Một số kinh nghiệm trong tham gia công tác dân vận của bộ đội công binh


Quân đội nhân dân Việt Nam là quân
đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì
nhân dân mà chiến đấu. Được Đảng, Bác
Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện, ngay
từ ngày đầu thành lập, quân đội ta đã
mang bản chất của giai cấp công nhân,
tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.
Tham gia công tác dân vận góp phần xây
dựng khu vực phòng thủ địa phương vững
chắc là nội dung, biện pháp quan trọng
hàng đầu của các đơn vị quân đội nói
chung, Bộ đội Công binh (BĐCB) nói riêng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong công tác vận động quần chúng của Đảng, là yêu cầu hàng đầu của quân đội trong thực hiện chức năng đội quân công tác – một trong những chức năng phản ánh bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đồng thời, cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa nhân dân với quân đội, quân đội với nhân dân; thực hiện “quân với dân một ý chí”.

Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, công tác dân vận của quân đội ta đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào cách mạng, động viên sức người, sức của trong nhân dân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính nhờ làm tốt công tác dân vận, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được nhân dân thương yêu, nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc – một trong những nhân tố quan trọng giúp quân đội ta tạo nên sức mạnh to lớn, cùng toàn dân làm nên những chiến thắng vẻ vang mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong các cuộc kháng chiến ấy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã chịu đựng gian khổ, anh dũng hy sinh, kiên cường, kiên trì bám dân, bám địa bàn, làm tốt công tác dân vận, phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần củng cố niềm tin và thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ.

Cán bộ, chiến sĩ ban công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi

giúp dân trên địa bàn làm đường giao thông liên thôn – Ảnh: Tư liệu

Là bộ phận hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam, BĐCB với vai trò là lực lượng chuyên môn kỹ thuật, có chức năng xây dựng các công trình quốc phòng và đảm bảo cầu đường cho bộ đội vận động tác chiến. Xuyên suốt quá trình ra đời và trưởng thành, BĐCB luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác dân vận của quân đội. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công binh đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tích cực tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế với hàng nghìn chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội như: xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo; thực hiện các cuộc vận động, phong trào, chính sách an sinh xã hội và chính sách hậu phương quân đội. Trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ Công binh luôn ở tuyến đầu, thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích, có mặt kịp thời ở những nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, không quản hiểm nguy, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống… Những kết quả đạt được đã góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra “thế trận lòng dân” và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Qua thực tiễn với những kết quả đạt được, có thể rút ra một số kinh nghiệm, làm cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tham gia công tác dân vận của BĐCB trong thời gian tới:

Một là, công tác dân vận góp phần xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc cần được tiến hành thường xuyên, chủ động và tích cực

Về bản chất, công tác dân vận là công tác vận động cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân. Do đó, đây phải là nhiệm vụ cơ bản thường xuyên, không thể tiến hành theo kiểu “mùa vụ”, nhân dịp các ngày lễ lớn hay các đợt sinh hoạt chính trị… Đặc biệt, đối với các địa bàn phức tạp về chính trị – xã hội, công tác này càng phải được tiến hành thường xuyên, chủ động, tích cực hơn nhằm tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân; kịp thời phát hiện và ngăn ngừa, không để xảy ra “điểm nóng” về chính trị trên các địa bàn đóng quân.

Các đơn vị cần chủ động, kịp thời nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội, đơn vị và của địa phương; đồng thời nắm vững âm mưu, thủ đoạn của lực lượng thù địch và phần tử bất mãn, tiêu cực; dự báo được sự phát triển của tình hình. Trên cơ sở đó, từng đơn vị cần chủ động tham mưu chính xác, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí trong các cấp, các ngành, các cơ quan và nhân dân. Đồng thời, trực tiếp tham gia cùng địa phương giải quyết những vấn đề xã hội phức tạp khi có yêu cầu, không để tình hình phức tạp lan rộng, kéo dài. Theo đó, từng đơn vị cần thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương; tham gia các phong trào, các đợt sinh hoạt chính trị, xây dựng và nắm vững địa bàn. Đồng thời, phải tăng cường phát huy vai trò mạng lưới trinh sát và cùng địa phương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định lại cuộc sống. Cần quán triệt và thực hiện quan điểm “xây” đi đôi với “chống”, coi trọng xây dựng nhân tố tích cực và khắc phục, đẩy lùi nhân tố tiêu cực trong thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, công tác dân vận của BĐCB phải được tiến hành một cách thiết thực, chặt chẽ và đem lại lợi ích cho nhân dân

Tham gia tiến hành công tác dân vận, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công binh nhất thiết cần xác định mục đích rõ ràng, cụ thể: tích cực góp phần ổn định tình hình mọi mặt ở từng địa phương, cơ sở nhằm củng cố quan hệ quân – dân. Để đạt kết quả mong muốn, công tác dân vận không những phải được triển khai một cách khoa học, sử dụng khéo léo các biện pháp thực hiện, mà còn phải lựa chọn các vấn đề thiết thực, cụ thể. Các nội dung, hình thức tiến hành phải hướng vào lợi ích của đông đảo nhân dân ở địa phương, trong đó các vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí là thiết thực nhất. Hiện nay, dân chủ được xác định là một lợi ích rất quan trọng của nhân dân, cùng với dân sinh, dân trí vừa là mục đích, vừa là động lực phát triển của địa phương. Thực tế đã chứng minh rằng, không thể giữ vững sự ổn định và phát triển của địa phương nếu không giải quyết thành công các vấn đề nêu trên.

Để thực hiện tốt giải pháp này, các đơn vị Công binh khi tiến hành công tác dân vận góp phần giải quyết tình hình phức tạp về chính trị – xã hội trên địa bàn địa phương đóng quân phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân; phải chặt chẽ về nguyên tắc và mềm dẻo về phương pháp; bảo đảm thực hiện đúng chính sách, pháp luật và tôn trọng nhân dân. Thực tiễn cho thấy, để tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân, phải có tác phong “nói đi đôi với làm”, đặc biệt, cần phải thấu triệt lời dạy của Bác Hồ về “dân vận bằng việc làm thực tế”, tạo sức lan tỏa, sức thuyết phục để dân tin, dân theo. Cán bộ, chiến sĩ Công binh cần thực hiện “ba cùng”, “bốn cùng” với nhân dân; đồng thời phải quán triệt, thực hiện tốt các quan điểm chỉ đạo công tác dân vận của Đảng, giữ nghiêm kỷ luật dân vận. Bên cạnh đó, cần khắc phục mọi biểu hiện hình thức chủ nghĩa, tự do tùy tiện, thiếu kế hoạch và chỉ đạo chặt chẽ… trong tham gia công tác dân vận.

Ba là, giáo dục, rèn luyện nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực công tác dân vận cho cán bộ, chiến sĩ

Để BĐCB tham gia công tác dân vận có hiệu quả, nhất thiết phải giáo dục, huấn luyện tốt về mọi mặt cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong từng cơ quan, đơn vị. Có như vậy, cán bộ, chiến sĩ mới nhanh chóng tiếp cận được địa bàn, sớm giao tiếp được với nhân dân để thực hiện các nội dung công việc. Đặc biệt, cấp ủy và người chỉ huy các cấp cần bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền những hiểu biết cần thiết về phong tục tập quán của mỗi địa phương; đặc điểm địa bàn cơ sở; về chủ trương của lãnh đạo các cấp; nhiệm vụ và thành phần các lực lượng tham gia; nhiệm vụ của tổ, đội công tác; phương pháp, các bước tiến hành cũng như những hiểu biết nhất định về kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng ở địa phương.

Trong tiến hành các nội dung cụ thể của công tác dân vận, cần vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa có tính quần chúng, tính chiến đấu cao. Điều đó đòi hỏi cao ở cán bộ, chiến sĩ về kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng. Bản lĩnh đó được bộc lộ qua phương pháp, tác phong công tác: bình tĩnh, kiên nhẫn trong những tình huống phức tạp, đối với các đối tượng khó khăn; đồng thời luôn đề cao cảnh giác tránh mọi sơ hở để kẻ xấu lợi dụng kích động quần chúng làm mất uy tín của đơn vị, của quân đội. Những phẩm chất này chỉ có thể được thu lượm, rèn luyện qua thực tiễn của chính bản thân mỗi người. Do vậy, phải chú ý đến khâu lựa chọn các hạt nhân điển hình; thành lập các tổ, đội công tác; biên chế các đơn vị hành quân dã ngoại làm công tác dân vận.

Bốn là, công tác dân vận phải có nội dung toàn diện, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cùng tham gia thực hiện

Tiến hành công tác dân vận để góp phần xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc. Qua thực tiễn công tác của các đơn vị đều cho thấy, cần phải thực hiện nhiều nội dung, cụ thể là tuyên truyền, vận động nhân dân; giúp đỡ nhân dân trong sản xuất và đời sống; bảo vệ nhân dân trong mọi hoàn cảnh; giúp địa phương phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng; góp phần xây dựng, bảo vệ phát huy hiệu lực của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương; giáo dục, quản lý bộ đội, gìn giữ mối quan hệ quân dân cả nước; chỉ rõ sai lầm của bộ phận nhân dân bị kích động, lợi dụng; vạch rõ bộ mặt của bọn phản động. Đồng thời, cần phối hợp, kết hợp chặt chẽ với nhiều lực lượng liên quan, bằng nhiều biện pháp để tác động một cách toàn diện vào các tầng lớp nhân dân ở địa phương mới đạt được kết quả. Bởi về phạm vi, mức độ, lực lượng vũ trang chỉ tham gia góp phần chứ không thể làm thay địa phương giải quyết các vấn đề chính trị – xã hội.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lượng lượng làm công tác dân vận, cần kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân; kết hợp khéo léo công tác dân vận với công tác tuyên truyền đặc biệt. Phối hợp, hiệp đồng với địa phương và lực lượng khác trên địa bàn; kết hợp công tác dân vận với công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, hoạt động sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng khu vực phòng thủ địa phương trên địa bàn đóng quân vững chắc.

Tham gia thực hiện công tác dân vận của Đảng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các đơn vị quân đội nói chung, của BĐCB nói riêng. Do vậy, cấp ủy, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ cần ra sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt công tác dân vận nhằm tạo sự đoàn kết thống nhất, quân với dân một ý chí, củng cố sức mạnh khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tác giả: Bùi Gia Doanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *