Thực tiễn ngành và công tác đào tạo
Lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp (còn gọi là mỹ thuật ứng dụng, hay design) được đào tạo ở nước ta từ những thập niên 60-70 TK XX. Ban đầu, chỉ có hai chuyên ngành chủ yếu là thiết kế đồ họa và tạo dáng công nghiệp. Suốt thời kỳ trong nước chưa phổ biến máy vi tính ấy, việc dạy và học đều thông qua việc vẽ bằng tay. Rất nhiều thiết kế đồ họa, áp phích, tem, nhãn, bìa sách… đều được thể hiện bằng tay với dụng cụ hỗ trợ dựng hình (compa, êke, thước lỗ…) và đạt tới chất lượng khá nuột nà. Nhiều họa sĩ đồ họa và thiết kế thế hệ trước đã lĩnh hội được kỹ năng pha màu mịn màng, khả năng bổ chữ, bắt góc, thể hiện rất chỉn chu những mẫu thiết kế đẹp cả về ý tưởng nội dung lẫn giá trị thẩm mỹ. Các sản phẩm thiết kế hoàn chỉnh ngày ấy tiếp tục được nhân bản hàng loạt bằng phương pháp in đá, in lưới, in lụa thủ công.
Bước vào kỷ nguyên số, khoa học công nghệ và thiết bị vi tính hiện đại đã bao trùm mọi lĩnh vực đời sống. Nhiều phần mềm thiết kế đồ họa, xử lý hình ảnh được ứng dụng rộng rãi cùng với những thiết bị in ấn hiflex cho ra hình ảnh màu sắc rực rỡ, tiện lợi. Việc sao chụp, phóng to, thu nhỏ mọi hình ảnh phức tạp cũng được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng bằng máy; máy móc giúp con người chọn lựa các font và kích cỡ chữ, dùng máy laze để in chữ, hay cắt dán chữ bằng chất liệu decal… Nghề kẻ khẩu hiệu thủ công, làm hình nộm, vẽ panô quảng cáo phim bằng cọ, màu và vẽ tay tại các rạp chiếu bóng dần biến mất.
Công nghệ mới không chỉ tác động vào đời sống mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực đào tạo mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng. Trong thực tế hiện nay, đã có không ít sinh viên mỹ thuật bỏ giờ vẽ hình họa nghiên cứu mà chụp ảnh mẫu để về nhà vẽ sau. Đã có khá nhiều sinh viên không kiên nhẫn ngồi vẽ ký họa tại thực địa, mà chụp ảnh rồi về nhà diễn họa lại. Nhiều sinh viên dùng công cụ phần mềm photoshop chuyển ảnh chụp sang chế độ nét, mảng… rồi dùng tay đồ lại. Về vấn đề này, có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Phía ủng hộ, cho rằng sáng tác hiện đại chấp nhận cho chủ thể sáng tạo có quyền dùng bất cứ chất liệu, phương tiện máy móc gì và làm như thế nào cũng được, miễn làphục vụ đắc lực nhất cho hiệu quả thị giác. Như thế, tính năng sao chép tinh vi bằng máy chụp ảnh, scan có thể giúp rút ngắn quá trình quan sát, phác và dựng hình. Người thể hiện chỉ cần gia công chỉnh lý, thêm bớt bằng tay nhằm chứng tỏ cho nó có hơi hướng được tạo bởi con người ở khâu cuối cùng để hoàn tất sản phẩm. Phía phản đối cho rằng đó là sự lười biếng và gian dối trong quy trình sáng tác; sự nhập nhằng giữa kỹ năng vẽ tay và ỷ lại, phụ thuộc hẳn vào sự vẽ giúp thông qua sự sao chép tinh vi không biết chọn lọc của máy ảnh. Cần phải nói thêm rằng, các trường mỹ thuật hiện nay không cho phép cho sinh viên được sử dụng sự hỗ trợ của máy móc khi làm bài hình họa và ký họa.
Trong việc đào tạo kiến thức mỹ thuật cơ sở (hình họa, trang trí, bố cục) cho sinh viên mỹ thuật ứng dụng hiện nay, cũng tồn tại nhiều quan niệm chưa thống nhất. Một họa sĩ làm giảng viên mỹ thuật lâu năm cho rằng: “Kiến thức ban đầu khi vào đại học của nhiều sinh viên rất khác nhau. Trong 10 em, chỉ khoảng 2 em được ôn luyện vẽ trước khi vào trường. Vài em vẽ tương đối khá, còn nhiều em chưa biết vót bút chì, chưa từng vẽ bao giờ. Khi phác thảo ý tưởng, mọi họa sĩ, dù là nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng (designer), cũng phải có kỹ năng vẽ bằng tay thuần thục để cho kịp những suy nghĩ, ý tưởng nảy ra trong đầu. Máy tính chẳng qua chỉ là phương tiện, công cụ giúp hoàn thiện ý tưởng ấy. Nếu như sinh viên học mỹ thuật ứng dụng mà vẽ hình họa đạt như sinh viên mỹ thuật thì càng tốt chứ sao? Không nên hướng dẫn sinh viên bắt chước cái của người khác, vẽ hình họa theo kiểu Manga, Chibi, mà cần phải dạy các em vẽ đúng, có phân tích và tưởng tượng, khi vững cơ bản rồi thì bóp hình kiểu gì cũng thấy hợp lý” (1).
Song, có những ý kiến lại không đồng tình khi cho rằng, các nhà thiết kế đồ họa, thời trang, nội ngoại thất, tạo dáng công nghiệp không cần và không phải là họa sĩ. Họ chỉ cần biết thành thạo sử dụng các phần mềm thiết kế trong máy tính là được. Theo hướng quan niệm này, một bài vẽ hình họa không cần thiết phải đi chuyên sâu về đặc điểm hình thể, khối, chất và biểu cảm nhân vật qua kỹ năng quan sát, phân tích hình khối, hệ thống đường nét, sáng tối, hòa sắc, bố cục… từ mẫu vẽ của không gian ba chiều thể hiện trên khổ giấy hai chiều; không cần lan man phân tích thế nào là đẹp, hình khối, hệ thống sáng, tối lớn, đường và hướng, trục của vật mẫu, bố cục mà lại cần biết thành thạo diễn họa chuyên ngành với khả năng bóp hình, biến thể một cách sáng tạo trong cái form đã được thiết kế mặc định sẵn; biết lắp ghép mẫu mã đồ vật như bàn, ghế, giường, tủ (thiết kế nội thất) quần, áo, váy…(thiết kế thời trang), xe cộ (tạo dáng), bao bì, tem, nhãn (đồ họa, quảng cáo)… sao cho phù hợp với kích thước, tỷ lệ và công năng sử dụng phục vụ con người.
Với khoảng 20 đơn vị đào tạo trên cả nước, nguồn nhân lực design ở Việt Nam trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành design Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài một số nhà thiết kế có năng lực, trở thành con chim đầu đàn, gắn kết, tập hợp xung quanh mình nhóm các bạn cùng có năng lực, trình độ nổi trội để lập thành ê kíp cùng làm cùng hưởng, thích nghi tốt với mọi yêu cầu thị trường, không ít sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Số khác theo nghề không bền lâu, chủ động bỏ nghề. Trong các kỳ tuyển sinh gần đây, thí sinh muốn theo học ngành design giảm rõ rệt, cho thấy rõ dấu hiệu bão hòa. Đã có sự khủng hoảng giữa số lượng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng.
Do đó, hơn bao giờ hết, cần nhận thức lại quan niệm về mục tiêu đào tạo, chất lượng đầu ra và nhu cầu xã hội tiếp nhận, sử dụng nguồn nhân lực design đã được đào tạo. Cần xác định rõ chủ trương đào tạo thày hay thợ? Cần đào tạo ra những họa sĩ, những nhà thiết kế sáng tạo có năng lực dẫn dắt, tham vấn, thậm chí sản phẩm bằng nghệ thuật design có thể xây dựng tích cực thương hiệu làm nên thành công cho doanh nghiệp hay đào tạo ra những người thợ chuyên cần làm thuê, thụ động, tuân thủ tuyệt đối mọi yêu cầu, sở thích, của người chủ bỏ tiền? Chỉ có xác định rõ mục đích của chuẩn đầu ra mới có thể đổi mới phương pháp đào tạo, chương trình và quy mô đào tạo hợp lý. Nhiều nước tiên tiến theo đuổi chuẩn đầu ra với chất lượng cao. Chuyên ngành design được chọn tuyển rất khắt khe. Với số lượng học viên ít, được đào tạo đến nơi đến chốn về ý tưởng sáng tạo và kỹ năng thể hiện, thương hiệu các trường chính là các nhà thiết kế hành nghề có uy tín cao.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, “vai trò của họa sĩ trong thiết kế đồ họa ở nước ta không lớn, họ chỉ là công nhân thực hành trên máy tính, còn mẫu mã thế nào do quản lý công ty quyết định, mối tương quan giữa các sáng tạo độc bản và mẫu mã của những designer chưa hề được chú trọng đến”, vì thế “hoạt động của nghệ thuật design” và “vai trò của design không lớn, không có giá trị gì, không chủ động được thiết kế của mình”, trong khi “các công ty hoàn toàn chú trọng đến kinh doanh tầm ngắn hạn, còn những sáng tạo đòi hỏi phải cần thời gian chấp nhận” (2). Còn họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân khẳng định cần “gia cố nền trí thức xã hội, nhân văn, văn hóa dân tộc rộng hơn và cụ thể hơn cho sinh viên (học ngành design) bằng các chuyên đề và chứng chỉ phụ trợ”. Tác giả cảnh báo nếu họ “…thiếu tri thức nền thì không có tầm văn hóa của một trí thức” và sẽ “chỉ là anh thợ cả là cùng” (3).
Một số giải pháp thay đổi
Thứ nhất, nhiều đơn vị đào tạo đã và đang mong muốn cách tân theo đuổi giải pháp gia tăng chất lượng đào tạo bằng việc mời giảng viên nước ngoài và áp dụng chương trình tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, nhà trường còn hấp dẫn học viên bằng chương trình đào tạo chất lượng cao thông qua những khóa tham quan, kiến tập tại nước ngoài. Điều này rất nên làm bởi giúp cho sinh viên cơ hội được giao lưu, học hỏi, được hiểu biết chính mình hơn từ tư duy, nhận thức đến kỹ năng thực hành. Nhờ sự tiếp cận, cọ xát với bên ngoài, các designer tương lai mới thật sự xác định giá trị thực chất của mình để tiếp thu, gạn lọc những thành tựu mới cập nhật trên thế giới.
Thứ hai, nhiều đơn vị đào tạo đã và đang muốn đưa chương trình giảng dạy, giáo trình, sách, vở… từ nước ngoài áp dụng vào Việt Nam, nhằm từng bước nâng cấp cơ sở đào tạo của mình lọt vào top các trường đào tạo có thứ hạng trên thế giới. Giải pháp này đã và đang được các Arena, ADC, ADS… áp dụng cho các khóa đào tạo ngắn hạn. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân ủng hộ cách này. Theo ông, “xu thế hội nhập đang tạo điều kiện tốt cho liên kết đào tạo, ngành design không nên bỏ lỡ chuyến tàu này” bởi “không nên tự ái mà tiếp tục tự biên, tự diễn các chương trình sách và giáo trình một cách chắp vá, lõm bõm, sơ sài như hiện nay” vì “không những bất cập mà còn nguy hại, trực tiếp hạ thấp chất lượng đào tạo” (4). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ý kiến phản biệnhướng đi này khi cho rằng, điều kiện, trình độ của người học ở Việt Nam rất khác với nước ngoài, không thể bê nguyên hay áp dụng một các máy móc các chương trình đào tạo của họ vào hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam. Với các trường đại học của ta, do cấu tạo chương trình 4 năm bị đóng khung với nhiều các môn bắt buộc vốn ít gắn với chuyên môn, nên nếu áp dụng cải tiến theo chương trình mới sẽ gặp trở ngại trong phân bố khối lượng nội dung và thời gian. Ngoài ra, mức học phí cao (do chi phí cao hơn để mời giáo viên nước ngoài) sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình học viên không có điều kiện. Mặt khác, về nội lực, do khả năng ngoại ngữ còn yếu, nhiều học viên bị trở ngại khi tiếp thu kiến thức. Nếu học qua phiên dịch sẽ tốn kém hơn và khả năng tiếp thu bài sẽ bị phụ thuộc. Do vậy, cần có lộ trình để tiến hành thử nghiệm ở cả đầu vào tuyển sinh (từ nguồn tuyển, đối tượng đủ điều kiện kinh tế để tham gia) đến thực chất hiệu quả trong suốt quá trình giảng dạy và học tập. Cho đến khi sinh viên tốt nghiệp có vị trí làm việc tốt, thu nhập cao mới có thể khẳng định sự thành công bền vững.
Thứ ba là, cần xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa đơn vị đào tạo với đối tác sản xuất – tiêu dùng – truyền thông để cho sinh viên có nơi thực tập, cọ xát thực tế và sau khi tốt nghiệp, có nhiều cơ hội được tuyển dụng.
Design các sản phẩm hình ảnh độngphù hợp xu thế thời đại
Ngày nay, internet trở thành phương tiện truyền thông phổ cập, kết nối mọi thông tin, tín hiệu, phương tiện biểu đạt toàn cầu không còn biên giới quốc gia. Tác giả Nguyễn Đức Sơn đã chứng minh khi “không gian truyền thống được mở rộng; không chỉ ba chiều mà được khai thác tối đa với chiều thứ tư – chiều thời gian – thông qua hoạt hình (animation) và thậm chí cả chiều thứ năm – chiều tương tác (interactive)” (5) khi “hai chiều kích này được hình thành bởi các phần mềm ứng dụng và website tương tác” (6).
Như vậy, mỹ thuật ứng dụng hình ảnh tĩnh, hơn bao giờ hết, đã và đang cần cánh tay nối dài tương tác với truyền thông đa phương tiện và trở thành một nhu cầu mang xu thế thời đại, mở ra nhiều hứa hẹn đầy triển vọng cho giai đoạn phát triển mới của nghệ thuật design hình ảnh động. Có thể thấy, thông điệp cần truyền tải ngày càng trở nên tinh tế, sinh động với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống ngôn ngữ được biểu đạt như văn bản, hình ảnh động, âm thanh, âm nhạc… được cộng hưởng, giao thoa, hòa quyện tương tác với nhau trong một sản phẩm hoàn chỉnh. Không còn là viển vông, trong tương lai gần “designer sẽ tiến tới sử dụng ngôn ngữ tạo hình khác là ánh sáng trong không gian” và “ý tưởng, kiến thức của designer sẽ ngày càng quan trọng chứ không phải là phương thức diễn họa ý tưởng, trên giấy, trên màn hình, hay trong không khí. Khoa học công nghệ luôn tiến tới giải quyết các vấn đề mang tính kỹ thuật, làm thay đổi theo hướng hoàn thiện và hiệu quả quy trình design” (7).
Nước ta đang có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực năng động có thể làm chủ và sáng tạo đa loại hình sản phẩm, đa kênh chuyển tải và đa điều kiện tiếp nhận. Khi các sản phẩm phục vụ đời sống càng trở nên đa dạng với nhiều tính năng hơn thì các doanh nghiệp càng cần hơn bao giờ hết việc khẳng định thương hiệu trước người tiêu dùng và xã hội. Do đó, nghệ thuật design lúc này chính là hệ thống nhận dạng thương hiệu thông qua các phim quảng cáo, video clip, hoạt hình, phóng sự, truyền hình, báo điện tử, biên tập xuất bản sách, báo, tạp chí… làm phong phú, bắt mắt hình thức và nội dung website bằng cách ứng dụng các hiệu ứng đồ họa hiện đại.
Các designer thế hệ mới sẽ không chỉ đóng khung công việc trong phạm vi xử lý các hình ảnh tĩnh (thiết kế đồ họa, trang trí nội ngoại thất, kỹ thuật chế bản điện tử, theo dõi chất lượng các sản phẩm in ấn…) mà còn thể hiện tốt hình ảnh động các sản phẩm mỹ thuật tương tác. Họ đồng thời am hiểu kỹ thuật lập trình đồ họa 2D, 3D trên máy tính, đảm đương tốt các giải pháp thiết kế website, kỹ năng viết kịch bản phim, biên tập báo chí, hình ảnh, âm thanh, video clip các thể loại (ca nhạc, quảng cáo, phóng sự, tài liệu, tiểu phẩm truyền hình, phim ngắn, sân khấu…), xử lý các hiệu ứng kỹ xảo truyền hình, tổ chức sự kiện… Đó chính là thách thức mới, cơ hội mớivà cũng là nhiệm vụ mới trong mục tiêu đổi mới đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam.
______________
1, 7. Nguyễn Nghiêm, Trao đổi mở về truyền thông đa phương tiện, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM, 2015.
2. Phan Cẩm Thượng, Design và những nguồn ảnh hưởng, trong Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt, Đại học Dân lập Văn Lang, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM, 2015, tr.95 – 105.
3, 4. Nguyễn Quân, Design là… “tất cả”!, trong Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt, Đại học dân lập Văn Lang, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM, 2015, tr.57 – 65.
5. Nguyễn Đức Sơn, Mỹ thuật đa phương tiện ở Việt Nam trong kỷ nguyên kỹ thuật số (Nghiên cứu lĩnh vực ngôn ngữ tạo hình), luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật TP. HCM, 2009.
6. Nguyễn Đức Sơn, Yếu tố đa văn hóa trong thiết kế tương tác ở Việt Nam hiện nay, trong Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt, Đại học Dân lập Văn Lang, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM, 2015, tr.80 – 87.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017
Tác giả : ĐỖ LỆNH HÙNG TÚ
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày