Một số vấn đề về giáo dục trong cộng đồng các bộ tộc Lào trên tuyến biên giới Lào – Việt Nam


Thời gian qua, Đảng và Nhà nước CHDCND Lào luôn nhận thức được ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược tại vùng biên giới, đã đề ra chủ trương, chính sách và các văn bản pháp lý nhằm bảo đảm việc phát huy quyền cơ bản của các bộ tộc Lào, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của quốc gia, từng bước đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Với nhận thức sâu sắc rằng, giáo dục là chìa khóa để đạt được những quyền cơ bản của công dân, Chính phủ Lào đặc biệt quan tâm và coi trọng công tác giáo dục. Xây dựng mục tiêu quốc gia về giáo dục vì mọi người và tổ chức thực hiện các chương trình vì những người không có cơ hội đến trường, bao gồm cả những bộ tộc sống tại vùng biên giới Lào – Việt Nam, là việc làm được ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở Lào hiện nay.

1. Những thành công tiêu biểu và một số vấn đề còn tồn tại trong công tác giáo dục

Chính phủ Lào đã quan tâm và xác định tầm quan trọng của việc phát triển giáo dục, kể cả việc giáo dục cho các bộ tộc vùng biên giới Lào – Việt Nam. Chính phủ đã lấy việc giáo dục là trung tâm của công tác phát triển tài nguyên con người. Ngân sách hằng năm cho ngành Giáo dục chiếm tỷ lệ 11 – 15% khoản chi hành chính của Chính phủ, bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, củng cố hệ thống dạy và học, từ việc giáo dục cho trẻ trước tuổi đi học đến việc giáo dục ở cấp cao hơn. Đồng thời, Chính phủ còn đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục, khuyến khích trẻ đi học từ 6 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học. Đề xuất và thực hiện các chương trình, đề án phát triển giáo dục như: giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em người dân tộc thiểu số, chương trình học chung giữa trẻ khuyết tật với trẻ bình thường, chương trình giáo dục cơ bản vì trẻ em nữ, trường nội trú cơ sở học sinh dân tộc, xây dựng ký túc xá học sinh, cải thiện bữa ăn trưa của học sinh, nâng cao chất lượng trường học, phát triển giáo dục bao gồm cả giáo dục các bộ tộc vùng biên giới… Tất cả đều có những tiến bộ đáng kể, tỷ lệ vào trường cấp một, cấp hai, cấp ba và các trường chuyên môn (sơ cấp, cao cấp), đại học đã tăng lên hằng năm.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát triển mạng lưới giáo dục ở nông thôn và vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều bất cập, việc đặt mục tiêu giáo dục vì mọi người cũng như mục tiêu thiên niên kỷ và việc phát triển giáo dục còn nhiều thách thức. Trước hết, tỷ lệ học sinh bỏ học sau cấp một còn cao, sự bình đẳng giới ở thành phố, nông thôn, vùng sâu vùng xa và khả năng tiếp cận giáo dục vẫn còn khoảng cách lớn. Việc khuyến khích học nghề, học chuyên môn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, số học sinh theo học nghề các cấp chỉ chiếm 7% tổng số học sinh cả nước.

Ngoài ra, tình hình giáo dục tại vùng biên giới còn tồn tại một số vấn đề cần quan tâm như: tỷ lệ học sinh đến trường, việc lưu ban, bỏ học và tỷ lệ thi trượt tốt nghiệp các cấp. Nếu so sánh sự cách biệt giữa giáo dục trong thành phố với giáo dục tại vùng biên giới, sẽ thấy rất rõ, càng ở cấp học cao thì số lượng học sinh vùng biên giới càng ít đi.

Việc khảo sát tỷ lệ người biết chữ trong toàn quốc đã cho thấy, sự cách biệt giữa nam nữ và giữa các bộ tộc. Ở độ tuổi từ 15 – 59, tỷ lệ nam biết chữ là 45%, nữ là 30%. Về sự cách biệt trong ngôn ngữ, đối với ngôn ngữ Lào – Tày: nam 56%, nữ 48%; Môn – Khmer: nam 36%, nữ 23%; Mông – Dao: nam 39%, nữ 12%; Trung Hoa – Tây Tạng: nam 26%, nữ 16%.

Thời gian qua, việc phát triển giáo dục ở vùng biên giới còn chậm và tồn tại nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết cả về trước mắt và lâu dài. Các vấn đề này nảy sinh từ nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, chất lượng công tác giáo dục còn thấp, giáo viên còn ít kinh nghiệm; thiếu sự khuyến khích, động viên giáo viên; cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa phù hợp với yêu cầu học và dạy. Sự đầu tư của Nhà nước cho giáo dục nói chung, cho giáo dục vùng biên giới nói riêng chưa thực sự thỏa đáng.

Thứ hai, bản làng của nhân dân các bộ tộc vùng sâu vùng xa, vùng hẻo lánh rải rác, xa nhau gây khó khăn cho việc phát triển mạng lưới giáo dục. Việc tiếp nhận công tác giáo dục của nhân dân gặp nhiều trở ngại.

Thứ ba, nhân dân vùng biên giới còn thiếu thốn về vật chất, nhiều gia đình không đáp ứng được chi phí học hành cho con, không đưa con đến trường lớp; phụ huynh chưa thấy được tầm quan trọng của công tác giáo dục.

Thứ tư, một số thói quen, phong tục tập quán, quan điểm, định kiến đối với bộ tộc, phụ nữ và những người ít cơ hội… đã kéo lùi công tác giáo dục.

Thứ năm, việc truyền đạt kiến thức bằng tiếng phổ thông gây khó khăn cho học sinh các bộ tộc vùng biên giới. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tỉ lệ học sinh lưu ban, học lại rất cao.

Thứ sáu, một số văn bản pháp lý chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh người dân tộc thiếu số và những người khó khăn về kinh tế.

Thứ bảy, chưa có những hình thức, biện pháp và phương pháp phát triển giáo dục trong vùng biên giới, vùng xa xôi hẻo lánh một cách phù hợp. Những hình thức và phương pháp đang tiến hành hiện nay chủ yếu là đang thí điểm mà kết quả chưa thể cho kết luận chính đáng được.

2. Một số biện pháp nhằm giải quyết công tác giáo dục trong thời gian sắp tới

Công tác giáo dục trên vùng biên giới rất khó khăn, phức tạp, vì vậy cần phải có biện pháp giải quyết bằng nhiều hình thức phù hợp. Cần lưu ý một số vấn đề sau:

Nắm vững chiến lược giáo dục đã đề ra, nhất là chủ trương phát triển giáo dục vùng xa xôi hẻo lánh, đưa vào kế hoạch cụ thể phù hợp với đặc điểm của vùng biên giới, đồng thời phải khuyến khích, vận động các bộ tộc sống tại vùng biên giới nhận thức được và hiểu rõ giá trị, quyền lợi của công tác giáo dục đối với cuộc sống; khuyến khích sự tự giác của từng gia đình trong việc đưa con đi học, cùng thực hiện xóa nạn mù chữ; có chính sách về việc giảm hoặc miễn học phí trong trường cấp một và cấp hai.

Đưa mục tiêu giáo dục phù hợp với đặc điểm khu vực và trình độ của cán bộ, giáo viên, nhân dân tại vùng biên giới cũng như khả năng thực thi về mặt ngân sách. Bước đầu cần làm tốt công tác giáo dục cấp một bắt buộc, kết hợp đào tạo nghề song song.

Thành lập trường đi đôi với trang bị toàn diện, đầy đủ trang thiết bị dạy và học. Xây dựng, củng cố khu nội trú và ký túc xá cho học sinh ở xa trường.

Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên là người địa phương, làm lực lượng cốt cán trong công tác giảng dạy. Ban đầu, do thiếu giáo viên nên có thể bố trí giáo viên từ nơi khác đến giảng dạy, cần chú ý thực hiện chính sách đãi ngộ, ưu tiên một cách thỏa đáng cho họ.

Phát triển nội dung chương trình dạy học phù hợp và đáp ứng được nhu cầu học của học sinh, quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa địa phương.

Củng cố phương pháp học và dạy bằng tiếng Lào (tiếng phổ thông) cho học sinh, dùng ngôn ngữ và văn hóa của bộ tộc để hỗ trợ giảng dạy nội dung bài học. Bồi dưỡng ngôn ngữ bộ tộc cho giáo viên vùng biên giới để đáp ứng được yêu cầu dạy và học.

Khuyến khích phụ huynh, chính quyền địa phương, người đứng đầu bộ tộc tham gia, đóng góp ý kiến, giúp đỡ nhà trường và giáo viên thiết kế và thực hiện nội dung chương trình dạy và học sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cộng đồng, ban công tác phát triển giáo dục ở cấp bản, tổ chức chính quyền trong việc cho trẻ em đến trường, cùng tạo điều kiện giúp đỡ học sinh học tốt nghiệp chương trình cơ bản, để có thể đi học nghề và tiếp tục học ở trình độ cao hơn.

Sắp xếp lịch học và thời khóa biểu sao cho phù hợp với đặc điểm chu kỳ sản xuất của địa phương để có thể tăng thêm tỷ lệ đến trường của học sinh.

Phát triển giáo dục vùng biên giới kết hợp với việc nghiên cứu, đề xuất để tư vấn, tham mưu cho cấp trên.

Sử dụng quỹ giáo dục và mọi sự giúp đỡ cần thiết từ các cá nhân, tổ chức cho cộng đồng các dân tộc tại vùng biên giới để giảm bớt khó khăn vật chất, tăng thêm tỉ lệ đến trường, giảm sự cách biệt trong kết quả giáo dục.

Tăng cường đầu tư và nghiên cứu đối với công tác giáo dục vùng biên giới, làm cơ sở cho việc đề ra đường lối, chính sách phát triển giáo dục trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, nhân dân các bộ tộc sinh sống tại vùng biên giới vẫn là nhân tố quan trọng nhất, họ cần phải chủ động trong việc tham gia thực hiện công tác giáo dục tại địa phương một cách tích cực. Chỉ có như vậy, công tác giáo dục tại vùng biên giới mới có sự phát triển bền vững, đời sống nhân dân sẽ được cải thiện, sớm trở thành vùng kinh tế phát triển, đảm bảo an ninh vững chắc cho cả nước (1).

______________

1. Bài viết này là sản phẩm thuộc đề tài cấp quốc gia Một số vấn đề cơ bản trong cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới Việt Lào, mã số CTDT.16.17/16-20.

Tác giả: Đỗ Đình Trung – Sổ Sòn Phít Pha Nu Vông

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *