sự hệ thống hóa, khái quát hóa, chỉ ra cái bản chất, cái tất yếu được nâng lên thành lý luận, thành quy tắc từ những kinh nghiệm chính trị thực tiễn. Như vậy, hai cấp độ, hai hệ thống tri thức chính trị có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung cho nhau, đòi hỏi trong hoạt động chính trị, các chủ thể chính trị không được coi nhẹ hoặc tuyệt đối hóa mặt nào. Tuyệt đối hóa tri thức lý luận, coi nhẹ kinh nghiệm thực tiễn sẽ dẫn đến lý luận suông và chủ nghĩa giáo điều. Ngược lại, tuyệt đối hóa kinh nghiệm, coi thường lý luận sẽ dẫn đến chủ nghĩa kinh nghiệm, hành động mù quáng, cảm tính.

Trong xã hội bao gồm nhiều tầng lớp, nhiều giai cấp với lợi ích và động cơ hoạt động khác nhau, nên cũng tồn tại nhiều hệ tư tưởng với tính cách văn hóa chính trị khác nhau. Tuy nhiên, hệ tư tưởng của giai cấp thống trị sẽ là hệ tư tưởng thống trị xã hội và chi phối trình độ, xu hướng phát triển văn hóa chính trị của xã hội. Hệ tư tưởng được giai cấp cầm quyền thể chế hóa thành pháp luật, đường lối, chính sách chỉ đạo hoạt động thực tiễn nhằm thực thi những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Hiện nay ở nước ta, việc giáo dục truyền bá lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong định hướng và khẳng định văn hóa chính trị trong hiện thực cuộc sống.

Tình cảm, niềm tin và định hướng chính trị

Chính trị là một lĩnh vực đầy khó khăn, phức tạp, nhạy cảm và cả những bất trắc khó lường do luôn liên quan đến vấn đề quyền lực. Vì vậy, chủ thể văn hóa chính trị luôn thể hiện tình cảm chính trị thông qua quan điểm hành vi đối với thể chế chính trị hiện hành, trên cơ sở tình cảm để xây dựng niềm tin và ý chí trong thực hiện mục đích chính trị. Niềm tin và định hướng chính trị nếu được hình thành một cách tự phát, cảm tính thì dễ dẫn đến dao động, bế tắc, đổ vỡ, thậm chí dẫn đến cơ hội, phản bội khi gặp khó khăn. Ngược lại, niềm tin và định hướng chính trị nếu được hình thành bằng con đường tự giác, khoa học sẽ tạo nên động lực chính trị ổn định, mạnh mẽ, giúp con người vững vàng trước mọi thử thách, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hoạt động chính trị đúng hướng. Nếu chủ thể chính trị biết kết hợp đúng đắn giữa cơ sở và niềm tin, tình cảm và lý trí, tự giác và khoa học sẽ tạo lên sức mạnh to lớn giúp thành công trong hoạt động chính trị.

Uy tín của tổ chức chính trị và các chủ thể hoạt động chính trị

Uy tín chính trị được thể hiện thông qua đường lối, tổ chức và các thiết chế chính trị của giai cấp cầm quyền, dựa trên những chuẩn mực giá trị văn hóa phù hợp với lợi ích giai cấp và được cụ thể hóa dưới dạng các quy phạm pháp luật có chức năng điều chỉnh hành vi trong xã hội. Uy tín chính trị không phải tự nhiên xuất hiện, mà là quá trình lâu dài tiếp thu chọn lọc, kế thừa, phát huy những yếu tố tiến bộ, tích cực, phù hợp với truyền thống chính trị và những chuẩn mực xã hội được tích lũy từ trước. Uy tín chính trị có thể hình thành ở cá nhân trong hoạt động chính trị, cũng có thể là của một tổ chức chính trị.

Về phương diện văn hóa cá nhân, chủ thể chính trị là một nhân cách với sự phát triển đầy đủ, toàn diện. Văn hóa chính trị cá nhân chịu sự chi phối bởi lập trường, quan điểm của thể chế chính trị hiện hành, phụ thuộc vào bản chất của chế độ, đồng thời cũng phụ thuộc vào toàn bộ kinh nghiệm sống, kết quả đào tạo, sự phát triển trong hoạt động thực tiễn, sự tự ý thức, tự phát triển về phương diện chính trị. Văn hóa chính trị cá nhân thường được bộc lộ qua văn hóa ứng xử, giao tiếp, tranh luận… Đó không chỉ thuần túy là thái độ bên trong biểu hiện lòng trung thành, trình độ giác ngộ chính trị, mà còn là năng lực trí tuệ, là đạo đức, tác phong, là động thái chính trị hướng về lợi ích chung, với mục tiêu lý tưởng nhất quán, cơ bản và lâu dài. Đặc biệt, văn hóa chính trị cá nhân bộc lộ ở năng lực, khả năng hoạt động sáng tạo, nhất là trong tham gia xây dựng, hoàn thiện và vận hành quyền lực chính trị. Con đường đi tới hoạt động sáng tạo bắt đầu từ tri thức, tình cảm trong sáng, dẫn đến niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng, con đường, mục tiêu đã chọn để hình thành động lực trong hoạt động. Đến lượt nó, thông qua hoạt động sáng tạo mà tri thức được bổ sung, kiểm chứng và nâng cao, tình cảm thêm sâu sắc, niềm tin được củng cố và hành động trở nên tự giác hơn, mãnh liệt hơn, văn hóa hơn.

Văn hóa chính trị cá nhân chỉ thực sự thể hiện và phát huy trong quan hệ với văn hóa chính trị của một tổ chức xác định. Thông qua một cộng đồng, một tổ chức và trong cộng đồng, tổ chức, cái cá nhân được thể hiện, cái nhân cách được hình thành, cũng có nghĩa là văn hóa chính trị cá nhân và tổ chức được hình thành, được thực hiện. Văn hóa chính trị của một tổ chức phụ thuộc vào văn hóa của từng cá nhân, vào văn hóa người đứng đầu, vào trình độ dân trí nói chung, vào trình độ của tổ chức… Đối với người đứng đầu, văn hóa chính trị của họ lại tùy thuộc vào trình độ năng lực, sự giác ngộ mục tiêu lý tưởng, khả năng thu phục, tập hợp, tổ chức mọi người vào công việc chung, tùy thuộc vào kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn của họ.

Tính khoa học, sáng tạo của hoạt động chính trị

Tính khoa học, sáng tạo của hoạt động chính trị được biểu hiện thông qua phương pháp, phương thức, phong cách và tác phong trong hoạt động chính trị, tập trung ở trình độ hoàn thiện thể chế chính trị. Trước hết, là biểu hiện sức mạnh, tính hiệu lực của thiết chế và pháp chế, giá trị và sức mạnh của truyền thống, tính pháp lý, tính phổ biến của các chuẩn mực xã hội trong việc điều chỉnh những hành vi, quan hệ xã hội – chính trị phù hợp với mục tiêu chính trị. Sau nữa là sự cải biến, hoàn thiện, phát triển những giá trị của văn hóa chính trị dân tộc, hình thành văn hóa chính trị cách mạng, khoa học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của công cuộc cách mạng. Tính khoa học, sáng tạo của hoạt động chính trị dựa trên sự hoàn thiện của thể chế chính trị, được biểu hiện ở sự kiện toàn và sức mạnh của hệ thống tổ chức quyền lực trong tổ chức xã hội, trong phối hợp hành động, trong việc khơi dậy, nhân lên sức mạnh của truyền thống và hiện tại, sức mạnh của giai cấp, dân tộc, nhân loại trong việc hiện thực hóa mục tiêu chính trị của Đảng.

Như vậy, văn hóa chính trị là một bộ phận của văn hóa, phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa dân tộc và hoạt động chính trị của các giai cấp; nó chỉ ra tác động của một loại hình văn hóa xã hội nhất định đối với hệ thống chính trị và hành vi chính trị của công dân. Văn hóa chính trị thể hiện qua sự hiểu biết chính trị, tình cảm chính trị, giá trị chính trị, niềm tin và thái độ chính trị của các công dân đối với các hiện tượng và hệ thống chính trị. Tinh thần cốt lõi của văn hóa chính trị là các giá trị nhân văn trong xử lý chính trị. Chính trị có văn hóa hay xử lý chính trị nhân văn là chính trị giải phóng con người khỏi sự áp bức bóc lột về phương diện giai cấp, dân tộc và xã hội, phấn đấu để ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đó chính là văn hóa chính trị được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa nước ta đòi hỏi việc xây dựng văn hóa chính trị đang đặt ra những yêu cầu mới. Như, Văn kiện Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(7). Nghị quyết xác định phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, trong phát triển kinh tế – xã hội, trong tổ chức và hoạt động chính trị, trong lãnh đạo, quản lý điều hành, kiểm tra, giám sát quyền lực của nhân dân, lẫn tham chính chính trị của các cán bộ và công chức, của công dân và mọi người dân.

_______________

1, 3. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1981, tr.429.

2. C.Mác – Ph.Ăngghen Toàn tập, tập 1, Nxb Hà Nội, 1995, tr.6.

4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin về văn hóa, Hà Nội, 2008, tr.216.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.228.

6. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1987, tr.218.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.128.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 3925 tháng 5-2017

Tác giả : KHUẤT TRỌNG NAM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *