Cho đến nay, văn đàn Trung Quốc đã khoác lên Diêm Liên Khoa rất nhiều danh hiệu: một trong những tác gia quan trọng nhất của văn học Trung Quốc đương đại, tiểu thuyết gia gây tranh luận nhất văn đàn đương đại, bậc thày của chủ nghĩa siêu hiện thực, một trong những nhà văn đương đại Trung Quốc có hy vọng đạt giải thưởng Nobel nhất,… Ông giống như một câu đố đầy bí ẩn. Vốn là quân nhân, thân trong thể chế, nhưng tác phẩm lại liên tiếp bị cấm. Là nhà văn gây tranh luận trong nước, nhưng ở hải ngoại lại được đánh giá rất cao. Ông bị bệnh nặng về đốt sống cổ nhưng đã cống hiến cho văn đàn Trung Quốc hơn 500 vạn chữ đầy sức nặng. Diêm Liên Khoa, xét đến cùng, là một tác gia như thế nào?
Có tài nhưng thành đạt muộn
Sinh năm 1958, tại huyện Tung tỉnh Hà Nam, Diêm Liên Khoa khởi đầu con đường sáng tác của mình năm 1978, đồng hành với văn học thời kỳ mới. Tuy nhiên, con đường văn học của Diêm Liên Khoa không hề bằng phẳng. Ông được đánh giá là nhà văn “có tài nhưng thành đạt muộn”. Một thời gian dài, ông liên tục bị bài trừ, đặt ngoài cánh cửa của văn học đương đại Trung Quốc, không có danh phận của chính mình.
Thời điểm thật sự xác lập ảnh hưởng và địa vị của Diêm Liên Khoa trên văn đàn, chính là từ thập niên 90 của TK XX trở lại, khi ông sáng tác dựa trên bối cảnh dãy núi Bả Lâu quê ông. Dãy núi Bả Lâu đã xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm của Diêm Liên Khoa. Như chính ông đã nói, “nơi sinh của một nhà văn, cũng chính là nơi mà anh ta trưởng thành, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng với anh ta”. Do đó, Diêm Liên Khoa dựa vào dãy núi Bả Lâu quê hương ông, kiến lập nên nền tảng viết của mình. Cũng giống như Giả Bình Ao đối với cố hương Thương Châu, Mạc Ngôn đối với quê hương Cao Mật, Diêm Liên Khoa đã và đang thành công khi đem dãy núi Bả Lâu xa xôi bạc màu của tỉnh Hà Nam ra thế giới. Đây chính là một trong những cống hiến nghệ thuật của ông đối với văn học đương đại Trung Quốc.
Niên nhật nguyệt chính là tác phẩm đặt nền móng vị trí tác gia của Diêm Liên Khoa. Cuốn truyện vừa hơn năm vạn chữ đăng ở tạp chí Thu hoạch, sau đó được nhiều báo đăng lại. Tác phẩm được cho là đã đem văn học bản thổ và đặc trưng chủ nghĩa hiện thực phương Tây biểu hiện một cách hoàn mỹ. Sau đó Diêm Liên Khoa cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết như Nhật quang lưu niên, Kiên ngạnh như thủy, Vì nhân dân phục vụ, Thụ hoạt, Đinh Trang mộng, Phong nhã tụng, Tứ thư,… Danh tiếng của Diêm Liên Khoa trên văn đàn Trung Quốc ngày càng vang dội. Chủ đề mỗi bộ tiểu thuyết ngày càng sắc nhọn, càng viết lại càng gây chấn động dư luận, luôn chiếm vị trí trung tâm và là điểm nóng của văn đàn Trung Quốc đương đại, đồng thời tạo ảnh hưởng với cả văn học hải ngoại.
Tâm bão của văn đàn
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên khiến Diêm Liên Khoa phải đụng độ với chính quyền là Vì nhân dân phục vụ (bản dịch tiếng Việt do dịch giả Vũ Công Hoan dịch lấy tên là Người tình phu nhân sư trưởng), khi viết về vợ của một sĩ quan lục quân quan hệ vụng trộm với một nhân viên hậu cần. Cô ta khám phá ra việc xé vụn cuốn sách đỏ thiêng liêng làm tăng hưng phấn tình dục của mình. Cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang khi nó dội vào sự tung hô thần tượng một thời gáo nước lạnh và lật đổ những gì vốn được coi là trật tự, nghiêm khắc, thiêng liêng nhất trong kỷ luật quân đội và đời sống tinh thần. Vì nhân dân phục vụ đã bị cấm sau khi xuất bản. Tuy nhiên, cuốn sách này chưa thực sự làm Diêm Liên Khoa khốn khổ.
Sau Vì nhân dân phục vụ, tiểu thuyết Thụ hoạt của Diêm Liên Khoa ra đời. Ngay khi vừa xuất bản, cuốn tiểu thuyết lập tức nhận được sự đánh giá cao của giới văn học. Tiểu thuyết hư cấu về một nơi gọi là thôn Thụ Hoạt, đây là một thế giới độc lập bị lãng quên, một thôn trang rất ít người biết đến, tất cả mọi thôn dân đều bị tàn tật bẩm sinh, họ nhìn những người khỏe mạnh bình thường như dị dạng. Nhân vật chính, huyện trưởng Liễu, có một ý nghĩ quái đản, đó là muốn dùng một số tiền lớn sang Nga mua di thể của Lê nin để phát triển kinh tế du lịch, đặt ở trên núi Hồn Phách, xây dựng một công viên, thu hút người du lịch ở các nơi trên thế giới. Thế nhưng trong việc mua bán của ông ta có rất nhiều lỗ hổng, trong quá trình này, huyện trưởng Liễu mới phát hiện ra những công dụng tuyệt vời của người tàn tật thôn Thụ Hoạt.
Thụ hoạt vừa ra đời, lập tức nhận được sự đánh giá cao của giới văn học, được gọi là “tác phẩm đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của văn học đương đại Trung Quốc”, “Trăm năm cô đơn của Trung Quốc”, “một bộ tiểu thuyết đầy những bóng đè chính trị”, “bộ tiểu thuyết nhiều năm không gặp”, “một câu chuyện Thất Lạc Viên và Phục Lạc Viên của Trung Quốc”,… Giới phê bình ca ngợi nhất là Diêm Liên Khoa đã dũng cảm phá vỡ phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa vốn là sở trường của ông trước kia, và gọi tác phẩm này là “một thử nghiệm quan trọng của sáng tác siêu hiện thực”, ông trong “thể thức, tự sự và ngôn ngữ tiểu thuyết thể hiện sự trác tuyệt độc nhất vô nhị”. Chính trong tác phẩm này, Diêm Liên Khoa đã viết câu nói mang tính tuyên ngôn ở đầu tác phẩm: “Chủ nghĩa hiện thực – huynh đệ tỉ muội của tôi, hãy cách tôi gần một chút! Chủ nghĩa hiện thực – mộ địa của tôi, hãy cách tôi xa chút nữa!” Chủ nghĩa hiện thực, với Diêm Liên Khoa là nơi khởi đầu và cũng là nấm mộ. Từ tiểu thuyết này, ông bắt đầu khai lập một hướng đi mới khi dấn thân vào lối viết kỳ ảo hoang đường và liên tiếp thành công trong các tác phẩm sau, đặc biệt là ở Phong nhã tụng và Tứ thư. Nhưng cũng chính cuốn tiểu thuyết đem đến cho Diêm Liên Khoa giải thưởng văn học Lão Xá này, lại chính là cuốn tiểu thuyết buộc ông phải rời khỏi quân đội. Tuy nhiên, Diêm Liên Khoa cho biết, ông không hề hối hận.
Sau Thụ hoạt, Diêm Liên Khoa viết tiểu thuyết Đinh trang mộng. Vì can thiệp đến các vấn đề nhạy cảm như nô tỳ máu, bệnh AIDS mà sách lên giá chưa lâu sau, lập tức bị biến mất tại các nhà sách. Sự dũng cảm đột phá của Diêm Liên Khoa vào khu vực cấm kỵ mà chính quyền Trung Quốc muốn giấu kín, đã được sự tán thưởng và tôn trọng của quảng đại quần chúng. Nhưng Diêm Liên Khoa không hề cho như vậy, ông cho rằng tác phẩm của mình đã quá ôn hòa, vẫn chưa biểu đạt hết sự vô cùng thê thảm và chấn động của hiện thực. Đinh trang mộng đã được dựng thành phim. Nhân vật nữ chính do diễn viên Chương Tử Di đóng, nhưng vì những lý do riêng, tên Diêm Liên Khoa không được hiển thị khi phim giới thiệu được chuyển thể từ tác phẩm văn học của ông.
Năm 2008, tiểu thuyết Phong nhã tụng của Diêm Liên Khoa ra đời, lại một lần nữa gây chấn động, cuốn sách nói về một trí thức tên Dương Khoa, từ đó nói lên mặt trái của giới trí thức Trung Quốc đương đại. Trước khi cuốn sách xuất bản, Diêm Liên Khoa đã dự liệu rằng: “Tôi dự liệu chờ đợi vận mệnh của cuốn tiểu thuyết này, sẽ là một loạt những lời chửi rủa”. Quả thật,” không vấp phải sự cấm đoán của chính quyền như Vì nhân dân phục vụ, Đinh trang mộng, nhưng nó đã giống như một trái bộc phá nổ giữa văn đàn Trung Quốc. Có người nói, ông đã nhổ một bãi nước bọt lên giới trí thức cao nhã Trung Quốc. Có nhiều người hô hào đốt sách, có người thì nói rằng Diêm Liên Khoa vì “không hiểu mà láo xược”. Nguồn cơn chủ yếu gây nên phản ứng dữ dội từ phía độc giả này là vì Phong nhã tụng đã hủy hoại danh tiếng của Đại học Bắc Kinh – Đại học số một Trung Quốc và top đầu thế giới, do một số địa danh trong cuốn sách bị cho rằng ám chỉ đến đại học này, ví dụ như trường đại học trong tác phẩm là Đại học Thanh Yên, có sự tương đồng trong vị trí địa lý và quang cảnh; hồ Vô Danh trong tác phẩm cũng na ná với hồ Vị Danh ở Đại học Bắc Kinh. Nhưng những tiếng nói phê phán tác phẩm chủ yếu xuất phát từ phía các giáo sư và sinh viên của đại học này. Còn lại, rất nhiều người tán thành, ca ngợi Phong nhã tụng, là kiệt tác. Giáo sư Thiêm Hữu Thuận nói: “Lối viết của Diêm Liên Khoa xứng đáng được xem trọng, ông có đủ sự dũng cảm, và là tác gia đã nêu ra những vấn đề quan trọng trong thời đại của chúng ta”.
Dùng cái hoang đường để khám phá sâu hơn hiện thực
Diêm Liên Khoa đã vượt qua chủ nghĩa hiện thực, đặt hiện thực và hư cấu cạnh nhau, đương đại và lịch sử trộn hòa, thực tại và ác mộng đan chéo, tạo nên một thế giới nghệ thuật kỳ dị lạ lẫm, vừa thực vừa hư, từ đó đem vào trong văn bản những giá trị nhân sinh kinh điển. ở hai phương diện hiện thực và tưởng tượng, Diêm Liên Khoa có kiến giải độc đáo của mình. Ông nói: “Chân thực không hề nằm trong đời sống, càng không hề nằm trong hiện thực nóng bỏng, chân thực chỉ tồn tại trong nội tâm của nhà văn” (Lời giới thiệu cuốn Thụ hoạt). Với Diêm Liên Khoa, chân thực dễ dàng trói buộc nhà văn, cho nên ông luôn chủ động vượt lên hiện thực, dùng biểu tượng hoang đường để giải thích sâu hơn hiện thực.
Diêm Liên Khoa có những tìm tòi và cách tân táo bạo về cách viết. Chẳng hạn, viết về cách mạng văn hóa, cuộc cách mạng đã từng ám ảnh cả một thế hệ người Trung Quốc bởi sự tàn khốc và thê thảm của nó, Diêm Liên Khoa có hai tác phẩm nổi tiếng: Kiên ngạnh như thủy và gần đây nhất là Tứ thư. Nhật xét về cách viết của Diêm Liên Khoa, giáo sư khoa ngôn ngữ Đông Á, Đại học Havard Wang Dewei viết: “Phương thức đầu tiên mà Diêm Liên Khoa lựa chọn không phải là rơi nước mắt xót thương như văn học vết thương đã làm, cũng không coi nó là hư vô chủ nghĩa như cách nhìn của văn học tiền phong, ông coi cách mạng văn hóa là một tấn bi hài kịch đẫm máu và nước mắt, mà bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó cũng phải bộc lộ rõ chân tướng bản chất của mình, kể cả những gì xấu xa nhất”. Diêm Liên Khoa đã viết những trang đầy ám ảnh về cách mạng văn hóa, khiến người đọc như được thể nghiệm trực tiếp trạng thái đầy bệnh chứng trong thời đại mà con người bị mất điều khiển và khống chế.
Tiêu chuẩn cao nhất để định giá văn học là thời gian
Diêm Liên Khoa đã đạt được rất nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải thưởng văn học Lão Xá và hai lần đạt giải thưởng văn học Lỗ Tấn. Nhưng với ông, người vì giải thưởng mà viết chỉ là kẻ ngốc, giải thưởng chỉ giúp đỡ sinh tồn, còn đối với bản thân văn học không có chút ảnh hưởng nào. Đối với lý lịch dày đặc giải thưởng của mình, ông rất lãnh đạm, và dường như quên chúng. Ông nói: “Giải thưởng không hề có nghĩa là tác phẩm tốt, Trung Quốc không hề có giải thưởng đặc biệt uy quyền, điều này có rất nhiều yếu tố, tôi sẽ không vì đạt giải thưởng mà viết”. Các giải thưởng của Trung Quốc không đủ uy quyền, vậy giải Nobel trong mắt ông thì sao? Diêm Liên Khoa cho rằng: “Giải Nobel tuy có quá trình bình chọn vô cùng nghiêm túc, nhưng từ kết quả có thể thấy tính ngẫu nhiên rất lớn, những tác gia đạt giải thưởng này thường nhất minh kinh nhân (bỗng nhiên nổi tiếng) sau đó thì lại biến mất không tin tức, thành tựu không thể trở thành văn học kinh điển. Cho nên, điều này đồng nghĩa với giải thưởng không thể là mục đích của sáng tác, nếu tác gia nào vì giải thưởng mà nỗ lực thì chỉ là kẻ ngốc, tiêu chuẩn cao nhất để định giá tác phẩm văn học chính là thời gian”. Với Diêm Liên Khoa, văn học là do thời gian chứ không phải do người viết văn học sử quyết định. Ông nói: “Văn học sử đương đại cần một thời gian để giám chứng tác phẩm nào có ý nghĩa. Văn học sử đem đến cho Diêm Liên Khoa địa vị, nhưng đối với sáng tác của tôi không có chút ý nghĩa nào hết, tôi chỉ biết cúi đầu viết cho tốt tác phẩm, làm cho sáng tác đạt đến sự tự do lớn nhất”. Diêm Liên Khoa cũng là một trong không nhiều nhà văn có thể sống được bằng nghề. Năm 2009, với thu nhập 135 vạn nhân dân tệ, ông đứng trong top 20 nhà văn giàu nhất Trung Quốc trong cuộc bình chọn lần thứ 4.
Giới phê bình văn học Trung Quốc cho rằng, Diêm Liên Khoa có phẩm chất của một nhà văn vĩ đại, bởi càng ngày càng nhiều người muốn từ bỏ trách nhiệm thời đại và xã hội trong nghệ thuật, nhưng Diêm Liên Khoa lại đem cái mà người khác chủ động từ bỏ, cái bị miễn cưỡng vứt đi đặt lên lưng mình. Chính những đặc điểm này đã khiến ông có những phẩm chất của một nhà văn vĩ đại của tương lai. Tuy nhiên, trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, ông chia sẻ: “Nếu như có kiếp sau, tôi sẽ không sáng tác nữa, bởi vì điều này thật làm con người thống khổ. Tôi mong muốn một cuộc sống nhẹ nhõm, từ nội tâm đến thân thể đều như vậy mới tốt”.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 341, tháng 11-2012
Tác giả : Nguyễn Thị Minh Thương
Bài viết cùng chủ đề:
Có một nền văn minh nga
Thương điếm hirado trong hệ thống thương mại đông á của công ty đông ấn anh
Phát triển văn hóa và con người ở chdcnd lào