Một số nghiên cứu về tư duy hội họa của trẻ em

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tranh vẽ của trẻ em được hình thành và phát triển theo các lứa tuổi khác nhau và ở mỗi lứa tuổi, đều có sự hoàn thiện riêng, trên cơ sở của những hoàn thiện trước đó. Trong bài nghiên cứu này, tôi đưa ra một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tiêu biểu cùng quan tâm khá sâu sắc đến vấn đề này. Họ đều có một mục đích chung là tìm hiểu, thực hành, phân tích tranh trẻ em vẽ theo nhiều lứa tuổi khác nhau.

Jean Jacques Rousseau (1712-1778), người Pháp, được coi là nhà nghiên cứu đầu tiên về tranh vẽ của trẻ em. Ông thuộc vào những nhà nghiên cứu theo lý thuyết mô hình cửa sổ thẩm mỹ. Ông từng nhận định: “Ở mỗi độ tuổi, tranh trẻ em vẽ đều có sự hoàn chỉnh riêng của nó và giai đoạn sau chỉ sự hoàn thiện của nó trước đó” (1).

Người thứ hai cũng ở mô hình này đã tiếp nối Rousseau và trong nghiên cứu của mình, đã làm rõ hơn theo các giai đoạn trong tranh vẽ của trẻ em. Đó là Ebenezer Cooke (1837- 1913), người Anh. Ông chia tiến trình tư duy hội họa của trẻ em thành bốn giai đoạn: từ 2-4 tuổi, từ 5-6 tuổi, từ 7-8 tuổi và 9-10 tuổi (2). Những nghiên cứu được phân chia theo 4 giai đoạn của ông vào thời đó là tương đối hợp lý, vì như ông đã dẫn, khi đời sống của các cư dân được nâng lên thì thẩm mỹ của trẻ em càng trở nên có văn hóa và giáo dục. Vì vậy, giáo viên dạy nghệ thuật đã phát triển các bài học vẽ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của trẻ em.

Cùng với quan điểm trên có một nhà nghiên cứu tiêu biểu khác là Franz Cizek (1865- 1946), người Áo. Ông được coi là người đóng góp nhiều công sức cho lĩnh vực nghiên cứu về hội họa của trẻ em, để lại rất nhiều phát kiến về tranh vẽ của trẻ em. Theo nhận định của ông, tranh của trẻ em vẽ có chứa đựng yếu tố vô thức: “Giai đoạn đầu tiên, giai đoạn chữ viết nguệch ngoạc và nhòe nhoẹt (từ 1,5 đến 3 tuổi), có tầm quan trọng vô cùng và nhiều điều không đúng lắm đã được làm ra một cách vô thức” (3). Ông đóng góp thêm một cách chia rõ ràng hơn 4 giai đoạn phát triển tranh của trẻ em lần lượt như sau: giai đoạn chữ viết nguệch ngoạc và nhòe nhoẹt; giai đoạn nhịp điệu; giai đoạn biểu tượng trừu tượng; giai đoạn cuối cùng Gestalten (4).

Phân chia giai đoạn của Cizek tính từ điểm đầu là 1,5 tuổi và điểm cuối là 14 tuổi, không phân chia cụ thể từng giai đoạn theo tuổi của trẻ. Nhưng chúng ta cũng có thể suy luận tương đối, ứng với giai đoạn thứ hai là khoảng 4 đến 7 tuổi, giai đoạn thứ ba khoảng 8 đến 12 tuổi, còn 13-14 tuổi, tuổi dậy thì, thuộc giai đoạn cuối. Nhìn chung, sự phân chia giai đoạn của Cizek về sự phát triển tranh vẽ của trẻ em chỉ dừng lại ở mức độ tương đối, vì tại thời điểm đó, có rất nhiều các nhà nghiên cứu khác đã đưa ra các quan điểm mang tính chất chồng chéo và chưa thực sự tin tưởng vào sự phân chia giai đoạn theo cách của ông. Nhưng dù sao, ông cũng là người có công khá lớn trong việc xây dựng nên những lập luận nghiên cứu về tranh của trẻ em vẽ bằng cả hai con đường vừa là một nghệ sĩ – họa sĩ giảng dạy trực tiếp trẻ em vừa là một nhà lý luận phê bình sắc sảo và nhạy bén. Thông qua ông, khái niệm hội họa của trẻ em đã được nảy nở và lan rộng giữa các nhà giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em và nhiều nhà nghiên cứu liên ngành khác.

mô hình gương tâm lý, các nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định tranh vẽ của trẻ em được phát triển theo giai đoạn. Tiêu biểu có nhà nghiên cứu James Sully (1884-1923), người Anh. Trong nghiên cứu của mình, ông đã từng tổng kết sự phát triển tranh vẽ của trẻ em qua 3 giai đoạn: vẽ bắt chước, từ 2-3 tuổi; vẽ giản đồ theo kiểu tượng trưng, từ 4-5 tuổi; chuyển động mang tính chủ nghĩa tự nhiên, từ 5-6 tuổi (5).

 Những nghiên cứu của Sully về tranh của trẻ em vẽ mới dừng lại ở độ tuổi mẫu giáo, nên những nghiên cứu của ông còn khá khiêm tốn. Nhưng, nó là tiền đề rất quan trọng để cho các nhà nghiên cứu khác, như của Froebel, Spencer và Cooke, tiếp tục phát triển ở các giai đoạn sau. Sự ra đời mô hình gương tâm lý có thể có từ thời Rousseau và tiếp tục bởi Pestalozzi và Froebel, đã khẳng định sự phát triển của trẻ em không phải ở thời điểm, mà là một quá trình phát triển theo các giai đoạn và chấp nhận theo lý thuyết tiến hóa của Spencer và Darwin.

Vẫn ở mô hình gương tâm lý, có một nhà nghiên cứu đó là Viktor Lowenfeld (1903- 1960), người Áo. Ông đã phân loại và chia thành 6 giai đoạn phát triển tranh của trẻ em vẽ như sau: viết, vẽ nguệch ngoạc, từ 2- 4 tuổi; phác họa sơ bộ, từ 4-7 tuổi; phác họa, từ 7-9 tuổi; chủ nghĩa hiện thực sơ khai trong độ tuổi từ 9-12 tuổi; tự nhiên- giả tạo, từ 12 đến 14 tuổi; thời gian quyết định, từ 14-17 tuổi (6). Trong mỗi giai đoạn này, ông đã cố gắng đưa ra những lý thuyết cá nhân để tìm kiếm những gì ở đằng sau các bức tranh của trẻ em vẽ. Ông là người có công rất lớn gây dựng nên một cách nhìn mới, một phát triển lý thuyết tự biểu hiện của riêng mình. Phong cách tự biểu hiện của Lowenfeld khác với cách biểu hiện bằng hình ảnh như của những nhà nghiên cứu khác. Ông phải kiểm tra năng khiếu vẽ của nhiều đối tượng trẻ em qua sự biểu hiện ở mỗi bức tranh khác nhau và đã tìm ra 6 giai đoạn phát triển tranh của trẻ em vẽ một cách khá mạch lạc. Ngoài ra, ông là người có công viết cuốn sách quan trọng nhất trong lĩnh vực giáo dục hội họa cho trẻ em, cuốn Sáng tạo và sự phát triển tâm thần, xuất bản năm 1947, được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu hội họa của trẻ em. Ông, cũng giống như các nhà thực hành theo mô hình gương tâm lý khác, quan tâm đến việc phát triển tranh trẻ em vẽ theo các giai đoạn. Tài liệu này cung cấp cho giáo viên không chỉ phác thảo các giai đoạn phát triển khác nhau mà còn các ứng dụng phù hợp cho hoạt động hội họa trong từng giai đoạn phát triển về nhân cách hay phong cách vẽ của trẻ em.

Trong tác phẩm Giải thích tranh vẽ trẻ em, tác giả người Bỉ Daniel Widlocher đã phân thành 6 giai đoạn phát triển tranh vẽ của trẻ em chi tiết hơn và giải thích từng giai đoạn tương đối kỹ lưỡng: bước đầu của sự biểu hiện bằng hình vẽ, từ 1,5-2 tuổi; vẽ loằng ngoằng, vẽ ngoáy, vẽ bôi bác, từ 3-4 tuổi; bước đầu có ý định biểu thị, 5-6 tuổi; sự chuyển tiếp ý định biểu thị sang tính hiện thực trí tuệ, 7-9 tuổi; tính hiện thực trí tuệ, 10-12 tuổi; tính hiện thực thị giác 13-16 tuổi (7). Nhìn chung đây là một nghiên cứu khá bài bản và đầy đủ nhất của những nhà cùng nghiên cứu đến các giai đoạn phát triển trong tranh vẽ của trẻ em. Và từ đây chúng ta có thể lấy làm chuẩn để so sánh với những nghiên cứu của những nhà nghiên cứu khác với cùng lĩnh vực này.

Riêng nghiên cứu của Read (xuất bản năm 1958) khá khác biệt, ông sắp xếp các bức tranh của trẻ em thuộc cả hai giới tính thành 12 giai đoạn phát triển như sau: có hệ thống; trữ tình; trường phái ấn tượng; có nhịp điệu; có cấu trúc; thuộc hình khối; theo thói quen; theo chủ nghĩa biểu hiện; tính liệt kê; trang trí; lãng mạn; tính giáo dục (8). Cách chia này có thể là nhỏ vụn quá, dẫn tới nhiều giai đoạn có sự chồng chéo, mặc dù tên gọi có thể là khác nhau. Nhưng xét về mặt tổng thể, chúng ta thấy đây cũng là một cách phân tích, một cách nhìn mới về khả năng hội họa của trẻ em để lấy đó làm tư liệu so sánh với các nghiên cứu khác.

Tác giả Nguyễn Thị Như Mai (9) đã dẫn một số tác giả nước ngoài nghiên cứu tranh vẽ của trẻ em theo các giai đoạn phát triển. G.H. Luykê chia 4 giai đoạn : tính hiện thực ngẫu nhiên (từ 3-3,5 tuổi); tính hiện thực không thực hiện được (từ 4-5 tuổi); tính hiện thực trí tuệ (từ 6-7 tuổi); tính hiện thực thị giác (từ 8-9 tuổi). Nhìn chung cách phân chia của ông là chặt chẽ, nhưng lại bỏ qua giai đoạn đầu trẻ vẽ nguệch ngoạc và giai đoạn cuối từ tuổi dậy thì trở lên. L.X.Vưgôtxki chia 4 giai đoạn: miêu tả sơ khai không đầy đủ và giản lược (2-5 tuổi); chuyển dịch từ giản lược sang vẽ thật hơn (6-9 tuổi); miêu tả giống thật (từ 10-11 tuổi); thể hiện có phối cảnh (từ 12-15 tuổi). Ông đã bỏ qua giai đoạn trẻ vẽ nguệch ngoạc và không thấy đưa hoạt động đồ họa ban đầu của trẻ vào trong tranh vẽ, mà đi thẳng vào giai đoạn vẽ bắt chước. D.Widlocher đã phân 6 giai đoạn : bước đầu của sự biểu hiện bằng hình vẽ (1,5-2 tuổi); vẽ loằng ngoằng, vẽ ngoáy, vẽ bôi bác 3-4 tuổi); bước đầu có ý định biểu thị (5-6 tuổi); sự chuyển tiếp ý định biểu thị sang tính hiện thực trí tuệ (7-9 tuổi); tính hiện thực trí tuệ (10-12 tuổi); tính hiện thực thị giác (13-16 tuổi). Nhìn chung, đây là một nghiên cứu bài bản và đầy đủ nhất các giai đoạn phát triển trong tranh vẽ của trẻ em. Kersenschâynhêrơ chia thành 4 giai đoạn: hình vẽ sơ đồ (từ 3-5 tuổi); nảy sinh ý thức về hình thức (từ 6-8 tuổi); miêu tả giống thật (từ 9-11 tuổi); phép phối cảnh xuất hiện (từ 13- 15 tuổi). Ông đã bỏ qua giai đoạn đầu trẻ em vẽ những đường nét nguệch ngoạc. Riêng với giai đoạn cuối, có thể thấy được bước ngoặt của tuổi dậy thì làm thay đổi hội họa của trẻ em. Schirrmacher chia 3 giai đoạn: vẽ viết nguệch ngoạc (từ 2-4 tuổi); tiền phác họa (từ 4-7 tuổi); phác họa (từ 7-9 tuổi). Ông dừng lại trẻ em 9 tuổi, bỏ qua hai giai đoạn sau từ 10-15 tuổi. Read sắp xếp tranh trẻ em thành 12 giai đoạn: có hệ thống; trữ tình; trường phái ấn tượng; có nhịp điệu; có cấu trúc; thuộc hình khối; theo thói quen; theo chủ nghĩa biểu hiện; tính liệt kê; trang trí; lãng mạn; tính giáo dục. Có thể nhỏ vụn, nhưng xét tổng thể, đây cũng là một cách nhìn mới về khả năng hội họa của trẻ em. B.Edwards chia thành 4 giai đoạn: vẽ viết nguệch ngoạc (từ 2,5- 3,5 tuổi); vẽ nền tảng (từ 3,5-5 tuổi); vẽ phức tạp (từ 5-10 tuổi); vẽ tả thực (từ 10 trở lên). Nhưng ông ngắt giai đoạn cuối từ 10 tuổi trở lên, e rằng còn thiếu.

Theo họa sĩ Nguyễn Quốc Toản, ở Việt Nam, sách dạy – học mỹ thuật cho trẻ em được xuất bản và áp dụng đại trà từ năm 2001 gồm các hệ: mầm non, tiểu học, phổ thông cơ sở. Tập hợp lại đã có 12 bộ sách dạy – học mỹ thuật cho trẻ em, theo các giai đoạn của lứa tuổi từ nhỏ đến lớn hay từ trình độ thấp tới trình độ cao. Những vấn đề nêu trên đã được áp dụng cho những trường hệ công lập và cả hệ tư thục. Nhưng vẫn còn rất nhiều cơ sở dạy mỹ thuật cho trẻ em ở các Cung văn hóa của các tỉnh thành trên toàn quốc, các trung tâm đào tạo họa sĩ nhí sẽ có rất nhiều sách dạy vẽ khác nhau nữa. Đa phần họ cũng chia theo nhiều giai đoạn (thường từ 4 đến 12 tuổi). Ở Việt Nam có thể chia làm 2 hệ đào tạo trẻ em vẽ: hệ trong nhà trường và hệ ngoài nhà trường. Cả hai hệ đào tạo này đều có một mục đích chung là hướng dẫn, giảng dạy trẻ em học mỹ thuật. Trong số các lý thuyết đã nêu, có thể chọn mô hình của Daneil Widlocher chia tranh trẻ em vẽ thành 6 giai đoạn phát triển hoặc chia tranh trẻ em vẽ thành 12 giai đoạn dạy – học vẽ khác nhau của trẻ em Việt Nam.

_____________

1, 2, 3, 4, 5, 6. Donna Darling Kally, Uncovering the History of Children’s Drawing and Art. (Khám phá lịch sử vẽ và nghệ thuật của trẻ em), Praeger Publishers, London, 2004, tr.6, 15, 19, 77, 84-89.

7, 9. Nguyên văn tiếng Pháp: L’interpretation des dessins d’enfants, Paris, 1967. Theo Nguyễn Thị Như Mai, Thử áp dụng phương pháp dùng tranh vẽ để tìm hiểu sự phát triển trí tuệ của trẻ em tuổi mẫu giáo, Luận văn thạc sĩ, Hà Nội, 1986.

8. Read, H. Education through art (Giáo dục thông qua nghệ thuật), 3rd ed, Faber & Faber, London,1958, tr.3.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018

Tác giả : NGÔ BÁ CÔNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *