Trong thực tiễn, sự tác động của chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam tuy đã mang lại hiệu quả rất tích cực, làm thay đổi hẳn bộ mặt đời sống cũng như diện mạo mới của cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới Việt – Lào, song cũng không khỏi bộc lộ những khía cạnh hạn chế, bất cập. Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự hạn chế, bất cập ấy là do chưa bám sát tính đặc thù của cộng đồng các dân tộc trên từng tuyến biên giới, những bước phát triển, nhu cầu phát triển mới của cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới khi đất nước bước vào hội nhập.
Hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả, tác động của chính sách dân tộc đến cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới Việt – Lào gồm:
Tiêu chí đánh giá về mặt tác động, tính giá trị của chính sách được thể hiện ở việc làm chuyển biến nhận thức, tạo động lực từ bên trong; giải quyết trực tiếp vấn đề, nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng; tháo gỡ rào cản, đấu tranh với sự chống phá.
Tiêu chí đánh giá về sức lan tỏa, tính ý nghĩa của chính sách được thể hiện ở việc gây dựng, củng cố lòng tin, an dân; phản hồi từ đồng bào nhằm hoàn thiện chính sách; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực tiễn hiệu quả, tác động của chính sách được nhìn nhận ở nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, đời sống văn hóa, vấn đề xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, cũng có sự thiếu đồng bộ trong công tác chính sách, thậm chí do nhận thức chưa thấu đáo về chính sách dẫn đến mỗi nơi một phách. Nhìn chỉnh thể, tác động của chính sách đến từng phương diện, giữa các phương diện cũng không đồng đều, chủ yếu tập trung vào xóa đói giảm nghèo mà chưa có tác động làm chuyển biến căn bản đời sống kinh tế; hoặc mới chỉ tác động đến kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh nhưng chưa làm chuyển biến tốt đến những vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường sinh thái… Theo đó, sức lan tỏa, tính ý nghĩa của chính sách đối với từng phương diện đời sống xã hội nói riêng, đến người dân, cộng đồng các dân tộc nói chung vẫn còn hạn hẹp. Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự hạn chế, bất cập ấy là do chưa bám sát tính đặc thù, những bước phát triển, nhu cầu phát triển mới của cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới, trong đó có tuyến biên giới Việt – Lào khi đất nước bước vào hội nhập.
Việc khảo sát thực tiễn, bước đầu đúc rút một số kinh nghiệm về vận dụng chính sách dân tộc trên tuyến biên giới Việt – Lào cho thấy nổi lên mấy khía cạnh:
Thứ nhất, chính sách của ta đang là chính sách đơn tuyến (giải quyết một loại sự vụ), trong khi cộng đồng các dân tộc xuất hiện các vấn đề đều là vấn đề đa tuyến (giải quyết cơ bản, toàn diện, hệ thống), nên khó tránh khỏi phiến diện.
Thứ hai, chính sách của ta đang là chính sách mang tính nhất thời, phù hợp với từng thời đoạn, trong khi vấn đề cơ bản trong cộng đồng các dân tộc là vấn đề lâu dài, xuyên suốt, phải được xử lý bằng tầm nhìn chiến lược, bằng một hệ chính sách mới tránh được tình trạng bất cập.
Thứ ba, nhiều chính sách quá thì khó tránh khỏi chồng chéo, hơn nữa các chủ thể lại phải gồng lên để tổ chức thực hiện nên khó có thể kiểm soát được quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là không có thời gian kiểm tra được hiệu quả, tác động của chính sách.
Thứ tư, xét dọc theo tuyến biên giới Việt – Lào, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng các dân tộc cũng không đồng đều, trong khi đó hệ thống chính sách lại thống nhất đến mức không cho phép vận dụng, nên gây ra nhiều bất cập.
Thứ năm, chính sách đúng nhưng nguồn lực để bảo đảm thực thi chính sách vẫn còn là vấn đề không dễ giải quyết, cần tính đến phân cấp chính sách, nhất là xã hội hóa chính sách.
Thứ sáu, các chính sách chủ yếu mới mang tính hỗ trợ từ trên xuống, từ bên ngoài vào, việc chuyển mạnh sang chính sách khuyến khích, tạo dựng nội lực từ bên trong cộng đồng vẫn chưa thỏa đáng, đồng bộ.
Thứ bảy, việc tổng kết thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm công tác chính sách hiện nay vẫn chủ yếu tập trung đánh giá kết quả thực hiện, cần tăng cường đánh giá hiệu quả, tác động của chính sách.
Việc khảo sát thực tiễn, nhận diện những vấn đề cơ bản trong cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới Việt – Lào hiện nay cho phép bước đầu khắc họa một số vấn đề sau:
Thể chế, thiết chế kinh tế cơ bản đã được định hình theo thể chế kinh tế chung của đất nước; tuy nhiên do trình độ rất thấp trong xuất phát điểm về kinh tế của tuyến biên giới Việt – Lào nên ở tuyến này vẫn đang phải dựa hẳn vào chính sách. Công tác xóa đói về cơ bản đã được thực hiện, song giảm nghèo vẫn là bài toán gay gắt. Cơ cấu, tổ chức hoạt động kinh tế gần như thiếu nền tảng: đất mênh mông nhưng thiếu đất sản xuất; thiếu lực lượng lao động nhưng người lao động vẫn phải xa quê làm thuê. Lợi ích kinh tế trông cậy vào trồng rừng, song không tìm được động lực kinh tế, dẫn đến đời sống thiếu thốn, rất khó để tự kiếm tìm nhu cầu, cơ hội phát triển kinh tế. Trên thực tế, chất kết dính cộng đồng ở tuyến biên giới Việt – Lào hiện nay không phải là yếu tố kinh tế. Điều tra xã hội học cho thấy nghịch lý là dường như theo chiều từ Bắc vào Nam, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào giảm xuống, nhưng lòng tin, tinh thần cố kết dân tộc lại tăng lên. Ngoài bức xúc về nền gốc kinh tế, lao động, việc làm, những bức xúc về kết cấu hạ tầng kinh tế của đời sống cộng đồng đang nổi lên.
Thể chế, thiết chế chính trị của cộng đồng các dân tộc hiện nay nằm trong thể chế, hệ thống chính trị chung của cả nước. Khác với nhiều cộng đồng các dân tộc tại chỗ của Tây Nguyên hiện nay vẫn chưa quen với hệ thống chính trị đa cấp, đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới Việt – Lào cơ bản đã hòa nhập hẳn với hệ thống chính trị của cả nước. Tuy nhiên, về cơ cấu, tổ chức hoạt động chính trị của cộng đồng cũng không phải hoàn thiện, hoàn chỉnh, ở nhiều nơi đặt ra các tổ chức nhưng hoạt động rất hạn chế, thậm chí chỉ mang tính hình thức. Một số nơi vẫn xảy ra bức xúc, phân liệt trong bố trí cán bộ địa phương. Việc nhận thức lợi ích chính trị không thấu đáo cả về vĩ mô, vi mô nên khó có thể phát huy động lực chính trị trong cố kết, phát triển cộng đồng. Đời sống chính trị chủ yếu gắn với các sinh hoạt chính trị lớn, ngày kỷ niệm, ngày lễ chứ chưa thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên. Trong cộng đồng dân tộc Mông, hiện tượng gắn nhu cầu phát triển cộng đồng với chính trị cực đoan đang là bức xúc không thể coi nhẹ.
Việc phát triển, phát huy nhân tố văn hóa có những nét khởi sắc, thậm chí có những yếu tố khá ổn định, song cũng còn nhiều vấn đề bất cập, bức xúc. Trong thể chế, hệ thống thiết chế văn hóa chung, vấn đề giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc của văn hóa đang là đại vấn đề của nước ta khi tiến hành hội nhập. Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc của văn hóa cũng là giữ gìn, phát huy nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Thực tiễn cho thấy: đời sống, nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới Việt – Lào được quan tâm, có nhiều nét khởi sắc; cơ cấu, tổ chức hoạt động văn hóa có nhiều mặt được định hình, khá phong phú; ý thức tự hào truyền thống, tự tôn văn hóa của đồng bào gắn với lợi ích văn hóa mà họ được hưởng; văn hóa được coi trọng, phát huy trong cố kết, phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, văn hóa trong đời sống cộng đồng các dân tộc cũng bộc lộ những khía cạnh lạc hậu, yếu kém, bức xúc. Nổi bật nhất là mâu thuẫn giữa mặt bằng dân trí thấp với những phương tiện công nghệ hiện đại phát triển tràn ngập; những hủ tục lạc hậu ẩn nấp sau khẩu hiệu giữ gìn bản sắc dân tộc; xu thế thả nổi văn hóa, lãng quên truyền thống… Đó là nguy cơ dẫn đến suy kiệt văn hóa, đánh mất bản sắc cộng đồng.
Bên cạnh nét khởi sắc, đời sống, nhu cầu phát triển xã hội, cộng đồng, còn nhiều bất cập, thậm chí bức xúc, trên một số khía cạnh: hủ tục xã hội, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn tộc người, phức tạp tôn giáo… Nhiều hủ tục lạc hậu, phản tích cực trong hôn nhân, chữa bệnh, sinh đẻ, mai táng… lại được phục hồi do trì trệ về đời sống kinh tế, yếu kém trong công tác văn hóa, giáo dục, tuyên truyền. Các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, ma túy có dấu hiệu lan tràn nặng hơn. Các tệ nạn mới như mại dâm, buôn lậu xuyên biên giới, tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy… xuất hiện, lan rộng, mà nguyên nhân chủ yếu là do quản lý xã hội lỏng lẻo, pháp luật không được coi trọng. Việc phát huy nhân tố xã hội trong cố kết, phát triển cộng đồng, bên cạnh ưu điểm về phát huy vai trò người có uy tín vẫn bộc lộ bất cập về phát huy sức thuyết phục của đội ngũ cán bộ chuyên trách cũng như bản thân tổ chức cộng đồng.
Sự gắn kết cộng đồng với môi trường sinh thái được duy trì tốt, gắn với cơ cấu, tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, định hình xây dựng môi trường sinh thái; lợi ích, động lực, nhu cầu phát triển môi trường sinh thái từ người dân ngày càng được nhận thức, phát huy rõ ràng hơn. Tuy nhiên, ở phương diện này vẫn còn nhiều khía cạnh bất cập. Đồng bào một số dân tộc (Mông, Chứt…) vẫn gắn với tập tục dựa vào nguồn sống tự nhiên của rừng nên vẫn còn nguy cơ phá vỡ sự phát triển ổn định của môi trường sinh thái.
Việc khảo sát thực tiễn những vấn đề cơ bản trong cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới Việt – Lào đã tạo cơ sở nhận diện một số vấn đề cấp thiết hiện nay, trong đó có những vấn đề như: nghèo và tái nghèo, di cư sang Lào gây bất ổn cho bạn, buôn lậu và buôn ma túy qua biên giới, tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền, mại dâm và HIV, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, ly khai, tôn giáo mới bất thiện, mạng xã hội bất thiện… Đây là những vấn đề cơ bản, cấp thiết hiện nay, rất cần được quan tâm, nghiên cứu, giải quyết.
Tác giả: Đỗ Đình Trung – Văn Đức Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng