Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính dưới góc nhìn văn hóa

Trong lịch sử thơ ca dân tộc, đề tài mùa xuân chiếm một vị trí quan trọng, đóng góp không ít thi phẩm cho văn học nước nhà. Riêng với Nguyễn Bính, với tài năng thiên phú và cách tiếp cận độc đáo, từ góc nhìn văn hóa, nhà thơ chân quê đầu TK XX này, đã có những đóng góp rất riêng. Mùa xuân trong thơ ông vừa có cái ý vị sâu lắng cổ điển, lại vừa có cái xôn xao mới mẻ hiện đại. Đây là một thế giới khác lạ vừa làm người ta ngỡ ngàng, say mê, lại vừa tò mò muốn khám phá.

Bởi không chỉ khác với thơ xuân của các nhà Nho cổ điển, mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính cũng rất khác mùa xuân đắm say của tình yêu và tuổi trẻ, mùa xuân của những khát vọng sống trong thơ của nhà thơ mới nhất trong phong trào Thơ Mới Xuân Diệu (Vội vàng, Xuân không mùa, Đa tình). Nói đến mùa xuân là phải nói đến Tết vì Tết là biểu tượng của mùa xuân, biểu tượng của sự sum họp, của niềm vui, niềm hạnh phúc. Trong lịch sử thơ ca nước nhà, phiên chợ Tết trong Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ là bức tranh sống động, tươi mới về cảnh làng quê đầy ắp hương vị Tết, hình ảnh Tết tràn ngập niềm hân hoan đón Tết: “Thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lặng lẽ, em bé nép đầu bên yếm mẹ/ Hai người thôn gánh lợn chạy đi đâu/ Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ/ Thầy khóa gò lưng bên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân… Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà/ Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượu/ Áo cụ lý bị người chen lấn kéo…” (Chợ Tết).

Khảo sát thơ Nguyễn Bính, chúng ta dễ dàng nhận thấy, ông viết rất nhiều và rất hay về mùa xuân: Xuân về, Gái xuân, Mưa xuân, Thơ xuân, Xuân, Mùa xuân xanh, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Xuân về nhớ cố hương, Tết, Tết của mẹ tôi, Tết biên thùy… Nhưng khác với mọi nhà thơ, thơ xuân Nguyễn Bính không đơn thanh mà đa thanh, đa giọng, đa sắc thái, đa hình ảnh. Xưa nay như một sự mặc định, thơ xuân, thơ Tết là phải mang âm hưởng vui tươi thì trong thơ Nguyễn Bính, đề tài này luôn song hành hai mạch cảm xúc buồn – vui mà cái sự vui buồn của ông cũng rất khác trước. Căn cốt của vấn đề là bởi đối tượng đã được ông tiếp cận chủ yếu từ góc nhìn văn hóa, qua con mắt của kẻ tha hương, mùa xuân luôn gắn với những hoài niệm nhớ thương, còn Tết được nhìn qua cái nhìn thân phận khổ đau xa cách nên thơ về mùa xuân và Tết của Nguyễn Bính không chỉ mang âm hưởng tươi vui, không chỉ là bức tranh tươi sáng mà xuất hiện rất nhiều nỗi buồn ly biệt.

Có lẽ do khủng hoảng trước sự đổi thay chóng mặt của của xã hội, mang trong trái tim một bi kịch lớn, người thơ đã trở lại với cái tôi cô đơn mộng mị – một căn bệnh trầm kha của thời đại (Mal du ciecle) và tìm lối thoát bằng cách dấn thân vào chốn giang hồ: khi lên Hà Nội, khi vào Huế, lúc đến tận Hà Tiên xa lắc… Nghệ thuật giãn cách giúp Nguyễn Bính tìm lại được quê hương trong mộng tưởng. Từ sâu thẳm của cõi tâm thức, qua nỗi da diết, khắc khoải của người xa xứ, mùa xuân và Tết quê nhà hiện về dưới góc nhìn văn hóa với mưa xuân phới phới bay, với hội chèo làng Đặng hát thâu đêm, với những cuộc hẹn hò trong chín nhớ mười thương:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…

Hội chèo làng Đặng hát thâu đêm

Em mải tìm anh chả thiết xem.

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính là mùa hoa. Có biết bao loài hoa đồng nội xuất hiện trong thơ ông: “Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở”, “Ra vườn nhặt những hoa cam rụng”, “Xuân đến hoa mơ hoa mận nở”, “Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, “Hoa mai trắng xóa dưới chân đồi”…

Những chú bướm xinh đẹp duyên dáng như những vị sứ giả mang những lá bùa nhiệm mầu của tình yêu thả vào những trái tim tương tư, làm cho người ta thêm nhung nhớ, giận hờn, say đắm:

Qua dậu tầm xuân thấy bướm nhiều

Bướm vàng vàng quá bướm yêu yêu

 (Hết bướm vàng)

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng

Thấy con bướm trắng thường sang bên này

 (Người hàng xóm)

Em ạ ngày xưa vua nước bướm

Kén nhân tài mở điệp lang khoa

Vua không kén trạng vua thề thế

Con bướm vàng tuyền đậu thám hoa

 (Truyện cổ tích)

Trong bức tranh văn hóa mà Nguyễn Bính vất vả kiếm tìm, người ta không thấy thời gian ba chiều thông thường mà bắt gặp rất nhiều không – thời gian văn hóa: là hội hè đình đám, là ngày Tết với pháo đỏ, rượu nồng, là những giấc mộng vàng triền miên không dứt, rất nhiều những ứng xử văn hóa… và rất nhiều thuần phong mỹ tục.

Khi xuân về, tiết trời ấm áp, mưa bụi giăng giăng, cây cối căng tràn nhựa sống, nẩy đầy chồi non lộc biếc. Cảnh vật trút bỏ cái lốt u ám cũ kỹ, bừng thức trong trạng thái hồi sinh:

Đã thấy xuân về với gió Đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên nhà hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong

 (Xuân về)

Bức tranh mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính thường có gam màu chủ đạo là màu xanh mát mắt của đất trời: “Mùa xuân là cả một mùa xanh”. Đó là màu xanh non tơ của sự sống tự thân bất diệt, được chắt chiu, nuôi dưỡng từ lòng đất mẹ.

Dấu hiệu của mùa xuân là sự sống phới phới như đang phập phồng làm nên bức tranh làng quê mùa xuân không tĩnh mà rất động, màu sắc thật tươi vui:

Lúa thì con gái mượt như nhung

Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng

 (Xuân về)

Vào những ngày đầu năm mới, trong hương đất trời, con người dường như hoàn toàn trở về với tính bản thiện của mình. Trẻ em được mặc quần áo mới, được nghỉ học vui chơi; các cụ ông nhàn nhã uống rượu đề thơ, các cụ bà thư thái, từ tâm đi lễ Phật:

Có những ông già tóc bạc phơ

Rượu đào đôi chén bút đề thơ

Những bà tóc bạc hiền như Phật

Sắm sửa hành trang chẩy hội chùa

                                (Thơ xuân)

Ở vùng quê Nguyễn Bính còn có những phiên chợ xuân rất độc đáo: mỗi năm chỉ họp một lần như chợ Đồng (vào 24 tháng Chạp) ở làng Và của Nguyễn Khuyến, hay chợ Viềng ở Nam Định (vào 8 tháng Giêng)… Chợ ấy không có mục đích kinh tế mà chỉ có giá trị nhân văn. Chợ Đồng, hàng hóa bán rẻ như cho không để người nghèo có Tết. Còn người đến chợ Viềng không nhằm buôn bán thông thường mà chỉ là bán rủi mua may.

Tết ở làng quê Việt gắn với biết bao mỹ tục và thiêng liêng nhất là tục gia đình quây quần đầm ấm sum họp. Cùng hàng loạt phong tục đẹp đẽ: tục gói bánh chưng, bánh tét, giết lợn, giết gà đồ xôi, làm cỗ dâng lên ông bà tiên Tổ; tục dán câu đối đỏ, đốt pháo hồng trừ ma quỷ, đón giao thừa với những lời chúc tốt lành; tục mở hàng năm sớm, tục không nói lời bất nhã, mừng tuổi đầu năm, tổ chức mừng thọ người cao tuổi và nhất là tục khai bút đầu xuân. Các mỹ tục ấy đã làm cho tình làng xóm thêm gắn bó, gia đình thêm hạnh phúc, đầm ấm.

Bên cạnh những bài thơ mang âm hưởng vui tươi, những câu thơ tài hoa diễn tả tinh tế trạng thái hạnh phúc của con người mỗi độ xuân về:

Xuân đến hoa mơ hoa mận nở

Gái xuân rũ lụa trên sông vân

 (Gái xuân)

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng tay lại giữa thoi xinh

Hình như hai má em ửng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh

 (Mùa xuân)

Nguyễn Bính có cả một chùm những bài thơ thơ xuân buồn sầu làm cho thơ xuân ông mang phong vị khác lạ. Đó là nỗi buồn khi thiếu vắng người yêu, hay bị người tình phụ bạc phải sống trong khoải chờ mong chờ thảng thốt:

Xuân này đến nữa đã ba xuân

Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần

Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi

Cô đành lỗi ước với tình quân

 (Cô lái đò)

Hay tâm trạng thất vọng, hẫng hụt, đau khổ của cô gái trong bài Mưa xuân:

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày

Bao giờ em mới gặp anh đây

Bao giờ chèo Đặng đi qua ngõ

Để mẹ em rằng hát tối nay?

Vì thế, trong thơ Nguyễn Bính mùa xuân nhiều khi mang màu ảm đạm:

Tất cả mùa xuân rộn rã đi

Xa xôi người có nhớ thương gì

Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả

Ta biết xuân nhau có một thì

                                (Cuối tháng ba)

Em đi mất tích một mùa xuân

Đi để chôn vùi hận ái ân

                    (Khăn hồng)

Kinh kỳ bụi quá xuân không đến

Sao chẳng về đây, chẳng về đây

 (Sao chẳng về đây)

Là tâm điểm của mùa xuân, theo tâm lý của người Việt nói đến Tết là nói đến niềm vui sum họp nhưng với thi nhân, Tết lại là một nỗi ám ảnh đáng sợ. Những cái Tết hạnh phúc chỉ còn trong ký ức: “Em chưa lấy chồng/ Má hồng còn thắm/ Tết Tết xuân xuân/ Đời vui vẻ lắm” (Xuân).

Còn hầu hết, xuất hiện trong thực tại chỉ là những cái Tết tha hương, một mình ông lủi thủi cô đơn nơi đất khách quê người.

Bốn bề vẫn chưa yên sóng gió

Xuân này em chị vẫn tha hương

Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ

Son sắt say hoài rượu viễn phương

                    (Xuân vẫn tha hương)

Vì hiểu rất rõ ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền nhưng sự thật vô cùng phũ phàng, với người, thơ Tết chỉ là khắc khoải trong nỗi niềm phân ly xa cách nên cái Tết bỗng trở nên thật vô duyên, vô vọng:

Quán trọ xuân này hoa lại nở

Lại ngồi xem Tết Tết người ta

 (Quán trọ)

Năm ngoái Tết rồi

Năm nay lại Tết

Anh đi biền biệt

Hai Tết rồi đây

Buồng hương lẳng lặng

Then chẳng thiết cài

Còn đợi chờ ai

Biết bao Tết nữa?

                    (Tết)

Tết trong thơ ông dường như chỉ là những cái Tết xa nhà vô vị và mang nặng nỗi sầu muộn của kẻ cô độc, tủi hờn vì bóng lẻ:

Chiều ba mươi Tết hết năm rồi

Nhà tôi riêng một mình tôi vắng nhà

Tôi còn lận đận phương xa

Để ăn cái Tết thật là vô duyên

                               (Xuân về nhớ cố hương)

Đỉnh điểm của nó là bài Xuân tha hương. Cái điệp khúc: “Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng” được lặp đi lặp lại hàng chục lần tạo nên cảm giác chia lìa, bơ vơ lạc lõng trong một ngày lễ trọng, dễ khiến ta rơi nước mắt và chẳng mấy ai có thể cầm lòng:

Chị ơi Tết đến em không được

Trông thấy quê hương thật não nùng

Tết này ồ thế mà vui chán

Những một mình em uống rượu nồng

Chị ơi Tết đến em mua rượu

Em uống cho say đến não nùng

Uống say cười òa ba gian gác

Ném cái chung tình xuống đáy sông

Suốt 20 năm lưu lạc giang hồ, Nguyễn Bính đã nhận ra rất rõ cái cảm giác cô đơn, chát đắng tủi hờn của những kẻ xa xứ mình trú xứ người, càng buồn, trống vắng và cô đơn, khắc khoải hơn là xa nhà vào ngày Tết. Hình như văn chương vận vào người rồi trở thành định mệnh đã làm nên bi kịch của đời: trút hơi thở cuối cùng nơi xa xứ, trong ngày Tết!

Ôm trong trái tim bi kịch những nỗi niềm riêng đắng đót và nỗi sầu nhân thế khôn nguôi của thời đại, Nguyễn Bính đã tiếp tục mạch thơ xuân của dân tộc với một cá tính sáng tạo và chỉ riêng ông có dưới góc nhìn riêng – góc nhìn văn hóa phong tục. Thơ xuân của nghệ sĩ chân quê tài hoa ấy vừa giống vừa có một cái gì rất khác với các thi sĩ trước ông và cùng thời. Cũng chính bởi điều đó, những thi phẩm đặc sắc của thi nhân đã góp phần làm phong phú thêm đề tài mùa xuân, đồng thời đã đánh dấu một bước phát triển mới về đề tài này trong lịch sử thơ ca dân tộc.

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Thu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *