Lễ hội cổ truyền là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tổng hợp cao, biểu đạt những sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, in dấu trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương nghệ thuật, lễ phục, ẩm thực cúng tế, các trò chơi, trò diễn dân gian… Việc tổ chức lễ hội cổ truyền nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của người dân, giúp con người trở về với cội nguồn, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, tiếp xúc, trao đổi, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, làm gia tăng tính cố kết cộng đồng. Chính vì thế, lễ hội có vai trò quan trọng trong việc bảo lưu và truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đối với một số địa phương, lễ hội cổ truyền còn trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, là phương tiện hữu hiệu để quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người và vùng đất với bạn bè trong nước và quốc tế.
Bước sang thời kỳ đổi mới, cùng với những thay đổi trong chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động tổ chức lễ hội cổ truyền đã được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu trong di sản văn hóa lễ hội là việc làm đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên những biến tướng và sự phát triển thái quá, vượt tầm kiểm soát của nó cũng đang khiến giới chuyên môn, báo chí và người dân lo ngại, bất bình.
1. Những phương diện cơ bản trong hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền
Việc quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền bao gồm nhiều phương diện, song có thể quy lại ở những phương diện chính.
Quản lý, tổ chức nội dung hoạt động của lễ hội
Bao gồm các hoạt động thuộc về phần lễ như các nghi lễ, nghi thức tế, lễ, rước, dâng hương, dâng lễ… Một số lễ hội còn có các sinh hoạt tín ngưỡng mang tính riêng như hầu đồng, phát ấn…
Tổ chức và quản lý các hoạt động mang tính hội: các diễn xướng dân gian và đương đại, các trò chơi, trò diễn, các chương trình nghệ thuật…
Quản lý và tổ chức lễ hội tốt là làm thế nào vừa đảm bảo được tính thiêng của các nghi lễ cổ truyền, giữ gìn được những giá trị tốt đẹp, tính nghiêm cẩn, thiêng liêng của lễ hội, đồng thời tránh được những biểu hiện của mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, lừa đảo… Bên cạnh đó, phải làm sao cho các hoạt động hội hè đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân, vừa phải là những sinh hoạt văn hóa phong phú, hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu công chúng, vừa đảm bảo tính giáo dục, nhân văn và lành mạnh.
Quản lý phương diện tài chính của lễ hội
Mảng này gồm hai hoạt động chính:
Hoạt động tiếp nhận các khoản thu từ lễ hội và huy động các nguồn vốn xã hội hóa: tiền công đức, tiền dầu nhang, nguồn thu từ các loại dịch vụ, các nguồn vốn xã hội hóa khác…
Hoạt động quản lý việc sử dụng, chi tiêu, phân bổ các nguồn vốn thu được sao cho hiệu quả và không xảy ra các tiêu cực, lãng phí, không minh bạch…
Quản lý phương diện an ninh – xã hội của lễ hội
Các lễ hội thường là nơi thu hút rất đông nhân dân và du khách thập phương, từ hàng vạn đến hàng triệu người, do đó rất dễ xảy ra chen lấn, xô đẩy, mất trật tự an ninh, ùn tắc giao thông, tai nạn, dễ diễn ra các hiện tượng tiêu cực như móc túi, lừa đảo, bắt chẹt khách, cờ gian bạc lận…
Quản lý và tổ chức lễ hội tốt là làm sao đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, trông coi phương tiện đi lại… Bên cạnh đó, lễ hội cũng là nơi dễ dẫn đến các vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm, rất cần tới công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh và y tế…
Quản lý vấn đề bảo vệ môi trường
Một lễ hội được tổ chức tốt là lễ hội phát triển đi đôi với bảo vệ tốt môi trường xung quanh, giữ gìn cảnh quan sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường tốt không chỉ thể hiện trong thời gian diễn ra lễ hội (không xả rác bừa bãi, không xâm hại thiên nhiên, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường…), mà còn được duy trì trong quá trình chung sống hài hòa với tự nhiên, giữ gìn cảnh môi trường, hạn chế tác động tới thiên nhiên trong quá trình phát triển.
Quản lý, bảo vệ khu di tích, cơ sở thờ tự
Lễ hội là một loại hình văn hóa phi vật thể, nhưng nó không thể tồn tại tách rời với các di sản vật thể là các di tích, cơ sở thờ tự, các hiện vật, đồ thờ, không gian thiêng… Các lễ hội được tổ chức thành công thường đi liền với việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích tốt, cơ sở thờ tự khang trang, không bị bóp méo, biến dạng, công tác quản lý hiện vật, tài sản, đồ thờ tự tốt…
2. Một số mô hình quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền hiện nay
Từ thực tiễn tổ chức và quản lý lễ hội cổ truyền ở các địa phương hiện nay, có thể thấy mỗi lễ hội có một phương thức quản lý và cách thức tổ chức khác nhau tùy thuộc vào quy mô, loại hình, mục đích, địa bàn tổ chức lễ hội. Tuy nhiên để tiến tới một sự khái quát hóa, có thể quy chúng về 4 dạng mô hình chính như sau:
Mô hình quản lý và tổ chức mang tính cộng đồng tự quản
Trong các lễ hội dạng này, vai trò tự quản của cộng đồng được hiện diện ở tất cả các khâu, các mắt xích chính của việc tổ chức và quản lý lễ hội: trong việc lên kế hoạch, lập nội dung và tiến hành lễ hội; trong việc thực hành lễ, tổ chức các hoạt động hội; trong quản lý các nguồn thu, chi; trong việc trùng tu, tôn tạo di tích; trong bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn an ninh xã hội (từ quản lý hàng quán, theo dõi trật tự trị an cho đến những công việc nhỏ như thu vé vào cửa, trông giữ xe…). Tiêu biểu cho mô hình này có thể kể đến lễ hội đền Đô ở Bắc Ninh, hội Gióng ở đền Phù Đổng (Hà Nội)…
Trong lễ hội đền Đô, ban quản lý di tích, lễ hội được thành lập theo cơ chế lựa chọn những đại diện có đức, có tài từ 12 cộng đồng thôn, khu xung quanh thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn. Từ đội ngũ ấy, ban quản lý bầu chọn ra ban thường trực gồm những người có sức khỏe, nhiệt tình, trung thực, hiểu biết về di tích để điều hành các nhóm việc trọng yếu: xây dựng kịch bản, tổ chức luyện tập, thực hành nghi lễ, trông coi an ninh, trật tự, quản lý dịch vụ, đối ngoại, tuyên truyền, tiếp nhận công đức… Các bậc cao niên am hiểu về di tích, lễ hội được trọng dụng và khai thác. Sự trao truyền di sản qua các thế hệ vì thế được duy trì. Có thể nói đây là một mô hình quản lý thuần túy do cộng đồng đảm trách rất thành công với mọi hoạt động lễ hội vận hành quy củ, hiệu quả, tạo được uy tín đối với chính quyền địa phương và khách hành hương.
Hội Gióng ở Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) là một hiện tượng văn hóa vô cùng độc đáo, được bảo lưu và trao truyền khá liên tục và trọn vẹn qua nhiều thế hệ. Đó là bởi nó có một giá trị cơ bản, cốt lõi nhất chính là tính cộng đồng trong sáng tạo và duy trì di sản. Chủ thể của lễ hội là cư dân 4 làng sở tại: Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên và Đổng Xuyên. Họ luôn coi hội Gióng là một phần văn hóa của họ và tự nguyện bảo vệ di sản. Do vậy, lễ hội này còn lưu giữ được những nghi lễ, những trình diễn vô cùng độc đáo, độc nhất vô nhị mà ít có lễ hội dân gian nào có được.
Nhìn chung, mô hình tổ chức và quản lý lễ hội mang tính cộng đồng tự quản có những ưu điểm không thể phủ nhận như: bảo lưu rất tốt các yếu tố truyền thống, các giá trị văn hóa bản sắc, ít bị mai một, pha tạp. Người dân thực sự là chủ nhân của lễ hội, có ý thức trân trọng di sản của mình. Trong các hoạt động lễ hội thường không có sự dàn dựng hay can thiệp của các nhà chuyên môn, các diễn viên chuyên nghiệp, không có sự sân khấu hóa.
Ở các lễ hội dạng này cũng ít có các vấn đề nổi cộm về an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, các tệ nạn xã hội…
Về phương diện tài chính, lễ hội không những tự nuôi được mình mà còn có nguồn thu khá ổn định, thậm chí năm sau cao hơn năm trước. Do đó, có nguồn kinh phí để quay lại tôn tạo, bảo vệ di tích và tiến hành các hoạt động xã hội từ thiện, công ích.
Tuy nhiên, mô hình này chỉ khả dụng đối với loại hình lễ hội có quy mô nhỏ hoặc vừa, mang đậm chất truyền thống, có bản sắc riêng và được cộng đồng giữ gìn, bảo vệ tốt.
Mô hình kết hợp vai trò tự quản của cộng đồng với sự trợ giúp của Nhà nước
Đó là những lễ hội mà việc tổ chức các hoạt động lễ và hội vẫn do cộng đồng quyết định và thực hiện là chính, tuy nhiên, đã có sự chỉ đạo, định hướng và tham gia của các ban, ngành chính quyền và đoàn thể. Kinh phí tổ chức lễ hội cũng được Nhà nước tài trợ một phần và sự hỗ trợ của chính quyền thể hiện rõ nhất ở các khâu an ninh, trật tự với sự tham gia của các lực lượng công an, cảnh sát, y tế… Ngoài ra, chính quyền cũng can thiệp sâu vào việc quản lý các nguồn kinh phí thu được từ lễ hội. Đơn cử như các lễ hội đền Trần ở Nam Định, Côn Sơn – Kiếp Bạc ở Hải Dương, lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang…
Ở lễ hội đền Trần, chính quyền sở tại và các cơ quan chuyên môn có sự tham gia tích cực vào các hoạt động tổ chức lễ hội. Về mặt tài chính, 100% số tiền thu được từ các nguồn thu được chuyển qua Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định theo Luật ngân sách và được phân bổ, sử dụng theo quy định của Quy chế phối hợp do thành phố ban hành, những nội dung chi phải được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.
Trong hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam có sự kết hợp giữa các sáng kiến tự quản của cộng đồng, sự quản trị của Ban quản trị lăng miếu với sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Trước ngày giải phóng, việc quản lý lễ hội thuộc về Hội Quý tế miếu Bà theo hình thức tự quản. Sau giải phóng, ban đầu là Hội Quý tế, sau này là Ban bảo vệ di tích lịch sử và văn hóa núi Sam và cuối cùng là Ban quản trị lăng miếu núi Sam thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh An Giang. Với cách quản lý từ trên đi xuống, mô hình này bộc lộ những yếu kém, hạn chế nhất định. Từ năm 2000, cùng với việc ngành du lịch chọn lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một trong 13 lễ hội nổi tiếng nâng cấp thành điểm du lịch quốc gia, Ban quản trị lăng miếu đã có sự cải tổ cung cách quản lý và thuộc quyền điều hành của của UBND xã Vĩnh Tế và Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Châu Đốc.
Ban quản trị lăng miếu có cơ chế hoạt động như một tổ chức sự nghiệp xã hội, đã xây dựng được quy chế làm việc mà qua đó mọi người đều thấy được nhiệm vụ và quyền lợi của mình, vì vậy đã làm thay đổi hoàn toàn tình hình. Hiện nay, tuy số lượng khách hành hương rất lớn (3,5 triệu lượt người năm 2011) và doanh thu rất cao (69 tỷ đồng năm 2011) (1), nhưng lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam luôn đảm bảo được tính trang trọng, thiêng liêng của một lễ hội truyền thống, đồng thời phát huy được vai trò thực hành lễ hội của cộng đồng, đảm bảo tốt an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, hạn chế tệ nạn, làm hài lòng khách hành hương. Đây có thể xem là một mô hình điểm về phương thức quản lý di tích và tổ chức lễ hội cổ truyền hiện nay ở Việt Nam. Từ nguồn thu công đức, Ban quản trị đã trích ra một tỷ lệ lớn cho các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng và hỗ trợ cho các hoạt động phúc lợi xã hội.
Như vậy, có thể thấy ưu điểm nổi trội của mô hình dạng này là vừa phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng, tận dụng tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân, đồng thời có sự giám sát, điều chỉnh kịp thời của các cơ quan chức năng khi có những vấn đề nổi cộm xảy ra. Loại mô hình này rất phù hợp với các lễ hội có quy mô lớn, khách thập phương đông, lễ hội kéo dài nhiều ngày, nhất là ở các lễ hội mang tính tâm linh cao.
Mô hình quản lý, tổ chức lễ hội có sự can thiệp sâu của Nhà nước
Mô hình này thường gặp ở những lễ hội có quy mô vùng miền, quốc gia, có tầm quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội như lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), lễ hội chiến thắng Như Nguyệt (Bắc Ninh)…
Trong việc tổ chức các lễ hội dạng này có sự tham gia, trợ giúp tích cực của các cơ quan nhà nước về kinh phí, chuyên môn, nguồn nhân lực. Nội dung hoạt động của lễ hội có sự dàn dựng, lên kịch bản của các nhà hoạt động văn hóa, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Lễ hội được tiến hành một cách bài bản, quy chuẩn với các phần nghi thức nhà nước chính thống, các bài diễn văn long trọng, những màn trình diễn sân khấu hoàng tráng và ở đó chiếm ưu thế là các nghi thức, hoạt động mang tính đương đại. Lực lượng thực hiện chủ yếu là các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên. Cộng đồng dân cư sở tại cũng được tham gia, nhưng sự tham gia này có phần bị lấn át trước những nội dung phong phú khác của lễ hội.
Như vậy, mô hình này có ưu điểm là đảm bảo được tính chất hoành tráng, long trọng cần thiết của những lễ hội cấp quốc gia hoặc khu vực, phục vụ tốt cho các nhiệm vụ chính trị, cho mục tiêu giáo dục, tuyên truyền. Đúng là chỉ với sự can thiệp và trợ giúp của Nhà nước chúng ta mới có thể tổ chức được những lễ hội có quy mô tầm cỡ, đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực và nguồn tài chính lớn.
Tuy nhiên, những lễ hội dạng này lại có hạn chế là đôi khi việc sân khấu hóa thái quá vô hình chung đã góp phần giải thiêng lễ hội. Việc những diễn viên người trần mắt thịt đóng vai các vị thánh, các anh hùng dân tộc, hay những màn trình diễn thiên về kỹ xảo nghệ thuật lại làm nhạt đi yếu tố tâm linh, làm giảm tính thiêng và niềm tin đối với những gì lẽ ra phải được suy tôn, ngưỡng vọng.
Mặt khác, vì nguồn nhân lực tham gia lễ hội chủ yếu là lực lượng chuyên nghiệp, cho nên vai trò chủ thể của lễ hội dần dần chuyển từ người dân sang phía chính quyền và một lễ hội dân gian rất dễ trở thành một lễ hội nhà nước. Từ vị thế những người làm chủ, được hưởng lợi (cả về vật chất lẫn tinh thần) từ quần thể di tích, lễ hội do các thế hệ tiền nhân để lại, người dân trở thành những diễn viên một buổi, thụ hưởng thù lao theo công việc được phân công qua mỗi kỳ lễ hội. Chẳng hạn trong lễ hội Lam Kinh những năm gần đây, cùng với sự trợ giúp đắc lực của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, người dân dần dần trở thành khán giả đứng xem một cách bàng quan. Khi lễ hội kết thúc, lực lượng chuyên nghiệp rút đi thì lễ hội cũng nhanh chóng rút theo. Mặc dù đã được tiến hành vài năm, lễ hội vẫn không trở thành tài sản tinh thần và di sản văn hóa của cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về kinh phí từ phía chính quyền tạo nên tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn lực từ bên ngoài. Hoạt động lễ hội không tự nuôi được lễ hội, thu luôn luôn không đủ bù chi. Do vậy, nếu không có kinh phí của Nhà nước rót xuống thì sẽ không thể tổ chức được lễ hội.
Mô hình quản lý, tổ chức lễ hội do tư nhân điều hành
Còn có một dạng mô hình quản lý di tích, tổ chức lễ hội đặc biệt do tư nhân tự thành lập, điều hành. Ban quản lý do chủ sở hữu là một gia đình, dòng họ đứng ra cai quản với sự tham gia chủ yếu là người thân trong gia đình ở các vị trí trọng yếu, có tuyển chọn thêm người ngoài từ cộng đồng sở tại, có sự phối kết hợp nhất định với chính quyền địa phương.
Tiêu biểu là mô hình quản lý, tổ chức lễ hội Phủ Dầy ở Nam Định. Sau khi tiếp nhận hai cơ sở phụng thờ Mẫu Liễu Hạnh tại Vân Cát và Tiên Hương (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) trong tình trạng hoang tàn, sử dụng sai mục đích, ông thủ từ Trần Viết Đức cùng người thân trong gia đình đã nỗ lực đầu tư tu bổ di tích, phục dựng tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Trải hơn mười năm tốn nhiều công sức và tiền của, gia đình ông Đức đã dần dần khôi phục lại cơ sở thờ tự và lễ hội Phủ Dầy như nó từng hoành tráng trong quá khứ, biến nơi đây trở thành một trong những địa chỉ tâm linh nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Với niềm tin tâm linh và khả năng tổ chức quán xuyến tốt, từ nguồn tiền công đức và dịch vụ thu được, ông Đức cùng vợ, các con kết hợp với họ hàng nội ngoại đã tôn tạo, tu bổ thêm 12 cơ sở thờ tự ở xã Kim Thái, nâng cấp trục đường giao thông cấp tỉnh, xây sửa trường phổ thông các cấp của xã, xây nhà văn hóa xã và hỗ trợ cho các hoạt động phúc lợi ở địa phương. Tuy nhiên, từ sau ngày ông Đức mất đi (2006), UBND huyện Vụ Bản đã ra quyết định thành lập Ban quản lý di tích – tín ngưỡng quần thể Phủ Dầy. Nhưng trên thực tế, Ban này chưa thể tiếp quản được công việc điều hành, quản lý tại phủ Tiên Hương và Vân Cát, và hiện tại các khâu trọng yếu của nó vẫn do gia đình ông Đức đảm nhiệm.
Mô hình quản lý và tổ chức lễ hội dạng này nếu có người cầm trịch tốt – là người có tâm đức, có tài tổ chức, có uy tín trong dân chúng – thì sẽ có những ưu điểm không thể phủ nhận như: tập trung được nhanh chóng các nguồn lực để tu bổ di tích và bảo tồn tín ngưỡng, triển khai tổ chức lễ hội linh hoạt, hiệu quả, ít biểu hiện tiêu cực… Tuy nhiên, nếu vai trò đứng đầu này lại rơi vào tay những người không đủ đức, đủ tài, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, thì việc quản lý, tổ chức lễ hội sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, nan giải.
3. Một số suy nghĩ về mô hình quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền trong xã hội đương đại
Những mô hình quản lý, tổ chức lễ hội trên đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Nhìn chung khó có thể có một mô hình duy nhất đúng đắn và hợp lý cho mọi loại hình lễ hội cổ truyền. Tuy nhiên, có thể đúc rút lại một số tiêu chí chung mà một mô hình chuẩn về quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền cần phải đáp ứng như sau:
Tôn trọng các chủ thể văn hóa, trao quyền tự quyết và tự quản cho cộng đồng địa phương. Tùy theo quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội mà mức độ can thiệp của Nhà nước nhiều hay ít, tuy nhiên, chỉ chú trọng quản lý về mặt hành chính, pháp luật, định hướng, còn việc tổ chức cụ thể nên để cộng đồng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có như vậy mới phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tự nguyện của cộng đồng.
Quyền lợi và trách nhiệm của người dân địa phương, của chính quyền và du khách phải được phân bổ hợp lý, minh bạch. Điều này sẽ là một sự khích lệ đối với mọi phía, làm cho người dân thấy lễ hội thực sự mang lại lợi ích cho họ, từ đó sẽ nỗ lực làm cho lễ hội ngày một phát triển tốt hơn.
Quảng bá, tôn vinh được các nét đẹp văn hóa của lễ hội, bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Lễ hội phải góp phần tạo dựng, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người địa phương, tạo nên thương hiệu du lịch, trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giảm thiểu các tệ nạn, biểu hiện tiêu cực. Lễ hội phải thực sự trở thành một không gian văn hóa lành mạnh, một môi trường xã hội tốt đẹp cho sự phát triển con người và văn hóa.
Tôn trọng và thân thiện với môi trường sống. Phát triển lễ hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, không tàn phá, xâm hại thiên nhiên, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Với những tiêu chí như trên thì trong bối cảnh hiện nay mô hình phối kết hợp giữa sự tự quản của cộng đồng và sự quản lý, điều tiết hợp lý của Nhà nước tỏ ra có tính khả thi nhất.
Quan điểm của UNESCO cũng luôn cho rằng cần duy trì lễ hội một cách tự nhiên và phát triển trên cơ sở quyền của cộng đồng; cần trao quyền và hỗ trợ để người dân tự xác định bản sắc của họ, tự thực hành lễ hội cổ truyền mà không áp đặt chủ quan để biến lễ hội thành một món hàng thương mại hóa. Hiện nay, xu hướng nâng tầm, nâng cấp lễ hội nhằm phát triển kinh tế đang góp phần biến di sản lễ hội thành một thứ hàng hóa hỗn hợp, dẫn tới nguy cơ tổn hại, biến dạng và làm sai lệch di sản.
_______________
1. Báo cáo kết quả dự án Điều tra dư luận xã hội về hoạt động quản lý và tổ chức cúng lễ miếu Bà chúa Xứ núi Sam do Phân viện VHNT Việt Nam tại TP.HCM tiến hành vào tháng 4-2012.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012
Tác giả : Từ Thị Loan
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam