Một số biện pháp phát triển ngành Chỉ huy hợp xướng tại Việt Nam trong đào tạo


Trong lĩnh vực âm nhạc, ngành chỉ huy âm nhạc nói chung và chỉ huy hợp xướng nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng biểu diễn âm nhạc. Đồng thời, có những tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần của nhân dân. Ngành chỉ huy góp phần tuyên truyền, quảng bá, động viên xã hội hướng tới những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao thông qua các tác phẩm trình diễn trong các chương trình. Chính vì vậy, cần phải nghiên cứu để đề ra những biện pháp đưa ngành Chỉ huy Hợp xướng phát triển hơn nữa trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

1. Thực trạng của ngành Chỉ huy Hợp xướng ở Việt Nam hiện nay

Ngành Chỉ huy Hợp xướng có xuất xứ từ châu Âu và du nhập vào Việt Nam mới từ nửa sau TK XX. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, dưới những ảnh hưởng khách quan và chủ quan, ngành Chỉ huy Hợp xướng đã có những giai đoạn phát triển mạnh mẽ, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho ngành Chỉ huy Hợp xướng phát triển, chú trọng đầu tư thành lập các trường đào tạo, các nhà hát, đoàn nghệ thuật… Nhiều nhà chỉ huy đã được đào tạo ở nước ngoài và tại Việt Nam, là hạt nhân để phát triển ngành. Ngành Chỉ huy thông qua âm nhạc và các hoạt động biểu diễn hợp xướng đã nâng cao trình độ dân trí, giáo dục thẩm mỹ cho khán thính giả, quảng bá hình ảnh Việt Nam tới quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Trong thời gian gần đây, phong trào hát hợp xướng và ngành Chỉ huy đang gặp nhiều khó khăn nảy sinh các vấn đề từ môi trường xã hội cũng như trong các lĩnh vực đào tạo, biểu diễn, sáng tác… Những khó khăn trên đòi hỏi những người tham gia trực tiếp và gián tiếp vào các hoạt động này cần tìm tòi những con đường mới, phù hợp với thực tế. Thực trạng cho thấy rằng, bắt đầu từ đào tạo, biểu diễn, sáng tác cho đến các vấn đề xã hội, chính sách của nhà nước…, phải có sự thay đổi mạnh mẽ cả về nội hàm đến các điều kiện ngoài xã hội.

Hiện nay, bậc đại học đào tạo ngành Chỉ huy Hợp xướng ở Hà Nội và TP.HCM là còn có sinh viên. Học viện Âm nhạc Huế hiện không tuyển được ngành này. Số lượng sinh viên ở mỗi trường rất ít và ngày càng hiếm hơn. Tại TP.HCM, do nhu cầu cần ca trưởng ở các ca đoàn Công giáo nên số lượng sinh viên nhiều hơn so với Hà Nội. Chương trình đào tạo dùng chung cho cả ba Học viện, Nhạc viện. Tuy nhiên, tùy theo các giáo viên và thực tế sinh viên mà có sự lựa chọn khác nhau về tác phẩm giảng dạy. Bên cạnh đó, đào tạo còn gặp nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để tại nhiều khâu trong đào tạo.

Ngay từ khâu tuyển sinh đã có những khúc mắc về hệ thống. Mặc dù điều kiện tiên quyết là đã qua trình độ trung cấp và cao đẳng âm nhạc nhưng vẫn có thêm điều kiện tương đương, có nghĩa là vẫn có thể có những sinh viên chưa học tại các trường lớp chính quy, nhưng nếu qua kỳ thi chuyên môn đạt được thì vẫn đủ tiêu chuẩn trúng tuyển. Đây là hình thức mở rộng để có thêm sinh viên vào học. Vấn đề này có hai mặt, một mặt có thể có thêm sinh viên để đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Mặt khác cho thấy, ngành Chỉ huy không còn là ngành thu hút thí sinh. Thực tế cho thấy, nếu có thí sinh như vậy thì phần lớn so với chuẩn chính thức đầu vào cũng không thể đáp ứng được về chuyên môn. Bên cạnh đó, ở các nước trên thế giới, để thi vào ngành Chỉ huy cần phải tốt nghiệp 1 chuyên ngành âm nhạc bậc đại học. Ở nước ta, trong số các thí sinh đã học xong bậc trung cấp xin thi vào ngành Chỉ huy hoặc các ngành Sáng tác, Lý luận thì nhiều thí sinh do có những hạn chế về chuyên môn, khó có thể tiếp tục phát triển hơn nữa trong các ngành Biểu diễn chuyển sang. Do có chất lượng đầu vào chưa cao, nên sẽ ảnh hưởng tới quá trình giảng dạy và chất lượng khi tốt nghiệp ra trường. Đào tạo người chỉ huy là cả một quá trình gian khổ đối với sinh viên. Các môn cơ sở ngành phải học thời lượng nhiều hơn các ngành khác. Bên cạnh đó, nếu học nghiêm túc, riêng việc làm chủ kỹ thuật piano để có thể thực hành ứng dụng với gần 10 môn học khác nhau mới thấy công sức học ngành này vất vả, gian nan. Chưa kể tới khi ra trường, do nhu cầu xã hội còn đang rất ít nên tìm kiếm công việc ổn định là những vấn đề lớn mà không phải sinh viên nào cũng có thể đạt được.

Trong những năm gần đây, âm nhạc đương đại đang ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo, biểu diễn và sáng tác. Nhiều trường phái âm nhạc ra đời, nhiều kỹ thuật biểu diễn mới, nhiều hình thức biểu diễn hợp xướng cũng được phát triển. Chương trình đào tạo đương nhiên phải có những cập nhật về tác phẩm, kỹ thuật và các kiến thức khác để đáp ứng kịp với sự thay đổi ngoài xã hội. Các sinh viên ra trường thường khó có thể tiếp cận được công việc ngay do trong trường chưa đưa được những kiến thức cần thiết cho sinh viên, chương trình đào tạo còn nhiều bất cập.

Về thực hành, đối với các sinh viên âm nhạc là rất quan trọng, đặc biệt đối với ngành Chỉ huy Hợp xướng và chỉ huy dàn nhạc. Nếu không có hợp xướng cho sinh viên thực hành thì khi ra trường, sinh viên không thể điều hành được công việc. Sinh viên hiện nay không có điều kiện để có các tiết thực hành với hợp xướng, thậm chí ngay cả thi tốt nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều chi phí để có được một dàn hợp xướng biểu diễn.

Ngoài ra, còn phải có những phương pháp đào tạo mới để hướng đến việc rèn luyện cho sinh viên chỉ huy khả năng tư duy sáng tạo, cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới, gắn lý thuyết với thực tế. Thêm vào đó, sinh viên ngành Chỉ huy Âm nhạc còn cần nâng cao tác phong làm việc chuyên nghiệp qua quá trình học, rèn luyện khả năng làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp hiệu quả trong công việc. Bên cạnh đó là những vấn đề đặt ra liên quan đến các chính sách, điều kiện làm việc của người chỉ huy ngoài xã hội.

Với điều kiện của Việt Nam, do môi trường và điều kiện sống, mục tiêu chọn ngành học và đối tượng học luôn khác nhau nên ý thức học nghề – làm nghề cũng khác nhau… Công tác giáo dục và đào tạo chỉ huy hợp xướng đòi hỏi phải phát triển song hành, học để có kiến thức sâu rộng về học thuật và kiến thức, kỹ năng làm nghề. Theo đó, ngành Chỉ huy Hợp xướng đối diện với một thực tế: Làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực cao đáp ứng đủ nguồn lực cho xã hội?

Trách nhiệm xã hội này là bài toán đặt ra cho việc phát triển ngành Chỉ huy Hợp xướng: Một là, tiếp tục phát triển theo định hướng chuyên sâu, tài năng của nghệ thuật đỉnh cao, đặt chất lượng lên hàng đầu và chọn lọc kỹ càng. Hai là, phổ cập theo xu hướng xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu xã hội về quy mô và số lượng lớn?

Do đó, ngành Chỉ huy Hợp xướng hiện đối diện với 2 vấn đề lớn trong định hướng: tính học thuật chuyên sâu và cao cấp cho chuyên nghiệp đỉnh cao. Mặt khác là tính phổ cập cho định hướng xã hội hóa và nâng cao dân trí. Để phát triển bộ môn chỉ huy hợp xướng tại nước ta trong những năm tới, chúng ta cần phải đề ra những giải pháp mới để thay đổi thực trạng hiện nay.

2. Một số biện pháp phát triển ngành Chỉ huy Hợp xướng tại Việt Nam trong đào tạo

Xác định chất lượng đầu vào

Một số trường uy tín trên thế giới, khi bước chân vào ngành Chỉ huy thì yêu cầu sinh viên phải xuất thân từ một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ hoặc một ca sĩ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, còn cần có một kết quả rèn luyện về kiến thức âm nhạc xuất sắc vì nghề chỉ huy cần một kiến thức âm nhạc tổng hợp như: Lịch sử âm nhạc, phân tích tác phẩm, ký xướng âm, tính năng nhạc cụ, hòa âm, phức điệu, phối khí… để có khả năng đánh giá, phân tích tác phẩm một cách chuyên nghiệp và sâu sắc. Khi đó, người chỉ huy mới đủ kiến thức lý thuyết, thực hành để hiểu được tư duy, tình cảm mà người nhạc sĩ đã đặt vào tác phẩm của mình. Nếu chất lượng chuyên môn đầu vào chưa có một cơ sở tốt về các kỹ năng biểu diễn thực hành âm nhạc thì sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc truyền đạt những kỹ thuật biểu diễn cho các thành viên hợp xướng khi đứng trước dàn nhạc, dàn hợp xướng. Chưa kể đến việc không thể đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề kỹ thuật biểu diễn này. Với những hạn chế này, các chương trình biểu diễn sẽ có chất lượng không cao và các dàn hợp xướng không thể có một hướng phát triển tốt.

Vì vậy, cần xem xét lại các tiêu chuẩn về tuyển sinh, có thể ít nhưng “tinh” để mỗi sinh viên khi vào học đã có đủ cơ sở cần thiết về kỹ năng biểu diễn. Tuyển chọn đúng người để đào tạo là một khâu góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng đầu ra, nên những người chỉ huy nói riêng và các diễn viên thanh nhạc, các nhạc cụ khác nói chung trong ngành nghệ thuật.

Đổi mới hoạt động dạy học

Đào tạo Chỉ huy Âm nhạc mang tính đặc thù, với từng mô hình đào tạo mới cần có những giáo trình mới đáp ứng được tính đặc thù của ngành học, tránh tình trạng sử dụng một giáo trình cho các mô hình đào tạo, chuyên ngành đào tạo, các dòng chuyên sâu. Trên thực tế, các hoạt động hợp xướng diễn ra bằng nhiều thể loại, hình thức khác nhau, tính chất và mục tiêu biểu diễn khác nhau. Do đó, phương pháp, giáo trình đào tạo cần được rà soát để mang lại những hiệu quả thiết thực cho sinh viên sau khi ra trường. Có thể phân chia thành một số nhóm khác nhau để làm rõ những đặc thù riêng. Đó là nhóm phổ cập phong trào tại các trường phổ thông hoặc tại các ca đoàn trong các nhà thờ Công giáo và nhóm chuyên nghiệp.

Chương trình Chỉ huy Âm nhạc đã được thiết kế, tác động đến người học nhằm hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Các khối kiến thức phải nghiên cứu để có thể vừa giảm tải thời gian chung, vừa có những bổ trợ hiệu quả cho đào tạo chuyên môn. Theo khảo sát đánh giá thì sự ảnh hưởng của các khối kiến thức như sau:

Giảng viên xây dựng chương trình Chỉ huy Âm nhạc, thiết kế hoạt động dạy học âm nhạc đầy đủ và cụ thể bao nhiêu thì công việc dạy học âm nhạc càng hiệu quả bấy nhiêu. Việc thiết kế cụ thể hoạt động dạy học cần đòi hỏi tính khoa học, logic, có định hướng.

Phương pháp là cách thức, phương tiện được thực hiện nhằm đạt tới mục đích nhất định, giải quyết những nhiệm vụ nhất định trong nhận thức và trong thực tiễn. Phương pháp đào tạo giảng viên ngành Chỉ huy Âm nhạc ở trình độ đại học phải coi trọng việc bồi dưỡng ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng. Với yêu cầu giáo dục mới, việc sử dụng phương pháp dạy học cần gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp. Lấy sinh viên là trung tâm nhưng giảng viên là thành tố không thể thiếu của quá trình dạy học. Người dạy cần lựa chọn một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên, dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc sinh viên tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giảng viên.

Quy trình đào tạo chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng liên quan chặt chẽ với các bộ môn khác như: đọc tổng phổ hợp xướng, hợp xướng, thanh nhạc căn bản, piano… Nhiệm vụ cơ bản không chỉ trang bị các kỹ thuật chỉ huy mà còn rèn luyện khả năng làm việc độc lập với các tác phẩm mới, phương pháp làm việc có hệ thống với hợp xướng. Hiện nay, trong công tác đào tạo, cần bổ sung các phần hướng dẫn quy trình làm việc đối với một tác phẩm hoặc chương trình để sinh viên có được một kỹ năng làm việc hiệu quả.

Cập nhật những kiến thức, tác phẩm mới

Âm nhạc thời nay, ngoài các giá trị hàng trăm năm của âm nhạc cổ điển thì xã hội đang phát triển theo nhiều xu hướng pha trộn giữa các thể loại âm nhạc khác nhau (cổ điển và jazz, pop…, tạo nên một thuật ngữ mới là âm nhạc giao thoa – crossover music. Chính vì vậy, các giảng viên nên bổ sung trong giáo trình của mình các phần lý thuyết nhạc nhẹ cơ bản (hòa thanh, cách tiến hành bè). Từ đó, sinh viên có khả năng kết hợp được nhiều thể loại như: pop, gospel, jazz, barbershop style,… và hoàn thành các bài phối âm thú vị, gây sự hấp dẫn cho người thưởng thức thời nay.

Với âm nhạc đương đại hiện nay, các kỹ thuật hát và chỉ huy đã có nhiều biến đổi phức tạp. Để có thể dàn dựng, chỉ huy các tác phẩm âm nhạc này, sinh viên chỉ huy phải rèn luyện khả năng nghe và luôn trau dồi nâng cao kỹ thuật, nhất là kỹ thuật thị tấu trên đàn piano cũng như sự am hiểu về tính năng của các âm thanh, giọng trong hợp xướng… Các chương trình đào tạo hiện này còn yếu trong lĩnh vực âm nhạc đương đại.

Từ những nội dung trên, chúng ta nên xem lại chương trình đào tạo ngành Chỉ huy Âm nhạc, cần cho sinh viên năm 3 và năm 4 tham gia nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước để giao lưu và tìm một hướng đi, cũng như cơ hội mới cho công việc của bản thân sau này.

Sự đa dạng về giáo trình giúp giảng viên có nhiều sự lựa chọn tác phẩm âm nhạc trong việc soạn giáo án phù hợp với trình độ của sinh viên, phù hợp với đối tượng sinh viên là người Việt Nam hay người nước ngoài. Đa dạng giáo trình Chỉ huy Âm nhạc còn thể hiện ở việc giáo trình có thể sử dụng nội bộ, sử dụng chung cho các cơ sở đào tạo trong nước, khu vực và quốc tế. Giáo trình đào tạo Chỉ huy Hợp xướng hiện nay không còn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Cần rà soát, bổ sung môn học tùy thuộc vào năm học, thời gian học để có thể cung cấp đầy đủ kiến thức cho sinh viên như: Lịch sử nghệ thuật hợp xướng chuyên ngành; Kiến thức về hợp xướng; Kiến thức về thanh nhạc; Phối âm cho hợp xướng

Ngoài ra, cần điều chỉnh thêm một số nội dung các môn học bổ trợ khác cho chuyên ngành. Như vậy, hiệu quả đào tạo Chỉ huy Âm nhạc chuyên nghiệp trong giai đoạn đổi mới của đất nước theo hướng phát triển bền vững và hội nhập cần lưu ý tới mô hình đào tạo âm nhạc, giáo trình và đội ngũ giảng viên Chỉ huy Âm nhạc.

Chỉ với việc cập nhật những kiến thức mới, bổ sung các tác phẩm phù hợp với thời đại thì mới có thể đào tạo những chỉ huy hợp xướng đáp ứng được hướng phát triển của âm nhạc hợp xướng trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Tăng cường kỹ năng thực hành

Được làm việc với các dàn hợp xướng trong thời gian sinh viên đang học trong các cơ sở đào tạo là một vấn đề khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước khác trên thế giới. Người chỉ huy cần tự tin bước ra sân khấu, như vậy nhạc công sẽ vững vàng biểu diễn. Nhưng trên thực tế, phần lớn thời gian học chuyên môn thường được dùng vào việc dàn dựng tác phẩm nhưng là dựng với đàn piano thay vì với ban hợp xướng. Người học được truyền đạt những kinh nghiệm từ những tác phẩm hợp xướng được diễn trên đàn chứ không phải với giọng người. Việc bước ra sân khấu để chỉ huy với dàn nhạc khác xa với khi làm việc với hai piano. Bởi vì, khi học chỉ huy với hai pianist, người ta khó phát hiện được khi nào mình đánh đúng sai, cho dù người chỉ huy có điều khiển sai thì hai pianist chuyên nghiệp họ vẫn đánh đúng… Nhưng với dàn nhạc và dàn hợp xướng thực thụ, khi người chỉ huy sai thì các nghệ sĩ đó sẽ chơi sai và dẫn đến kết quả buổi diễn không thành công.        

Đối với một số sinh viên mà các ca đoàn gửi đi học tại các cơ sở đào tạo thì có thuận lợi hơn do họ có điều kiện thường xuyên luyện tập với dàn hợp xướng. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn không thể vượt qua đó là trình độ của các dàn hợp xướng này mang tính cộng đồng, không chuyên, số lượng thành viên và trình độ kỹ thuật thanh nhạc có hạn, chương trình luyện tập và biểu diễn của các ca đoàn thường theo các bài bản phục vụ lễ cộng đồng của nhà thờ nên các bài bản thường ít bè, bè đơn giản, không thể áp dụng được tất cả những gì mà sinh viên đã học ở trường để mang vào thực tế. Do đó, khó nâng cao trình độ thực hành cho người chỉ huy chuyên nghiệp trong quá trình đào tạo.

Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia, và giảng viên giảng dạy chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng, để nâng cao chất lượng, ít nhất trong một học kỳ sinh viên phải được làm việc trực tiếp với các dàn hợp xướng một đến hai lần trong thời gian 4 năm đào tạo. Đây là yêu cầu cấp bách, cần có trong khi đào tạo ngành Chỉ huy. Chính vì vấn đề thiếu các điều kiện thực hành nên ngành Chỉ huy rất khó đạt được những chuẩn chất lượng đặt ra theo chương trình đào tạo.        

Để bổ trợ cho việc thiếu các điều kiện thực hành làm việc với dàn hợp xướng trên thực tế thì việc tham dự các buổi hòa nhạc có dàn hợp xướng tham gia biểu diễn là những việc cần phải làm đối với sinh viên thậm chí cả đối với các giảng viên đang giảng dạy hiện nay. Điều này sẽ phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam để tăng cường chất lượng đào tạo.

Sinh viên cần tham dự các chương trình biểu diễn

Đây là phương pháp học trực quan mà sinh viên trên thế giới rất coi trọng, đặc biệt trong các ngành Âm nhạc. Với phương pháp này, một mặt sinh viên sẽ được trực tiếp theo dõi trên sân khấu những hoạt động thực tế của người chỉ huy và hiệu quả các hoạt động này đối với dàn hợp xướng, âm thanh… Mặt khác, sinh viên được mở rộng kiến thức của mình về các tác phẩm chưa có trong chương trình đào tạo, mở rộng tầm nhìn về phong cách biểu diễn, cách xử lý tác phẩm cũng như cá tính của từng người chỉ huy… Qua các bài thực tế này, sinh viên khi bắt đầu thực hành với dàn hợp xướng sẽ có những bước chuẩn bị tâm lý tốt để có thể đảm bảo vị trí chỉ huy trước dàn hợp xướng. Hiệu quả của các buổi tham dự này đó là sự tích lũy kinh nghiệm thực tế, là bước chuẩn bị sau khi đã học lý thuyết và trước khi tiến hành các buổi thực hành trực tiếp với dàn hợp xướng.

Sinh viên học chỉ huy cần tích cực tham gia các buổi dàn dựng chương trình của những nhà chỉ huy chuyên nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Có thể mang theo tổng phổ để ghi chú những điều người chỉ huy đang chỉnh sửa cho dàn nhạc, từ đó, rút kinh nghiệm và học hỏi. Thông qua các buổi học này, sinh viên sẽ nắm bắt được những kinh nghiệm thực tế bằng cả thị giác và thính giác, cảm nhận được sự phối hợp giữa nhạc trưởng và các thành viên trong hợp xướng.

Để đạt được hiệu quả tối ưu qua các buổi nghe trực tiếp này, các giáo viên hướng dẫn cần tổ chức các buổi thảo luận để sinh viên được trao đổi ý kiến nhận xét và có các bài viết tổng kết với nhiều khía cạnh khác nhau từ kỹ thuật chỉ huy, phong cách cũng như cách tổ chức điều hành dàn hợp xướng trên sân khấu. Qua các ý kiến tại các buổi sinh hoạt, giảng viên hướng dẫn sẽ nắm bắt được những mặt ưu điểm cũng như những vấn đề cần được khắc phục trong kiến thức của học sinh và sẽ có những biện pháp cụ thể đề ra với mỗi sinh viên trong các bài giảng tiếp theo.

Ngoài ra hiện nay, sinh viên cần tự tìm kiếm các nguồn khác trên internet về các chương trình biểu diễn của các nhà hát, các nhà chỉ huy trên thế giới. Phương pháp này có mặt thuận lợi là có thể xem được mọi nơi mọi lúc, thích hợp với thời gian của sinh viên. Nhưng mặt hạn chế là sinh viên không thể xem được toàn bộ các động tác của người chỉ huy do khi truyền hình ảnh trong chương trình thì các góc máy sẽ thu ở các góc hợp xướng khác nhau nên bỏ qua các động tác của người chỉ huy. Chúng ta chỉ phần lớn có thể học được cách xử lý tác phẩm mà thôi, còn kỹ thuật chỉ huy, xử lý âm thanh của người chỉ huy thì không thể nghiên cứu được một cách đầy đủ. Những cách làm này hiện đang ít được áp dụng tại nhiều các cơ sở đào tạo âm nhạc ở Việt Nam.

Tăng cường kỹ năng tự học

Thông thường, người thày thường yêu cầu sinh viên nghiên cứu kỹ các tác phẩm trước khi lên lớp. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy thực trạng sinh viên ở Việt Nam không có thói quen làm việc này hoặc làm việc một cách phiến diện. Ví dụ khi giảng viên giao bài cho sinh viên học một chương của tổng phổ thì sinh viên thường chỉ photo và đọc đúng một chương đó mà không tìm hiểu những chương trước và sau trong tác phẩm.

Mỗi chỉ huy hợp xướng khi ra trường thường phải làm việc ở nhiều đội hợp xướng khác nhau. Trên thực tế, hợp xướng có rất nhiều loại khác nhau: hợp xướng trẻ em, hợp xướng nữ, hợp xướng nam, hợp xướng hỗn hợp, hợp xướng dân gian… Mỗi dàn hợp xướng đòi hỏi nhu cầu khác nhau và cho ra màu sắc khác nhau nên rất đa dạng và phong phú. Hiện nay phát triển nhiều hình thức biểu diễn hợp xướng: hợp xướng hát với nhiều động tác minh họa, hợp xướng hát nói với đặc điểm kể chuyện, động tác vui nhộn hài hước thể hiện đặc điểm ngôn ngữ từng vùng miền, nên động tác chỉ huy cũng không theo quy tắc truyền thống…, chưa kể các hoạt động này có những mục đích khác nhau tùy theo điều kiện phát triển của mỗi hợp xướng. Do đó, kiến thức trong nhà trường không thể đủ đối với những yêu cầu thực tế nảy sinh ngoài xã hội vì mục tiêu và thời lượng đào tạo có hạn. Vì vậy, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên phải có ý thức tự học, chủ động trong quá trình học.

Tuy nhiên, do ngày nay, lượng thông tin quá lớn, các sinh viên sẽ gặp khó khăn trong việc xác định những thông tin cần thiết cho bản thân. Ngoài ra, cần phải chọn lọc, phân biệt các thông tin đáng tin cậy và đã được kiểm chứng. Đây cũng là công việc khó khăn trong quá trình tìm tòi tự học cho sinh viên ngày nay.

Để khắc phục vấn đề này, lấy kinh nghiệm của quốc tế trong quá trình đào tạo thì trong các giáo trình luôn giới thiệu: các bản ghi âm, ghi hình trên DVD, CD; giới thiệu các website; giới thiệu các nhà xuất bản tổng phổ…

Ngoài ra, vì yêu cầu thực tế đòi hỏi về khả năng âm nhạc cao đối với sinh viên ngành Chỉ huy, do đó các cơ sở đào tạo nên mở rộng, khuyến khích sinh viên tất cả các chuyên ngành khác trong nhà trường học chỉ huy theo dạng môn học tự chọn. Khi các sinh viên đang học đại học tại các cơ sở đào tạo, ít nhiều các em đã có được những kiến thức, hiểu biết âm nhạc cần thiết để có thể dễ dàng tiếp cận với ngành Chỉ huy, cảm nhận được những khó khăn nhưng đầy hấp dẫn của người Chỉ huy. Từ các giờ của môn học tự chọn, các em sẽ hiểu hơn về môn học, có những lựa chọn, quyết định theo học ngành chỉ huy với các hình thức phù hợp như văn bằng thứ hai hoặc chuyên ngành thứ hai. Đối với các trường hợp này, thông tin cần chỉ rõ những môn học sẽ được miễn học vì sẽ được chuyển điểm từ các kết quả môn học trong chương trình đại học ngành mà người học đã có.

Để tạo điều kiện cho kỹ năng tự học phát triển tốt hơn, một phần cần thay đổi phương pháp giảng dạy và đưa hệ thống đào tạo theo tín chỉ nhanh chóng được áp dụng trong hệ đào tạo âm nhạc. Chỉ khi các biện pháp này được triển khai đồng bộ, sinh viên sẽ có ý thức để đáp ứng yêu cầu bài giảng và chú trọng phát triển hơn nữa kỹ năng này.

Tham gia giao lưu quốc tế

TK XXI là thế kỷ giao lưu giữa các nền âm nhạc trên thế giới. Hiện nay, quá trình tiếp biến văn hóa vẫn không ngừng diễn ra và ngày càng mở rộng, việc tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới và sự giao lưu nước ta với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt các nước Đông Nam Á được đẩy mạnh trở lại trong thập kỷ cuối của TK XX. Những biến động về mặt xã hội và ý thức hệ đã góp phần làm thay đổi tâm lý con người. Một trong những nhân tố nối kết các nước lại với nhau đó chính là âm nhạc, cụ thể là các cuộc giao lưu và liên hoan hợp xướng trong và ngoài nước được tổ chức ở Việt Nam như: Liên hoan hợp xướng và hội thi hợp xướng quốc tế tại Việt Nam đã tổ chức lần thứ 6 vào năm 2019 tại thành phố Hội An với sự có mặt gần 1.000 nghệ sĩ thuộc 21 đoàn hợp xướng đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc, Estonia, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Philippines, Singapore, Mỹ. Ngoài ra, hằng năm còn có các đoàn hợp xướng từ Mỹ, Đức, Nga, Bỉ… sang biểu diễn theo nhiều dự án khác nhau tại các học viện, nhạc viện và nhiều cuộc liên hoan giao lưu hợp xướng đã diễn ra trong nước. Qua những chương trình biểu diễn nghệ thuật trên, sinh viên được giao lưu, học tập kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao kiến thức chuyên môn của mình.

Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay đang là một cuộc tiếp biến lớn và căn bản của văn hóa Việt Nam với văn hóa hiện đại thế giới. Đó là quá trình tiếp thu những yếu tố văn hóa tiên tiến chứa đựng trong khoa học, công nghệ hiện đại, với ý thức về sự đề cao giá trị con người, đề cao đại chúng, xem trọng văn hóa trong mối gắn kết với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đặt ra yêu cầu mới trong giao lưu, hội nhập thế giới. Vì vậy, đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài hay tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nước để các bạn sinh viên có cơ hội nhìn thấy tương lai, nhìn thấy sự phát triển và chính các bạn sẽ là người tự định hướng mình, chuẩn bị hành trang tốt nhất để đón lấy cơ hội nghề nghiệp, tạo dựng tương lai.

Trong mô hình đào tạo tài năng đỉnh cao của ngành Chỉ huy Âm nhạc đang được triển khai, chúng ta phải xây dựng một chế độ chính sách riêng nhằm động viên được lực lượng giáo sư và các tài năng trẻ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải quyết tâm, quyết liệt đổi mới cách nghĩ và cách làm.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật

Giáo dục đại học là một thành tố quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó, chất lượng giáo dục đào tạo âm nhạc cần được quan tâm, đầu tư và đẩy mạnh hơn nữa để hội nhập quốc tế trên nhiều phương diện khác nhau như giao lưu, trao đổi học thuật, hợp tác quốc tế…

Thực tế cho thấy, giáo dục âm nhạc bậc đại học ở Việt Nam hiện nay đã có những thành tựu quan trọng, quy mô giáo dục không ngừng mở rộng so với trước đây. Việc đầu tư cho giáo dục âm nhạc được chú trọng hơn, điều kiện học tập và giảng dạy ở các nhạc viện, các trường Văn hóa Nghệ thuật, trường đại học có khoa Nghệ thuật… được cải thiện đáng kể.

Là ngành học đòi hỏi phải có sự tập trung, đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí nên trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục như: vấn đề đãi ngộ trong nhiều lĩnh vực như đào tạo, biểu diễn, thù lao, biên chế… vì vậy, cần có các cơ chế tăng cường nguồn lực của Nhà nước và xã hội để phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện chuyên ngành âm nhạc cũng cần được tập trung đầu tư để có thể đáp ứng nguồn tư liệu và các phương tiện nghe nhìn hiện đại theo chuẩn quốc tế để giảng viên, sinh viên thuận lợi trong công tác nghiên cứu, đào tạo và tự học.

Các cơ sở đào tạo cần có những biện pháp khôi phục các dàn hợp xướng để có thể đáp ứng nhu cầu thực hành và thi đối với sinh viên theo học ngành này.

Đào tạo một số kỹ năng cần thiết của người chỉ huy

Song song với việc người chỉ huy phải có kiến thức chuyên môn cao thì cử chỉ, ngữ điệu, thần thái, phong cách điều hành… là những phương tiện quan trọng giúp người chỉ huy có thể truyền đạt được hết các ý tưởng nghệ thuật của mình đến với thành viên của dàn hợp xướng. Ngoài ra, cần nắm vững kỹ năng tổ chức chương trình, cách cấu trúc chương trình và danh mục các tác phẩm phù hợp với mục tiêu phục vụ của chương trình để đáp ứng, khẳng định trình độ chuyên môn của bản thân khi vào môi trường thực tế.

Khả năng tiếp xúc giữa người chỉ huy với diễn viên là rất quan trọng. Không phải cứ người chỉ huy giỏi thì nói gì các diễn viên cũng lắng nghe và thực hiện theo. Qua khảo sát chương trình đào tạo trên thực tế, việc giảng dạy các kỹ năng cần có của người chỉ huy chưa được đưa vào chương trình giảng dạy. Rất nhiều sinh viên khi ra trường mặc dù học tập đạt chất lượng tốt nhưng gặp nhiều khó khăn khi đứng trước dàn hợp xướng. Đối với các sinh viên này, cách truyền tải các thông điệp giữa chỉ huy và dàn hợp xướng hoàn toàn không đạt được mục đích của mỗi bên. Vì vậy, ảnh hưởng lớn tới chất lượng biểu diễn cũng như mất nhiều thời gian luyện tập.

Do đó, một số kỹ năng về giao tiếp, điều hành, tổ chức, làm việc nhóm cần phải được giới thiệu trong chương trình đào tạo vì người chỉ huy hợp xướng sẽ làm việc với nhiều kiểu hợp xướng, con người, trình độ diễn viên khác nhau…

Theo khảo sát, 4 kỹ năng được đánh giá cần thiết nhất là: kỹ năng lãnh đạo (33%), kỹ năng quản lý thời gian (21%); kỹ năng giao tiếp (15%); kỹ năng làm việc theo nhóm (15%).

Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn đưa thêm vào các chương trình ngoại khóa tự chọn để sinh viên học chuyên ngành Chỉ huy có thêm được những kiến thức bổ trợ quan trọng phục vụ cho nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn.

Để làm được những việc này, các cấp chính quyền và nhà trường phải có những hoạch định mang tính chiến lược lâu dài, khắc phục những mặt còn hạn chế và đưa ra những chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải quyết tâm, quyết liệt đổi mới cách nghĩ và cách làm. Trong mô hình đào tạo tài năng đỉnh cao của ngành Chỉ huy Âm nhạc trong giai đoạn mới, chúng ta phải xây dựng một chế độ chính sách riêng nhằm động viên lực lượng giáo sư và các tài năng trẻ cùng góp sức vào sự nghiệp đào tạo ra những thế hệ tài năng mới. Chính những chính sách hiệu quả này sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nhà trường và đất nước.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Bách, Phát triển một số loại hình hợp xướng mới tại TP. Hồ Chí Minh, Thông báo khoa học số 40, Viện Âm nhạc Việt Nam, Hà Nội, 2013, tr.114 – 120.

2. Trương Ngọc Thắng, Quá trình hình thành và phát triển ca hát chuyên nghiệp Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học, Nhạc viện Hà Nội, 2007.

3. Fred. Goldbeck, Le parfait chef d’orchestre – Người chỉ huy dàn nhạc hoàn hảo, Đại học Pháp, Paris, 1952.

4. Imogen Holst, Conducting & Choir – Chỉ huy & Hợp xướng, Đại học Oxford, Ely House, London, Anh, 1973.

5. Charles Koechlin, Etude sur le choral d’école – Nghiên cứu về trường dạy hợp xướng, Nxb Heugel, Pháp, 1920.

6. Nhiều tác giả, The chorus impact study – Nghiên cứu tác động của hợp xướng, Chorus America, Washington D.C., Mỹ, 2006.

Tác giả: Tạ Quang Đông

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *